Hệ thống trách nhiệm xã hội SA 8000:2008

Hành vi về trách nhiệm xã hội của một số tổ chức bị thế giới lên án thông qua các phát hiện như sau:

  • Ngày 04/12/2009, Cảnh sát Mexico giải cứu thành công 107 người địa phương bị giam cầm trong một khu xưởng đội lốt trung tâm cai nghiện ở thị trấn Iztapalapa miền đông Mexico City và phải làm việc như nô lệ. Phần lớn lao động tại “Bệnh viện St. Thomas” này đến từ các vùng quê hẻo lánh và không nói được tiếng Tây Ban Nha, bị lừa gạt đưa về với danh nghĩa điều trị, cai nghiện rượu, thậm chí bắt cóc ngay trên phố. Họ bị buộc phải sản xuất đồ gia dụng như găng tay, giá phơi quần áo… mà không nhận được bất cứ đồng thù lao nào. Theo công tố viên trưởng Mexico City, Miguel Mansehra, các nạn nhân có độ tuổi từ 14-70 phải sống và lao động trong điều kiện vô cùng thấp kém, nhà cửa chật chội, bẩn thỉu, một số còn thường xuyên bị đánh đập tàn nhẫn hay ngược đãi. Hàng ngày, những người này phải làm việc từ 8h đến 24h, chỉ được nghỉ 1 tiếng cho 2 bữa ăn trưa và tối. Thức ăn họ được cung cấp là chân gà và rau nát, còn tồi tệ hơn thức ăn cho động vật. Nếu có bất cứ sự phản kháng nào, họ sẽ bị đánh đập dã man, hầu như tất cả đều đầy vết thương trên cơ thể, có người còn bị đánh đến mức gãy xương. Sau khi được giải cứu, nhiều người đã được đưa thẳng đến bệnh viện địa phương. Vụ việc khiến nhiều người cảm thấy kinh hoàng. Chuyên gia phân tích chính trị Salazar cho biết, theo một kết quả nghiên cứu mới đây, hàng năm có đến hơn 10.000 người Mexico bị các băng nhóm buôn người bắt cóc và bán làm nô lệ. Phần lớn nạn nhân đều đến từ các vùng hẻo lánh, cũng có những người bị bắt khi tìm cách vượt biên sang Mỹ. Người phụ trách khu vực Mexico của Trung tâm Quốc tế học Woodrow Wilson của Mỹ, Andrew Sely cũng chỉ ra rằng nạn bắt cóc là một trong những thách thức lớn mà Mexico cần giải quyết. (Nguồn: http://tintuc.timnhanh.com).
  • Nhà chức trách Brazil đã giải cứu 1.100 lao động bị buộc làm việc như nô lệ ở một đồn điền mía tại vùng Amazon. Theo các quan chức chống nô lệ lao động của chính phủ, các lao động này phải làm việc hơn 14 giờ mỗi ngày và phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ: họ sống chen chúc với nhau và không có hệ thống vệ sinh thích hợp. Đồn điền này nằm cách cửa sông Amazon 250 km, gần thị trấn Ulianopolis. Tuy nhiên, công ty sản xuất ethanol sở hữu đồn điền nói trên đã bác bỏ các cáo buộc họ ngược đãi các công nhân. Các công đoàn và tổ chức nhân quyền tin rằng có khoảng 25.000-40.000 người đang làm việc trong điều kiện như nô lệ tại Brazil. Theo họ, nhiều nông dân ở vùng Amazon bị ngập trong nợ nần và buộc phải làm việc gần như không lương để trả tiền cho những người mà họ mắc nợ.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), những người bị cưỡng ép lao động – phải làm những công việc hay dịch vụ dưới sự đe dọa của hình phạt và người đó không tình nguyện làm (trừ các trường hợp ngoại lệ như quân đội, tù nhân, trường hợp khẩn cấp…). Vụ việc ở Mexico khiến người ta nhớ đến những vụ giải cứu nô lệ gây phẫn nộ trong dư luận thế giới ở Trung Quốc, Bangladesh, thậm chí ở Nga, Đức, Mỹ…, trong đó nạn nhân không chỉ là đàn ông bị ép buộc lao động không công mà còn phụ nữ và các bé gái bị buộc làm nô lệ tình dục. Ông James Dulagh, một thành viên Tổ chức chống nô lệ quốc tế cho biết, hiện toàn thế giới vẫn có khoảng 13 triệu người bị cưỡng bức lao động trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp chế tạo với những điều kiện ngặt nghèo. Họ phần lớn là người nghèo, thổ dân, không có chỗ dựa về vật chất. Giống như 107 “nô lệ” ở Mexico, họ thường xuyên trở thành mục tiêu bị xâm hại. Một bản báo cáo do ILO công bố năm 2009 cho thấy, Mỹ Latin và châu Á là 2 khu vực có số lượng người bị cưỡng bức lao động lớn nhất thế giới. Hiện các nước tồn tại tình trạng này với mức độ nghiêm trọng phải kể đến Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Jordan, Argentine, Mỹ. Với lợi nhuận khổng lồ chỉ xếp sau buôn bán ma túy và vũ khí, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia vẫn đang hoạt động điên cuồng và không ngừng mở rộng phạm vi, khiến người dân trên thế giới, chủ yếu là người nghèo đứng trước những nguy cơ trở thành nô lệ bất cứ lúc nào.

1. Triển khai và thực hiện hệ thống trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA 8000: 2008

Thuật ngữ “Trách nhiệm xã hội” trong tiêu chuẩn SA 8000 đề cập đến điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, an toàn sức khoẻ, tự do hội họp và thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật, thời gian làm việc, thù lao và hệ thống quản lý.

Khách hàng sẽ quan tâm đến vấn đề “nhân quyền”; họ chỉ mua, thụ hưởng  những sản phẩm được làm ra bởi “lao động sạch”, lao động không bị cưỡng bức, bóc lột, được người sử dụng lao động đối xử tốt. Đây là một yêu cầu trở thành rào cản của các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Trong tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, hệ thống trách nhiệm xã hội sẽ mang lại cho công ty những lợi thế trong thu hút lực lượng lao động, người lao động sẽ cảm thấy yên tâm khi làm việc, gắn bó nhiều hơn, đóng góp, và cống hiến nhiều hơn. Tiêu chuẩn này ra đời cũng phù hợp với xu hướng “phát triển bền vững”, các doanh nghiệp hoạt động không chỉ với mục tiêu lợi nhuận mà còn những mục tiêu khác về môi trường, con người, xã hội. Toàn cầu hóa về thương mại quốc tế, nhiều tập đoàn mở rộng sản xuất sang các nước khác (nhất là các nước thế giới thứ ba vì giá lao động rẻ) qua các hình thức đầu tư nước ngoài, hợp tác thương mại, chuyển giao phát minh hoặc hợp tác với nhà thầu phụ tạo nên một chuỗi nhà cung ứng. Trên cơ sở đó, trách nhiệm xã hội tác động trên hoạt động của họ. Từ đó phát sinh một hoạt động mới là Nguyên tắc tình nguyện áp dụng chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh toàn cầu được khởi xướng bởi Sullivan, General Motors năm 1970.

Trước đó vào năm 1955, nguyên tắc Mc Birde đã được ứng dụng rộng rãi trong các công ty Mỹ ở Bắc Ireland hay “Luật cư xử đạo đức” (Ethical Codes Of Conduct) được các doanh nghiệp tình nguyện áp dụng khi tình trạng lạm dụng lao động đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan … (những năm 1980), Philipine, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, … (những năm 1985) và gần đây là Bangladesh, Parkistan, Srilanka, Laos, Nepal.

Những nguyên tắc hay luật này đều liên quan đến trách nhiệm về môi trường làm việc. Khái niệm cộng đồng, quyền con người bắt nguồn từ các Công ước quốc tế về lao động. Năm 1997, tiêu chuẩn SA 8000 được trình bày bởi một chuyên gia trong Ủy ban tư vấn của hội nghị CEPAA (Council on Economic Priorities Accreditation Agency) tổ chức. Hội nghị này có đại diện của các tổ chức liên quan như các hiệp hội, các tổ chức phi lợi nhuận, các cơ quan lập pháp, các doanh nhân, các công ty sản xuất, các tổ chức tư vấn, đánh giá và chứng nhận. SA 8000 đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về quyền lợi người lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động.

SA 8000 là tiêu chuẩn đưa các yêu cầu về trách nhiệm xã hội do Hội đồng Công nhận quyền ưu tiên kinh tế (nay là Tổ chức trách nhiệm quốc tế SAI) được ban hành lần đầu vào năm 1997. Cuối tháng 12 năm 2001, tiêu chuẩn SA 8000 phiên bản 2001 đã ra đời. Ngày 01 tháng 05 năm 2008, tiêu chuẩn SA 8000:2008 đã được ban hành thay thế cho tiêu chuẩn SA

8000:2001. Đây là một tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng nhằm cải thiện điều kiện làm việc trên toàn cầu. Tài liệu tham khảo khi áp dụng SA 8000:2008 gồm:

  • ILO Conventions 29 and 105 (Forced & Bonded Labour – Lao động cưỡng bức và bắt buộc)
  • ILO Conventions 87 (Freedom of Association – Tự do thành lập hiệp hội)
  • ILO Conventions 98 (Right to Collective Bargaining – Quyền thương lượng tập thể)
  • ILO Conventions 100 and 101 (Equal remuneration for male and female workers for work of equal value – Discrimination – Trả lương như nhau đối với nam và nữ lao động khi giá trị công việc như nhau –Phân biệt đối xử)
  • ILO Conventions 135 (Worker’s Representatives Convention – Thỏa ước người đại diện những người lao động).
  • ILO Conventions 138 and Recommendation 146 (Minimum Age and Recommendation – Tuổi tối thiểu và khuyến cáo).
  • ILO Conventions 155 và Recommendation 164 (Occupational Safety & Health -An toàn nghề nghiệp và sức khoẻ)
  • ILO Conventions 159 (Vocational Rehabilitation & Employment /Disabled Persons – Xếp bậc nghề nghiệp và sử dụng lao động/người mất khả năng lao động).
  • ILO Conventions 177 (Home Work – Công việc trong nhà).
  • Hiến pháp Việt nam
  • Bộ luật lao động của nước CHXHCN Việt Nam.
  • Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Thông tư hướng dẫn thi hành Điều lệ.
  • Luật doanh nghiệp Việt Nam.
  • Luật giáo dục Việt Nam.
  • ISO 9000:2005
  • ISO 9001:2008
  • ISO 19011:2002

2. Lợi ích của SA 8000:2008

Áp dụng SA 8000 mang lại nhiều lợi ích và được phân loại như sau:

2.1. Lợi ích đứng trên quan điểm của khách hàng:

  • Tổ chức thông qua các thủ tục đảm bảo tên và nhãn sản phẩm đáp ứng mong đợi của khách hàng.
  • Áp dụng tiêu chuẩn tạo ra sự tin tưởng về sản phẩm được hình thành trong một môi trường làm việc an toàn và công bằng.

2.2. Lợi ích đứng trên quan điểm của người cung ứng:

  • Giúp tổ chức cũng như các nhà quản lý: “Sự yên tâm về mặt trách nhiệm xã hội”.
  • Áp dụng SA 8000 giúp giảm chi phí quản lý về các yêu cầu xã hội khác nhau.
  • Tiêu chuẩn SA 8000 tạo cho tổ chức chỗ đứng tốt hơn trong thị trường lao động. Đây là yếu tố được xem là: “Chìa khóa cho sự thành công” trong thời đại mới.
  • Cam kết của công ty về phúc lợi cho người lao động làm tăng lòng trung thành và cam kết của họ đối với tổ chức.

3. Các yếu tố của hệ thống quản lý xã hội (SMS- Social Management System) theo tiêu chuẩn SA 8000:2008

Cũng tương tự như các hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý môi trường (QMS và EMS); hệ thống quản lý xã hội (SMS) theo tiêu chuẩn SA 8000 được thực hiện dựa trên chu trình Plan-Do-Check-Action. Các yếu tố của   SMS theo tiêu chuẩn SA 8000 bao gồm:

  • Chính sách xã hội
  • Đại diện lãnh đạo
  • Lập kế hoạch
  • Thực hiện
  • Kiểm tra và hành động khắc phục
  • Xem xét của lãnh đạo
  • Thông tin liên lạc
  • Hồ sơ

4. Các yêu cầu của tiêu chuẩn SA 8000:2008

SA 8000:2008 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc làm việc theo các công ước của ILO và Tuyên bố toàn cầu của Liên hợp quốc về quyền con người và Công ước về quyền của trẻ em. Các yêu cầu của tiêu chuẩn bao gồm:

  • Lao động trẻ em: Không có công nhân làm việc dưới 15 tuổi. Tuổi tối thiểu cho các nước đang thực hiện công ước 138 của ILO là 14 tuổi, ngoại trừ các nước đang phát triển; cần có hành động khắc phục khi phát hiện lao động trẻ em.
  • Lao động cưỡng bức: Không có lao động cưỡng bức, bao gồm các hình thức lao động trả nợ hoặc lao động nhà tù, không được phép yêu cầu đặt cọc giấy tờ tùy thân hoặc bằng tiền khi được tuyển dụng vào.
  • Sức khoẻ và an toàn: Đảm bảo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, có các biện pháp ngăn ngừa tai nạn, tổn hại đến an toàn, sức khoẻ, có đầy đủ nhà tắm và nước uống hợp vệ sinh.
  • Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể: Phản ánh quyền thành lập, gia nhập công đoàn và thương lượng tập thể theo sự lựa chọn của người lao động.
  • Phân biệt đối xử: Không được phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, đẳng cấp, tôn giáo, nguồn gốc, giới tính, tật nguyền, thành viên công đoàn hoặc quan điểm chính trị.
  • Kỷ luật: Không có hình phạt về thể xác, tinh thần và sỉ nhục bằng lời nói.
  • Giờ làm việc: Tuân thủ theo luật áp dụng và các tiêu chuẩn công nghiệp về số giờ làm việc trong bất kỳ trường hợp nào. Thời gian làm việc bình thường không vượt quá 48 giờ/tuần. Cứ bảy ngày làm việc phải sắp xếp ít nhất một ngày nghỉ cho nhân viên. Đảm bảo giờ làm thêm (hơn 48 giờ/tuần) không được vượt quá 12 giờ/người/tuần, trừ những trường hợp ngoại lệ và những hoàn cảnh kinh doanh đặc biệt trong thời gian ngắn và công việc làm thêm giờ luôn nhận được mức thù lao đúng mức.
  • Thù lao: Tiền lương trả cho thời gian làm việc một tuần phải đáp ứng với luật pháp và tiêu chuẩn ngành cũng như đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động và gia đình họ. Không được áp dụng hình thức xử phạt bằng cách trừ lương.
  • Hệ thống quản lý: Các tổ chức muốn đạt và duy trì chứng nhận cần xây dựng, kết hợp tiêu chuẩn này với các hệ thống quản lý khác hiện có.

5. Tình hình áp dụng SA 8000

Trên thế giới có 285 công ty và tổ chức trên 36 quốc gia và đại diện cho 36 ngành công nghiệp đã được chứng chỉ SA 8000, trong đó Việt nam có 23 tổ chức đạt được chứng nhận chủ yếu là các công ty thuộc các ngành công nghiệp: giày dép, dệt may, mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc lá, dược phẩm,…