Áp dụng tiêu chuẩn

1. Khái niệm

Trước đây, người ta có quan điểm tương đối khắt khe về hoạt động áp dụng tiêu chuẩn: “Áp dụng tiêu chuẩn là tiến hành các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, pháp lý để thực hiện các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn”. Một tiêu chuẩn “được áp dụng” khi nào trên thị trường không còn tồn tại những sản phẩm khác với tiêu chuẩn. Trong nền kinh tế thị trường, khái niệm áp dụng tiêu chuẩn được hiểu tương đối rộng rãi linh hoạt hơn: Áp dụng tiêu chuẩn là sử dụng tiêu chuẩn trong công việc hàng ngày như giảng dạy, học tập, sản xuất – kinh doanh, quản lý hành chính,…”. Có hai cách áp dụng tiêu chuẩn:

  • Áp dụng trực tiếp là sử dụng trong công việc hàng ngày thông qua một tiêu chuẩn hay một tài liệu khác. Hầu hết các tiêu chuẩn công ty là áp dụng trực tiếp, một số các tiêu chuẩn quốc gia cũng được áp dụng trực tiếp như đơn vị đo lường, ký hiệu toán,…
  • Áp dụng gián tiếp là sử dụng thông qua một tiêu chuẩn hay một tài liệu khác như tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia hay tiêu chuẩn công ty, tiêu chuẩn quốc gia được “tham chiếu” trong các văn bản pháp luật như luật môi trường, luật lao động,…

Vì phần lớn các tiêu chuẩn thuộc loại tự nguyện. Cho nên, một tiêu chuẩn dù có nội dung tốt được mọi người tán thành cũng không thể được áp dụng đầy đủ 100%. Thực tế không bao giờ có toàn bộ hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn.

2. Phạm vi áp dụng tiêu chuẩn

  • Sử dụng tiêu chuẩn trong học tập, giảng dạy, trao đổi thông tin: Các tiêu chuẩn định nghĩa các khái niệm, thuật ngữ, các ký hiệu viết tắt hoặc hình vẽ,… được sử dụng trực tiếp trong các tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu, tiêu chuẩn khác vì nó mang lại sự thông hiểu chung.
  • Sử dụng tiêu chuẩn trong quản lý hành chính, kinh tế, xã hội: Để thuận tiện, đơn giản và dễ dàng “cập nhật”, thường sử dụng phương pháp “tham chiếu” tiêu chuẩn. Các luật và văn bản dưới luật thường “tham chiếu” đến các tiêu chuẩn như luật môi trường, luật vệ sinh sức khoẻ, luật lao động,…
  • Sử dụng tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, thương mại: Các tiêu chuẩn thường được sử dụng trong thiết kế, thử nghiệm, đánh giá kết quả, trong hợp đồng mua bán nguyên vật liệu, sản phẩm, máy móc thiết bị. Để mô tả nguyên vật liệu, đặc tính của sản phẩm, máy móc thiết bị người ta chỉ cần trích dẫn tên và số liệu của tiêu chuẩn thay cho hàng chục trang mô tả hình vẽ.

3. Lợi ích mang lại do sử dụng tiêu chuẩn

3.1. Thuận tiện, đơn giản khi xây dựng các văn bản pháp luật:

Các tiêu chuẩn đã được soạn thảo cần thể hiện tính tiên tiến và khả thi. Các văn bản pháp luật dựa trên tiêu chuẩn sẽ có tính “thực tế” đồng thời lại ổn định, đơn giản, dễ dàng “cập nhật” khi cần thiết (chỉ cần soát xét lại tiêu chuẩn, không cần thay đổi văn bản pháp luật).

3.2 Tăng năng suất, giảm giá thành khi thiết kế, sản xuất:

Sử dụng nguyên vật liệu, chi tiết, cụm chi tiết theo tiêu chuẩn làm cho:

  • Giảm khối lượng thiết kế.
  • Giảm chủng loại nguyên vật liệu, có sẵn trên thị trường.
  • Giá thành hạ, giảm chi phí dự trữ.
  • Tăng năng suất.
  • Giảm chi phí bảo hành, sửa chữa sản phẩm.

3.3 Thuận tiện, tiết kiệm, an toàn cho người tiêu dùng:

Các sản phẩm tiêu chuẩn đã được tính toán, cân nhắc để đổi lẫn, tương thích với nhau. Thông thường, chúng được sản xuất hàng loạt trên thị trường.

3.4. Lý do tiêu chuẩn không được sử dụng

  • Không biết có tiêu chuẩn.
  • Không tán thành nội dung của tiêu chuẩn.
  • Cho rằng sử dụng tiêu chuẩn là không có lợi.
  • Không có khả năng áp dụng tiêu chuẩn.
  • Ngại thay đổi thói quen cũ.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến áp dụng tiêu chuẩn

5.1 Xây dựng tiêu chuẩn

  • Chọn đề mục xây dựng tiêu chuẩn: Đề mục xây dựng tiêu chuẩn phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. Yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn xuất phát từ phía các nhà sản xuất, người tiêu dùng hay các cơ quan của Chính phủ. Nếu đề mục xây dựng tiêu chuẩn chỉ xuất phát từ ý muốn của một vài cá nhân, tiêu chuẩn sẽ không được áp dụng sau khi ban hành. Khi thiết lập đề án xây dựng cần chỉ rõ tiêu chuẩn đó được áp dụng với văn bản pháp quy nào để chứng nhận phù hợp hay tự nguyện áp dụng trong các hợp đồng mua bán.
  • Tính khả thi của tiêu chuẩn: Các quy định trong tiêu chuẩn phải thực tế, có tính khả thi. Ví dụ như phù hợp với điều kiện công nghệ, nguyên vật liệu, yêu cầu của khách hàng. Nếu tiêu chuẩn không phản ánh nguyện vọng của khách hàng, nó sẽ không được các nhà sản xuất áp dụng.
  • Xây dựng tiêu chuẩn theo nguyên tắc thỏa thuận: Xây dựng tiêu chuẩn phụ thuộc vào các bên có liên quan: nhà sản xuất, người tiêu thụ,… Tiêu chuẩn cần phản ánh quan điểm của họ. Vì vậy cần phải xây dựng tiêu chuẩn theo phương pháp Ban kỹ thuật. Tiêu chuẩn cần được gửi đi lấy ý kiến rộng rãi, kể cả những người không phải là thành viên Ban kỹ thuật.

5.2 Phổ biến tiêu chuẩn:

Tiêu chuẩn chỉ được áp dụng khi mọi người biết đến sự tồn tại của nó. Cần sử dụng mọi hình thức để công bố rộng rãi danh mục các tiêu chuẩn hiện hành. Hoạt động này được thực hiện ngay khi mới thành lập Ban kỹ thuật, chọn đề mục xây dựng tiêu chuẩn đến khi tiêu chuẩn được ban hành.

5.3 Sự hỗ trợ của Chính phủ:

Sự giúp đỡ của Chính phủ tạo thuận lợi để áp dụng tiêu chuẩn. Có khá nhiều tiêu chuẩn là phụ lục của các luật: luật vệ sinh sức khoẻ, luật lao động, luật bảo vệ môi trường, luật chất lượng hàng hóa,… Các cơ quan của Chính phủ lập ra các bộ phận giám sát thi hành các luật này. Sự phối hợp giữa các cơ quan giám sát thi hành luật với cơ quan tiêu chuẩn làm cho tiêu chuẩn được áp dụng tốt hơn. Trong một số trường hợp, các cơ quan của Chính phủ là những hộ tiêu thụ một lượng hàng hóa lớn (trang bị cho bộ đội, trường học hay nhà trẻ, dùng trong các công trình trọng điểm, nhà máy điện, đường dây truyền tải điện,…). Nếu các cơ quan này sử dụng tiêu chuẩn quốc gia trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sẽ tạo ra một áp lực lớn đối với hoạt động áp dụng tiêu chuẩn. Để hỗ trợ các xí nghiệp vừa và nhỏ áp dụng tiêu chuẩn, Chính phủ cho vay vốn hay áp dụng xuất thuế ưu đãi nhằm khuyến khích họ đổi mới công nghệ.

6. Vai trò của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia trong áp dụng tiêu chuẩn

Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia là cơ quan chuyên trách về tiêu chuẩn hóa ở trong nước. Tiêu chuẩn được áp dụng phụ thuộc vào chính cơ quan này. Một số hoạt động nên làm là:

6.1. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến tiêu chuẩn đến người sử dụng:

Công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giới thiệu rộng rãi cho xã hội biết đến các tiêu chuẩn hiện hành. Đây là giải pháp mang tính phòng ngừa với những hoạt động không phù hợp gây ra. Hiện nay, thông tin về tiêu chuẩn gặp rất nhiều khó khăn khi các cá nhân lẫn tổ chức muốn tham khảo. Trong khi Chính phủ đầu tư toàn bộ kinh phí cho hoạt động tiêu chuẩn hóa hàng năm nhưng kết quả thụ hưởng là rất hạn hẹp. Thậm chí công dân lẫn các tổ chức muốn biết về tiêu chuẩn phải tốn kém tài chính. Từ đó, họ ngại và viện cớ không áp dụng vì không được phổ biến rộng rãi hoặc quá khó tiếp cận. Kinh nghiệm khi triển khai ISO 9001:1994 vào những năm cuối thế kỷ 20, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện chương trình tuyên truyền và hỗ trợ 20 triệu đồng cho một doanh nghiệp muốn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Kinh nghiệm này cần được các cơ quan quản lý hành chính nhà nước quan tâm áp dụng khi tuyên truyền về hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam.

6.2. Thúc đẩy áp dụng thông qua chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn:

Chứng nhận hợp chuẩn và cho phép sử dụng dấu tiêu chuẩn trên sản phẩm là cách tốt nhất thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn. Dấu hợp chuẩn giúp người tiêu dùng nhận biết sản

phẩm phù hợp tiêu chuẩn và hướng dẫn tiêu thụ sản phẩm hợp chuẩn. Để làm được việc này, hệ thống chứng nhận phải tuân thủ một số nguyên tắc:

  • Mức chất lượng sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn phải là mức tương đối cao. Nếu mức chất lượng sản phẩm thấp dẫn đến người tiêu thụ không tín nhiệm sản phẩm được chứng nhận. Sản phẩm được chứng nhận không tiêu thụ được khiến nhà sản xuất cũng không muốn xin chứng nhận.
  • Thủ tục đánh giá và thanh tra sau chứng nhận phải đảm bảo các sản phẩm mang dấu luôn luôn phù hợp tiêu chuẩn. Nếu mức chất lượng trong tiêu chuẩn tương đối cao nhưng chất lượng sản phẩm được chứng nhận không thực sự đạt được yêu cầu dẫn đến mất uy tín dấu hợp chuẩn. Điều này cũng làm mất uy tín cơ quan chứng nhận, đồng thời không tạo thuận lợi cho hoạt động áp dụng tiêu chuẩn.

6.3. Đào tạo các thầy giáo, đưa giáo trình tiêu chuẩn hóa vào các trường đại học và dạy nghề:

Cần phải tạo cho học sinh, sinh viên có thói quen sử dụng tiêu chuẩn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Muốn vậy, Việt Nam cần đào tạo các thầy giáo và biên soạn các giáo trình về tiêu chuẩn hóa để giảng dạy trong các trường đại học và dạy nghề. Là cơ quan chuyên trách về tiêu chuẩn hóa; cơ quan tiêu chuẩn quốc gia cần dành thời gian, kinh phí và nhân lực cho viết giáo trình, đào tạo các thầy giáo ở trường đại học và dạy nghề. Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia chịu trách nhiệm xây dựng và phát hành tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời có vai trò quan trọng để đưa các tiêu chuẩn vào áp dụng. Hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn trong thực tế khẳng định vai trò của cơ quan tiêu chuẩn trong xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân.