Cấp, loại, hình thức hiệu lực của tiêu chuẩn

1. Cấp tiêu chuẩn

  • Cấp quốc tế do các tổ chức tiêu chuẩn có phạm vi hoạt động toàn cầu công bố như ISO (International Organization For Standardization), IEC (International Electrotechnical Commission), ITU-T (International Telecommunication Union Telecommunication Standardization Sector), …
  • Cấp khu vực do các tổ chức tiêu chuẩn hóa khu vực công bố như EN (tiêu chuẩn Châu Âu), ENELEC (tiêu chuẩn điện Châu Âu),…
  • Cấp quốc gia do các tổ chức tiêu chuẩn quốc gia công bố như DIN (Đức), ANSI (Mỹ), BSI (Anh), TCVN (Việt Nam).
  • Cấp ngành hay hội do các tổ chức tiêu chuẩn ngành hay hội (liên kết nhiều công ty) công bố như ngành chế tạo ô tô, hội thử nghiệm vật liệu,…
  • Cấp công ty do một công ty công bố như tiêu chuẩn hãng Phillip, tiêu chuẩn công ty Siemen,…Cấp tiêu chuẩn không nói về tính “cao thấp” của “chất lượng” cũng như không phản ánh mức độ áp dụng rộng rãi.

2. Phân loại tiêu chuẩn

2.1. Phân loại tiêu chuẩn theo đối tượng

  • Tiêu chuẩn cơ bản là những tiêu chuẩn sử dụng chung cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như đơn vị đo lường, hằng số vật lý, ký hiệu toán học, các tiêu chuẩn về số ưu tiên, cách trình bày tiêu chuẩn.
  • Tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa là các tiêu chuẩn về các vật thể hữu hình như nguyên vật liệu: than, sắt, thép, các chi tiết, cụm chi tiết: bu lông, trục, động cơ, các máy móc thiết bị: ô tô, máy kéo,…
  • Tiêu chuẩn về các quá trình là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu mà một quá trình sản xuất thử nghiệm hay dịch vụ phải thỏa mãn như các phương pháp lấy mẫu, phân tích,…

2.2. Phân loại theo mục đích

  • Các tiêu chuẩn nhằm mục đích thông hiểu như thuật ngữ, định nghĩa, dấu hiệu, ký hiệu quy ước,…
  • Các tiêu chuẩn nhằm giảm bớt sự đa dạng và đổi lẫn sản phẩm như các tiêu chuẩn về kích thước, các mối lắp ghép,…
  • Các tiêu chuẩn nhằm mục đích chất lượng như quy định các chỉ tiêu chất lượng mà một sản phẩm hay nguyên vật liệu phải đạt được.
  • Các tiêu chuẩn nhằm bảo vệ an toàn vệ sinh như quy định riêng về các chỉ tiêu an toàn hay vệ sinh mà sản phẩm phải đạt. Đây là những chỉ tiêu tối thiểu mà sản phẩm phải thỏa mãn nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

2.3. Phân loại theo vai trò pháp lý của tiêu chuẩn

  • Tiêu chuẩn bắt buộc là tiêu chuẩn mà cá nhân hay tổ chức có liên quan buộc phải thực hiện.
  • Tiêu chuẩn tự nguyện là tiêu chuẩn có sẵn, cá nhân hay tổ chức thực hiện khi thấy có lợi ích.

Hầu hết các tiêu chuẩn khi công bố là tự nguyện. Các cơ quan của chính phủ, tổ chức kinh tế – xã hội,… ban hành các văn bản pháp luật trong đó có “tham chiếu” các tiêu chuẩn, khi ấy nó trở thành bắt buộc.

3. Hiệu lực của tiêu chuẩn

Xét về tính chất pháp lý, người ta chia tiêu chuẩn ra làm 2 loại: tiêu chuẩn bắt buộc (mandatory standard) và tiêu chuẩn tự nguyện (voluntory standard). Đôi khi người ta cũng gọi đó là “hình thức hiệu lực” của tiêu chuẩn hay gọi bằng tên khác là “chính thức” và “khuyến khích”. Hình thức hiệu lực của một tiêu chuẩn chỉ ra áp dụng bắt buộc hay tự nguyện.

  • Ở các nước công nghiệp phát triển hầu như toàn bộ tiêu chuẩn (100%) là tự nguyện. Ở nước ta trước đây, cũng như các nước XHCN khác, hầu hết tiêu chuẩn (trên 90%) là bắt buộc. Thực ra điều ấy cũng chỉ là “hình thức”. Nó không phản ánh thực chất của áp dụng tiêu chuẩn. Ở các nước công nghiệp, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia thường không phải là một cơ quan của Chính phủ. Vì vậy, họ thường công bố tiêu chuẩn tự nguyện. Nếu các cơ quan của Chính phủ thấy cần thiết phải quy định bắt buộc, họ đưa tiêu chuẩn đó vào nội dung của một văn bản pháp luật. Trong thực tế, một tỷ lệ khá lớn các tiêu chuẩn đã trở thành “bắt buộc” theo cách này.
  • Ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước quản lý kinh tế kế hoạch hóa, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia thường là một cơ quan Chính phủ (thậm chí tiêu chuẩn do một bộ trưởng ký ban hành) nên họ có quyền quy định tất cả tiêu chuẩn là bắt buộc. Trong thực tế, điều đó có thực hiện được không lại là một vấn đề khác.
  • Về nguyên tắc, hầu hết các tiêu chuẩn của một công ty là tiêu chuẩn bắt buộc. Tiêu chuẩn ngành (hội) quốc gia, khu vực hay quốc tế đều là tự nguyện.

4. Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế thành tiêu chuẩn quốc gia

4.1. Lý do chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế thành tiêu chuẩn quốc gia

  • Lý do kinh tế: Tiêu chuẩn quốc tế được nghiên cứu, xây dựng và áp dụng ở nhiều nước. Nó được kiểm nghiệm trong thực tế nên khi xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chúng ta cần tham khảo để tiết kiệm thời gian và kinh phí.
  • Lý do hội nhập: Để tạo điều kiện tiếp thu kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, trao đổi hàng hóa; các tổ chức kinh tế, xã hội, khoa học thường yêu cầu các quốc gia thành viên “hòa hợp” tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế.

4.2. Lý do không dịch “nguyên si” các tiêu chuẩn quốc tế

  • Bản thân tiêu chuẩn quốc tế đôi khi cũng có những sai lỗi nhỏ.
  • Cách diễn đạt khác nhau về đơn vị đo lường hay ký hiệu chữ cái, hình vẽ,… cần phải chú giải thêm.
  • Cần lựa chọn, nếu tiêu chuẩn quốc tế đưa ra nhiều phương án, giải pháp.
  • Một số quy định của tiêu chuẩn quốc tế không thể sử dụng được trong điều kiện trang thiết bị, nguyên vật liệu của quốc gia.

4.3. Nguyên tắc khi chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế thành tiêu chuẩn quốc gia

Các tổ chức quốc tế khuyến khích các quốc gia chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc sau:

  • Chỉ sửa chữa, thay đổi các điều khoản của tiêu chuẩn quốc tế khi thật cần thiết, tránh làm xáo trộn các điều khoản chỉ vì lý do hình thức trình bày.
  • Cần sử dụng một phương pháp trình bày giúp phân biệt được ngay những điều nào đã bị thay đổi hay thêm vào.
  • Nếu một tiêu chuẩn quốc gia tương đương với một tiêu chuẩn quốc tế nên chỉ rõ số hiệu của tiêu chuẩn quốc tế tương ứng.