Giải thưởng chất lượng Quốc gia

Tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8/1995 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố khởi xướng Phong trào Năng suất – Chất lượng trong Thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất (1996 – 2005) theo sáng kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Cũng tại Hội nghị này, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã thông báo Quyết định số 1352-QĐ- TĐC ngày 8/5/1995 về thiết lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng – Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Theo Quyết định này, chương trình Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được thực hiện hàng năm nhằm xem xét, đánh giá và trao các giải thưởng cho những doanh nghiệp đạt những thành tích xuất sắc và thành tựu nổi bật trong cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp đáng kể cho phong trào năng suất – chất lượng của Việt Nam. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao nhiệm vụ tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình này. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá đã được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam Khoá XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 trong đó có Điều 7 và Điều 69 qui định về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Ngày 31/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2008/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trong đó có quy định về Giải thưởng chất lượng quốc gia.

GTCLVN là tiền thân của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG)  và được tiến hành từ năm 2009. GTCLQG là hình thức tôn vinh, khen thưởng hàng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập của các tổ chức trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hóa, phong trào về năng suất, chất lượng trong tổ chức nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của đất nước.

Các doanh nghiệp tham dự GTCLQG sẽ được lựa chọn và đánh giá theo 7 tiêu chí và được xét tuyển tại 2 cấp: cấp sơ tuyển (tỉnh) và cấp quốc gia. Khi tham dự GTCLQG sẽ giúp cho doanh nghiệp học hỏi, đánh giá và cải tiến toàn bộ hoạt động của mình một cách toàn diện về công tác quản lý, về chất lượng sản phẩm…  Từ đó, doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục kịp thời các thiếu sót hoặc sai lỗi trong quá trình quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh, ngoài ra khi đạt giải doanh nghiệp dùng cúp để tôn vinh cho doanh nghiệp hay quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối tượng tham dự giải thưởng gồm các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, dịch vụ (không phân biệt biệt thành phần kinh tế và quy mô) và không hạn chế số lượng các tổ chức tham gia. Cơ cấu giải thưởng gồm có Giải vàng Chất lượng Quốc gia, với số lượng giải gồm 03 giải cho mỗi mô hình doanh nghiệp (sản xuất lớn; sản xuất vừa và nhỏ; dịch vụ nhỏ; dịch vụ vừa và nhỏ; giáo dục và đào tạo; y tế) và Giải bạc Chất lượng Quốc gia (không hạn chế số lượng doanh nghiệp). Trong đó các doanh nghiệp đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia sẽ được đề cử tham gia các giải thưởng chất lượng khu vực và quốc tế. Từ năm 1996 đến 2010 đã có 1.303 lượt doanh nghiệp được trao tặng giải thưởng Chất lượng. Từ năm 2000, các doanh nghiệp Việt Nam đã liên tục tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương và đến nay có 24 doanh nghiệp Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng này.