Để thực hiện nguyên tắc “thỏa thuận” của tiêu chuẩn hóa, người ta xây dựng tiêu chuẩn theo “Phương pháp ban kỹ thuật”.
1. Ban kỹ thuật
1.1 Ban kỹ thuật
Ban kỹ thuật là một tổ chức gồm những người đại diện cho các bên quan tâm đến đối tượng tiêu chuẩn hay một nhóm tiêu chuẩn về một sản phẩm hay một lĩnh vực chuyên môn nhất định để soạn thảo tiêu chuẩn cho sản phẩm hay lĩnh vực chuyên môn đó. Bên dưới Ban kỹ thuật là các tiểu ban và nhóm công tác.
1.2 Thành phần ban kỹ thuật
Thành phần Ban kỹ thuật gồm các bên quan tâm đến đối tượng tiêu chuẩn. Đối với tiêu chuẩn của sản phẩm thường có các nhóm quan tâm gồm nhà sản xuất, người tiêu thụ hay tiêu dùng sản phẩm, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các cơ quan của chính phủ. Mỗi Ban kỹ thuật thường có từ 9 đến 20 thành viên. Trong ban kỹ thuật có một uỷ viên thư ký là người của cơ quan tiêu chuẩn hóa. Ban kỹ thuật của tổ chức ISO tập hợp đại diện các quốc gia quan tâm đến đề mục tiêu chuẩn, miễn là họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên ban kỹ thuật (đi họp, góp ý kiến, biểu quyết đầy đủ). Tổ chức ISO đã thành lập khoảng 220 ban kỹ thuật, trong đó có gần 200 ban đang hoạt động. Mỗi tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia có chừng vài chục đến vài trăm ban kỹ thuật và hàng trăm đến hàng ngàn cán bộ bên ngoài cơ quan tiêu chuẩn hóa tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn.
1.3 Nhiệm vụ của ban kỹ thuật
Nhiệm vụ chủ yếu của ban kỹ thuật là xây dựng tiêu chuẩn. Ngoài ra, còn một số nhiệm vụ khác.
- Soát xét (sửa đổi, thay thế) tiêu chuẩn.
- Đề nghị kế hoạch xây dựng, soát xét tiêu chuẩn.
- Góp ý cho các dự thảo tiêu chuẩn của các ban kỹ thuật khác có liên quan.
- Tham gia hoạt động của các ban kỹ thuật cấp trên hoặc cấp dưới.
2. Quá trình xây dựng tiêu chuẩn
Quá trình xây dựng một tiêu chuẩn từ khi bắt đầu đến kết thúc thường là 5 năm hoặc hơn (với tiêu chuẩn ISO), từ 3 đến 5 năm (với tiêu chuẩn quốc gia), từ 01 đến 02 năm đối với TCVN. Quá trình xây dựng tiêu chuẩn gồm những bước chủ yếu sau đây:
2.1 Đề nghị đề mục tiêu chuẩn
Mọi tập thể hay cá nhân thành viên đều có quyền đề nghị đề mục xây dựng tiêu chuẩn. Trong tổ chức ISO, mọi quốc gia thành viên đều có quyền đề nghị đề mục xây dựng tiêu chuẩn ISO. Trong công ty, mọi bộ phận (marketing, thiết kế, cung ứng, quản lý chất lượng, dịch vụ sau khi bán,…) đều có quyền đề nghị xây dựng tiêu chuẩn.
2.2 Phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn.
Vì không đủ nguồn lực để thực hiện nhiều đề nghị đề mục tiêu chuẩn nên tổ chức cần quy định thủ tục phê duyệt được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định. Những căn cứ để phê duyệt là tính cấp bách, ý nghĩa, mức độ quan tâm, khả năng thực hiện, các nguồn lực,…
2.3 Soạn thảo dự thảo đề nghị
Dự thảo đề nghị là sơ thảo đầu tiên củạ tiêu chuẩn. Dự thảo này do cá nhân hay tổ chức đề nghị đề mục tiêu chuẩn soạn thảo và trình Ban kỹ thuật. Nếu đề mục xây dựng được phê duyệt khi chưa có dự thảo đề nghị, ban kỹ thuật phải chỉ định ra một nhóm làm việc để soạn thảo thay.
2.4 Lập dự thảo ban kỹ thuật
Dự thảo đề nghị sau khi được các thành viên ban kỹ thuật xem xét, sửa chữa, nhất trí thông qua sẽ trở thành dự thảo ban kỹ thuật.
2.5 Gửi dự thảo ban kỹ thuật đi lấy ý kiến rộng rãi
Dự thảo ban kỹ thuật sẽ được gửi đi lấy ý kiến rộng rãi. Thông thường sẽ có một thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người quan tâm nhận được dự thảo ban kỹ thuật. Người ta cũng ấn định thời gian để mọi người gửi ý kiến góp ý đóng góp về ban kỹ thuật.
2.6 Lập dự thảo cuối cùng
Các ý kiến đóng góp được ban kỹ thuật xem xét, khi cần mời người đã góp ý đến trình bày và cùng thảo luận. Dự thảo tiêu chuẩn được sửa chữa sau khi xem xét tất cả các ý kiến đóng góp là dự thảo cuối cùng.
2.7 Phê duyệt và phát hành tiêu chuẩn
Dự thảo cuối cùng với hồ sơ xây dựng tiêu chuẩn (các dự thảo trước, các ý kiến đóng góp, biên bản các cuộc họp, các tài liệu tham khảo,…) được chuyển lên bộ phận có thẩm quyền để phê duyệt.
21 Th12 2020
21 Th12 2020
21 Th12 2020
21 Th12 2020
22 Th12 2020
21 Th12 2020