Thế giới với các vấn đề ô nhiễm môi trường

Một trong những nhà hoạt động xã hội đề cập đến bảo vệ môi trường là Rachel Carson, một nhà sinh vật biển. Cuốn sách “Mùa xuân yên tĩnh” năm 1962 của bà đã rất nổi tiếng khi khuyến khích mọi người trên toàn thế giới quan tâm đến sinh thái. Trong những năm 60 và đầu những năm 70, người ta nhận thấy thế giới sẽ gặp phải các vấn đề nan giải khi hệ sinh thái của hành tinh không được quan tâm đúng mức. Chất lượng không khí ở những khu vực đông dân trên toàn cầu đã bị phá hủy đến mức báo động. Rất nhiều dòng sông trên thế giới đã bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống ở biển. Do đó, nguồn nước trở nên không an toàn để con người sử dụng với các mục đích khác nhau. Thậm chí nước mưa, nguồn nước thường được xem là trong sạch nhất đã trở thành nguồn gây độc cho các loại thực vật, ô nhiễm các dòng sông và phá hủy các thiết bị ô tô do nước mưa có tính a xít. Một bức tranh toàn cảnh truyền từ vệ tinh cho thấy ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên trái đất. Ô nhiễm môi trường không phải là một vấn đề mới và xuất phát từ hoạt động của con người từ khi xuất hiện trên trái đất. Trong thế kỷ 19 và 2/3 của thế kỷ 20, các nhà máy mọc lên trên khắp các thành phố. Sử dụng điện của các khu dịch vụ, cửa hàng và căn hộ hàng ngày đã thải ra hàng loạt các chất thải vào không khí, vào các dòng sông, dòng suối và đất. Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của các nhà máy; tăng số lượng sử dụng các chất độc hại như thuốc trừ côn trùng, thuốc trừ cỏ và phân bón hóa học; ảnh hưởng của mỗi cá nhân đối với ô nhiễm môi trường đã tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái ngày càng nhiều. Dân số thế giới đã tăng từ 2,5 tỉ năm 1950 lên gần 6 tỉ vào thời điểm hiện nay. Ô nhiễm môi trường và tăng sự chịu đựng của thiên nhiên diễn ra cùng một lúc. Chúng ta chỉ nỗ lực để kiểm soát nhưng không thể giảm dân số theo ý định chủ quan được. Vào giữa những năm 80, quan tâm đến môi trường đã trở lên quan trọng. Tầng ozon bảo vệ môi trường đang giảm dần; đồng thời tầng khí quyển cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhà kính từ đó dẫn đến trái đất nóng dần lên. Những vệt cỏ dài bị hủy hoại được quan sát thấy tại vùng mưa nhiệt đới và các nhà khoa học đã cảnh báo toàn bộ hành tinh bị nguy hiểm nếu vẫn tiếp tục  phá rừng. Quan điểm của các nhà khoa học khác nhau về suy giảm tầng ozon. Họ nhấn mạnh nếu tiếp tục sử dụng chlorofluorocarbons sẽ phá hủy tầng ozon. Chlorofluorocarbons hay CFC được thấy phổ biến trong ngành công nghiệp dung môi, hệ thống điều hòa và gần đây thấy trong các thùng chứa sơn, thuốc xịt tóc và các sản phẩm khác. Suy giảm tầng ozon gây ung thư da. Tương tự như vậy, nếu chúng ta tiếp tục đốt các sản phẩm từ các nguyên liệu hóa thạch (than, các sản phẩm dầu mỏ) với mức độ như hiện nay hoặc cao hơn, mỏm băng cực sẽ tan chảy và dẫn đến ngập lụt trên toàn thế giới.

Vấn đề môi trường đang được hầu hết các quốc gia quan tâm. Luật bảo vệ môi trường của Mỹ đã được Quốc hội thông qua vào năm 1969 và cơ quan bảo vệ môi trường Hoa kỳ đã được thiết lập. Mỹ đã triệu tập hội nghị về môi trường tại Stockhom năm 1971. Hai kết quả quan trọng có được từ hội nghị này: Thứ nhất, chương trình môi trường (UNEP) của Mỹ đã được thiết lập. UNEP phụ trách thúc đẩy trách nhiệm và nhận thức môi trường trên toàn thế giới. Nhiệm vụ của UNEP là thông tin đến toàn thế giới về vấn đề môi trường. Thứ hai, hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) đã được thiết lập. Năm 1987, WCED kêu gọi các ngành công nghiệp xây dựng hệ thống quản lý môi trường hiệu quả. Cũng vào năm 1987, cuộc họp toàn thế giới được tổ chức tại Montreal để xây dựng thỏa thuận cấm sản xuất các hóa chất phá hủy tầng ozon.

Khí hậu trái đất nóng lên không ngừng. Đây là một thực tế rõ mười mươi. Hậu quả là vài chục năm nữa, hàng chục triệu người Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, các đảo quốc ở Thái Bình Dương sẽ mất hết nhà cửa vì nước biển dâng cao. Hầu hết chim chóc cũng sẽ biến mất khỏi hành tinh này. Và nền kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt 5.500 tỉ euro nếu chính phủ các nước không có những biện pháp cải thiện hiệu ứng nhà kính.

Ngày 31/10/2006, ông Sagata Hazra, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu hải dương học thuộc Đại học Jadavpur, thành phố Calcutta, Ấn Độ, báo động: “Nước biển dâng cao đã nuốt chửng hai trong số 100 hòn đảo nhỏ vùng châu thổ Sunderbans và đe dọa nhấn chìm hàng chục đảo khác với 10.000 dân cư”. Theo ông này, đây là hậu quả của hiện tượng thay đổi khí hậu (trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính), rừng ngập mặn bị tàn phá. Ông cũng cho biết thêm tiến trình lún chìm của các đảo bắt đầu từ thập niên 1940. Lúc đầu tiến trình này diễn ra chậm chạp nhưng hiện nay ngày càng nhanh.

Đảo san hô này ở New Caledonia có nguy cơ bị nước biển nuốt chửng trong vài chục năm nữa

Chuyện các hòn đảo vùng châu thổ Sunderbans – một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới – bị nước biển nuốt chửng không phải là cá biệt. Tổng thống đảo quốc Kiribati, ông Anote Tong, đã gióng lên một tiếng chuông báo động khẩn cấp tại Diễn đàn Nam Thái Bình Dương tổ chức tại Nadi đảo Fiji với đại diện của 16 nước thành viên hồi cuối tháng rồi.

Theo ông Tong, đất nước ông gồm 33 hòn đảo và 90.000 dân chỉ cao hơn mặt biển 3 m. Với tốc độ tan chảy của băng tuyết vùng Bắc cực mà các nhà môi trường nói là nhanh chưa từng thấy do hiệu ứng nhà kính khiến nước biển dâng cao; ông Tong cho rằng nước ông đang đứng trước đe dọa chìm nghỉm xuống biển. Ông kêu gọi hai nước Úc và New Zealand dang tay cứu giúp nếu thảm họa xảy ra.

Cũng trong tháng 10/2006, báo cáo của tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học của khối thịnh vượng chung (CSIRO) cho biết hiện tượng trái đất nóng lên ở khu vực Thái Bình Dương làm nước biển dâng cao 16 cm vào năm 2030 và 50 cm vào năm 2070. Nước biển dâng lên, hàng triệu người dân các nước miền duyên hải như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và các đảo ở Thái Bình Dương sẽ đứng trước nguy cơ mất hết nhà cửa. Bản báo cáo nhận định: “Nhiều khu vực rộng lớn ở châu Á- Thái Bình Dương hiện khá thấp so với mặt biển; đặc biệt là các tiểu đảo quốc và vùng châu thổ của các con sông lớn ở Ấn Độ và Bangladesh, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á”.

Nếu nước biển dâng cao từ 30 cm – 50 cm, hơn 100.000 km2  miền duyên hải, nhất là vùng châu thổ sông Châu (Trung Quốc) và châu thổ Bangladesh, sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nếu mức tăng vượt quá 50 cm, vùng chịu ảnh hưởng ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương sẽ lên đến trên nửa triệu km2, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu dân. Lúc đó, những vùng rộng lớn của Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam sẽ chìm trong nước biển. Trong khi đó, diện tích các đảo quốc như Kiribati, Fiji và Maldives sẽ thu hẹp lại rất nhiều so với hiện tại”.

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nước biển dâng cao và những cơn mưa ngày càng nhiều sẽ phát tán các bệnh truyền nhiễm khắp khu vực, khiến hàng triệu người đối mặt với nguy cơ dịch sốt xuất huyết và sốt rét. An ninh lương thực và nước sinh hoạt mất ổn định sẽ khiến các nền kinh tế trong khu vực lâm vào cảnh khốn đốn. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước Sri Lanka chẳng hạn sẽ giảm 2,4% nếu nhiệt độ thời tiết tăng lên 200C.

Nhiều đảo quốc khác như Tuvalu, quần đảo Marshall, đảo Vanuatu và Papua New Guinea cũng bị hiện tượng thay đổi khí hậu đe dọa. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng sẽ có nhiều làn sóng dân tị nạn môi trường rời bỏ nhà cửa chìm trong nước biển đến tị nạn ở các đảo Nam Thái Bình Dương vốn cũng bị nước biển dâng lên đe dọa. Đã có khoảng 3.000 dân đảo Vanuatu đi sơ tán và định cư ở New Zealand. Tổng cộng đã có 17.000 người đăng ký thường trú tại nước này trong hai năm qua.

7.000 tỷ USD là con số thiệt hại mà toàn thế giới sẽ phải gánh chịu trong 10 năm đến do trái đất ấm lên, nếu các chính phủ không nhanh chóng và kiên quyết thực hiện một cách hiệu quả những biện pháp căn bản nhằm ngăn chặn hiện tượng này.

Đây là kết luận của một công trình nghiên cứu do tiến sĩ Nicholas Stern, từng là chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Thế giới, thực hiện. Nghiên cứu này, được tiến hành theo “đơn đặt hàng” của Bộ Kinh tế Anh đã được chính thức công bố trong báo cáo 700 trang vào ngày 30/10/2006. Tuần báo “Người quan sát” ngày 29/10/2006 đã trích dẫn những nội dung chính của công trình nghiên cứu quan trọng này.

Nghiên cứu của tiến sĩ Stern được xem là đóng góp đầu tiên có sức nặng về lĩnh vực kinh tế, của một chuyên gia kinh tế về hiện tượng khoa học này. Tiến sĩ Stern còn cảnh báo rằng những biến đổi khí hậu do trái đất ấm dần lên làm suy giảm kinh tế toàn cầu. Một ngày trước khi báo cáo trên được công bố chính thức, một nhóm các tổ chức môi trường và phát triển ở Anh ngày 29/10/2006 đã lên tiếng cảnh báo rằng châu Phi sẽ phải đương đầu với những thảm hoạ nghiêm trọng xuất phát từ biến đổi khí hậu, nếu cộng đồng quốc tế không hành động nhanh chóng.

Ông Ducan Green, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc tổ chức Oxfam (trụ sở tại London) nhấn mạnh rằng thời tiết của châu Phi vốn đã thất thường, thêm vào đó là sự nghèo đói và trình độ khoa học thấp, sẽ khiến châu lục này trở nên dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Người dân châu Phi đang phải vật lộn để sinh tồn khi mà những đợt hạn hán, lũ lụt, bão tố xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

Một hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức đang diễn ra tại Nairobi, thủ đô Kenya (từ 6 đến 17/11/2006). Đây là hội nghị lần thứ 12 kể từ khi 189 nước ký Hiệp ước khung về thay đổi khí hậu (năm 2002). Khoảng 6.000 đại biểu đến từ 166 nước đã tụ họp về đây để nghe phổ biến và thảo luận bản báo cáo mới nhất của LHQ về hiện tượng thay đổi khí hậu khiến cho băng tuyết ở vùng Bắc cực tan chảy một cách bất thường làm cho nước biển dâng cao.

Hội nghị cũng đánh giá những hậu quả của thay đổi khí hậu mà nguyên nhân chính là chính phủ các nước chưa làm đầy đủ hết trách nhiệm để giảm thiểu khí thải có hại. Một trong những tiết lộ đầy ấn tượng là LHQ có trong tay bản thống kê số dân châu Phi chết vì những thảm họa do thay đổi khí hậu gây ra (lũ lụt, khô hạn, nước biển dâng cao…): hơn 136 triệu người, tính từ năm 1993 đến năm 2002.

Trong các loại thảm họa nói trên, hạn hán là thứ đáng sợ nhất. Theo tính toán của tổ chuyên viên LHQ, hiện nay có 25% diện tích trái đất bị hạn hán nhẹ và con số này sẽ tăng lên 50% vào năm 2100. Trong khi đó, 8% khu vực hiện nay bị hạn hán nặng sẽ tăng đột biến lên 40%. 3% khu vực có nguy cơ bị hạn hán rất nặng sẽ tăng lên 30%, cũng vào năm 2100. Và ai cũng biết hạn hán đồng nghĩa với thiếu thốn lương thực (do chăn nuôi, trồng trọt không được), đói khát.

Vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là phải giảm bớt khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính làm khí hậu trái đất nóng lên một cách bất thường. Nghị định thư Kyoto ra đời nhằm mục đích này.

Đến nay đã có 165 nước ký nghị định thư kêu gọi các nước công nghiệp hóa giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide và methane. Cụ thể là Nghị định thư Kyoto năm 1997 yêu cầu 35 nước công nghiệp phát triển đến năm 2012 phải gim 5% khí thải dưới mức năm 1990. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được đáp ứng với lý do nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng xấu. Mỹ và Úc, hai nước thải khí công nghiệp chủ yếu, đã từ chối ký nghị định thư này.