Đánh giá sự phù hợp

1. Khái quát

Để khẳng định một đối tượng thỏa mãn các yêu cầu cần tiến hành xem xét các khía cạnh có liên quan một cách hệ thống. Hoạt động này gọi là đánh giá sự phù hợp. Nói chính xác hơn, đánh giá sự phù hợp là sự xem xét một cách hệ thống để xác định mức độ mà một thực thể có khả năng đáp ứng các yêu cầu quy định. Thực thể đó là:

  • Sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ).
  • Một hoạt động hay một quá trình.
  • Một tổ chức, một hệ thống hay con người.
  • Tổ hợp của các đối tượng trên.

Tùy theo chủ thể tiến hành đánh giá phù hợp phân thành ba loại sau:

Đánh giá của bên thứ nhất: Theo hình thức này, tổ chức (bên thứ nhất) tự đánh giá sản phẩm (quá trình, HTQLCL,…) của mình. Kết quả tự đánh giá sẽ là bản tự công bố của tổ chức.

Đánh giá của bên thứ hai: Theo hình thức này, khách hàng (bên thứ hai) tiến hành đánh giá quá trình, HTQLCL của tổ chức. Kết quả của hoạt động này là sự thừa nhận của khách hàng.

Đánh giá của bên thứ ba: Theo hình thức này, một tổ chức trung gian (bên thứ ba) tiến hành đánh giá. Tùy theo cách thức và nội dung đánh giá, hoạt động này có các loại hình khác nhau như thử nghiệm, giám định (kiểm tra), chứng nhận, công nhận. Kết quả của các quá trình này là các chứng nhận được cấp cho tổ chức được đánh giá.

2. Yêu cầu chung đối với thủ tục đánh giá sự phù hợp

Để thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa, tiêu chuẩn cũng như thủ tục đánh giá sự phù hợp không được trở thành một loại hàng rào phi quan thuế. Trong trường hợp này, các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc tế phải giải quyết bài toán cân đối yêu cầu của các nước phát triển với các nước đang phát triển hay các nước ít quan tâm đến bảo vệ người tiêu dùng.

Theo định nghĩa của Thỏa ước về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), các thủ tục đánh giá sự phù hợp được sử dụng trực tiếp hay gián tiếp để xác định yêu cầu tương ứng trong các tiêu chuẩn hay chế định kỹ thuật (technical regulation) đã được thực hiện.

Chế định kỹ thuật là văn bản qui định những đặc tính của sản phẩm hay các quá trình và phương pháp sản xuất có liên quan. Các chế định kỹ thuật này được các tổ chức có thẩm quyền công bố, thông thường vì mục đích an toàn bảo vệ sức khỏe, môi trường, ngăn ngừa các qui tắc gây nên sự nhầm lẫn. Sự phù hợp với các chế định là yêu cầu bắt buộc trong khi sự phù hợp với tiêu chuẩn nói chung là không bắt buộc trừ trường hợp do một cơ quan có thẩm quyền qui định. Nói chung, đảm bảo sự phù hợp với các chế định kỹ thuật cần được thực hiện trước khi đưa sản phẩm đó vào thị trường. Thủ tục đánh giá sự phù hợp bao gồm phương pháp lấy mẫu, thử nghiệm, kiểm tra, đăng ký, chứng nhận, công nhận,… được sử dụng để đưa ra sự đảm bảo đối với các cơ quan có thẩm quyền và người tiêu dùng: “Các yêu cầu qui định đã được thực hiện. Kết quả đánh giá sự phù hợp làm giảm các cuộc tranh chấp xảy ra về các qui định hay chất lượng của sản phẩm”. Đánh giá phù hợp đối với các tiêu chuẩn tự nguyện đang ngày càng trở nên quan trọng do sự toàn cầu hóa và sự mở rộng thị trường thế giới. Vì nó cho phép người tiêu dùng an tâm lựa chọn mặt hàng. Khó hình dung tiến hành hoạt động thương mại mà không có các thủ tục đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên cũng cần chú ý đến những điểm sau đây, nếu không các thủ tục đánh giá sự phù hợp lại trở thành một rào cản đối với thương mại.

Thứ nhất, thiếu sự rõ ràng minh bạch về thông tin cần thiết để đáp ứng các yêu cầu đánh giá sự phù hợp. Từ đó khiến các nhà sản xuất nước ngoài ở vị trí bất lợi khi bước vào thị trường mới.

Thứ hai, sự phân biệt đối xử nhằm giảm thế cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ như đòi hỏi chi phí đánh giá cao hơn. Điều này là mối lo ngại đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu đặc biệt đối với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển vì các quốc gia này thường thiếu cơ sở hạ tầng về thử nghiệm, công nhận và chứng nhận.

Thứ ba, qui định những biện pháp, phương tiện đánh giá quá phức tạp, thời gian xử lý dài và thông tin thừa cũng là những rào cản trong thương mại.

Các cơ quan quản lý quốc gia phải xem xét các chính sách và cơ cấu tổ chức nhằm thích nghi với các áp lực mới này. Sự công khai, rõ ràng trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn là một yêu cầu quan trọng để người tiêu dùng chấp nhận các tiêu chuẩn. Sự hội nhập của các hệ thống đánh giá sự phù hợp đóng vai trò then chốt nhằm đem lại sự tin tưởng của người sử dụng. Sự bùng nổ về các loại dấu phù hợp cũng gây không ít nỗi băn khoăn cho các nhà sản xuất và làm cho chính người tiêu dùng cũng bị rối loạn. Người cung ứng phải tốn kém nhiều để thỏa mãn các yêu cầu quốc gia khác nhau. Thử nghiệm, kiểm tra và chứng nhận nhiều lần không chỉ gây tốn kém cho các nhà sản xuất mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng nhất là khi các kết quả lại trái ngược nhau. Bởi vậy, nhu cầu ” Được đánh giá một lần và được thừa nhận mọi nơi” trở nên cấp thiết. Đó cũng là nhiệm vụ của tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan đến vấn đề này. Nói tóm lại, các thủ tục đánh giá sự phù hợp phải đảm bảo không có sự phân biệt đối xử, phải rõ ràng minh bạch, hội nhập và không trở thành rào cản đối với thương mại. Đó cũng chính là những nguyên tắc chủ yếu trong “Thỏa ước của WTO về rào cản kỹ thuật đến thương mại đối với các thủ tục đánh giá sự phù hợp” được 121 quốc gia thành viên nhất trí áp dụng tại vòng đàm phán Uruguay.

3. Tự công bố của người cung ứng

Tự công bố của người cung ứng là một thủ tục theo đó người cung ứng đảm bảo dưới dạng văn bản rằng một đối tượng phù hợp với các yêu cầu qui định. Ở đây, người cung ứng là người sản xuất, phân phối, nhập khẩu, lắp đặt hay tổ chức dịch vụ,… Hoạt động tự công bố nhằm mục đích chứng tỏ rằng sản phẩm, quá trình hay hoạt động được xét là phù hợp với văn bản đã xác định và nói rõ ai là người chịu trách nhiệm về sự phù hợp này. Tự công bố áp dụng cho cả trường hợp tự nguyện hay bắt buộc. Trong trường hợp thứ nhất, tự công bố xem như một công cụ tiếp thị. Trường hợp thứ hai, liên quan đến các yêu cầu bắt buộc như sức khỏe, an toàn, môi trường, tương thích điện từ trường,… Trong hầu hết mọi trường hợp, tự công bố là do yêu cầu của khách hàng, thị trường. Tự công bố của một tổ chức có lợi ích tiết kiệm thời gian, kinh phí, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của người tiêu dùng và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn. Nhược điểm của hình thức này là thiếu sự thuyết phục; nếu không có những qui định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của người công bố rất dễ xảy ra sự lạm dụng và gây lẫn lộn cho người tiêu dùng. Bởi vậy, người ta thường kết hợp với những hệ thống đánh giá khác, hoạt động tự công bố chỉ là một giai đoạn trong hệ thống này.

4. Chứng nhận

Chứng nhận là một thủ tục mà bên thứ ba áp dụng để đảm bảo rằng một đối tượng nào đó phù hợp với các yêu cầu qui định. Bên thứ ba là một tổ chức độc lập với tổ chức và khách hàng, còn được gọi là “tổ chức chứng nhận “. Đối tượng chứng nhận là sản phẩm, hệ thống hoạt động, con người. Từ đó phân thành các dạng chứng nhận sau:

  • Chứng nhận sản phẩm.
  • Chứng nhận hệ thống quản lý.
  • Chứng nhận kỹ thuật viên chuyên ngành.

Hoạt động chứng nhận có những lợi ích cơ bản sau:

  • Đem lại lòng tin cho khách hàng.
  • Nâng cao uy tín tổ chức trên thị trường trong nước và quốc tế.
  • Chứng nhận về sự phù hợp trong nhiều trường hợp là một đòi hỏi để các tổ chức vào được các thị trường chủ yếu trên thế giới. Với một số loại sản phẩm ở những thị trường nhất định, được chứng nhận theo các tiêu chuẩn qui định là một yêu cầu bắt buộc.

4.1. Chứng nhận sản phẩm

Có hai hình thức chứng nhận: bắt buộc và tự nguyện. Chứng nhận bắt buộc được áp dụng cho những qui định về an toàn, sức khỏe, môi trường.

Yêu cầu của hoạt động chứng nhận sản phẩm làm cho người sử dụng an tâm đối với chất lượng trong suốt thời hạn chứng nhận. Để đảm bảo điều này, cơ quan chứng nhận cần

kiểm tra bản thân sản phẩm xin chứng nhận (thông qua thử sản phẩm) cũng như xem xét điều kiện đảm bảo chất lượng. Đây là yếu tố giúp cho chất lượng sản phẩm được ổn định và giám sát sau khi chứng nhận.

Trong nhiều quốc gia, hoạt động chứng nhận sản phẩm bắt buộc được thay thế bằng các hệ thống có chức năng tương tự nhưng không phải là thuộc hoạt động chứng nhận. Ví dụ, hệ thống ghi dấu “CE” trên các sản phẩm đòi hỏi phải thỏa mãn các yêu cầu về an toàn của Hội đồng Liên minh Châu âu (EU).

4.2. Chứng nhận các hệ thống quản lý

Các hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình ISO 9000 cũng là một đối tượng chứng nhận. Ngoài các HTQLCL, các hệ thống nhằm đảm bảo tính vệ sinh, an toàn trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm cũng lần lượt ra đời như hệ thống Qui tắc thực hành sản xuất tốt (GMP), Xác định các điểm kiểm soát trọng yếu bằng phân tích mối nguy (HACCP). Từ đó cũng đặt ra nhu cầu chứng nhận các hệ thống này theo một hình thức nào đó.

Chứng nhận hệ thống quản lý như một hình thức đảm bảo tổ chức cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng các yêu cầu người mua. Khách hàng cũng muốn người cung ứng có một sự đảm bảo chất lượng đã được kiểm tra xác nhận phù hợp với một tiêu chuẩn được thừa nhận rộng rãi. Các tổ chức lớn cũng có yêu cầu tương tự. Các tổ chức này tự mình tiến hành đánh giá người cung ứng. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến người cung ứng phải tốn  rất nhiều chi phí nếu như họ phải cung cấp sản phẩm cho nhiều khách hàng khác nhau. Hoạt động chứng nhận của bên thứ ba cũng sẽ đáp ứng nhu cầu của người cung ứng và khách hàng với chi phí ít nhất. Ngoài ra, đánh giá được tiến hành bởi một tổ chức chứng nhận có chuyên môn nghiệp vụ, uy tín sẽ đem lại hiệu quả đáng tin cậy và được chấp nhận ở mức độ cao hơn.

Trong những năm gần đây, vấn đề môi trường ngày càng được người tiêu dùng, các tổ chức quốc gia và quốc tế quan tâm. Một sản phẩm nếu gây ảnh hưởng đến môi trường sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu này. Cho đến nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai mạnh mẽ hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Hoạt động này được tiến hành song song với chứng nhận liên quan đến tác động trực tiếp của sản phẩm lên môi trường như đã trình bày trong phần chứng nhận sản phẩm.

4.3. Chứng nhận chuyên viên trong lĩnh vực đặc biệt

Hoạt động đánh giá sự phù hợp phụ thuộc rất nhiều về trình độ của những người tác nghiệp. Từ tình hình trên nảy sinh nhu cầu cấp chứng nhận cho những người tác nghiệp đối với các quá trình đặc biệt. Ví dụ như các chuyên gia đánh giá trong các hoạt động chứng nhận, kỹ thuật viên trong những ngành đặc biệt (hàn, thử siêu âm,..). Riêng trong lĩnh vực chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý, các tổ chức chứng nhận đăng ký như IATCA (International Auditor Training and Certification Association) hay IRCA (lnternational Register of Certificated Auditors) đã đưa những chuẩn mực cụ thể. Các tổ chức chứng nhận trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi phải thỏa mãn các yêu cầu riêng. Ví dụ như tiêu chuẩn Châu âu EN 45013.

5. Giám định

Giám định/kiểm tra là quá trình xem xét, đo lường, thử nghiệm các đặc trưng nào đó và so sánh với các chuẩn mực qui định, đồng thời tiến hành các dịch vụ khác liên quan đến sản phẩm. Các dịch vụ liên quan này bao gồm lựa chọn và đánh giá sản phẩm, cấp các chứng nhận phù hợp theo các chuẩn mực xác định mà còn bao gồm đánh giá năng lực của người sản xuất, hoạt động của HTQLCL và khuyến nghị chấp nhận HTQLCL của người cung ứng. Ngoài ra, tổ chức nên thuê các giám định viên để xác định sự phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động tự công bố. Nội dung giám định bao gồm:

  • Giám định chất lượng: Xem xét, kiểm tra chất lượng hàng hóa, thiết bị, các chỉ tiêu kỹ thuật, bảo quản, thời hạn sử dụng, mức độ mới, cũ và các vấn đề khác có liên quan.
  • Giám định số lượng: Kiểm tra số lượng, chủng loại, sự đồng bộ, mọi sự vi phạm do cố tình hay vô ý của bên bán, bên mua nhằm tránh sự kiểm soát, trốn thuế,…
  • Giám định về giá cả: xem xét, kiểm tra về giá cả, tránh tình trạng cố tình nâng hay giảm giá, giúp các tổ chức có thẩm quyền xác định đúng những biện pháp xử lý cần thiết.

Do hoạt động giám định bao trùm một phạm vi rộng lớn, đa dạng nên khó mô tả đầy đủ, chính xác các hoạt động để đem lại một phương pháp tiến hành thống nhất. Mặc dù vậy, các hoạt động này cũng có những yêu cầu chung. Tổ chức ISO đã ban hành hướng dẫn ISO/IEC Guide 39 bao gồm các yêu cầu đối với nhân viên, HTQLCL, lấy mẫu, duy trì hồ sơ, tính bảo mật và an toàn. Văn bản này được sử dụng để đánh giá và chấp nhận tổ chức giám định.

6. Thử nghiệm, hiệu chuẩn

Thử nghiệm, hiệu chuẩn là một hoạt động đánh giá sự phù hợp. Hoạt động này cung cấp các bằng chứng về sự phù hợp của sản phẩm so với các yêu cầu qui định, phục vụ cho hoạt động chứng nhận, kiểm tra/giám định. Mức độ chặt chẽ và tổng quát của các yêu cầu đối với một phòng thử nghiệm hay hiệu chuẩn (gọi chung là tổ chức thí nghiệm) tùy thuộc vào mục đích của hoạt động thí nghiệm, khối lượng phép thử được tiến hành, cũng như trách nhiệm pháp lý về tính đúng đắn của kết quả thử. Trong các xí nghiệp công nghiệp hay dịch vụ cần các phòng thí nghiệm phục vụ cho các nhu cầu nội bộ, cung cấp các bằng chứng về chất lượng sản phẩm hay dịch vụ phục vụ cho nhu cầu tự công bố hay cho các mục đích khác như chứng nhận. Yêu cầu chung đối với các phòng thí nghiệm này là cung cấp các kết quả đảm bảo tính đúng đắn, chuẩn xác phù hợp với yêu cầu phép đo. Muốn vậy, các phòng thí nghiệm này phải thỏa mãn các yêu cầu nhất định dù cho là phòng thí nghiệm của xí nghiệp hay được thầu phụ. Nếu thí nghiệm dùng cho mục đích như tự công bố hay cung cấp dữ liệu cho chứng nhận; phòng thí nghiệm này phải thỏa mãn các yêu cầu nhất định tùy theo qui định của từng hệ thống. Các tổ chức chứng nhận sản phẩm cũng thường sử dụng các phòng thí nghiệm độc lập bên ngoài. Khi đó tổ chức chứng nhận phải có sự tin tưởng vào chất lượng của phòng thí nghiệm đó. Tùy theo bản chất của chứng nhận, vào tính nghiêm trọng của sản phẩm cần chứng nhận, mà tổ chức chứng nhận có những mức độ yêu cầu khác nhau đối với phòng thí nghiệm được sử dụng. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào, các tổ chức chứng nhận và giám định, các tổ chức thử nghiệm và hiệu chuẩn cũng phải thỏa mãn các yêu cầu nhất định như các qui định trong ISO/IEC 17025.

7. Công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp

Để có sự hội nhập trong các hệ thống đánh giá sự phù hợp cần có sự thống nhất về các chuẩn mực đối với các tổ chức đánh giá và thủ tục đánh giá. Ngoài ra, một yêu cầu khác cũng rất quan trọng đối với các tổ chức cung ứng sản phẩm cũng như đối với khách hàng là tránh đánh giá nhiều lần. Điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất sản phẩm. Các chi phí tăng thêm sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng mà không đem lại khả năng bảo vệ cho khách hàng. Cách làm thông thường là các tổ chức chứng nhận tiến hành các thỏa thuận song phương hoặc đa phương. Theo các thỏa thuận này, chứng nhận được một tổ chức chứng nhận cấp, được chấp nhận của các tổ chức tham gia ký thỏa thuận. Nếu muốn được chấp nhận ở nhiều quốc gia hay khu vực, tổ chức chứng nhận phải ký nhiều thỏa thuận song phương hoặc đa phương, gây tốn kém không ít thời gian và chi phí. Một cách khác, tại mỗi quốc gia thành lập cơ quan công nhận quốc gia để công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Tổ chức đánh giá được tổ chức công nhận quốc gia công nhận, chứng nhận sẽ được thừa nhận tại quốc gia đó. Tuy nhiên, muốn chứng nhận vượt được biên giới quốc gia, giữa các tổ chức công nhận quốc gia phải ký các thỏa thuận song phương và đa phương. Phương thức này đã giảm chi phí và thời gian khá nhiều khi thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp. Người ta dự định hình thành các tổ chức công nhận quốc tế. Nếu như tổ chức này đi vào hoạt động, các tổ chức đánh giá sự phù hợp chỉ cần được một thành viên của tổ chức nói trên công nhận dẫn đến các chứng nhận phát ra sẽ có giá trị khắp nơi.

Ngày 31/08/2006, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO/IEC 17021:2006 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với các tổ chức cung cấp đánh giá và chứng nhận các hệ thống quản lý (Conformity assessment — Requirements for bodies providing audit and certification of management systems). Tiêu chuẩn này thay thế và hủy bỏ các tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 62:1996 và ISO/IEC Guide 66:1999 – chuẩn mực đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000 và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000 (tiêu chuẩn được tất cả các tổ chức chứng nhận áp dụng trong thời gian qua). ISO 9000 và ISO 14000 đã được các tổ chức trong nước và quốc tế áp dụng rộng rãi như là một trong các biện pháp chủ yếu nhằm đảm bảo cung cấp các sản phẩm có chất lượng và nâng cao hình ảnh đối với khách hàng thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh những lợi ích mà các hệ thống quản lý này mang lại cho các tổ chức, thời gian qua đã có nhiều ý kiến, đánh giá về kiểm soát không tốt các hoạt động đánh giá, cấp chứng nhận của một số tổ chức chứng nhận, đặc biệt là với chứng nhận ISO 9000. Có phản hồi cho rằng nhiều hệ thống quản lý chất lượng được xây dựng một cách sơ sài, thậm chí giả tạo cũng được cấp chứng nhận; có sự bắt tay, thỏa hiệp giữa một số bên tư vấn và chứng nhận để cấp chứng nhận bằng mọi giá, miễn là khách hàng trả tiền. Nghiêm trọng hơn là một số khách hàng đang sở hữu những chứng nhận “dởm” (chứng nhận không được công nhận – thừa nhận) mà không hề biết… Những vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, những người đã mất một số tiền không nhỏ cho xây dựng và duy trì các hệ thống quản lý. Ngoài ra vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng, cơ quan quản lý, những người có quyền lợi liên quan về giá trị của các chứng nhận ISO 9000/ISO 14000. Trong bối cảnh này, ban hành một chuẩn mực mới, đủ mạnh để kiểm soát các hoạt động đánh giá, cấp chứng nhận các hệ thống quản lý sẽ góp phần hạn chế tiêu cực và nâng cao chất lượng – giá trị của các chứng nhận ISO 9000 và ISO 14000. So với các yêu cầu trong ISO/IEC Guide 62:1996 và ISO/IEC Guide 66:1999, tiêu chuẩn ISO/IEC 17021:2006 này có một số điểm nổi bật sau đây:

  • Quy định rõ các yêu cầu về cơ cấu và cách thức kiểm soát nhằm đảm bảo hoạt động đánh giá, thẩm xét và cấp chứng nhận được tiến hành một cách độc lập – khách quan và không thiên vị.
  • Đánh giá chứng nhận phải được tiến hành làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 được thực hiện nhằm xác định sự sẵn sàng của hệ thống (bao gồm đánh giá hệ thống tài liệu, xác định các quá trình chủ yếu, thiết lập mục tiêu, sự vận hành của hệ thống, phạm vi, địa điểm chứng nhận…). Đánh giá giai đoạn 1 được tiến hành tại cơ sở của bên được đánh giá. Giai đoạn 2 tập trung vào đánh giá thực hiện và tính hiệu lực của hệ thống.
  • Sử dụng biểu tượng chứng nhận (logo): Tiêu chuẩn này quy định rõ biểu tượng chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng không được sử dụng trên sản phẩm hoặc bao gói sản phẩm, báo cáo thử nghiệm hay chứng thư giám định… Vì điều này làm người tiêu dùng hiểu lầm là sản phẩm đã được chứng nhận chất lượng.
  • Đánh giá giám sát không được vượt quá 12 tháng: Hiện nay các tổ chức chứng nhận thường áp dụng chu kỳ đánh giá giám sát là 12 tháng. Vì nhiều lý do khác nhau (từ khách hàng được chứng nhận hoặc tổ chức chứng nhận), một số cuộc đánh giá giám sát không tuân thủ được chu kỳ này (chậm từ 1-3 tháng, thậm chí lâu hơn). Với tiêu chuẩn mới này, các trường hợp vượt quá 12 tháng đều phải tiến hành thủ tục đình chỉ hoặc hủy bỏ chứng nhận.
  • Cung cấp thông tin về các tổ chức đã được chứng nhận: tổ chức chứng nhận phải duy trì, tạo điều kiện để tất cả mọi người tiếp cận hoặc phải cung cấp khi có yêu cầu về “Danh mục các tổ chức đã cấp chứng nhận”. Danh mục này phải bao gồm ít nhất các thông tin sau: Tên tổ chức/doanh nghiệp được chứng nhận, tiêu chuẩn chứng nhận, phạm vi, địa điểm được chứng nhận.

Hiện chưa có qui định cụ thể về thời điểm các tổ chức chứng nhận phải tuân thủ tiêu chuẩn này, tuy nhiên một số tổ chức chứng nhận cũng đã có những điều chỉnh cần thiết để từng bước đáp ứng được yêu cầu của tiêu chuẩn mới này. Với một số tổ chức chứng nhận khác đáp ứng một cách đầy đủ những quy định này chắc chắn sẽ là một thách thức. Hy vọng rằng tiêu chuẩn ISO/IEC 17021:2006 này sẽ giúp nâng cao chất lượng và giá trị của các hệ thống quản lý theo ISO 9000 và ISO 14000, góp phần nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh thực sự của các tổ chức. (Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Email: tttt@tcvn.gov.vn)

8. Các bước tiến hành một cuộc đánh giá sự phù hợp

8.1 Bắt đầu triển khai cuộc đánh giá

  • Chỉ định trưởng đoàn đánh giá
  • Xác định mục tiêu, phạm vi và chuẩn mực đánh giá.
  • Xác định tính khả thi của cuộc đánh giá.
  • Lựa chọn đoàn đánh giá.
  • Tiếp xúc ban đầu với bên được đánh giá.

8.2 Tiến hành xem xét tài liệu

Xem xét các tài liệu của hệ thống quản lý liên quan, bao gồm hồ sơ, xác định đầyủ so với những chuẩn mực đánh giá.

8.3 Chuẩn bị cho các hoạt động đánh giá tại chỗ

  • Chuẩn bị kế hoạch đánh giá.
  • Phân công trong đoàn đánh giá.
  • Chuẩn bị các tài liệu làm việc.

8.4 Tiến hành các hoạt động đánh giá tại chỗ

  • Tiến hành cuộc họp khai mạc
  • Thông tin trong quá trình đánh giá.
  • Vai trò và trách nhiệm của người hướng dẫn và người quan sát.
  • Thu thập và kiểm tra xác nhận thông tin.
  • Tạo lập các phát hiện khi đánh giá.
  • Chuẩn bị kết luận đánh giá.
  • Tiến hành cuộc họp kết thúc.

8.5 Chuẩn bị, phê duyệt và gởi báo cáo đánh giá

  • Chuẩn bị báo cáo đánh giá.
  • Phê duyệt và gởi báo cáo đánh giá.

8.6 Hoàn thành cuộc đánh giá.

8.7 Tiến hành cuộc đánh giá bổ sung (nếu cần thiết).

Lưu ý: Cuộc đánh giá bổ sung không được xem là phần việc bắt buộc của cuộc đánh giá. (Tham khảo chi tiết tại ISO19011:2002).