Cách viết luận án tiến sĩ ngành kinh tế – quản trị

Luận văn hay luận án tiến sĩ là công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh về một chủ đề nghiên cứu chuyên sâu nào đó. Về cấu trúc, một luận án tiến sĩ chuyên ngành kinh tế – quản trị được tổ chức theo bố cục, với các nội dung đi kèm như sau:

A. Các phần đầu

  • Trang bìa:
    • Tên trường và chương trình học
    • Tên luận án
    • Họ tên học viên
    • Họ tên, học hàm học vị giáo viên hướng dẫn
    • Năm học
  • Trang trắng: 1 trang để trắng sau trang bìa
  • Lời cảm ơn: bắt buộc phải có, trong 1 trang
    • Cảm ơn trường, khoa, bộ môn trực thuộc
    • Cảm ơn giáo viên hướng dẫn
    • Cảm ơn các đồng nghiệp, bạn bè …
    • Cảm ơn gia đình …
  • Tóm tắt: Có thể có hoặc không; nhưng nên có trong 1-2 trang
  • Mục lục: Bắt buộc phải có, nên đặt ở đầu chỗ này nhưng cũng có thể đặt ở cuối cùng luận án sau phụ lục
  • Danh sách các từ viết tắt: phải có
  • Danh sách các bảng biểu: phải có
  • Danh sách các hình vẽ: phải có

B. Nội dung luận án

Nội dung chính của luận án tiến sĩ, thường dài từ 70 đến 100 trang, được tổ chức thành các chương (phần), các tiểu mục một cách logic, liên quan và dẫn truyền nhau từ cơ bản đến chuyên sâu, từ tổng quan đến cụ thể. Cấu trúc tuyến tính thường được ưu thích nhất, theo đó: đầu mỗi chương, mục lớn có một vài đoạn văn mở dẫn đến các nội dung chính; kết thúc mỗi chương, mục lớn có mục/đoạn văn tóm tắt nội dung chính đã viết và mở dẫn ra nội dung ở phần tiếp. Bố cục độ dài luận án phải đảm bảo những phần nội dung chính phải dài nhất. Các nội dung cụ thể gồm:

  • Lời giới thiệu: Có thể có hoặc không, viết dạng tựa đề trong 1 trang
  • Mở đầu (dài từ 10 đến 15 trang): nội dung gồm các tiểu mục sau:
    1. Bối cảnh nghiên cứu (có thể có hoặc không): khái quát dẫn đến chủ đề nghiên cứu
    2. Tính cấp thiết của chủ đề nghiên cứu: trình bày các lý do lựa chọn chủ đề, từ 5 – 8 ý hay đoạn văn, nên viết vào đề trực tiếp về tính cấp thiết lý luận và thực tiễn của chủ đề nghiên cứu
    3. Câu hỏi nghiên cứu: gồm câu hỏi chính gắn với chủ đề và các câu hỏi chi tiết gắn với các mục tiêu nghiên cứu
    4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu: mục đích chung gắn với chủ đề và trả lời cho câu hỏi nghiên cứu chính; nhiệm vụ là các mục đích cụ thể gắn với các câu hỏi chi tiết
    5. Đối tương và phạm vi nghiên cứu về nội dung, không gian, thời gian
    6. Phương pháp nghiên cứu: tóm lược những phương pháp chính về thu thâp, xử lý dữ liệu, cách thức xử lý vấn đề
    7. Ý nghĩa hay những đóng góp mới (có thể có hoặc không): về lý thuyết, về thực tiễn, về phương pháp nghiên cứu
    8. Bố cục báo cáo
  • Chương 1: Tổng quan nghiên cứu (dài từ 10 đến 15 trang), gồm các tiểu mục sau:
    1. Tổng quan tình hình nghiên cứu: vắt tắt nội dung các công trình nghiên cứu liên quan đến chủ đề nghiên cứu, nhóm theo 3 – 4 chủ đề nhỏ sát với chủ đề; có 2 cách viết (i) dạng liệt kê các công trình, mỗi công trình tóm tắt 1 đoạn nội dung chính, hoặc (ii) viết lồng các công trình trong các đoạn văn viết về mỗi mảng nội dung liên quan đến chủ đề nghiên cứu.
    2. Khoảng trống nghiên cứu (1 – 2 trang)
    3. Hướng tiếp cận của luận án (<1 trang)
    4. Tiểu kết chương (nên có < 1 trang): tóm tắt nội dung chính đã viết và mở dẫn ra nội dung ở chương tiếp

Chú ý: trong một số luận án, tổng quan nghiên cứu có thể được chuyển lên mở đầu luận án, ngay sau tính cấp thiết; hoặc chương 1 này có thể gộp gồm cả phương pháp nghiên cứu trình bày chi tiết của luận án thành tiêu đề Tổng quan và phương pháp nghiên cứu.

  • Chương 2: Cơ sở lý luận (và thực tiễn) về …vấn đề nghiên cứu (dài từ 30 đến 45 trang), nội dung gồm các tiểu mục sau:
    1. Các định nghĩa, khái niệm cơ bản liên quan (5 – 6 trang)
    2. Nội dung chính của vấn đề nghiên cứu hay khung nghiên cứu của luận án, gồm: các học thuyết nền tảng, các nội dung nghiên cứu (12 – 16 trang)
    3. Các yếu tố tác động (6 – 10 trang)
    4. Tiêu chí đánh giá, mô hình và giả thuyết nghiên cứu (có thể gộp nằm trong phần 2 hoặc 3 ở trên tùy theo cách tiếp cận nghiên cứu) (3 – 5 trang)
    5. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế và bài học rút ra (8 – 10 trang)
    6. Tiểu kết chương (nên có < 1 trang): tóm tắt nội dung chính đã viết và mở dẫn ra nội dung ở chương tiếp

Chú ý: Vì chương này là lý thuyết nên các nội dung cần dẫn chứng nguồn ghi rõ tên tác giả trong và nước ngoài dạng : theo tác giả X (2012) …. ; viết một đoạn … (tác giả Y, 2010) … ví dụ xem các đoạn văn tại đây.

  • Chương 3: Phương pháp nghiên cứu (dài từ 10 đến 15 trang), nội dung gồm các tiểu mục sau:
    1. Thiết kế nghiên cứu (2 – 3 trang): qua điểm tiếp cận nghiên cứu, xây dựng thang đo nghiên cứu, quy trình nghiên cứu
    2. Thực hiện nghiên cứu phỏng vấn, khảo sát, mẫu nghiên cứu …(3 – 6 trang)
    3. Kiểm định thang đo nghiên cứu (4 – 6 trang)
    4. Tiểu kết chương (nên có < 1 trang): tóm tắt nội dung chính đã viết và mở dẫn ra nội dung ở chương tiếp

Chú ý: Chương có thể không có, mà chỉ chi tiết ở mở đầu, hoặc lồng một phần vào các phần ở chương tổng quan nghiên cứu, hoặc có thể lồng vào các phần của chương thực trạng – kết quả nghiên cứu.

  • Chương 4: Thực trạng vấn đề nghiên cứu hay Kết quả nghiên cứu và thảo luận (dài từ 50 đến 55 trang), nội dung gồm các tiểu mục sau:
    1. Tổng quan giới thiệu về đối tượng nghiên cứu (Cty, vùng, lĩnh vực): lịch sử, đặc điểm lĩnh vực ngành nghề hoặc địa lý, lợi thế hay năng lực cốt lõi, một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội hoặc kết quả sản xuất kinh doanh (6 – 8 trang)
    2. Phân tích thực trạng các số liệu thống kê các chỉ số liên quan đến chủ đề nghiên cứu (6 – 10 trang)
    3. Thực trạng các nội dung của chủ đề nghiên cứu, mỗi nội dung là 1 tiểu mục, tương ứng với phần nội dung ở chương 1 bằng các kết quả nghiên cứu định tính và/hoặc định lượng (18 – 22 trang)
    4. Thực trạng các yếu tố tác động: tương ứng với chương 1 (10 – 12 trang)
    5. Kiểm định giả thuyết và mô hình nghiên cứu (có hay không tùy theo chương 1, có thể trước hoặc sau, hoặc trong mục 6 trên đây): thiết kế, mẫu nghiên cứu, kết quả hồi quy, kiểm định giả thuyết (4 – 6 trang)
    6. Đánh giá chung: thành công, hạn chế, nguyên nhân các hạn chế (3 – 5 trang)
    7. Tiểu kết chương (nên có < 1 trang): tóm tắt nội dung chính đã viết và mở dẫn ra nội dung ở chương tiếp

Chú ý: Các nội dung trong phần này phải bám sát vào lý thuyết đã trình bày ở chương cơ sở lý luận, ở chương lý luận đã nêu bao nhiêu nội dung, tiêu chí, yếu tố lý thuyết, thì ở phần này phải có đủ thực trạng về bấy nhiêu nội dung, tiêu chí, yếu tố thực tế. Các nội dung thực tế phải được phân tích với số liệu thống kê thực tế, các sự kiến thực tế và/hoặc kết quả phân tích định tính và/hoặc định lượng.

  • Chương 5: Giải pháp và kiến nghị (dài từ 25 đến 30 trang), gồm các tiểu mục sau:
    1. Bối cảnh hoặc dự báo trong thời gian tới (2 – 4 trang): cần nếu rõ nguồn từ các văn bản, công trình nào hay từ những phân tích dự báo của tác giả
    2. Quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển (4 – 6 trang): cần nếu rõ nguồn từ các văn bản, công trình nào hay từ những đánh giá nhận xét của tác giả
    3. Các giải pháp: các nhóm tương ứng với các nội dung chi tiết của vấn đề nghiên cứu ở chương 1, mỗi nội dung là 1 nhóm giải pháp (16 – 25 trang)
    4. Một số kiến nghị (8 – 15 trang)
    5. Tiểu kết chương (nên có < 1 trang): tóm tắt nội dung chính đã viết và mở dẫn ra nội dung ở phần tiếp

Chú ý: Các giải pháp, kiến nghị phải bám sát với các nội dung thực trạng hay kết quả nghiên cứu ở chương trên, cũng như bám sát các bài học kinh nghiệm đã rút ra ở chương lý luận.

  • Kết luận (dài từ 3 đến 5 trang): nội dung có thể tổ chức thành các đoạn văn có các ý dưới hoặc nên phân các tiểu mục như sau:
    1. Tóm tắt kết quả nghiên cứu chính
    2. Những đóng góp của luận án: về lý luận, về phương pháp nghiên cứu, về thực tiễn
    3. Hạn chế và định hướng nghiên cứu tiếp theo của luận án

C. Các phần phụ ở cuối

  • Tài liệu tham khảo: trình bày theo chuẩn chung của thế giới nghiên cứu
    • Với sách: Tên tác giả (năm), tên sách in nghiêng, Nhà XB: địa điểm XB.
      Ví dụ: Tổng cục Thống kê (2011), Niên giám thống kê 2018, NXB Thống kê, Hà Nội.
    • Với các bài báo: Tên tác giả 1, tên tác giả 2 (năm), “tên bài báo trong ngoặc nháy”, tên tạp chí in nghiêng, số báo, quyển …, số trang từ … đến …
      Ví dụ: Chuluunbaatar Enkhbold, Ottavia, Luh Ding-Bang, Kung Shiann-Far (2011), “The entrepreneurial start-up process: the role of social capital and the social economic condition”, Asian Academy of Management Journal, Vol. 16, No. 1, p.43–71.
  • Phục lục (dài < 25 trang): Có thể đưa các nội dung sau:
    1. Giới thiệu bổ sung về đối tượng nghiên cứu
    2. Lịch sử hình thành và phát triển, các văn bản pháp luật liên quan đến đối tượng của chủ đề nghiên cứu
    3. Có thể trình bày chi tiết thêm về phương pháp và các bước triển khai nghiên cứu
    4. Khung bảng hỏi phỏng vấn, bảng hỏi khảo sát điều tra
    5. Các bước và kết quả xử lý phân tích dữ liệu chi tiết

Trên đây là cấu trúc các nội dung cơ bản của một luận tiến sĩ ngành kinh tế quản trị, tùy theo đặc thù của chủ đề nghiên cứu, theo yêu cầu của mỗi trường mà cấu trúc và nội dung có thể thay đổi, các bạn cần linh động thích ứng theo. Chúc các bạn hàon thành tốt và bảo vệ thành công luận án của mình.

Nguồn: HKT Consultant

Please wait while you are redirected...or Click Here if you do not want to wait.