Quyết định sản xuất

Như đã đề cập trong các phần trước, thời kỳ ngắn hạn luôn có ít nhất một yếu tố đầu vào là cố định. Do vậy, luôn tồn tại chi phí cố định trong ngắn hạn. Trong khi đó, thời kỳ dài hạn là thời gian đủ dài để doanh nghiệp có thể thay đổi cấu trúc các yếu tố đầu vào. Cho nên mọi chi phí đều biến đổi trong dài hạn.

1. QUYẾT ĐỊNH SẢN XUẤT NGẮN HẠN

Các quyết định sản xuất trong ngắn hạn tập trung vào lượng cung của doanh nghiệp. Việc xem xét mối quan hệ giữa đường cầu và chi phí nhằm nghiên cứu hành vi ra quyết định của doanh nghiệp.

Tối đa hóa lợi nhuận

Như đã đề cập trước đây, một doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận sẽ sản xuất ở mức sản lượng mà ở đó doanh thu biên bằng với chi phí biên. Doanh thu biên được xác định bằng:

Như chúng ta đã biết, doanh thu biên bằng với giá thị trường trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Biểu đồ dưới đây minh họa về mối quan hệ này.

Tại mức sản lượng Qo, chi phí trung bình bằng ATCo. Vì vậy, lợi nhuận trên mỗi đơn vị sản lượng bằng Po – ATCo (= doanh thu trên mỗi đơn vị – chi phí trung bình). Trong khi đó, lợi nhuận bằng lợi nhuận đơn vị x tổng sản lượng sản xuất. Như biểu đồ dưới đây chỉ ra rằng lợi nhuận của doanh nghiệp chính là phần chữ nhật tô đậm (lưu ý rằng chiều cao của hình chữ nhật là lợi nhuận đơn vị và chiều rộng chính là tổng sản lượng sản xuất).

Nếu doanh nghiệp có lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư sẽ lớn hơn tỷ suất so với các lựa chọn đầu tư khác của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp quyết định sản xuất với mức sản ượng Qo. Trong khi đó, lợi nhuận kinh tế này sẽ khích thích thêm các doanh nghiệp mới gia nhập vào ngành. Chúng ta sẽ đề cập chi tiết hơn sự tác động của các doanh nghiệp mới gia nhập ngành ảnh hưởng đến giá và lượng ở phần sau.

Tối thiểu lỗ và ngừng sản xuất

Giả sử, P < ATC tại mức sản lượng mà MR = MC. Liệu rằng doanh nghiệp có tiếp tục sản xuất hay không? Để tìm câu trả lời, chúng ta hãy so sánh mức lỗ này với mức lỗ mà doanh nghiệp ngừng sản xuất. Nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất thì doanh thu của doanh nghiệp bằng không và chi phí bằng với chi phí cố định (lưu ý, chi phí cố định luôn phát sinh cho dù doanh nghiệp có sản xuất hay không). Vì vậy, doanh nghiệp sẽ mất đi (lỗ) toàn bộ phần chi phí cố định. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất trong ngắn hạn nếu như phần lỗ của doanh nghiệp ít hơn chi phí cố định (tối thiểu lỗ). Điều này xảy ra khi AVC < P < ATC, khi đó doanh thu của doanh nghiệp không chỉ bù đắp toàn bộ chi phí biến đổi mà còn bù đắp được một phần của chi phí cố định. Theo thuật ngữ toán học, điều này có nghĩa là doanh nghiệp tiếp tục sản xuất miễn là: TR = P × Q > TVC. Chia cả hai vế cho Q, chúng ta có thể viết lại điều kiện này theo một cách khác như sau: P > AVC

Điều này có ý nghĩa gì trong thực tiễn, thực tế một doanh nghiệp sẽ tiếp tục sản xuất nếu giá lớn hơn chi phí biến đổi trung bình. Doanh nghiệp sẽ đóng cửa (ngừng sản xuất) khi giá nhỏ hơn chi phí biến đổi trung bình. Chúng ta sẽ xem xét tình huống này trong biểu đồ dưới đây. Trong trường hợp này, mặt dù doanh nghiệp lỗ, nhưng mức lỗ sẽ tối thiểu tại mức sản lượng mà MR = MC. Điều này xảy ra tại mức sản lượng Q’. Do chi phí trung bình (ATC’) lớn hơn giá (P’), doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, giá vẫn còn lớn hơn AVC cho nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất.

Nếu doanh nghiệp đóng cửa trong trường hợp trên thì doanh nghiệp sẽ nất đi toàn bộ chi phí cố định (đây là phần tô đậm của hình chữ nhật có diện tích bằng AFC x Q = TFC). So sánh lỗ của doanh nghiệp trong trường hợp ngừng sản xuất (phần tô đậm trong biểu đồ dưới) với lỗ khi doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất trong ngắn hạn, thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ ít hơn nếu như doanh nghiệp tiếp tục sản xuất trong ngắn hạn.

Từ lập luận ở trên, doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất khi P < AVC. Dĩ nhiên, doanh nghiệp sẽ rút lui khỏi ngành khi bị lỗ trong dài hạn (lưu ý rằng không có chi phí cố định trong dài hạn).

Giá hoà vốn

Nếu giá thị trường bằng với điểm cực tiểu của đường ATC thì lợi nhuận của doanh nghiệp bằng không (giá hoà vốn). Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ nhận được một tỷ suất thu nhập trên đầu tư bằng với tỷ suất đầu tư của các ngành khác. Thực tế khi điều này xảy, không có động lực khích thích sự gia nhập hay rút lui khỏi ngành của doanh nghiệp. Biểu đồ dưới đây minh họa cụ thể cho trường hợp này.

Nếu giá thấp hơn AVC thì doanh nghiệp sẽ đóng cửa và được minh họa thông qua biểu đồ dưới đây. Phần diện tích tô đậm (với chiều cao giới hạn bởi ATCo và AVCo) bằng với chi phí cố định của doanh nghiệp (phần lỗ khi doanh nghiệp đóng cửa). Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất thì doanh nghiệp sẽ lỗ nhiều hơn, không chỉ mất toàn bộ chi phí cố định mà còn lỗ do giá thấp hơn AVC (tương ứng với phần tô đậm của diện tích giới hạn bởi chiều cao giữa AVCo và Po. Như minh họa dưới đây, doanh nghiệp sẽ lỗ ít hơn nếu ngừng sản xuất khi P < AVC.

Đường cung ngắn hạn

Cho đến bây giờ, chúng ta quan sát thấy doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo sẽ sản xuất tại mức giá P = MC, miễn là P > AVC. Biểu đồ dưới đây chỉ ra các mức giá P0, P1, P2  và P3 tưong ứng với các mức sản lượng Q0, Q1, Q2 và Q3. Như vậy, đường MC xác định mức sản lượng sản xuất của doanh nghiệp miễn là P > AVC. Phần MC nằm phía trên AVC min chỉ ra lượng cung theo các mức giá, đó chính là đường cung ngắn hạn của doanh nghiệp. Đường cung được minh họa bởi phần MC nằm phía trên AVCmin tô đậm dưới đây.

2. QUYẾT ĐỊNH SẢN XUẤT DÀI HẠN

Trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ gia nhập ngành khi có lợi nhuận kinh tế dương và rời khỏi ngành khi lợi nhuận kinh tế âm (lỗ). Bây giờ, chúng ta hãy xem xét hành vi gia nhập hay rút lui thị trường của các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo tác động đến thị trường như thế nào. Giả sử, một doanh nghiệp có lợi nhuận kinh tế dương với giá cân bằng trên thị trường hiện tại. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp mới sẽ gia nhập ngành sẽ làm tăng cung. Khi cung tăng sẽ dịch chuyển đường cung sang phải và giá cân bằng thị trường sẽ giảm xuống. Quá trình này tiếp diễn cho đến khi lợi nhuận kinh tế bằng không (lợi nhuận thông thường), sẽ không khích thích thêm doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường. Biểu đồ dưới đây minh họa cân bằng dài hạn khi doanh nghiệp nhận lợi nhuận kinh tế bằng không.

Giả định trong trường hợp doanh nghiệp bị lỗ. Trong tình huống này, doanh nghiệp sẽ rời khỏi ngành trong dài hạn. Khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì đường cung sẽ dịch chuyển sang trái cho đến khi lợi nhuận kinh tế bằng không (như minh họa ở biểu đồ trên).

Vì vậy, cân bằng dài hạn diễn ra khi doanh nghiệp có lợi nhuận kinh tế bằng không. Khi cân bằng dài hạn diễn ra thì sức hấp dẫn ngành không còn nữa bởi tỷ suất lợi nhuận ngành tương tương với những ngành khác.

Cân bằng dài hạn và hiệu quả kinh tế

Khi cân bằng dài hạn xảy ra, có hai đặc trưng hữu hiệu như sau:

ª  P = MC và

ª  P = ATC min.

P = MC là rất quan trọng với xã hội bởi giá phản ảnh lợi ích biên của xã hội trong khi chi phí bên phản ảnh chi phí biên của xã hội trong việc sản xuất hàng hóa (bỏ qua tác động ngoại ứng). Tại điểm cân bằng, lợi ích biên của xã hội bằng với chi phí biên của xã hội, khi đó lợi ích biên của xã hội trong việc sản xuất hàng hóa là cực đại.

Sản xuất tại ATC min có nghĩa là xã hội sản xuất hàng hóa với chi phí đơn vị thấp nhất. Rõ ràng, khi đạt được như vậy thì sản xuất hàng hóa đạt được sự hữu hiệu.

Hiệu quả kinh tế có được khi thỏa mãn cả hai điều kiện ở trên. Khi đó, mức sản lượng cân bằng dài hạn của doanh nghiệp gọi là qui mô hiệu quả phúc lợi xã hội (tổng thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất) là lớn nhất.

Thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất

Thặng dư tiêu dùng chính là lợi ích ròng mà người tiêu dùng nhận được khi tiêu dùng hàng hóa. Thặng dư tiêu dùng có được khi lợi ích biên trên mỗi đơn vị lớn hơn chi phí biên của đơn vị tiêu dùng sau cùng.

Giả sử, một cá nhân mua 10 đơn vị hàng hóa với giá 5 nghìn đồng. Với đơn vị đầu tiên, cá nhân mong muốn trả 9 nghìn đồng, do đó có 4 nghìn đồng thặng dư tiêu dùng. Tương tự như vậy, với các đơn vị tiêu dùng tiếp theo thì cá nhân sẽ có thặng dư tiêu dùng nhỏ hơn khi lượng tiêu dùng tăng lên. Tổng thặng dư tiêu dùng của cá nhân chính là phần diện tích tô đậm trong biểu đồ dưới đây. Đây chính là phần chênh lệch giữa tổng lợi ích và tổng chi phí.

Thặng dư sản xuất cũng được định nghĩa một cách tương tự, đó là lợi ích ròng của nhà sản xuất khi bán hàng hóa. Thặng dư sản xuất có được bởi P = MC cho đơn vị sản xuất sau cùng. Các đơn vị sản xuất trước đó có chi phí biên thấp hơn giá bán của doanh nghiệp.

Trong biểu đồ trên, phần diện tích đô đậm trên mức giá là thặng dư tiêu dùng và phần tô đậm dưới mức giá là thặng dư sản xuất. Lợi ích ròng của xã hội chính là tổng của thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất.

Đường cung dài hạn

Phương trình lợi nhuận cho thấy doanh nghiệp có lợi nhuận kinh tế bằng không khi và chỉ khi giá bằng với chi phí trung bình (ATCmin). Nếu giá bán cao hơn chi phí trung bình thì doanh nghiệp có lợi nhuận kinh tế dương. Điều này sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Mức giá thấp hơn chi phí trung bình, lợi nhuận kinh tế âm sẽ dẫn đến hiện tượng một số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tiến trình gia nhập và rút khỏi thị trường kết thúc chỉ khi giá và chi phí trung bình bằng nhau.

Như đã đề cập trước đây, quyết định sản xuất của doanh nghiệp tại mức sản lượng sao cho giá bằng với chi phí biên (MC). Mặt khác, quá trình gia nhập và rút khỏi thị trường một cách tự do làm cho giá bằng với chi phí trung bình (ATCmin) và vì vậy cũng bằng với chi phí biên. Một khi doanh nghiệp quyết định sản xuất tại mức sản lượng có chi phí trung bình thấp nhất thì doanh nghiệp đạt đến qui mô hiệu quả. Như vậy, cân bằng trong dài hạn của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo sẽ đạt đến qui mô hiệu quả.

Biểu đồ trên minh họa cân bằng dài hạn của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo, giá bằng với chi phí biên (MC), doanh nghiệp sẽ tối đa hóa lợi nhuận. Giá cũng bằng với chi phí trung bình (ATCmin), vì vậy lợi nhuận bằng không. Các doanh nghiệp mới không có động lực để gia nhập vào thị trường, cũng như các doanh nghiệp hiện tại không có động lực để rút khỏi thị trường.

Qua phân tích hành vi của doanh nghiệp, chúng ta có thể xác định đường cung thị trường. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, chỉ có một mức giá xác định tại cân bằng dài hạn (ATCmin). Điều này cho thấy đường cung dài hạn co giãn hoàn toàn tại mức giá này như minh họa ở biểu đồ trên. Tuy nhiên, đường cung thị trường có thể dốc lên. Giải thích cho đường cung dốc lên liên quan đến 2 lý do sau:

Lý do thứ nhất, nguồn lực sử dụng trong sản xuất là có giới hạn. Chẳng hạn đối với sản phẩm nông nghiệp. Khi có nhiều người làm nông, giá đất sẽ tăng lên và điều này làm gia tăng chi phí sản xuất. Chi phí gia tăng làm cho cung gia tăng nhỏ hơn so với cầu. Điều này làm cho đường cung dài hạn dốc lên, thậm chí có sự tự do thâm nhập ngành.

Lý do thứ hai, đó là các doanh nghiệp có chi phí khác nhau. Chẳng hạn như thị trường dịch vụ sơn (nhà cửa, công trình), các thợ sơn hay chủ thầu sẽ có chi phí khác nhau tùy thuộc vào tay nghề và thời gian thực hiện dịch vụ. Những thợ sơn có chi phí thấp sẽ thuận lợi hơn trong việc gia nhập so với thợ sơn có chi phí cao. Khi có sự tăng cầu, những thợ sơn mới với chi phí cao được khuyến khích gia nhập thị trường để gia tăng mức phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu. Bởi vì những thợ mới thường có chi phí cao hơn, giá dịch vụ phải gia tăng để đem lại lợi nhuận thợ sơn mới thâm nhập thị trường. Vì vậy, đường cầu phải dốc lên.

Tóm lại, các doanh nghiệp có thể dể dàng thâm nhập hay rút lui thị trường trong dài hạn hơn so với trong ngắn hạn và đường cung dài hạn thường co giãn hơn so với đường cung ngắn hạn.