Quản trị tri thức

Vốn con người (gồm tri thức và kiến thức) ngày càng được xem như nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của doanh nghiệp. Nguồn lực đây có thể là các bài học rút ra từ kinh nghiệm, các mạng lưới không chính thức, các quy trình và kỹ thuật đặc biệt, bằng sáng chế và hợp đồng pháp lý cũng như các nguồn đa dạng khác. Khi doanh nghiệp phát triển tri thức, họ cần đảm bảo rằng các thông tin và kiến thức liên quan được thể hiện ra một cách hữu hình và truyền đạt tới những đối tượng có liên quan để tạo ra liên tục các giá trị thặng dư.

Vì vậy, khi xét tới thông tin, tri thức và kiến thức quản trị như một phần của Marketing nhân sự, doanh nghiệp cần phải xác định các mối liên quan mật thiết giữa quản trị tri thức và chiến lược nhân sự (tuyển dụng, khen thưởng, duy trì, và phát triển nhân viên), giao tiếp nội bộ và kỹ thuật (cung cấp cho nhân viên khả năng tiếp cận đến các thông tin họ cần học, thách thức và sáng tạo cũng như tạo lập một văn hoá doanh nghiệp trong đó mọi người thường xuyên tự nguyện chia sẻ kiến thức) và các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và đo lường dịch vụ (đo lường hiệu quả của chiến lược phát triển vốn tri thức và con người).

Khái quát về chương này, nhóm tác giả đã trình bày nền tảng lý luận của hoạt động Marketing nhân sự trong doanh nghiệp là sự giao thoa đa ngành, trong đó điển hình nhất là mô hình Marketing mix 7Ps, quản trị chiến lược doanh nghiệp, quản trị nhân sự, chuỗi dịch vụ và quản trị tri thức. Trên cơ sở lý luận của chương này, nhóm tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về hoạt động Marketing nhân sự trong các chương sau.

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.