Cung cấp các điều kiện làm việc hỗ trợ nhân viên

Các nhà tâm lý học quản trị đã chỉ ra rằng mỗi cá nhân phản ứng về cơ sở vật chất hay điều kiện làm việc theo hai thái độ trái ngược nhau đó: hoặc tiếp cận hoặc né tránh. Hành vi tiếp cận gồm các hành vi tích cực như muốn ở lại, ham muốn khám phá, làm việc và hòa đồng với đồng nghiệp. Hành vi né tránh là không muốn ở lại, làm việc và không muốn gắn bó với những nhân viên khác của họ.

Không gian đầy đủ, trang thiết bị phù hợp, nhiệt độ thoải mái và chất lượng không khí tốt làm cho nhân viên muốn ở lại để làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp. Việc thiết kế nơi làm việc và cách bố trí văn phòng cũng ảnh hưởng đến mức độ hài lòng và thoải mái của nhân viên. Khi một nhân viên không có cơ sở vật chất cần thiết để làm việc hoặc trang thiết bị đó dễ bị hỏng thì họ sẽ không tránh khỏi sự thất vọng. Việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ nhân viên cũng là một cách để giữ chân nhân lực, khu vực nghỉ ngơi của nhân viên, nhà ăn tự phục vụ cũng cần được thiết kế để khích lệ tinh thần và sự hài lòng của nhân viên.

Môi trường làm việc giúp nhân viên thấy họ được doanh nghiệp đánh giá cao. Khi không gian không chỉ được thiết kế phục vụ cho khách hàng mà còn cả nhân viên sẽ tạo ra những kết quả tích cực để tiếp thị nội bộ giữ chân được nhân tài. Cơ sở vật chất không chỉ giúp khách hàng có được cái nhìn tốt về doanh nghiệp mà còn tạo được những điều kiện tốt nhất có thể để giúp họ làm việc một cách thuận tiện nhất, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ năng suất lao động tăng cao.

Cơ sở vật chất đầy đủ cũng là một yếu tố góp phần nâng cao sự hài lòng của nhân viên trong công việc và từ đó thúc đẩy lòng trung thành, sự gắn bó của nhân viên. Cơ sở vật chất và hiệu quả lao động có mối quan hệ hai chiều. Doanh nghiệp cũng cần xem xét đến khả năng tài chính của mình và các yếu tố khác để việc đầu tư cho cơ sở vật chất không quá lãng phí, dàn trải, làm mất những cơ hội đầu tư tốt cho phát triển doanh nghiệp.

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.