Đề cao cống hiến trong doanh nghiệp

“Đề cao sự cống hiến” được xem là tiêu chí đầu tiên mà nhân viên quan tâm, trong khi đó các doanh nghiệp chỉ coi đây là tiêu chí quan trọng thứ 8 trong 10 tiêu chí được đưa ra. Nhân viên coi tiền lương chỉ có mức quan trọng thứ 5 trong khi các doanh nghiệp lại xem đây là chỉ tiêu quan trọng nhất. Rõ ràng, giữ chân nhân tài không nhất thiết phải cần dùng đến quá nhiều tiền vì nó không hoàn toàn là chỉ tiêu đánh giá đúng sự trung thành và mức độ gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp (Henry, 2003).

Đánh giá cao sự cống hiến của nhân viên có tác động tích cực đến tâm lý nhân viên trên cơ sở lòng tin của họ rằng những đóng góp của mình là rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Để thể hiện sự đánh giá cao đối với công việc của nhân viên đòi hỏi nhà quản lý cần phải nỗ lực liên tục, nhiệt huyết và quan tâm hết sức đến đội ngũ nhân sự của họ. Những người giám sát cần cổ vũ, khuyến khích nhân viên dựa trên những nỗ lực của họ. Nhiều doanh nghiệp tổ chức các chương trình như “nhân viên của tháng” để thể hiện sự trân trọng vì những cống hiến của đội ngũ nhân sự cho sự phát triển chung. Tuy nhiên, nếu kéo dài một khoảng thời gian, những chương trình như vậy sẽ làm cho nhân viên cảm thấy rất nhàm chán, giảm đi sự thích thú vốn có của chương trình.

Việc đề cao cống hiến là cần thiết nhưng nên được thể hiện dần dần sẽ hiệu quả hơn và ít gây nhàm chán. Những chương trình như thế nên được thiết kế sáng tạo. Southwest Airline đã đưa việc đề cao cống hiến của nhân viên thành văn hóa của doanh nghiệp, nó nhấn mạnh sự thành công trong công việc chung và bản thân từng cá nhân trong doanh nghiệp. Nhân viên được tự do làm việc và tham gia những chương trình bổ ích.

Doanh nghiệp cũng nên khuyến khích nhân viên đưa ra những phản hồi và các ý kiến đóng góp của họ. Như vậy họ sẽ cảm thấy mình là một phần trong những quyết định của doanh nghiệp vì các nhà quản lý quan tâm đến những ý kiến của họ. Những phản hồi của người lao động rất quan trọng và cần thiết, bởi họ là những khách hàng nội bộ, cũng giống như khách hàng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, ý kiến họ đưa ra sẽ giúp doanh nghiệp thấy được “sản phẩm nghề nghiệp” của mình đã thực sự tốt chưa hay doanh nghiệp cần thay đổi những gì để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nội bộ.

Ở một số doanh nghiệp, những người giám sát đã vô tình quên đi một hành động nhỏ là đánh giá cao cống hiến của nhân viên như chỉ đơn giản là một câu nói “cám ơn” hay một tờ ghi chú công nhận những nỗ lực cố gắng và sự trung thành suốt một chặng đường dài đồng hành cùng doanh nghiệp. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến nguyên tắc này và được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như: tháng hành động, tổ chức các cuộc thi đua…

Suy ra cho cùng thì việc đề cao cống hiến thể hiện được sự trân trọng thành quả lao động của nhân viên, là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của họ trong quá trình hoàn thành công việc, nhờ vậy mà người lao động thêm tinh thần và sự hăng hái làm việc tích cực hơn nữa. Thực trạng áp dụng nguyên tắc này trong chiến lược Marketing nhân sự đạt đến 82,8% tổng số doanh nghiệp được hỏi. Điều này cho thấy các doanh nghiệp ngày càng quan tâm và chú trọng hơn đến nguồn nhân lực và củng cố niềm tin của người lao động với chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp.

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.