Lợi ích từ thương mại và hội nhập quốc tế

Thương mại quốc tế là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới. Khi xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ thì thương mại quốc tế càng đem đến nhiều lợi ích cho các quốc gia và mở đầu cho kỷ nguyên hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu. Một số lợi ích từ họat động hợp tác thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế có thể kể ra như sau (Gandolfo, 2014):

Thứ nhất, thương mại quốc tế cho phép các nước sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.Theo lý thuyết tân cổ điển, thương mại quốc tế cho phép một quốc gia có được một mặt hàng với chi phí thấp hơn khi sản xuất mặt hàng này trong nước. Số lượng hàng hóa giao thương từ đó ngày càng nhiều hơn với chủng loại ngày càng phong phú, điều này vượt ra khỏi giới hạn năng lực sản xuất của các quốc gia. Mỗi quốc gia đều có một lợi thế riêng của mình, từ tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ, nguồn nhân lực… Mỗi lợi thế này lại tạo ra một sản phẩm đặc thù của quốc gia đó, khi mà chi phí sản xuất sản phẩm thấp hơn các quốc gia khác trên thế giới. Quốc gia này có thể bán các sản phẩm lợi thế của mình để đổi về các sản phẩm kém lợi thế hơn. Đây gọi là lợi thế so sánh của quốc gia đó. Lý thuyết này được đề cập đến lần đầu tiên trong tác phẩm “Nguyên lý chính trị và thuế khóa” của David Ricardo, năm 1817. Theo đó, Ricardo cho rằng, mỗi quốc gia nên chuyên môn hóa vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà quốc gia đó có lợi thế so sánh và nhập khẩu sản phẩm mà quốc gia đó không có lợi thế so sánh. Bằng việc chuyên môn hóa vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm, tổng sản lượng về sản phẩm trên thế giới sẽ tăng lên, kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại. Như vậy, lợi thế so sánh cũng là một cơ sở để phân công lao động trên thế giới

Cụ thể hơn, chúng ta có thể xét một ví dụ như sau:

Bảng 6.1: So sánh năng suất lao động giữa 2 quốc gia

Giả sử hai quốc gia A và B đều có nguồn lực để sản xuất bánh và vải. Quốc gia A mỗi giờ sản xuất được 6 chiếc bánh và 4 mét vải. Quốc gia B mỗi giờ sản xuất được 2 chiếc bánh và 8 mét vải. Như vậy trong 1 giờ, cả hai quốc gia đều sản xuất được 10 đơn vị sản phẩm. Tuy nhiên, nhìn vào năng suất lao động, chúng ta có thể nói, quốc gia A có lợi thế so sánh trong việc sản xuất bánh và quốc gia B có lợi thế trong việc sản xuất vải. 2 quốc gia có thể chuyên môn hóa, A chuyên sản xuất bánh và B chuyên sản xuất vải và trao đổi sản phẩm cho nhau. Như vậy hai quốc gia đều được tiêu thụ sản phẩm với chi phí sản xuất thấp hơn, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có.

Từ các lợi thế của mình, các quốc gia có thể thay đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vật chất của sản phẩm… để phù hợp với đặc điểm sản xuất của mình

Thứ hai, thương mại quốc tế là chất xúc tác, thúc đẩy sự phát triển của phân công lao động quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa toàn cầu. Con người sinh ra và phát triển bằng cách rèn luyện bản thân, thông qua học tập và lao động từ đó tích lũy các kỹ năng phù hợp với khả năng của mỗi người. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa cũng như phân công lao động có vai trò lịch sử quan trọng đối với sự phát triển của loài người. Việc chuyên môn hóa sản xuất thúc đẩy quá trình phân công lao động trên toàn cầu, từ đó đóng góp vào sự phát triển của loài người. Con người ngày càng nâng cao năng suất lao động bằng cách tập trung sản xuất các sản phẩm có thế mạnh và lấy đó làm cơ sở để trao đổi các hàng hóa khác. Năng suất lao động của con người tăng lên đồng nghĩa với việc năng suất lao động của quốc gia đó tăng lên từ đó kéo theo việc tăng năng suất lao động của các quốc gia trong phạm vi phân công lao động quốc tế.

Thứ ba, thương mại quốc tế giúp cân bằng các yếu tố sản xuất và phân phối thu nhập giữa các quốc gia. Thương mại quốc tế cho phép tất cả các quốc gia tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Thương mại quốc tế cho phép các nước dư thừa nguồn lực, đặc biệt về vốn có thể đầu tư vào các nước khác để tận dụng các nguồn lực sẵn có của các quốc gia sở tại. Việc kết hợp vốn của nước mạnh với nguồn lực của nước sở tại sẽ tạo cơ hội để sản xuất ra các sản phẩm với chi phí thấp, làm tăng hiệu quả kinh doanh. Các nước đầu tư thu được nguồn lợi nhuận từ việc sản xuất sản phẩm với chi phí thấp hơn và bán ra với giá cao hơn. Nước sở tại được nhận ngoại tệ cũng như các bí quyết, công nghệ hiện đại nhờ đó nâng cao năng suất lao động. Việc này không chỉ có lợi cho nước đầu tư mà còn khiến các nước nhận đầu tư ngày càng phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Thứ tư, thương mại quốc tế giúp tăng trưởng kinh tế và tạo của cải vật chất cho các quốc gia phát triển và đang phát triển. Hoa Kỳ là một quốc gia tiêu biểu thể hiện tác động tích cực của tự do hóa thương mại. Đây chính là quốc gia tiên phong trong công cuộc tự do hóa thương mại. Điều này đã trở thành nền tảng và góp phần đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu về kinh tế trên thế giới. Việc thúc đẩy tự do hóa thương mại làm tăng sản lượng sản xuất cũng như xuất khẩu của Hoa Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ đã tạo ra công ăn việc làm cho đội ngũ lao động nhàn rỗi, trực tiếp làm tăng thu nhập bình quân của người dân. Đồng thời, người dân Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận với các loại hàng hóa đa dạng được nhập khẩu từ nước ngoài. Sức mua của người dân tăng lên là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế phát triển vượt trội. Dẫn lời Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, 14/9/2005: “Chúng ta sẽ gắng hết sức mình để giúp những khu vực còn khó khăn thoát khỏi gánh nặng của nghèo đói – nhưng không phải chỉ là lúc này, mà phải kiên định, lâu dài. Con đường chắc chắn nhất để đi tới giàu có, thịnh vượng hơn chính là thúc đẩy thương mại

Đối với các nước đang phát triển, tác động tích cực của tự do hóa thương mại thể hiện ở việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Theo nhận định của ngân hàng thế giới, vào những năm 1990, những quốc gia đã giảm bớt các rào cản thương mại có tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người khoảng 5%/năm trong khi các quốc gia đang phát triển khác chỉ đạt khoảng 1.4%/năm. Số lượng người nghèo đói trên thế giới cũng giảm đáng kể. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Viện Kinh tế quốc tế Peterson, dự kiến tự do hóa thương mại mỗi năm tạo ra 200 tỷ USD cho nền kinh tế các nước đang phát triển và hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Các quốc gia đang phát triển được hưởng lợi nhiều nhất từ lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa chế tạo và dịch vụ (Nguồn: Báo cáo Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ).

Mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống cho hàng triệu người trên thế giới. Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người, các doanh nghiệp và cả quốc gia. Đây là con đường chiến lược để mở rộng thị trường, nâng cao thị phần trên nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.