Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA – Japan Vietnam Economic Partnership Agreement) được ký kết vào ngày 25/12/2008 (sau 9 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán không chính thức) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10/2009, đánh dấu 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là hiệp định tự do hóa thương mại song phương đầu tiên của Việt Nam và là hiệp định đối tác kinh tế thứ mười của Nhật Bản. Nội dung hiệp định VJEPA quy định tới nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển của thể nhân. Hiệp định bổ sung khung khổ pháp lý hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai nước. Thành công của hiệp định không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước Việt Nam và Nhật Bản mà còn ảnh hưởng tốt đến khu vực, phù hợp với mục tiêu xây dựng “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Á” của hai nước từ năm 2006.
Nội dung sơ lược của các văn bản Hiệp định (gồm 1 Hiệp định và 1 Thỏa thuận thực thi):
- Toàn văn Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản: quy định về 12 nhóm vấn đề lớn, gồm Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Các thủ tục hải quan; Các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch; Các Quy định kỹ thuật, Tiêu chuẩn và các Thủ tục Đánh giá Hợp chuẩn; Thương mại dịch vụ; Di chuyển của thể nhân; Sở hữu trí tuệ; Cạnh tranh; Cải thiện môi trường kinh doanh; Hợp tác; Giải quyết tranh chấp. Hiệp định được ký ngày 25 tháng 12 năm 2008. Hiệp định có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà Chính phủ của các bên trao đổi công hàm ngoại giao thông báo cho nhau về việc các thủ tục pháp lý cần thiết của mình để hiệp định có hiệu lực đã hoàn thành.
- Thỏa thuận thực thi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản: Việt Nam cam kết chung trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định sẽ tự do hoá đối với ~ 87,66% kim ngạch thương mại. Vào năm cuối của lộ trình giảm thuế (sau 16 năm), Việt Nam cam kết tự do hoá đối với ~ 92,95% kim ngạch thương mại. Về phía Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với ~ 94,53% kim ngạch thương mại.
Biểu cam kết của Việt Nam trong VJCEP với lộ trình cắt giảm đối với 8.873 dòng (trên tổng 9.390 dòng thuế), gồm:
- Danh mục xoá bỏ thuế quan:
- ~ 75,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm – năm 2019, trong đó xoá bỏ ngay 27,5% dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực
- ~ 0,1%, 14,9% và 0,8% số dòng thuế tương ứng sau 12 năm (2021), 15 năm (năm 2024) và 16 năm (năm 2025) thực hiện Hiệp định.
- ~ 91% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết vào năm cuối lộ trình (năm 2026).
- Danh mục nhạy cảm thường (SL): ~ 0,6% số dòng thuế ở mức thuế suất cơ sở và giảm tới mức 5% vào năm 2024/2006.
- Danh mục nhạy cảm cao (HSL): ~ 0,8% số dòng thuế giữ ở mức cao và giảm xuống 50% vào năm 2025.
- Danh mục không xoá bỏ thuế quan: ~ 2% số dòng thuế hoặc duy trì ở mức thuế suất cơ sở và được đàm phán sau 5 năm thực hiện Hiệp định chiếm 0,02%.
- Danh mục loại trừ: ~ 4,6% số dòng thuế
Theo VJCEP, Việt Nam bắt đầu giảm thuế từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2026. Các mốc thời điểm cắt giảm xuống 0% là vào các năm 2019 và 2025. Thống kê về loại mặt hàng, các mặt hàng được xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp (~ 94,5%). Thuế suất áp dụng cho từng giai đoạn phần lớn được cắt giảm theo mô hình cắt giảm dần đều từ thuế suất cơ sở hoặc có mô hình cắt giảm riêng đối với những dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm. Do vậy, biểu thuế suất bình quân theo từng năm có chiều hướng giảm dần.
Liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Chính phủ Việt Nam ban hành tính đến hiện tại gồm 03 thông tư liên quan như sau:
- TT số 25/2015/TT-BTC ngày 14/02/2015 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2015-2019
- TT số 10/2009/TT-BCT ngày 18/05/2009 v/v Thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác Kinh tế
- TT số 21/2012/TT-BTC ngày 15/02/2012 v/v Ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2012 – 2015.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
3 Th8 2022
29 Th7 2022
3 Th8 2022
2 Th8 2022
3 Th8 2022
29 Th12 2021