Trong quá trình hình thành và phát triển, chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia được xây dựng và biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào từng thời kỳ phát triển cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ bảo hộ có thể phân loại chính sách thương mại quốc tế thành hai hình thức phổ biến là chính sách bảo hộ mậu dịch và chính sách mậu dịch tự do. Mỗi loại hình lại có ưu và nhược điểm riêng trong phát triển kinh tế quốc gia (Gandolfo, 2014).
1. Chính sách mậu dịch tự do
Chính sách bảo hộ mậu dịch xuất phát từ sự chênh lệch giữa khả năng canh tranh sản xuất giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như điều kiện phát triển kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia mà một phần do các nguyên nhân lịch sử để lại.
Chính phủ áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ hợp pháp thị trường nội địa khỏi dòng lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài thâm nhập vào, đồng thời hạn chế cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp trong nước, giúp họ có thời gian, điều kiện để chuẩn bị cho sự cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài cũng như phát triển quy mô sản xuất. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế, hoặc đối với một số ngành công nghiệp mới phát triển, những sản phẩm mới được đưa vào sản xuất tại thị trường trong nước, các chính sách bảo hộ mậu dịch nên được áp dụng bằng những rào cản thuế quan hoặc phi thuế quan một cách dày đặc để giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển sản xuất và ổn đinh thị trường tiêu thụ nội địa, ngăn chặn sự xâm lấn mạnh mẽ từ hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài, khiến sản phẩm trong nước mất chỗ đứng. Như vậy, chính sách bảo hộ mậu dịch giúp cân đối, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn đầu và hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, yếu tố chính trị cũng là một nguyên nhân khiến Chính phủ nước chủ nhà áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch cho nền kinh tế. Khi cán cân thương mại mất cân bằng, kim ngạch nhập khẩu vượt quá xuất khẩu, nền kinh tế trong nước bị phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài. Vì vậy, chỉ cần sự thay đổi nhỏ từ các chính sách sản xuất, chính sách thương mại của nước ngoài, nền kinh tế trong nước cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi các cú sốc không lường trước. Sự phụ thuộc về thương mại sẽ kéo theo sự phụ thuộc về chính trị bằng cách này hay cách khác.
Tuy nhiên, chính sách bảo hộ mậu dịch cũng có những nhược điểm không thể phủ nhận của nó. Chính sách này làm hạn chế cơ hội cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế trong nước, khiến các doanh nghiệp trong nước dựa dẫm, ỷ lại vào sự bảo hộ của Chính phủ, khiến nền kinh tế trở nên thụ động, bảo thủ, trì trệ, thiếu động lực phát triển. Chính sách bảo hộ mậu dịch đã không thể giúp phát huy những ảnh hưởng tích cực của nền kinh tế hội nhập quốc tế lên sự phát triển kinh tế trong nước, đồng thời không khai thác hiệu quả tiềm năng sản xuất quốc gia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế do bảo hộ mậu dịch mang lại là rất chậm do đó nạn thất nghiệp gia tăng, phúc lợi xã hội ngày một giảm. Việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài băng các hàng rào thuế quan và phi thuê quan đã khiến các doanh nghiệp không đảm bảo được lượng cung cấp đủ đầu vào cho quá trình sản xuất trong nước, từ đó kiềm hãm xuất khẩu ra nước ngoài. Thêm vào đó, hàng rào bảo hộ còn khiến cho giá các hàng hóa nhập khẩu tăng cao, người tiêu dùng trong nước phải mua hàng nhập khẩu với giá cao hơn giá quốc tế, gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Lượng hàng nhập khẩu giảm xuống kéo theo nguồn thu ngân sách từ thuế cho Nhà nước cũng giảm xuống, đồng thời tạo cơ hội cho nạn buôn lậu và tệ nạn tham nhũng phát triển. Những ngành sản xuất trong nước dù yếu kém,không đổi mới về công nghệ và quản lý, không có sức canh trạnh với doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể tồn tại và mở rộng sản xuất nhờ vào sự bảo hộ cao của Chính phủ. Điều này khiến nền sản xuất trong nước ngày càng lạc hậu, kém hiệu quả.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, với sự đa dạng trên thị trường hàng hóa bên ngoài, các quốc gia vẫn bằng cách này hay cách khác thực hiện các biện pháp bảo hộ hàng hóa do nước mình sản xuất ra.
2. Chính sách bảo hộ mậu dịch
Chính sách mậu dịch tự do là kết quả của việc coi trọng ảnh hưởng tích cực của nền kinh tế thế giới đối với việc phát triển kinh tế trong nước. Để khai thác triệt để lợi thế so sánh của đất nước, nhiều quốc gia chuyển sang xây dựng mô hình “kinh tế mở” thông qua chính sách mậu dịch tự do. Có thể nói, tự do hóa thương mại đang là xu thế phát triển chung của nền kinh tế toàn thế giới vì những lợi ích không thể phủ nhận mà nó mang lại cho nền kinh tế mỗi quốc gia.
Trái với chính sách bảo hộ mậu dịch, tự do hóa thương mại từng bước cắt bỏ những rào cản thuế quan và phi thuế quan trong quan hệ thương mại quốc tế, không phân biệt hàng hóa nội địa với hàng hóa nước ngoài trên thị trường nước mình nhằm tạo cơ hội cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại giữa các nước. Như vậy, kết quả của chính sách tự do hóa thương mại chính là mở rộng quy mô xuất khẩu, và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước chịu áp lực từ sức cạnh tranh của sản phẩm nước ngoài mà đổi mới công nghệ sản xuất và hoàn thiện quy trình quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp mình. Các quốc gia đang phát triển có cơ hội thuận lợi để rút ngắn sự lạc hậu về công nghệ và nghèo nàn về kinh tế bằng cách nhập khẩu những máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại để trang bị cho nền kinh tế trong nước và thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Chính sách mậu dịch tự do cũng giúp khai thác triệt để mọi tiềm năng của nền kinh tế quốc gia, giải quyết tốt việc làm cho người lao động, giúp người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi ích cao nhất từ quá trình hội nhận nền kinh tế quốc tế .
Tuy nhiên, chính sách tự do hóa thương mại cũng còn những mặt hạn chế cần khắc phục kịp thời. Khi áp dụng chính sách tự do hóa thương mại, nền kinh tế của một quốc gia dễ bị tác động xấu từ môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của toàn bộ nền kinh tế, cũng như chính trị – xã hội do bị phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Đồng thời, nền kinh tế cũng dễ mất cân đối khi tập trung vào những ngành hàng có lợi thế so sánh để phục vụ xuất khẩu.
Như vậy, nền kinh tế của một quốc gia cần đáp ứng một số điều kiện nhất định khi thanh gia vào tự do hóa thương mại để phát huy tốt lợi thế so sánh. Chính sách thương mại tự do thường được áp dụng sau khi thị trường hàng hóa trong nước có đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Muốn vậy, Chính phủ cần chú trọng cải thiện và nâng cao sứcc cạnh tranh của thị trường nội địa bằng các biện pháp đảm bảo ổn định vĩ mô về cả chính trị và kinh tế, để tạo không khí hợp tác hòa bình, hữu nghị, hợp tác kinh doanh thuận lợi. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ nhất quán, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động kinh tế đối ngoại. Nâng cao hiệu quả quản lý hành chính của các cơ quan hoạt động ngoại thương. Xây dựng các trung tâm giao lưu kinh tế và cửa ngõ thông thương với thị trường thế giới đạt tiêu chuânt quốc tế như hệ thông giao thông, thông tin liên lạc, các dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu…. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thương mại quốc tế.
Trong thực tế, các quốc gia khó có thể áp dụng một chính sách thương mại quốc tế nhất định. Chính sách bảo hộ mậu dịch và mậu dịch tự do thường tồn tại song song và được kết hợp sử dụng có chọn lọc. Cách kết hợp hai chính sách thương mại này như thế nào tùy thuộc vào trình độ phát triển, điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội cụ thể của mỗi quốc gia. Tự do hóa thương mại nên được áp dụng theo một quá trình từ thấp đến cao, từ cục bộ đến toàn thể, tùy thuộc vào nội lực, điều kiện của từng quốc gia. Có thể kết hợp tự do hóa thương mại ở lĩnh vực này và bảo hộ mậu dịch ở lĩnh vực khác với mức độ dung hòa nhau. Nhìn chung, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chính sách thương mại quốc tế của các nước ngày càng theo hướng tự do hóa thương mại với việc giảm dần sự bảo hộ cho sản xuất trong nước như giảm thuế, dỡ bỏ rào cản phi thuế quan, khuyến khích nhập khẩu mặt hàng không có lợi thế sản xuất, chính sách hạn chế nhập khẩu thường chỉ được sử dụng với mục địch đảm bảo an kinh kinh tế chính trị và xã hội.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
2 Th8 2022
2 Th8 2022
3 Th8 2022
5 Th1 2022
3 Th8 2022
2 Th8 2022