Các nguyên tắc của chính sách thương mại quốc tế

Mỗi quốc gia đều xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của riêng mình phù hợp với trình độ phát triển kinh tế và lịch sử hình thành quốc gia để phát huy được lợi thế so sánh và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, khi tham gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới, chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia cũng cần tuân theo những chuẩn mực quốc tế và những nguyên tắc trong luật thương mại quốc tế của các tổ chức kinh tế này. Việc điều chỉnh, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế cũng như các biện pháp thực hiện chính sách thương mại quốc tế tựu chung lại đều phải tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản sau đây.

1. Nguyên tắc ưu đãi hơn đối với các quốc gia đang phát triển

Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP (Generalized Systems of Prefrences) là kết quả của cuộc đàm phán liên chính phủ được tổ chức dưới sự bảo trợ của hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD). Theo hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), các ưu đãi về thếu quan được áp dụng cho hàng hoá xuất khẩu từ các nước đang phát triển trên cơ sở không cần có đi có lại và không phân biệt đối sử. Khi cùng tham gia vào các tổ chức thương mại quốc tế, các hiệp định song phương đa phương, nghĩa vụ của các quốc gia đang phát triển khó có thể ngang bằng với các quốc gia phát triển do sự chênh lệch về yếu tố điều kiện phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật và xã hội. Vì vậy, nguyên tắc đối xử ưu đãi hơn đối với các quốc gia đang phát triển nhằm tạo môi trường bình đẳng, tạo động lực cùng phát triển giữa các thành viên trong cùng một tổ chức.

Hệ thống GSP là một hệ thống mà theo đó các quốc gia đang phát triển có thể vận dụng nguyên tắc này hiệu quả trong các cuộc đàm phán song phương, đa phương để yêu cầu các quốc gia phát triển dành ưu đãi, hỗ trợ cho mình. Nguyên tắc này cũng giúp linh động thời gian thực hiện các nghĩa vụ trong cam kết thương mại, giảm mức độ nghĩa vụ của các quốc gia đang phát triển. Các quy định pháp lý cũng như chế độ thương mại cũng thành lập với mục đích tạo thuận lợi và xem xét đến lợi ích của các quốc gia kém phát triển. Ngoài ra, các nước phát triển cũng hỗ trợ về công nghê, kỹ thuật bằng các khóa đào tạo, các chương trình viện trợ cho các quốc gia đang phát triển.

Ngoài ra, sự ưu đãi hơn đối với các quốc gia đang phát triển còn nhằm mục đích xóa nghèo trên toàn thế giới. Nhóm các quốc gia cần ưu đãi nhất là các quốc gia có thu nhập thấp và thấp hơn trung bình. Trong các vòng đàm phán thương mại đa phương, các nước đang phát triển không nhận được nhiều lợi ích và rất ít trong số các quốc gia này tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập WTO. Các nước này cũng gặp khó khăn trong quá trình đàm phán giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của mình bởi vì các hiệp định đa phương chủ yếu giảm thuế cho các sản phẩm xuất khẩu của các nước công nghiệp. Các quốc gia đang phát triển còn gặp hạn chế với quy mô nền kinh tế nhỏ, số lượng mặt hàng xuất khẩu còn ít, dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ điều kiện thương mại bên ngoài. Ưu đãi thuế quan là một phần nhỏ giúp các nền kinh tế nghèo hơn tăng cường sự hiện diện của họ trong thị trường toàn cầu và cho phép các nước này có quyền quyết định đối với thị trường nội địa của mình.

2. Nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc

Nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc (MFN – Most Favoured Nation) là một trong những nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại. Với nguyên tắc này, các bên tham gia vào thương mại quốc tế cam kết đối xử ngang bằng với các quốc gia khác nhau. Cụ thể, đối với các thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO, Điều I hiệp định GATT 1994 về thương mại hàng hóa và Điều II hiệp định GATS đối với thương mại dịch vụ quy định: “nếu một quốc gia thành viên cho phép một nước hưởng ưu đãi về thuế quan hay các ưu đãi khác đối với bất kỳ sản phẩm nào thì ngay lập tức và vô điều kiện, quốc gia này cũng phải cho phép các nước thành viên khác hưởng ưu đãi như thế đối với sản phẩm tương tự”. Như vậy, đối với các thành viên của 2 Hiệp định này, tất cả các ưu đãi, miễn giảm về bất kỳ khoản phí nào liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu và các khoản thuế mà một bên tham gia đã đang hoặc sẽ dành cho bất kỳ một bên thứ ba nào thì sẽ được dành không kém cho bên tham gia kia một cách vô điều kiện. Các thủ tục, quy định kiểm duyệt khi đưa hàng hóa của một bên tham gia vào lãnh thổ của bên tham gia kia sẽ không rườm rà, phức tạp hơn so với các quốc gia còn lại. Quy chế MFN được áp dụng ngay lập tức mà mọi thành viên của hai hiệp định này phải chấp nhận. Chế độ MFN được áp dụng bình đẳng cho tất cả các quốc gia thành viên.

Nguyên tắc nào dù chặt chẽ đến đâu cũng có những ngoại lệ riêng của chúng. Trong trường hợp, các quốc gia cùng là thành viên của bất kỳ một Hiệp định khu vực nào đó hoặc có chung đường biên giới, dành cho nhau những ưu đãi thương mại hoặc những quyền lợi đặc biệt nào thì không cần áp dụng đối với một nước thứ ba. Ngoại lệ này cũng khuyến khích các quốc gia cùng hợp tác liên kêt khu vực, liên kết nhóm thương mại để đạt được những lợi ích cao nhất mà tự do hóa thương mại mang lại. Ngoài ra những quốc gia đang phát triển cũng được ưu tiên hưởng khoảng thời gian chuyển tiếp lâu hơn để hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của mình cũng như cơ chế pháp luật phù hợp để bảo hộ nền sản xuất nội địa.

3. Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia

Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (National Treatment – NT) quy định về sự đối xử công bằng của các quốc gia đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài và hàng hóa, dịch vụ trong nước. Theo đó, Hàng hóa nước ngoài được hưởng mọi ưu đãi về thuế trong nước, cũng như các khoản phí tiêu thụ, các luật lệ như hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước. Chế độ đãi ngỗ quốc gia cũng được quy định rõ ràng đối với hàng hóa và dịch vụ tại Điều III, hiệp định GATT 1994 và điều XVII hiệp định GATS. Lợi ích của nguyên tắc này là giúp hàng hóa đươc tự do lưu thông trong một quốc gia, không phân biệt xuất xứ trong nước hay ngoại nhập, điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước đối với nước ngoài nếu không muốn bị chiếm thị trường. Sự không phân biệt xuất xứ hàng hóa không chỉ nằm ở mức áp thuế tiêu thụ, mà còn ở phương pháp đánh thuế, các chi phí liên quan đến bán hàng, các luật lệ, quy định, điều kiện ảnh hưởng đến việc bán hàng, việc quản lý các hạn chế định lượng trên thị trường nội địa.

Từ đó, các sản phẩm nước ngoài không còn các rào cản về thuế quan hay rào cản về luật lệ để thâm nhập vào thị trường. Doanh nghiệp trong nước cũng cần tăng cường phát triển về công nghệ sản xuất, quản lý, phấn đấu hạ giá thành để có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Tuy nhiên, nguyên tắc đối xử quốc gia cũng gây bất lợi cho các quốc gia đang phát triển với sức cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ nội địa còn thấp. Vì vậy các Hiệp định thương mại không bắt buộc tất cả các quốc gia áp dụng ngay nguyên tắc này mà vẫn cho phép các nước thành viên quy định Danh mục miễn trừ đối xử Đãi ngộ quốc gia được nêu ra ngay khi đàm phán gia nhập các Hiệp định này và được chấp thuận.

4. Nguyên tắc minh bạch và cạnh tranh lành mạnh

Nguyên tắc minh bạch được thể hiện rõ ràng nhất thông qua các chính sách và chế độ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của mỗi quốc gia. Các chính sách và chế độ pháp lý này phải đảm bảo tính thống nhất, hợp lý và được áp dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại trong và ngoài nước. Trên thực tiễn các quốc gia thường thiết lập các chính sách thương mại và chế độ pháp lý theo hướng bảo hộ hợp pháp nền sản xuất nội địa. Và hai công cụ được sử dụng chủ yếu là rào cản thuế quan và phi thuế quan. Tuy nhiên, các rào cản phi thuế quan như áp dụng hạn ngạch đang dần được xóa bỏ bởi đây là một phương pháp bảo hộ khó dự đoán, thiếu công bằng, gây đảo lộn quy luật cung cầu tự nhiên của thị trường. Phương pháp này chỉ được áp dụng như một công cụ bảo hộ khẩn cấp trong các trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo sự cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, tình hình tài chính khó khăn của các quốc gia, và thường được áp dụng ở các quốc gia đang phát triển nhiều hơn. Ngược lại, thuế quan lại được coi là công cụ bảo hộ công khai, minh bạch và dễ dự đoán nhất. Thuế quan giúp đảm bảo tính tự nhiên của quy luật cung câu trên thị trường, không gây tác động trực tiếp lên thị trường bởi bàn tay Nhà nước, nhờ đó nên kinh tế của các quốc gia có thể phát triển thuân lợi, dễ kiểm soát và điều chỉnh khi gặp bất lợi. Hơn thế, trong các cuộc đám phán gia nhập các Hiệp định thương mại thuế quan là công cụ hữu ích để thương lượng cắt bỏ, tiến tới tự do hóa thương mại.

Để đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động thương mại quốc tế, các quốc gia áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp cho các sản phẩm nhập khẩu vào nước mình. Các biện pháp này giúp nước chủ nhà hạn chế những cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp nội địa, cũng như đảm bảo môi trường thương mại quốc tế lành mạnh. Nhằm đạt được các lợi ích thương mại của mình trong các thương vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sử dụng những chiêu trò gian lận thương mại như bán phá giá sản phẩm tại thị trường nước ngoài thấp hơn so với mức giá trong nước. Chính phủ các quốc gia nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp mình chiếm lĩnh thị trường nước ngoài đã có những biện pháp trợ giá hàng xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến điều kiện cạnh tranh. Chính vì vậy, Hiệp đinh GATT 1994 đã quy định, khi phát hiện hàng hóa bị bán phá giá hoặc hưởng trợ cấp của nước xuất khẩu gây tổn hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa, chính phủ nước nhập khẩu được quyền áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu bán phá giá và thuế đối kháng đối với hàng hóa nhập khẩu được trợ cấp. Việc áp dụng hai loại thuế này như một hành động tự vệ để bù đắp những tổn thất nghiêm trọng mà ngành sản xuất nội địa phải gánh chịu. Tuy nhiên, việc tiến hành điều tra để chứng minh hàng hóa được hưởng trợ cấp hoặc bán phá giá tại thị trường nhập khẩu và chứng minh những tổn hại mà ngành sản xuất trong nước gặp phải là không dễ dàng, cần thu thập nhiều bằng chứng cụ thể và có căn cứ về mặt thị trường khách quan.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.