Chính sách thương mại quốc tế của Mỹ

Mỹ là quốc gia có nền kinh tế với quy mô lớn nhất thế giới với rất nhiều công ty, tập đoàn lớn tập trung cấu thành thành phần chính của nền kinh tế. Kinh tế Hoa Kỳ luôn duy trì được năng suất lao động cao, mức tăng trưởng kinh tế đều đặn qua các năm, tỷ lệ thất nghiệp thấp, trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển. Chính vì thế, chính sách thương mại của quốc gia này có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong khuôn khổ quốc gia mà cả thế giới.

Nhìn chung, Mỹ duy trì chế độ thương mại và đầu tư tự do với các chính sách, biện pháp áp dụng tỏ rõ tính công bằng và minh bạch khi được chính phủ Mỹ công bố rộng rãi và có các tổ chức uy tín đánh giá hiệu quả kinh tế và tầm ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia phát triển lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng cao nên chỗ đứng và khả năng thâu tóm thế giới của Mỹ không còn được như trước. Chính vì thế, quốc gia này đã áp dụng các chính sách thương mại quốc tế linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để có thể duy trì sự phát triển bền vững trên thị trường đầy thách thức và biến động.

Thứ nhất, Mỹ áp dụng các rào cản thuế quan và phi thuế quan, theo đó, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường nước này không phải chịu thuế hoặc với mức thuế rất thấp, đặc biệt là đối với hơn 150 nước đang phát triển hiện nay. Nhưng ngược lại, các nhà sản xuất ở Mỹ thường phải chịu mức thuế cao ở các nước đang phát triển. Chính vì thế, Mỹ áp dụng thêm các biện pháp phi thuế quan, tăng cường bảo hộ mậu dịch nhằm hạn chế số lượng đối với một số mặt hàng nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dung, dệt may, hoặc là khi chúng xuất phát từ Trung Quốc.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế định lượng, chẳng hạn như hạn ngạch nhập khẩu nhằm giới hạn khối lượng hay số lượng các loại hàng hóa khác nhau được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong một khoảng thời gian xác định. Ở Mỹ hiện nay áp dụng hai hạn ngạch nhập khẩu là hạn ngạch tuyệt đối và hạn ngạch thuế quan được xây dựng và chịu trách nhiệm bởi Bộ thương mại Hoa Kỳ phối hợp với Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ. Ngoài ra, nước này còn hạn chế nhập khẩu theo các luật môi trường, hạn chế nhập khẩu vì mục tiêu an ninh chính trị và kinh tế, hạn chế nhập khẩu các loại hàng nông sản và dệt may để giữ thị trường trong nước ổn định, hạn chế tình trạng tăng giá mất kiểm soát. Việc hạn chế nhập khẩu hàng nông sản và dệt may này có tác dụng hỗ trợ giá nông sản và nguồn lương thực trong nước và đảm bảo thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó Mỹ còn áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu thông qua hệ thống giấy phép và các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, an toàn lao động, vệ sinh dịch tễ, xuất xứ và ký mã hiệu hàng hóa, bản quyền, …

Hình 10.5: Top 5 mặt hàng nhập khẩu và đối tác nhập khẩu lớn nhất của Mỹ năm 2014

Nguồn: Global Edge

Thứ hai, Mỹ chủ trương thực hiện các biện pháp theo hướng đàm phán song phương, khu vực và đa phương để đạt được các hiệp định thương mại có lợi cho các bên. Cụ thể, quốc gia này tăng cường thúc đẩy đàm phán đa phương bằng cách tích cực tham gia và trở thành thành viên chủ chốt trong nhiều tổ chức quốc tế như GATT, WTO, IMF, WB… Ngoài ra, Hoa Kỳ còn tập trung đẩy mạnh tự do hóa khu vực bằng cách tích cực tham gia đàm phán nhằm thành lập khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và FTAA Tây bán cầu. Điều này sẽ giúp Mỹ nâng cao tính cạnh tranh và tầm ảnh hưởng đối với Châu Âu và Nhật Bản cả về chính trị và kinh tế. Không chỉ có thế, Mỹ còn vươn sang cả Châu Á, tích cực tham gia vào nhiều tổ chức thuộc khu vực này, quan trọng nhất là tổ chức APEC để duy trì được vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Mỹ còn đưa ra sáng kiến thành lập khu vực mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương, gắn EU với NAFTA. Thực chất của các hoạt động thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực này chính là Mỹ muốn thông qua đó tác động tới các đàm phán tự do hóa thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, các hiệp định song phương với các đối tác từ những nước phát triển như Nhật đến các nước đang phát triển như các quốc gia thuộc ASEAN hay thậm chí là các nước nghèo cũng được Mỹ ký kết để từng bước dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động kinh tế ở các quốc gia.

Thứ ba, trong văn kiện Sáng kiến Xuất khẩu quốc gia, Mỹ chủ trương tận dụng tối đa các cơ hội nhằm mở rộng mối quan hệ thương mại thông qua hội nhập kinh tế với các quốc gia tại Châu Á và Châu Phi hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014. Đồng thời, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại, mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin và Hiệp định Dịch vụ quốc tế.

Thứ tư, Mỹ đề ra các chương trình ưu đãi thương mại chẳng hạn như Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và Chương trình Xúc tiến thương mại và Chống ma túy (ATPDEA) dành cho các nước khu vực Nam Mỹ. Trong tương lai Mỹ sẽ thiết lập thêm các chương trình ưu đãi khác dành cho các nước kém phát triển tuy nhiên phía Mỹ đang vấp phải những tranh cãi về mức thuế suất đối với sản phẩm dệt may.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.