Trong khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, Thái Lan nổi lên là một nước có nền kinh tế phát triển tương đối ổn định. Nhất là trong vài ba thập kỷ gần đây, từ mức thu nhập GDP là 3.031 USD/ đầu người năm 1996 đã tăng lên mức 14.980 năm 2015. Để đạt được mức thu nhập này, không thể không nhắc đến những chính sách hiệu của của chính phủ Thái Lan trong phát triển kinh tế, đặc biệt là chính sách thương mại quốc tế tập trung vào hoạt động xuất khẩu. Chính sách này được dựa trên nền tảng tư tưởng của thuyết về lợi thế so sánh của David Ricardo – một nhà kinh tế học người Anh. Trong lý thuyết này, ông cho rằng mỗi quốc gia cần tập trung phát triển những ngành sản xuất thế mạnh của mình, vừa nâng cao giá trị cạnh tranh trên thương trường vừa hình thành được cực tăng trưởng để dễ dàng thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước. Thị trường tiêu điểm của thuyết lợi thế so sánh chính là thị trường quốc tế, trong đó xuất khẩu được coi là động lực quan trọng nhất của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, mà cụ thể hơn đó chính là Chính sách thương mại hướng về xuất khẩu (David Ricardo, 1951). Bằng việc áp dụng thành công lý thuyết này vào thực tế tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực như thuế quan, quy chế xuất nhập khẩu, thị trường, chính sách sản phẩm,… Thái Lan đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới với nhiều mặt hàng thế mạnh như: máy móc công nghiệp, điện tử, phụ tùng máy móc, cao su, nhựa,…
Cụ thể, trong chính sách thương mại hướng về xuất khẩu, Thái Lan đã đề ra các nội dung sau:
Thứ nhất, các quy chế về thương mại và thuế quan: Đối với các quy chế xuất nhập khẩu, bộ Thương mại Thái Lan phân loại các hàng hóa phải chịu sự kiểm soát nhập khẩu với các mức thuế nhập khẩu khác nhau để bảo vệ sản xuất trong nước. Ngược lại, các hàng hóa xuất khẩu chỉ có một số loại thuế nhất định với nhiều quy định mang tính khuyến khích để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Ở Thái Lan không hạn chế các thành phần kinh tế được phép xuất khẩu, nghĩa là cả công ty nhà nước, công ty tư nhân, tổ chức kinh doanh, hợp tác xã, nhóm nông dân,… đều có thể tham gia xuất khẩu. Bên cạnh đó, để khuyến khích buôn bán đường biển, Thái Lan khuyến khích hàng hóa chuyên chở bằng phương tiện của Thái Lan nếu không muốn phải chịu hai lần cước phí vận tải. Đối với thuế quan, Thái Lan áp dụng thuế quan như là một công cụ bảo hộ, nhất là đối với các ngành công nghiệp non trẻ của đất nước nhằm khuyến khích các mặt hàng chế tạo thay thế nhập khẩu. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sử dụng nhiều biện pháp phi thuế quan để bảo hộ các ngành công nghiệp của mình, chẳng hạn như hạn chế số lượng mặt hàng nhập khẩu, cấp giấy phép xuất nhập khẩu cũng như các quy định về tiêu chuẩn chất lượng cho từng loại hàng hóa.
Thứ hai, về chính sách sản phẩm: đây chính là cơ sở để xác định cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó đáng kể nhất là chuyển từ xuất khẩu sản phẩm sơ chế sang các mặt hàng chế tạo. Chính vì thế, cơ cấu xuất khẩu của nước này từ mức rất nghèo nàn với 4 mặt hàng chủ yếu là gạo, cao su, gỗ và thiếc đã trở nên rất phong phú và đa dạng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao như ô tô, xe máy, thiết bị điện – điện tử, máy móc phụ tùng,…
Thứ ba, về chính sách thị trường: đây được coi là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của Thái Lan. Đến nay, quốc gia này đã đặt quan hệ thương mại với trên 170 nước và xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng như nông sản, thực phẩm chế biến, nguyên vật liệu, các mặt hàng chế tạo, hóa chất,… Thị trường xuất khẩu của Thái Lan được mở rộng không ngừng, tập trung chủ yếu vào các nước công nghiệp phát trển như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh EU, các nước ASEAN, Trung Quốc,…
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Thái Lan cũng rơi vào tình trạng khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ với tỷ lệ tăng trưởng GDP âm, khoản nợ nước ngoài khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp tăng,… Thực trạng này thúc đẩy chính phủ Thái Lan thay đổi chính sách thương mại quốc tế đúng đắn để duy trì và phát triển được thế mạnh kinh tế của mình.
Cụ thể, Thái Lan ban hành các chính sách thúc đẩy xuất khẩu bằng cách giảm nhập khẩu, tìm kiếm các mặt hàng xuất khẩu mới, thị trường mới, đa dạng hóa các mặt hàng, đầu tư vào chất lượng hàng hóa đê nâng cao tính cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh các đối tác truyền thống, Thái Lan tập trung tới thị trường các nước đang phát triển thuộc các khu vực ASEAN, Châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc,… với sự hỗ trợ tích cực về vốn từ chính phủ. Về cơ cấu thương mại quốc tế, Thái Lan đề cao vai trò của khu vực dịch vụ, trong đó có 5 ngành được ưu tiên xuất khẩu là ẩm thực, văn hóa phẩm, khu giải trí, mỹ viện, chăm sóc sức khỏe và y tế. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan còn tăng cường ký kết các hiệp định về tự do hóa thương mại song phương nhằm tạo đà cho các hiệp định về tự do hóa thương mại đa phương với các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, giảm lãi suất tín dụng,…
Song song với tự do hóa thương mại, Thái Lan còn tăng cường bảo hộ hợp lý kinh tế trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, chẳng hạn như: thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa nội địa và từng bước xâm nhập thị trường khu vực và thế giới; áp dụng mức thuế suất thấp cho các mặt hàng là đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với từng loại hàng xuất khẩu, chính phủ Thái Lan có những chính sách hỗ trợ khác nhau: đối với mặt hàng truyền thống, chính phủ hỗ trợ về vốn và công nghệ để đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, quốc gia này còn tích cực cải thiện môi trường pháp lý để thu hút FDI, trong đó có việc đổi mới quy chế quản lý ngoại hối, sử dụng các công cụ thuế để định hướng thương mại và đầu tư.
Một số chỉ số thương mại của Thái Lan trong năm 2014 so với thị trường thế giới được thống kê như sau:
Bảng 10.1: Một số chỉ số thương mại của Thái Lan trong năm 2014
Với những gì mà chính phủ Thái Lan đang tiến hành thông qua các chính sách thương mại quốc tế, Thái Lan đã duy trì được sự ổn định tài chính vĩ mô và đảm bảo khả năng phục hồi của nền kinh tế bất chấp nhưng thách thực nội sinh và ngoại sinh có thể làm giảm đi tốc độ phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự tăng trưởng kinh tế của nước này được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
7 Th1 2022
29 Th12 2021
3 Th8 2022
2 Th8 2022
3 Th8 2022
3 Th8 2022