Quá trình tự do hóa thương mại của Việt Nam

1. Quan điểm của Đảng và nhà nước về tự do hóa thương mại

Việc hội nhập quốc tế, tự do hóa thương mại manh nha từ lâu tại Việt Nam, nhưng cho đến tận Đại hội Đảng khóa VI, chủ trương nhất quán của Đảng & Nhà nước (“đa dạng hóa” & “đa phương hóa” quan hệ kinh tế với các quốc gia, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, tham gia vào các tổ chức, hiệp hội quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện) mới thực sự đẩy mạnh tiến trình này.

Đặc biệt, với dấu mốc của việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là “chủ động”, “tích cực” hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác. Tiếp đó, chủ trương đưa ra trong Đại hội XI (diễn ra vào năm 2011) tiếp tục được nâng tầm thành “hội nhập quốc tế”. Ngay từ năm 2001, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Việt Nam có thể gia nhập WTO. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết về việc nắm bắt cơ hội & vượt qua thách thức. Tiếp đó vào tháng 4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22 đề cập đến hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Như vậy, tự do hóa thương mại, tích cực tham gia các FTAs là chủ trương, đường lối được Đảng và Nhà nước lãnh đạo nhất quán trong suốt thời gian qua. Tính nhất quán, xuyên suốt trong quan điểm của các nhà lãnh đạo được lưu giữ và cố gắng phấn đấu thực hiện trong nhiều năm, không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang tăng trưởng chậm và có nhiều biến động khó lượng, các hiệp định tự do hóa thương mại mới đàm phán bắt đầu có hiệu lực được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế.

2. Quá trình tự do hóa thương mại của Việt Nam

Hành trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam tính đến hiện đã được 20 năm. Thành quả nổi bật của Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong hành trình trên là trở thành thành viên chính thức của ASEAN, APEC, trở thành thành viên chính thức của WTO, và ký kết 16 FTAs. Quá trình tự do hóa thương mại của Việt Nam gắn chặt với quá trình đổi mới chính sách thương mại quốc tế. Bốn giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại của Việt Nam bao gồm (i) Giai đoạn thăm dò hội nhập; (ii) Giai đoạn khởi động hội nhập; (iii) Giai đoạn tăng cường hội nhập và (iv) Giai đoạn hội nhập sâu

Hình 8.1: Các giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

  • Giai đoạn thăm dò hội nhập (1988-1991)

Đặc trưng của giai đoạn đầu hội nhập này là các nỗ lực đổi mới, tăng cường thương mại với các nước bên ngoài khối SEV. Quá trình công nghiệp hoá không rõ ràng nhưng đã dần hướng đến thay thế nhập khẩu & gỡ dần các hạn chế xuất khẩu, hoàn thiện chính sách tài chính – thuế. Với việc đổi mới các chính sách, quy định về xuất nhập khẩu và thương mại theo hướng thông thoáng hơn vào năm 1991, doanh nghiệp tư nhân được trực tiếp tham gia vào thương mại quốc tế & làm chủ các khu chế xuất.

Những mốc thời điểm quan trọng đánh dấu chuyển biến trong tự do thương mại của giai đoạn gồm:

    • 1988: Ban hành Luật thuế xuất nhập khẩu.
    • 1989: Hệ thống hạn ngạch xuất khẩu (trừ 10 loại hàng) & hạn ngạch nhập khẩu (trừ 14 loại hàng) được dỡ bỏ. Giảm thuế, số mặt hàng xuất khẩu tính thuế. Dỡ bỏ trợ cấp xuất khẩu bằng ngân sách nhà nước.
    • 1990: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế doanh thu, thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành. Yêu cầu đăng ký một số nhóm hàng hoá xuất nhập khẩu với cơ quan quản lý nhà nước. Một số hàng hoá bị giới hạn xuất khẩu ở một số công ty.
    • 1991: Mở cửa sàn giao dịch ngoại hối. Quy định về thành lập khu chế xuất được ban hành. Giảm thuế xuất khẩu gạo từ 10% xuống 1%. Miễn thuế đầu vào đối với hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp tư nhân được trực tiếp tham gia vào thương mại quốc tế.
  • Giai đoạn khởi động hội nhập (1992-2000)

Đặc trưng của giai đoạn khởi động hội nhập là (i) việc liên tiếp đàm phán & ký kết các hiệp định đa phương như hiệp định khung với Liên minh châu Âu, (ii) trở thành quan sát viên của GATT, (iii) bắt đầu đàm phán gia nhập WTO, (iv) tham gia sáng lập Diễn đàn Á – Âu, (v) trở thành thành viên chính thức của APEC, ASEAN, (vi) bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo tham gia vào thương mại quốc tế ở Việt Nam. Nhận thức về mối quan hệ giữa tự do hoá & bảo hộ mậu dịch của Việt Nam trong chính sách thương mại quốc tế không có nhiều thay đổi. Chiến lược công nghiệp hoá không được vạch ra và định hướng thực hiện rõ ràng: vừa muốn thực hiện công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu vừa muốn hướng vào xuất khẩu.

Những mốc thời điểm quan trọng đánh dấu chuyển biến trong tự do thương mại của giai đoạn gồm:

    • 1992: Áp dụng hệ thống thuế quan hài hoà, hạn ngạch xuất khẩu dệt may. Giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng theo khuôn khổ Hiệp định khung ký với Liên minh châu Âu.
    • 1993: Dỡ bỏ giấy phép vận chuyển hàng xuất khẩu. Cho phép nợ thuế đầu vào xuất khẩu. Áp dụng hệ thống khai báo hải quan Liên hợp quốc.
    • 1994: Bãi bỏ giấy phép nhập khẩu trừ 15 mặt hàng. Chuyển chức trách tư vấn chính sách thuế xuất nhập khẩu chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Thương mại. Cải cách hành chính quy trình xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu.
    • 1995: Áp dụng hạn ngạch xuất khẩu duy nhất với mặt hàng gạo. Tăng thuế xuất khẩu với 11 mặt hàng. Giảm các mức thuế doanh thu từ 18 xuống 11.
    • 1996: Giảm thuế ô tô nhập khẩu nhưng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tối đa (80% lên 100%).
    • 1997: Dỡ bỏ kiểm soát buôn bán gạo nội địa & cho phép các doanh nghiệp tư nhân được quyền xuất khẩu gạo. Cấm nhập khẩu đường. Hệ thống dán tem hàng nhập khẩu chống buôn lậu được áp dụng.
    • 1998: Cho phép doanh nghiệp FDI xuất khẩu hàng hoá không có trong giấy phép đầu tư. Điều chỉnh thuế suất cao nhất xuống 60%. Cho phép doanh nghiệp trong nước được xuất khẩu trực tiếp không cần giấy phép. Dỡ bỏ việc áp dụng tính giá nhập khẩu tối thiểu. Sửa đổi luật thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt (tăng thuế xe máy nội địa, tăng thuế với hàng xa xỉ). Các yêu cầu về giấy phép của Bộ Thương mại được dỡ bỏ.
    • 1999: Ban hành Nghị định 16 CP về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan.
    • 2000: Yêu cầu doanh nghiệp FDI khi nhập khẩu phải xuất trình kế hoạch nhập khẩu & được phê duyệt của Bộ Thương mại (trừ phụ tùng thay thế). Quy định chi tiết thi hành luật thuế giá trị gia tăng.
  • Giai đoạn tăng cường hội nhập (2001 – 2007)

Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết tự do thương mại đã ký kết trước đó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc đẩy mạnh hội nhập như cáo buộc bán phá giám các tranh luận trong nước về lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế) và tích cực đàm phán gia nhập WTO. Nhưng chưa thống nhất giữa các cấp, ngành về mục tiêu & phương pháp công nghiệp hoá dẫn đến tình trạng Việt Nam đã đi theo chứ chưa chủ động hội nhập. Hơn nữa, Việt Nam vẫn đang lúng túng trong việc giải quyết việc bảo hộ thị trường nội địa (ô tô, sắt thép, điện tử).

Những mốc thời điểm quan trọng đánh dấu chuyển biến trong tự do thương mại của giai đoạn gồm:

    • 2001: Ban hành Luật hải quan. Cho phép mọi doanh nghiệp đều được xuất nhập khẩu (trừ hàng hoá bị cấm xuất, cấm nhập theo quy định). Việc xuất khẩu không hạn chế theo ngành nghề ghi trong giấy phép kinh doanh nhưng việc nhập khẩu phải theo ngành nghề ghi trong giấy phép kinh doanh. Quản lý theo giấy phép hàng dệt may và hàng theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết.
    • 2002: Áp dụng tính thuế nhập khẩu theo hợp đồng mua bán ngoại thương. Ban hành (i) Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT) trong thương mại quốc tế; (ii) Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam; (iii) Nghị định về trị giá tính thuế nhập khẩu theo điều VII GATT; (iv) Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định hàng dệt-may mặc ký giữa Việt Nam và EU cho giai đoạn 2002 – 2005.
    • 2003: Quy định về phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hệ thống hài hoà HS. Ban hành (i) Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA cho các năm 2003 – 2006; (ii) Sửa đổi bổ sung một số điều của luật thuế tiêu thụ đặc biệt; (iii) Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi thay thế cho biểu 1998; (iv) Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Buôn bán Hàng dệt, may ký giữa Việt Nam và EU cho giai đoạn 2003-2005.
    • 2004 Tăng cường thủ tục nhập khẩu xăng dầu và tạm nhập tái xuất tăng dầu. Ban hành (i) Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định về thương mại hàng dệt, may Việt Nam – Hoa Kỳ cho giai đoạn 2003-2005. Sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam thực hiện Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN cho các năm 2003 – 2006. Thu lệ phí hạn ngạch hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ.
    • 2005: Bãi bỏ lệ phí hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt, may sang thị trường EU và Canada. Thực hiện cam kết về tiếp cận thị trường với EU và Hiệp định dệt may với Hoa Kỳ cho năm 2005. Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi. Quốc hội thông qua Luật thuế xuất nhập khẩu. Ban hành quy trình xét miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
    • 2006: Trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Ban hành các nghị định triển khai thực hiện Luật Thương mại. Thành lập Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Thương mại về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
  • Giai đoạn hội nhập sâu (2007-nay)

Giai đoạn này được đặc trưng bởi việc Việt Nam tham gia hội nhập sâu vào thương mại quốc tế với việc đàm phán, ký kết nhiều FTA với các đối tác quan trọng: (i) FTAs trong khuôn khổ ASEAN; (ii) FTAs song phương; và đặc biệt (iii) FTAs thế hệ mới, với tiêu chuẩn tự do hóa cao nhất cho tới thời điểm này như TPP, FTA Việt Nam – EU.

Đến đầu năm 2016, Việt Nam đã ký kết 11 FTAs (ASEAN – AEC; ASEAN – Ấn Độ; ASEAN – Australia/New Zealand; ASEAN – Hàn Quốc; ASEAN – Nhật Bản; ASEAN – Trung Quốc; Việt Nam – Nhật Bản; Việt Nam – Chile; Việt Nam – Hàn Quốc; Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu; TPP) và đang đàm phán 16 FTAs (RCEP (ASEAN+6); ASEAN – Hồng Kông; Việt Nam – EU; Việt Nam – EFTA; Việt Nam – Israel).

Đánh giá toàn diện trong ba thập kỷ trở lại đây, giai đoạn này là thời gian quá trình tự do hóa thương mại ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ nhất với những dấu mốc và thành tựu đặc biệt quan trọng với nền kinh tế. Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định, Thỏa thuận thương mại song phương, đa phương với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ loại bỏ dần các rào cản và các rủi ro thương mại, giúp các hoạt động thương mại xuyên biên giới được diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng cho thấy những hạn chế nhất định khi Việt Nam chưa tận dụng các lợi ích từ các cam kết tự do hóa thương mại đã tham gia như kỳ vọng.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.