Quan điểm hiện đại về thuyết lợi thế so sánh

Đã có rất nhiều nghiên cứu về thuyết lợi thế so sánh, hầu như tất cả đều bắt đầu từ thuyết lợi thế tuyệt đối dựa trên sự ủng hộ xu hướng tự do hoá thương mại của Adam Smith (1776). Ông đã nghiên cứu và chỉ ra tính khả thi của ý tưởng về tích luỹ vàng bạc của thuyết, chủ nghĩa trọng thương. Ông cho rằng một quốc gia không thể mãi mãi tích lũy vàng bạc được. Bởi vì nếu một quốc gia cố gắng để làm điều đó thì chẳng bao lâu quốc gia đó sẽ có quá nhiều kim quý, trong khi đó lại thiếu hụt hàng hóa trầm trọng – điều đó sẽ kéo giá cả hàng hoá trong nước tăng lên và sẽ làm cho hàng hoá trong nước kém hấp dẫn hơn trên thị trường thế giới. Điều sẽ xảy ra tiếp theo là lượng nhập khẩu sẽ tăng lên, và dù chính phủ ra bất cứ hạn chế nào cũng không quan trọng. Lượng vàng bạc, kim quý mà quốc gia đã tích lũy bấy lâu sẽ dần dần chảy ra nước ngoài. Ý tưởng của Adam Smith (1776) về thương mại và lợi ích của nó đối với xã hội được biết đến như “Lý thuyết về lợi thế tuyệt đối”, ở đó ông cho rằng “Quốc gia nên sản xuất, chuyên môn hoá sâu và xuất khẩu những hàng hoá mà quốc gia đó có một lợi thế tuyệt đối”.

Tiếp theo những thành công của nghiên cứu về lợi thế tuyệt đối của Smith, các tác giả sau này đã bắt đầu lấy nó làm tiền đề để phát triển và hoàn thiện hơn cho mình trong thuyết lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh luôn được xem xét về mặt lý thuyết từ nhiều góc độ khác nhau qua các góc độ nhận thức và quá trình chứng minh khác nhau. Đầu tiên phải nói đến việc nghiên cứu lợi thế so sánh từ góc độ hao phí lao động để sản xuất ra các mặt hàng (Ricardo, 1817) của hai quốc gia và hai hàng hoá (còn gọi là mô hình 2×2). Các giả định được đưa ra để bảo đảm cho lý thuyết được chấp thuận là: giả định thế giới chỉ có hai quốc gia và hai loại hàng hoá, lao động là yếu tố sản xuất duy nhất trong phạm vi quốc gia, không có chi phí vận tải và hàng rào thuế quan, và thương mại diễn ra hoàn toàn tự do. Nhờ có các giả định, lý thuyết lợi thế so sánh đã từng bước tiếp cận được quy luật lợi thế so sánh trong trao đổi thương mại quốc tế.

Thuyết lợi thế so sánh thể hiện mỗi quốc gia sẽ được lợi khi quốc gia đó chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó có thể sản xuất với chi phí thấp hơn (hiệu quả hơn) so với quốc gia khác (Gandolfo, 2014). Ngược lại, mỗi quốc gia sẽ được lợi nếu nhập khẩu được những mặt hàng mà quốc gia đó sản xuất được nhưng với chi phí cao và không hiệu quả bằng quốc gia khác. Hiện nay thuyết lợi thế so sánh đã được các học giả hiện đại đưa ra nghiên cứu trong điều kiện tối ưu, coi lợi ích từ thương mại quốc tế như là sự gia tăng trong số lượng hàng hoá và thu nhập thực tế (sản lượng) mà có thể thu được từ số lượng lao động nhất định (theo giả thiết, bằng tổng số lao động có sẵn). Và việc tối ưu hóa có thể hiểu là việc tối đa hóa thu nhập thực tế từ đầu vào cố định, ở đây được tính là lao động. Tuy nhiên điều này có thể được nhìn nhận theo quan điểm của chỉ một quốc gia hoặc theo tầm nhìn toàn cầu (bao gồm mô hình đơn giản, của hai quốc gia). Khi phân tích lợi thế so sánh qua giá trị lao động, giá trị hay giá cả của hàng hoá phụ thuộc nhiều vào số lượng lao động được sử dụng để sản xuất ra hàng hoá đó. Điều này thể hiện: lao động là yếu tố duy nhất để sản xuất ra hàng hóa hoặc lao động được sử dụng với một tỷ lệ cố định như nhau ở tất cả các loại hàng hoá và lao động là đồng nhất (nghĩa là tất cả các quốc gia chỉ có một loại lao động). Vì cả hai giả thiết này không hợp lý nên chúng ta không thể giải thích lợi thế so sánh dựa trên lý thuyết giá trị của lao động. Cụ thể hơn, lao động không phải là yếu tố sản xuất duy nhất và nó cũng không thể được sử dụng với một tỷ lệ nhất định như nhau ở tất cả các loại hàng hoá. Hơn thế nữa, luôn tồn tại khả năng thay thế giữa vốn, lao động và các yếu tố sản xuất khác trong việc sản xuất hàng hoá. Ngoài ra, rõ ràng lao động không thể đồng nhất mà lao động luôn khác biệt do các yếu tố đào tạo, năng suất và mức lương khác nhau. Cuối cùng, năng suất lao động luôn luôn khác nhau. Do đó, lý thuyết lợi thế so sánh không thể được giải thích dựa trên lý thuyết giá trị của lao động.

Dựa vào lý luận về lợi thế so sánh của David Ricardo, tác giả Heckscher và Ohlin đã xây dựng mô hình với 2 yếu tố cơ bản là quốc gia, hàng hoá và yếu tố mở rộng là yếu tố sản xuất là lao động và vốn (còn được gọi là mô hình 2 x 2 x 2), lợi thế so sánh sẽ có ở những mặt hàng được sử dụng tương đối nhiều các yếu tố sẵn có của quốc gia như lao động hoặc vốn đầu tư. Quốc gia nào có nguồn lao động dồi dào sẽ xuất khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều lao động, còn quốc gia nào dồi dào về vốn sẽ xuất khẩu những mặt hàng sử dụng tương đối nhiều vốn. Như vậy, sự dồi dào về các yếu tố vốn, lao động là nguồn gốc còn hàng hoá sử dụng nhiều yếu tố dồi dào là kết quả phát sinh. Chẳng hạn, Việt Nam là một quốc gia tương đối giàu về lao động so với các nước còn lại trên thế giới cho nên Việt Nam sẽ xuất khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều lao động như hàng dệt may, giày da…và nhập khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều vốn như ô tô, máy bay …

Hình 2.1: Mô hình kinh tế của Nhật Bản, Việt Nam

Như hình minh họa phía trên, giả định: số lượng quốc gia là 2, Nhật Bản và Việt Nam với công nghệ hai nước là như nhau. Có 2 yếu tố tham gia vào sản xuất là vốn và lao động. Không có chuyên môn hóa, các thị trường hàng hóa, các yếu tố sản xuất, yếu tố lao động được tự do di chuyển giữa các vùng trong một quốc gia. Như minh họa trên đây, có thể thấy đường biến đổi (giới hạn năng lực sản xuất) phản ánh khả năng bổ sung cơ cấu thương mại của quốc gia. Quốc gia nào có đường biến đổi nghiêng về phía mặt hàng sử dụng nhiều vốn sẽ có sự trao đổi lớn với các quốc gia có đường biến đổi nghiêng về các mặt hàng sử dụng nhiều lao động.

Nhận ra những hạn chế từ thuyết cổ điển của Ricardo, các nhà kinh tế học hiện đại đã tiếp tục nghiên cứu lợi thế so sánh dựa trên các cách tiếp cận khác, mới hơn, toàn diện hơn và mở rộng mô hình nghiên cứu. Kế thừa thành công của những nghiên cứu trước, Haberler (1936) đã đề cập đến chi phí cơ hội trong nghiên cứu của mình. Chi phí cơ hội được coi là sự mở rộng của hao phí lao động với phạm vi rộng hơn và tạo căn cứ có độ tin cậy cao hơn để xem xét lợi thế so sánh ở mức độ khái quát. Trong đó, ông đã khẳng định chi phí cơ hội hay giá tương đối của mặt hàng nào có thấp hơn mặt hàng đó sẽ có lợi thế so sánh. Cách tiếp cận của Haberler đã khắc phục được phần nào hạn chế của thuyết lợi thế so sánh chỉ xem xét lợi thế so sánh thuần tuý từ góc độ chi phí lao động của Ricardo.

Đến năm 1961, Balassa cho rằng lợi thế so sánh có thể xác định thông qua kết quả xuất khẩu và nhập khẩu của quốc gia về một mặt hàng với các quốc gia khác theo công thức lợi thế so sánh hiện hữu. Ngoài ra còn có thể tính được lợi thế so sánh thông qua mô hình lực hấp dẫn với các tham số như tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia tham gia thương mại, khoảng cách địa lý giữa các quốc gia và một số biến số khác. Theo cách tiếp cận này, lợi thế thương mại giữa các quốc gia phụ thuộc nhiều vào độ lớn của tổng sản phẩm quốc nội hơn là hình dạng của đường giới hạn năng lực sản xuất. Nếu quốc gia có nhiều vốn, đường giới hạn năng lực sản xuất sẽ nghiêng về các hàng hoá sử dụng nhiều vốn và nếu quốc gia giàu lao động thì đường giới hạn năng lực sản xuất sẽ nghiêng về phía hàng hoá sử dụng nhiều lao động. Sự khác nhau càng lớn về hình dạng này sẽ tạo khả năng bổ sung cơ cấu kinh tế thông qua việc gia tăng lợi thế hoạt động thương mại để đạt đến điểm cân bằng quốc tế. Balassa (1961) đã đưa ra công thức xác định lợi thế so sánh hiện hữu (RCA). Công thức được sử dụng khá phổ biến trong việc xác định lợi thế so sánh của từng mặt hàng cụ thể trong từng thời kỳ nhất định. Công thức này là một trong công cụ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu về lợi thế so sánh của các thành viên trong Tổ chức Thương mại thế giới.

RCA= 100 (Xij/Xwj)/ (Xit/Xwt)

Trong đó:

  • RCA: chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu của mặt hàng i của nước j trong một thời kỳ nhất định.
  • Xij: kim ngạch xuất khẩu mặt hàng i của nước j trong thời kỳ tương ứng, w: thế giới, t: tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới.

Chỉ số này đưa ra cách xác định mức độ lợi thế so sánh từ quan điểm cục bộ và cách nhìn có tính đơn lẻ mặc dù đã có bước tiến đáng kể trong việc khắc phục viêc xem xét lợi thế so sánh chỉ từ góc độ nguồn cung tạo ra lợi thế so sánh. Chỉ số RCA của Balassa đã được sử dụng phổ biến trong việc xác định lợi thế so sánh đối với từng mặt hàng của một quốc gia hoặc doanh nghiệp, ngành hàng đến từng thị trường cụ thể mà không tính được cho cả một danh mục hay một gói hàng hoá và dịch vụ của một quốc gia khi thực hiện giao dịch với từng đối tác cụ thể. Quan hệ thương mại với từng đối tác trong nhiều trường hợp có ý nghĩa quyết định đến trình độ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu sự phát triển thương mại của các quốc gia mà chỉ số này chưa phản ánh được một cách triệt để và toàn diện. Bên cạnh đó, chỉ số này còn phụ thuộc rất nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia, sự biến động của giá trị tiền tệ… và mức độ biến động của nhu cầu thị trường nhập khẩu về mặt hàng.

Khác với Balassa, Krugman (1987) phân tích khi lợi thế so sánh được xem xét từ góc độ sản phẩm cụ thể, không phải từ góc độ quốc gia, do đó, việc khai thác lợi thế so sánh trực tiếp từ góc độ doanh nghiệp và có sự hỗ trợ của chính phủ. Các chính sách của chính phủ cần có sự phối hợp với nỗ lực của doanh nghiệp để tối đa hoá các khoản lợi ích do lợi thế so sánh tạo ra. Chính sách thương mại và công nghiệp là phương tiện kết hợp các nỗ lực này. Để phát huy được tác dụng của lợi thế so sánh phát huy tác dụng, cần đáp ứng các điều kiện nhất định như lợi thế kinh tế diễn ra trong điều kiện tự do thương mại và không có bất kỳ loại rào cản nào, phạm vi di chuyển chỉ giữa các vùng trong nước với nhau, hiệu quả sản xuất không thay đổi theo quy mô, công nghệ sản xuất không đổi, cạnh tranh hoàn hảo, không có sự can thiệp của chính phủ, thị hiếu, nhu cầu của người dân giống nhau, cán cân thương mại cân bằng… Trên thực tế, lợi thế so sánh vẫn diễn ra dù không có các điều kiện ràng buộc cần thiết như trong giả định. Cho dù thị hiếu, nhu cầu của người dân khác nhau hay có sự thâm hụt trong cán cân thương mại thì quy luật lợi thế so sánh vẫn phát huy tác dụng.

Từ các phân tích ở trên có thể thấy để có lợi thế so sánh thuần tuý, cần có các điều kiện để bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển lợi thế này. Các điều kiện đó chính là các giả định được chứng minh trong quá trình nghiên cứu, lý giải thuyết lợi thế so sánh. Nếu thiếu các giả định này, lợi thế so sánh không diễn ra được thậm chí bị triệt tiêu và lợi thế trở thành bất lợi. Nói cách khác, lợi thế so sánh chỉ diễn ra khi có các điều kiện nhất định. Để phát huy tối đa lợi thế so sánh, cần thoả mãn các giả định hay những điều kiện ràng buộc. Quốc gia có lợi thế so sánh khi tham gia vào thương mại quốc tế thu được lợi ích từ thương mại và có thể đạt lợi ích thương mại tối đa (Gandolfo, 2014).

Lợi thế so sánh của quốc gia bao gồm lợi thế so sánh tự nhiên và lợi thế so sánh tự tạo. Lợi thế so sánh tự nhiên có từ các nguồn lực sẵn có như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động và nguồn vốn. Các cơ hội thị trường mở ra có khả năng tạo ra những lợi thế mới. Lợi thế so sánh tự tạo được hình thành từ chính sách đầu tư của chính phủ và doanh nghiệp thông qua chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh nội bộ ngành.

Tuy nhiên, hiện tại thuyết lợi thế so sánh cũng gặp phải những hạn chế khi không giải thích được mô hình trao đổi, giao thương của các nền kinh tế giống nhau. Việc xem xét các yếu tố cấu thành nên lợi thế so sánh ở dạng đơn giản (lao động và vốn) vẫn chưa thể hiện được cơ cấu của lao động và nguồn vốn như tay nghề lao động phải cao, chuyên môn, nghiệp vụ tốt và các doanh nhân giỏi. Nguồn vốn đầu tư và công nghệ phải ở trình độ cao, các loại dịch vụ sản xuất phải đạt trình độ đẳng cấp quốc tế như dịch vụ ngân hàng, tài chính… Cơ sở hạ tầng của sản xuất và thương mại cũng cần đạt đến trình độ cao về thương mại điện tử, giao thông vận tải, viễn thông … để phù hợp với những yêu cầu đặt ra của các giao dịch thương mại quốc tế. Nhiều hiện tượng mới xuất hiện trong thương mại quốc tế như thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, marketing… đều cần được đưa thành các trường hợp nghiên cứu có tính chất mở rộng của lý thuyết lợi thế so sánh. Hiện thuyết lợi thế so sánh vẫn liên tục được các học giả nghiên cứu, bổ sung trong các điều kiện và bối cảnh mới.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2016), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.