Tổng quát hóa lợi thế so sánh

Trong phần trước, các trường hợp đơn giản của thương mại quốc tế với hai mặt hàng, hai quốc gia đã được trình bày. Phần này sẽ đề cập tới việc mở rộng lý thuyết của Ricardo trong trường hợp n quốc gia trao đổi, buôn bán 2 mặt hàng và trường hợp 2 quốc gia và n mặt hàng. Trước khi chuyển đến nghiên cứu những vấn đề khái quát, chúng ta sẽ đề cập đến những tiến bộ khác trong nghiên cứu liên quan đến nguồn gốc của sự khác biệt trong chi phí so sánh giữa các quốc gia. Nguồn gốc đầu tiên, tác động trực tiếp nhất phải nói đó chính là khía cạnh kỹ thuật trong quy trình sản xuất. Theo thực tế, bất kỳ yếu tố nào có tác động đến chi phí đơn vị của sản xuất đều là nguồn gốc tiềm năng của chi phí / lợi thế so sánh. Trong số các yếu tố này, có thể liệt kê những yếu tố điển hình như: chất lượng của các tổ chức, luật thương mại, cơ sở hạ tầng, các tính năng của thị trường lao động, hiệu quả của việc thực thi pháp luật và đặc điểm văn hóa kinh doanh của các đại lý (Nunn, 2007; Costinot, 2009).

Từ hai quốc gia, mô hình lợi thế so sánh được khái quát hoá cho nhiều quốc gia. Việc tiếp tục phát triển lý thuyết này được thực hiện cả từ góc độ có sự tương đồng về cầu giữa các quốc gia, thương mại nội bộ ngành, chênh lệch về trình độ công nghệ, lợi thế theo quy mô… Điều này cho thấy quy luật lợi thế so sánh hoạt động trên nền tảng lớn hơn các giả định của lý thuyết và thậm chí có những biểu hiện rộng hơn so với các cách giải thích của từng cách tiếp cận cụ thể đối với từng cách tiếp cận đối với lý thuyết (Gandolfo, 2014).

1. Lợi thế so sánh trong trường hợp: n mặt hàng và hai quốc gia

Theo những phân tích đã nêu ở trên vẫn dựa trên mô hình thương mại quốc tế đơn giản: 2 quốc gia sản xuất và tiêu thụ 2 loại hàng hóa. Điều này đã giúp việc phân tích, nghiên cứu về lợi thế so sánh và thương mại quốc tế đơn giản hơn rất nhiều. Và để sát hơn với thực tế chúng ta sẽ nghiên cứu lợi thế so sánh hoạt động như thế nào trong trường hợp 2 quốc giá nhưng có nhiều loại hàng hóa. Giả định thế giới chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Mỹ. Mỗi quốc gia chỉ có một yếu tố sản xuất đó là lao động. Trình độ công nghệ của Việt Nam và Mỹ được phản ánh bằng yêu cầu lao động theo đơn vị sản phẩm cho mỗi loại hàng hoá, đó là số giờ lao động để sản xuất một đơn vị hàng hoá. Yêu cầu lao động theo đơn vị sản phẩm của Việt Nam được ký hiệu bằng chữ X, yêu cầu lao động theo đơn vị sản phẩm của Mỹ được ký hiệu bằng chữ Y. Điều này được minh hoạ bằng ví dụ sau đây:

Bảng 2.3: Mô hình thương mại n hàng hoá, 2 quốc gia

Theo mô hình trên Việt Nam có lợi thế nhất về cá và kém lợi thế nhất về phấn sáp. Để xác định được nước nào có lợi thế so sánh về sản xuất hàng hoá nào cần phải đặt trong mối quan hệ giữa mức lương ở nội địa và nước ngoài. Krugman (1996) đã chỉ rõ điểm then chốt để xác định lợi thế so sánh trong trường hợp 2 quốc gia với nhiều mặt hàng.

Việc sản xuất hàng hóa của quốc gia phụ thuộc vào tỷ lệ lương giữa nội địa và nước ngoài. Quốc gia sẽ có lợi thế chi phí ở mặt hàng nào có năng suất lao động tương đối cao, hiệu quả hơn so với mức lương tương đương của nó và tương tự quốc gia còn lại sẽ có lợi thế ở các mặt hàng khác. Giả dụ, mức lương ở Việt Nam cao gấp 5 lần Mỹ thì Việt Nam sẽ sản xuất cá, vải ở nội địa và Mỹ sẽ sản xuất phấn sáp. Nếu mức lương ở Việt Nam cao gấp 2,5 lần Mỹ thì lúc này Việt Nam sẽ sản xuất cá và Mỹ lúc này sẽ sản xuất vài và phấn sáp.

Theo quy luật lợi thế so sánh, Việt Nam sẽ chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu cá sang Mỹ và nhập khẩu vải, phấn sáp từ Mỹ; ngược lại đối với Mỹ. Bằng việc chuyên môn hoá và trao đổi như vậy sẽ đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ.

2. Lợi thế so sánh trong trường hợp: Hai mặt hàng và n quốc gia

Trong quy mô hai nước, mô hình thương mại luôn đúng. Với hai loại hàng hoá, mô hình thương mại được quyết định bởi lợi thế so sánh dựa trên đại lượng tương đối về lao động. Trong mô hình nhiều nước, có sự xuất hiện của tiền, mô hình thương mại được quyết định bởi tiền lương và chi phí lao động tương đối. Tuy nhiên, khi nhiều nước được đưa ra xem xét, chuyên môn hoá trong mô hình sẽ không đúng. Giả định thế giới chỉ có 2 loại hàng hóa là gạo và chip điện tử và chỉ có 3 nước tham gia hoạt động thương mại là Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.

Bảng 2.4: Mô hình thương mại 2 hàng hoá, n quốc gia

Như ta đã biết, trao đổi thương mại chỉ xảy ra giữa 2 quốc gia có giá trị trước thương mại (giá nội bộ) chênh lệch nhất. Theo mô hình trên tỷ lệ giá nội bộ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam cách xa nhau nhất cho nên lợi ích thương mại sẽ xảy ra tại hai quốc gia này. Còn tỷ lệ cân bằng sẽ nằm trong khoảng 1 C = 2,5 G và 1 C = 4 G (dấu “:” với nghĩa là đổi). Ngoài ra, Mỹ còn có lợi thế so sánh trong sản xuất chip điện tử, do (10/20 < 4/5). Việt Nam có lợi thế so sánh trong việc sản xuất gạo và mô hình thương mại giữa hai nước được quyết định như trong trường hợp mô hình lợi thế so sánh khi thế giới chỉ có hai nước.

Còn nước thứ 3 là Nhật, đóng vai trò trung gian. Việc tham gia thương mại của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào điều kiện trao đổi của thương mại quốc tế. Ba khả năng tồn tại trong khoảng (1C : 2,5 G – 1C : 4 G). Lúc đó, điều kiện thực hiện trao đổi có thể là: 1C : 3 G; 1C : > 3 G hay 1C : < 3G.

  • Trường hợp 1 (1C : 3 G): điều kiện thực hiện thương mại quốc tế bằng với giá nội địa ở Nhật Bản. Như vậy, Nhật Bản không có lợi ích gì khi thực hiện trao đổi.
  • Trường hợp 2 (1C : > 3 G): tức là đổi 1 C lấy nhiều hơn 3 G, ví dụ: 1 C: 4 G. Lúc này, Nhật Bản sẽ có lợi khi thực hiện trao đổi bởi tỷ lệ trao đổi quốc tế (1 C: 4 G) khác với tỷ lệ trao đổi trong nước (1 C = 3 G). Nhật Bản sẽ có lợi khi xuất khẩu chip điện tử (C) và nhập khẩu gạo (G). Nhật Bản sẽ đổi được 1C lấy 4G trong khi trong nước 1 C chỉ đổi được 3 G. Mô hình trao đổi trên thế giới lúc này sẽ là Nhật Bản và Mỹ xuất khẩu chip điện tử (C) và nhập khẩu gạo (G) từ Việt Nam.
  • Trường hợp 3 (1C: < 3G): tức là đổi 1 C lấy ít hơn 3 G, ví dụ: 1 C: 2 G. Lúc này, Nhật Bản sẽ có lợi khi thực hiện trao đổi bởi tỷ lệ trao đổi quốc tế (1 C: 2 G) khác với tỷ lệ trao đổi trong nước (1 C = 3 G). Tuy nhiên, lần này Nhật Bản sẽ xuất khẩu gạo (G) và nhập khẩu chip điện tử (C) vì 1 chip điện tử sẽ chỉ đổi được 2 gạo (G) so với 1 chip điện tử đổi được 3 gạo (trong nước). Mô hình thương mại của thế giới lúc này sẽ là Việt Nam và Nhật Bản xuất khẩu gạo và nhập khẩu chip điện tử từ Mỹ. Khi tỷ lệ trao đổi thương mại quốc tế được xác định, ta sẽ biết được nước nào là nước trung gian. Và thương mại chỉ xảy ra khi tỷ lệ trao đổi trên thế giới lớn hơn hoặc nhỏ hơn tỷ lệ giá trao đổi nội địa.

Một cách khái quát, lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo là lý thuyết cơ sở cơ bản của thương mại quốc tế. Tuy vẫn còn một số hạn chế, nhưng lý thuyết lợi thế so sánh có một ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đối với tất cả các quốc gia. Những nhà kinh tế hiện đại và kế tục những nghiên cứu của Ricardo đã bổ sung và hoàn thiện lý thuyết lợi thế so sánh sát với thực tiễn, làm phong phú hơn lý thuyết lợi thế so sánh. Việc nghiên cứu và vận dụng lý thuyết lợi thế so sánh vào tình hình cụ thể của từng quốc gia trên thế giới là việc làm cần thiết, góp phần nhận diện lợi thế so sánh của quốc gia; trên cơ sở đó có những định hướng và giải pháp thích hợp nhằm phát huy và phát triển lợi thế so sánh của quốc gia trong phân công lao động quốc tế góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2016), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.