Khái niệm và Nhiệm vụ của chính sách thương mại quốc tế

1. Khái niệm về chính sách thương mại quốc tế

Một nền kinh tế thông thường, ngoài việc hoạt động dựa trên quy luật cung cầu tự nhiên, còn dựa trên bàn tay quản lý và điều tiết của Chính phủ thông qua các chính sách kinh tế cũng như các chính sách thương mại một các hiệu quả. Đặc biệt là trong hoạt động thương mại quốc tế, các Chính phủ thiết lập các chính sách thương mại quốc tế Các chính sách này một phần giúp ngăn chặn các hành vi thương mại vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội, ổn định nền kinh tế vĩ mô, một phần các quốc gia cũng muốn sử dụng các chính sách này can thiệp vào nền kinh tế thị trường vừa khuyến khích xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, vừa duy trì sức cạnh tranh của nền sản xuất nội địa. Ngoài ra các chính sách thương mại quốc tế cũng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vững mạnh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chính sách thương mại quốc tế là một thuật ngữ được vận dụng phổ biến trên thực tiễn hiện nay với những tên gọi khác nhau trong một vài trường hợp như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách xúc tiến thương mại, chính sách nâng cao năng lực canh tranh của sản phẩm công nghiệp… Chính sách thương mại quốc tế được hiểu là những chính sách giúp vận hành nền thương mại quốc tế do chính phủ đưa ra, bao gồm các bộ phận cấu thành như chính sách thuế quan, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về thương mại, chính sách mặt hàng, chính sách thị trường, chính sách đầu tư và các chính sách hỗ trợ khác. Chính sách xuất nhập khẩu của một quốc gia bao gồm các biện pháp hạn chế xuất khẩu như lệnh cấm xuất, hệ thống giấy phép kiểm soát, áp dụng hạn ngạch thấp, thuế suất tiêu thụ đặc biệt và các chính sách khuyến khích xuất khẩu như trợ cấp xuất khẩu, tín dụng xuất khẩu, miễn thuế, hoàn thuế…Các quy định về thương mại bao gồm hệ thống pháp quy; chính sách kiểm soát doanh nghiệp; hệ thống giấy phép; các rào cản kỹ thuật thương mại;…. Các chính sách hỗ trợ khác được áp dụng như các hoạt động hỗ trợ từ các tổ chức xúc tiến thương mại, các khoản đầu tư tín dụng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi, cho phép khấu hao nhanh…

Như vậy, chính sách thương mại quốc tế có tác động sâu rộng đến nhiều hoạt động kinh tế – xã hội của một quốc gia, không chỉ tác động đến số lượng và giá cả hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu mà còn quyết định đến cung, cầu của nhiều mặt hàng trong nước, ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh, quy mô đầu tư và tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia được coi là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ chính sách phát triển kinh tế của quốc gia đó, là công cụ phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong bối cánh, các quốc gia ngày càng nỗ lực gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế, các hiệp đinh quốc tế song phương, đa phương… vì vậy chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia cũng phải phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực đối xử thương mại được quy định chung trong các tổ chức thương mại như vậy. Theo Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), chính sách thương mại quốc tế là “cấu trúc đầy đủ các luật lệ, quy định, các hiệp định quốc tế và các kết quả đàm phán được chính phủ chập nhận để đạt được sự tiếp cận thị trường có ràng buộc về mặt pháp luật đối với các công ty trong và ngoài nước”.

Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) quy định đối với các nước thành viên về 4 nguyên tắc cơ bản mà chính sách thương mại quốc tế mỗi quốc gia cần tuân thủ, gồm:

  • Không phân biệt đối xử;
  • Cạnh tranh tự do và lành mạnh;
  • Đảm bảo tính minh bạch có thể dự đoán;
  • Đối xử ưu đãi hơn đối với các quốc gia đang phát triển.

Đây gọi là cách tiếp cận chính sách thương mại quốc tế dựa trên luật lệ, nhằm đưa ra các chính sách đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh từ đó thức đẩy tiếp cận thị trường đa dạng hơn của sản phẩm quốc gia. Như vậy, chính sách thương mại quốc tế được hiểu đầy đủ hơn là hệ thống các nguyên tắc, luật lệ, quy định đạt được thông qua các hiệp định quốc tế, các tổ chức thương mại và các kết quả đàm phán được chính phủ chấp nhận và áp dụng vào hoạt động thương mại quốc tế để điều chỉnh việc tiếp cận thị trường các quốc gia khác có ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mang lại lợi ích chung cho xã hội.

2. Nhiệm vụ của chính sách thương mại quốc tế

Nhiệm vụ chủ yếu của chính sách thương mại quốc tế là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường mua bán với nước ngoài nhằm tăng nhanh khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng như tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa trong nước ra nước ngoài. Đồng thời chính sách thương mại quốc tế góp phần bảo hộ hợp lý nền sản xuất nội địa tránh sự xâm nhập mạnh mẽ của các hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, hạn chế cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp trong nước (Ethier và các cộng sự, 1995).

Thương mại quốc tế chính là yếu tố thúc đẩy đa dạng hóa hàng hóa và dịch vụ trên thế giới cả về chất lượng và giá cả. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp, các nhà sản xuất phải nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Các chính sách Thương mại quốc tế của quốc gia là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước gia nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Chính sách thương mại quốc tế phù hợp trước hết xóa bỏ những rào cản trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tạo ra môi trường pháp lý ổn định, thực hiện đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ từ đó tăng khả năng canh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ cũng khuyến khích tăng quy mô xuất khẩu bằng cách áp dụng các chính sách ưu đãi thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu, miễn thuế, hoàn thuế, trợ cấp xuất khẩu, tín dụng xuất khẩu,… Từ đó tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm tại thị trường nước ngoài. Chính phủ các quốc gia cũng có những chính sách thương mại để góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất trong nước. Nguồn vốn đến từ ngân sách nhà nước, vốn ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hóa, vốn huy động từ tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… để đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Việc rút ngắn khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển, sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có lợi thế cạnh trạnh hơn.

Khi hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường sản xuất nội địa của một quốc gia cũng phải đối mặt với các thách thức đến từ sự xâm nhập mạnh mẽ từ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu nước ngoài. Sự cạnh tranh với hàng hóa trong nước đến từ chất lượng và giá cả hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có lợi thế. Điều đó khiến cho sản xuất trong nước gặp khó khăn, đánh mất thị trường nội địa vào tay các thương nhân nước ngoài. Dù tự do hóa thương mại mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia tham gia vào quá trình này, nhưng bằng cách nào đó các quốc gia vẫn muốn bảo hộ nền sản xuất nội địa trước sự xâm nhập của doanh nghiệp nước ngoài bằng những biện pháp hợp pháp và phù hợp nguyên tắc được thỏa thuận tại WTO hay các hiệp định khu vực đã ký kết. Vấn đề đặt ra đối với Chính phủ là thiết lập các chính sách thương mại quốc tế của quốc gia với nhiệm vụ bảo hộ hợp pháp nền sản xuất nội địa, hạn chế cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Các chính sách được Chính phủ áp dụng như hệ thống giấy phép đối với hàng hóa nhập khẩu, các rào cản kĩ thuật thương mại, hệ thống các quy định liên quan đến thương mại như kiểm soát khối lượng và chất lượng hàng nhập khẩu, chính sách kiểm soát doanh nghiệp nước ngoài, các quy định cấm nhập, quy định về cơ quan nhập khẩu, quy định về thuế nhập khẩu… Ngoài ra các chính sách bảo hộ mới cũng được áp dụng tại một số quốc gia như lợi dụng những thỏa thuận mà WTO cho phép để bảo hộ hoặc không thực hiện đúng theo các cam kết thương mại khi gia nhập WTO.

Chính sách thương mại quốc tế với các quy tắc chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới và phù hợp với đặc điểm riêng trong nước sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy xuất nhập khẩu, tăng thu ngoại tệ từ xuất khẩu (Gandolfo, 2014).

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.