Trước nhu cầu thực tế trên đây, trên cơ sở phân tích thực trạng và các bài học kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, chính sách thương mại quốc tế Việt Nam cần được hoàn thiện theo một số định hướng như sau:
- Nghiên cứu, tận dụng triệt để các cơ chế ưu đãi trong những quy định của các hiệp định, các tổ chức mà Việt nam tham gia
Kể từ khi gia nhập WTO đến nay, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, sau khi ra nhập WTO chúng ta đã ký kết một loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Đến đầu năm 2016 Việt Nam đã đàm phán, ký kết tổng cộng 16 FTA, trong đó phải nhắc tới những hiệp định đa phương lớn như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay FTA Việt Nam – EU (EVFTA). Vậy, chúng ta tham gia các tổ chức hay ký các hiệp định này để làm gì, câu trả lời là chúng ta được hưởng rất nhiều những ưu đãi, như ưu đãi về thuế, ưu đãi về hạn ngạch… Đặc biệt khi Việt Nam vẫn là nước đang phát triển còn được ưu đãi đặc biệt nhiều hơn. Tuy nhiên, ngoài những ưu đãi trên chúng ta cũng phải tuân thủ các quy định chung của các hiệp định. Vì vậy, Việt Nam cần có những nghiên cứu toàn diện, đầy đủ những ưu đãi cũng như những thách thức mà chúng ta gặp phải, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với sự bất ổn của nền kinh tế.
Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã có những thành công trong việc tận dụng các ưu đãi của các hiệp định, nhưng mới chỉ được một phần nhỏ trong các hiệp định mà ta đã ký. Và theo chuyên gia kinh tế của Thời báo kinh doanh, các doanh nghiệp Việt nam mới chỉ tận dụng được 30% lợi ích từ việc thực thi các cam kết quốc tế (Thạch Huê, 2016). Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hiểu tường tận về TPP, thì nhiều doanh nghiệp trong nước lại chưa biết ngành mình bị đe dọa như thế nào. Một ví dụ điển hình như theo cục đầu tư nước ngoài thì trong 2 tháng đầu năm 2016 có 2,8 tỷ USD nguồn vốn FDI mới vào Việt Nam tăng 135% so với cùng cùng năm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm bắt được cơ hội ưu đãi đặc biệt ở Việt Nam. Qua đây, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng nếu không cẩn trọng, doanh nghiệp trong nước sẽ bị các tập đoàn nước ngoài thâu tóm, và chúng ta sẽ là khách trên sân nhà đồng nghĩa với việc lợi thế xuất khẩu từ các FTA, TPP sẽ không được tận dụng một cách hiệu quả.
Ở một khía cạnh khác, trong hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – EAEU. Việt nam được hưởng ưu đãi 59% biểu thuế ngay sau ki hiệp định, hay trong khuôn khổ TPP, Australia đã cam kết dành cho Việt Nam 94% dòng thuế được hưởng mức ưu đãi với thuế suất bằng 0%… Tuy nhiên quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS), hay các quy tắc xuất xứ …của Nga và khối Á – Âu hay trong khuôn khổ TPP như Nhật Bản, Mỹ lại rất chặt chẽ. Trong khi doanh nghiệp trong nước khoa học kỹ thuật kém dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm không có, đặc biệt là sản phẩm ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chỉ chạy theo số lượng chứ chưa có chất lượng, vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để đáp ứng các quy tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ… để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các chế độ ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định. Do đó, Chính sách thương mại cần có những biện pháp thích hợp để giúp hàng hóa sản phẩm Việt Nam đạt được những ưu đãi đó, đồng thời giải quyết được bài toán hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trong nước.
- Tăng cường xây dựng và triển khai chiến lược đàm phán các hiệp định song phương, đa phương với các đối tác mới
Hội nhập kinh tế là xu thế và được xem là cốt lõi để phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Khi các nước tham gia các tổ chức hay các hiệp định trên đồng nghĩa chúng ta trong một khu vực mậu dịch tự do. Điều đó mang lại lợi ích cho kinh tế đất nước, chúng ta có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đẩy mạnh lưu thông hàng hóa giữa các nước, chúng ta dễ dàng nhập khẩu cái chúng ta cần giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
Nhận thức điều đó năm 2015 Việt Nam và các nước chúng ta đã ký song TPP và tham gia cộng đồng AEC và hoàn thành đàm phán nhiều FTA. Với mục tiêu của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN là đạt được sự lưu chuyển tự do của hàng hoá trong ASEAN như một trong những công cụ chính để xây dựng thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung hướng tới hội nhập kinh tế sâu sắc hơn trong khu vực (Hiệp định – ATIGA). Đối với TPP là thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện có thể thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm tự do hóa thương mại và đầu tư đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội, tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững (Hiệp định – TPP). Qua đó cho thấy, các nước đều theo con đường hội nhập theo nhiều hình thức như tham gia các tổ chức, liên minh đa phương hay song phương.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn tiếp cận thiếu toàn diện, điều đó thể hiện qua việc xuất khẩu hàng hóa của Việt nam lâu nay vẫn là các thị trường truyền thống như Nhật bản, EU hay Mỹ. Trong khi các nước này có một hàng rào kỹ thuật rất chắc chẵn mà sản phẩm của chúng ta nhiều khi chưa đáp ứng được. Điều đó sẽ làm cho thị trường xuất khẩu của chúng ta lung lay trong thời gian tới khi mà các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với sản phẩm của chúng ta trong khu vực mậu dịch tự do khi mà TPP hay AEC đã hoàn thành. Do đó, chúng ta ngoài tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống cần tiếp cận những thị trường tiềm năng mới, những thị trường này có thể còn phù hợp hơn với năng lực kinh tế của Việt Nam. Và nếu chúng ta cứ duy trì cách thức tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật hay EU mà không quan tâm tới các nền kinh tế mới khác, thì chúng ta sẽ dễ dàng trở thành con mồi cho các nền kinh tế mới nổi trong việc chiếm lĩnh thị trường.
Vậy, chính sách thương mại quốc tế cần phải làm thế nào để tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới phù hợp với năng lực, tiềm lực hiện tại của nền kinh tế Việt nam hiện nay. Hơn nữa, khi tham gia các FTA mới chúng ta cần có những chuẩn bị gì, chính sách thương mại quốc tế cần cẩn trọng trong việc chuẩn bị cho tiến trình hội nhập tiếp theo.
- Đàm phán, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tự do hóa thương mại và bảo hộ mậu dịch với các đối tác thương mại
Câu chuyện bảo hộ và tự do chưa bao giờ cũ trong chính sách thương mại quốc tế vì thương mại là vô cùng. Hơn nữa, không một quốc gia hay chính phủ nào lại không muốn đặt lợi ích của mình lên trên người khác. Trước kia khi chúng ta chưa gia nhập WTO, FTA… chúng ta áp dụng nhiều hình thức bảo hộ như thuế quan, hạn ngạch, giấy phép… Hiện nay chúng ta đã tham gia vào WTO, AEC, TPP và FTA, các nước cam kết cắt dần các công cụ bảo hộ với mục tiêu là mậu dịch tự do, vậy chúng ta còn bảo hộ được không, như nói ở trên thương mại là vô cùng và không có một thế giới đại đồng cho tất cả cho nên câu trả lời luôn là có.
Khi chúng ta tham gia WTO, AEC, TPP chúng ta mất đi hầu hết các công cụ như thuế hay phi thuế quan để bảo vệ sản xuất hàng hóa dịch vụ trong nước. Hơn nữa không còn phân biệt giữa các nhà đầu tư trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài, hay chúng ta không còn được áp dụng các tiêu chuẩn bảo hộ tự do như trước… Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) để bảo vệ sản phẩm nội địa. Chúng ta cũng có thể dùng các công cụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại (TR) khi mà hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, khi chúng ta tham gia TPP, FTA các biện pháp thuế quan giả, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, nhưng chúng ta lại có những cách tiếp cận khác bằng cách tìm hiểu thị trường đó chẳng hạn như khi chúng ta xuất khẩu sang Mỹ, trong khi thị hàng hóa của Hoa Kỳ có phân khúc mà hàng hóa chúng ta có thể cạnh tranh với đối thủ. Hay khi tham gia FTA, TPP chúng ta gặp bất lợi từ việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật thì chúng ta cần cân nhắc phương án đàm phán thích hợp sao cho đối tác có thể chấp nhận những “mức độ cam kết” mà Việt Nam có thể chịu đựng được… Qua phân tích ở trên chúng ta thấy, chính phủ cần có những chính sách thương mại mềm dẻo, hài hòa, cẩn trọng, công khai minh bạch theo quy tắc chung để làm sao tự do và bảo hộ luôn đi cùng nhau.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
7 Th1 2022
2 Th8 2022
3 Th8 2022
29 Th7 2022
29 Th7 2022
3 Th8 2022