Lợi thế kinh tế quy mô

Một trong những lý do quan trọng dẫn đến thương mại quốc tế là lợi thế kinh tế tăng dần theo quy mô (Economy of Scale). Hoạt động sản xuất được coi là hiệu quả nhất khi được tổ chức trên quy mô lớn vì khi đó, với một tỷ lệ gia tăng đầu vào sẽ dẫn tới sự gia tăng sản lượng đầu ra với tỷ lệ cao hơn.

Lợi thế kinh tế theo quy mô trong sản xuất là càng sản xuất với quy mô lớn (sản lượng đầu ra lớn) thì chi phí sản xuất ngày càng giảm. Giả sử đơn lao động cần cho việc sản xuất một hàng hóa là hàm số của mức sản lượng đầu ra. Theo hình…, tại mức sản xuất Q1S, đơn vị lao động cần thiết là a1LS, nếu sản xuất tăng đến điểm Q2S, số đơn vị lao động cần thiết giảm xuống a2LS. Điều này có nghĩa rằng, nếu mức sản lượng đầu ra càng lớn thì càng cần ít lao động trên một đơn vị sản phẩm hơn so với sản xuất tại quy mô nhỏ. Chỉ với một sự điều chỉnh đơn giản về mức sản lượng đầu ra, có thể thấy rằng lợi thế kinh tế theo quy mô tương đương với sự gia tăng hiệu suất theo quy mô. Hiệu suất tăng theo quy mô trong hoạt động sản xuất có nghĩa là một sự gia tăng sử dụng các yếu tố sản xuất đầu vào x% sẽ dẫn đến sự gia tăng một lượng lớn hơn x% sản lượng đầu ra.

Nhìn chung, lợi thế kinh tế theo quy mô có ảnh hưởng đến độ cong của đường cong chuyển đổi (Herberg, 1969). Giả định độ lồi và lõm hướng về gốc tọa độ, lợi thế của các yếu tố trong cả hai ngành sản xuất là như nhau và sự tăng (giảm) lợi thế kinh tế theo quy mô trong một ngành sản xuất có thể biểu diễn bởi một hàm đồng nhất hơn trước.

  1. Đường cong chuyển đổi lồi lõm nghiêm ngặt nếu cả hai ngành có hàm sản xuất với hiệu suất giảm dần theo quy mô (không có ngành sản xuất nào sản xuất với hiệu suất ngày càng tăng).
  2. Chỉ đối với sự tăng nhẹ về hiệu suất ở cả hai ngành sản xuất làm cho đường cong chuyển đổi lồi nghiêm ngặt gần hệ trục tọa độ và cong nghiêm ngặt tại vị trí trung gian của hệ trục.
  3. Đường cong chuyển đổi lồi nghiêm ngặt ở mọi vị trí khi và chỉ khi không ngành nào có hiệu suất giảm và ít nhất một ngành có hiệu suất tăng mạnh theo quy mô. Tại mức sản lượng mà độ đồng nhất lớn hơn 1, với điều kiện các yếu tố khác không đổi, quy mô càng nhỏ thì lợi thế của các yếu tố tác động lên các hàng hóa khác nhau càng yếu.
  4. Trên đường cong chuyển đổi có ít nhất một điểm uốn nếu có sự gia tăng hiệu suất theo quy mô ở ngành sản xuất này và giảm dần hiệu suất theo quy mô ở ngành sản xuất khác nếu lợi thế của các yếu tố là như nhau ở cả hai ngành sản xuất.
  5. Đường cong chuyển đổi lồi nghiêm ngặt khi và chỉ khi một ngành sản xuất có hiệu suất tăng dần theo quy mô và không ngành nào có hiệu suất giảm theo quy mô.

Tuy nhiên, hiệu suất gia tăng theo quy mô không chỉ tác động đến hình dáng của đường cong chuyển đổi. Hiệu suất tăng vô hạn theo quy mô vì các nền kinh tế quốc nội không thích hợp với sự cạnh tranh hoàn hảo mà thích hợp với một hình thức kinh tế khác (ví dụ như độc quyền hoặc cạnh tranh độc quyền). Tuy nhiên, sự thích hợp giữa hiệu suất gia tăng theo quy mô với cạnh tranh độc quyền có thể diễn ra đối với nền kinh tế quốc tế (Marshall, 1879). Mặt khác, khi có sự hiện diện của nền kinh tế bên ngoài, chi phí xã hội cận biên và chi phí cá nhân cận biên không giống nhau. Kết quả là, không nhất thiết một nền kinh tế sản xuất phải nằm trên đường cong chuyển đổi, thậm chí tỷ số giá cân bằng và tỷ lệ chuyển đổi cận biên cũng có thể khác nhau (Chipman, 1965). Theo Meade (1955) và Kemp (1964), giả định rằng xảy ra trường hợp hiệu suất ngày càng tăng, nền kinh tế sản xuất nằm trên đường cong chuyển đổi tại một điểm có tỷ số giá bằng tỷ lệ chuyển đổi cận biên. Vậy, đối với trường hợp tỷ số giá và tỷ lệ chuyển đổi cận biên không bằng nhau, giả sử đường cong chuyển đổi lồi nghiêm ngặt về gốc tọa độ.

Hình 3.16: Hiệu suất tăng theo quy mô, đường cầu đối ứng và trạng thái cân bằng quốc tế

Nguồn: Gandolfo (2014)

Kết quả thu được về thương mại quốc tế liên quan đến hiệu suất gia tăng theo quy mô là:

  • Nhìn chung, tồn tại nhiều điểm cân bằng, và chiều hướng thương mại không cố định;
  • Các điều kiện thương mại cân bằng có thể nằm ngoài phạm vi được xác định bởi tỷ số giá của hai nền kinh tế đóng;
  • Chỉ khi hai tỷ số giá của hai nền kinh tế đóng bằng nhau thì thương mại quốc tế mới diễn ra.

Kết quả này cũng có thể thu được bằng cách sử dụng đường cầu đối ứng. Khi hiệu suất gia tăng theo quy mô, đường cong chuyển đổi có hình dạng hướng xuống như trong hình 3.16. Hình 3.16a mô tả trường hợp có ba điểm cân bằng E1, E2 và E3. Vì tại góc phần tư thứ nhất, quốc gia 1 muốn nhập khẩu hàng hóa A và xuất khẩu hàng hóa B (và ngược lại đối với quốc gia 2) trong khi tại góc phần tư thứ ba thì mọi thứ đều ngược lại, chiều hướng thương mại là không xác định.

Hình 3.16b biểu diễn trường hợp chỉ có một điểm cân bằng và điều kiện cân bằng thương mại (độ dốc của đoạn thẳng OE) thấp hơn tỷ số giá tự định ở quốc gia 1. Hình 3.16c biểu diễn trường hợp tỷ số giá tự định của hai quốc gia bằng nhau và bằng độ dốc của đường thẳng tiếp tuyến với hai đường cầu đối xứng đi qua gốc tọa độ – đường thẳng TT. Như vây, hiệu suất tăng theo quy mô là một yếu tố quyết định đối với thương mại quốc tế.

Marshall (1879) đã phân biệt giữa lợi thế kinh tế theo quy mô bên trong và lợi thế kinh tế theo quy mô bên ngoài. Khi nhà sản xuất tăng sản lượng sản xuất đầu ra và giảm thiểu chi phí sản xuất, nhà sản xuất đã đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô bên trong. Còn lợi thế kinh tế theo quy mô bên ngoài xảy ra bên ngoài doanh nghiệp, trong phạm vi ngành công nghiệp mà doanh nghiệp đang hoạt động làm cho chi phí sản xuất trung bình giảm. Ví dụ, khi hoạt động của một ngành công nghiệp được mở rộng như hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải sẽ làm giảm các chi phí vận chuyển đối với các hãng sản xuất đang hoạt động trong ngành đó, như vậy nhà sản xuất đạt được lợi thế nhờ quy mô bên ngoài. Hoặc, khi ngành công nghiệp phát triển kéo theo sự phát triển của các nhà phân phối với sự đa dạng hơn, số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn… Với lợi thế kinh tế theo quy mô bên ngoài, tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp đó đều được hưởng lợi ích.

Nguyên nhân tạo nên lợi thế kinh tế theo quy mô bên trong bao gồm: Một là, tính không thể chia nhỏ của tài sản cố định (máy móc, thiết bị) trong quá trình sản xuất, đặc biệt tại những nơi sản xuất mà các giai đoạn trong toàn bộ một quá trình có sự liên kết với nhau (dây chuyền sản xuất). Trong quá trình sản xuất luôn cần một lượng tối thiểu các yếu tố sản xuất đầu vào để duy trì sự hoạt động của doanh nghiệp bất kể doanh nghiệp có tiến hành sản xuất hay không. Những chi phí này được gọi là chi phí cố định và thường không đổi bất kể sản lượng đầu ra là bao nhiêu (ví dụ chi phí thuê nhà xưởng, chi phí mua và lắp đặt máy móc, thiết bị…). Các chi phí này không thể chia nhỏ được và cố định từ lúc sản lượng đầu ra bằng 0 và đến khi sản lượng đầu ra được tăng lên rõ rệt. Trong kế toán, các chi phí cố định này được phân bổ vào sản phẩm bằng cách đem chia cho số lượng sản phẩm đầu ra (gọi là chi phí cố định trên đơn vị sản phẩm). Như vậy, nếu sản lượng đầu ra ngày càng tăng (tức quy mô sản xuất ngày càng lớn) thì mức chi phí cố định trên một đơn vị sản phẩm đầu ra ngày càng giảm, kéo theo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm (gồm chi phí cố định và chi phí lưu động) giảm, lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm từ đó cũng tăng theo.

Hai là, do hiệu quả của quá trình chuyên môn hóa trong sản xuất. Khi sản xuất với quy mô lớn hơn, sản lượng đầu ra nhiều hơn, nhà sản xuất có điều kiện để mua sắm thêm nhiều phương tiện máy móc, thiết bị hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hơn vào sản xuất, sản xuất chuyển dịch từ sản xuất dựa trên lao động sang sản xuất dựa trên máy móc, từ đó tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất ra, góp phần giảm thiểu chi phí bình quân.

Ba là, do ưu thế là người mua với khối lượng lớn. Khi quy mô sản xuất ngày càng tăng, nhà sản xuất trở thành khách hàng lớn đối với các nhà cung cấp. Tận dụng quyền lực đối với nhà cung cấp, các nhà sản xuất sẽ được hưởng chiết khấu thương mại khi mua khối lượng lớn, hưởng các chương trình ưu đãi cũng như có quyền lực lựa chọn nhà cung cấp nào mang lại nhiều lợi ích cho mình nhất, từ đó giảm thiểu chi phí sản xuất đầu vào.

Bốn là, sức mạnh truyền thông khi trở thành người bán hàng lớn. Khi quy mô sản xuất càng lớn, sản lượng hàng hóa bán ra càng nhiều thì nhà sản xuất càng có nhu cầu và có tiềm lực tài chính để đầu tư vào các chương trình xúc tiến như quảng cáo, truyền thông…Với cùng một mức chi phí đầu tư vào các phương tiện quảng cáo đại chúng, mật độ bán hàng dày hơn và lực lượng bán hàng lớn hơn sẽ giúp giảm thiểu được chi phí bán hàng trên một đơn vị sản phẩm.

Năm là, hiệu quả về mặt tài chính. Khi quy mô sản xuất càng lớn, nhà sản xuất càng có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn vốn với mức lãi suất thấp, thời hạn vay vốn dài cũng như nguồn vốn có thể chiếm dụng từ nhà cung cấp thông qua hoạt động mua hàng trả sau, trả chậm. Như vậy chi phí tài chính trên một đơn vị sản phẩm cũng giảm dần khi quy mô sản xuất tăng lên.

Khả năng tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô có thể bị hạn chế vì nhiều lý do. Một là, do đặc thù về mặt bản chất của sản phẩm, quá trình chế biến hay công nghệ có thể làm giảm lợi thế kinh tế theo quy mô ngay khi sản lượng còn ở mức khiêm tốn. Hai là, đối với một số ngành có tổng nhu cầu thị trường quá thấp không đủ để một công ty đạt được quy mô tối thiểu có hiệu quả hoặc thị phần của công ty quá nhỏ so với đối thủ cạnh tranh. Ba là, nhu cầu thị trường có tính đa dạng và thường xuyên thay đổi (người tiêu dùng có nhu cầu về nhiều sản phẩm khác nhau) gây cản trở cho việc tiêu chuẩn hoá và sản xuất trong thời gian dài.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc mở rộng quy mô sản xuất cũng mang lại lợi thế kinh tế theo quy mô. Trong nhiều trường hợp, sản lượng đầu ra ngày càng tăng thì tính hiệu quả theo quy mô ngày càng giảm. Điều này gọi là tính phi kinh tế theo quy mô. Tính phi kinh tế theo quy mô xảy ra khi chi phí trung bình trên một đơn vị sản phẩm tăng lên khi khối lượng sản xuất tăng.

Các nguyên nhân dẫn đến tính phi kinh tế theo quy mô bao gồm:

  • Các vấn đề về động lực: Đối với những doanh nghiệp sản xuất với quá nhiều lao động, việc thể hiện giá trị bản thân thông qua công việc trở nên khó khăn hơn. Mỗi cá nhân sẽ cảm thấy bản thân mình ít giá trị hơn trong công việc, từ đó mức độ chăm chỉ và hiệu quả làm việc sẽ giảm dần.
  • Vấn đề về truyền thông: Qúa trình truyền thông trong những hãng sản xuất lớn trở nên chậm chạp hơn do luồng thông tin phải truyền qua nhiều tầng lớp, nhiều bộ phận trước khi đến được với đối tượng cần thiết. Đồng thời do phải truyền gián tiếp nhiều lần, thông tin trở nên méo mó, sai lệch (bất kể vô tình hay cố ý). Từ đó, các nhà quản lý mất nhiều thời gian và công sức hơn để có thể truyền đạt thông điệp của mình đến người lao động cũng như khó nhận được phản hồi từ phía người lao động về các vấn đề chung. Như vậy, việc quản lý và hoạt động trở nên kém hiệu quả hơn.

Kết luận chương: Lý thuyết tân cổ điển về thương mại quốc tế đã mang lại diện mạo mới cho nền kinh tế học quốc tế, khắc phục được những điểm yếu cơ bản của các lý thuyết cổ điển trước đây. Trong chương này, chúng tôi đã đề cập đến những nội dung chính như sau:

Thứ nhất, các lý thuyết giải thích lợi thế cạnh tranh của một quốc gia bao gồm Mô hình kim cương của Michael Porter và đường cong chuyển đổi của Savosnick đã giải thích một cách chặt chẽ các yếu tố quyết định đến lợi thế cạnh tranh của một quốc gia khi tham gia thương mại quốc tế. Mô hình kim cương của Michael Porter giải thích các yếu tố bao gồm các yếu tố sản xuất, nhu cầu thị trường, các ngành công nghiệp hỗ trợ và chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh trong ngành. Đường cong chuyển đổi của Savosnick đã giải thích quy luật thay thế trong sản lượng sản xuất đầu ra giữa các loại hàng hóa với điều kiện các yếu tố sản xuất đầu vào là cố định. Từ đó, mỗi quốc gia tìm cho mình phương án tối ưu để tối đa hóa được lợi ích cho mình.

Thứ hai, lý thuyết về chu kỳ sống của sản phẩm của Raymon Vernon (1966) đã được phát triển từ lý thuyết về lợi thế so sánh của David Ricardo (1817). Theo đó, chu kỳ sống quốc tế của sản phẩm trong thương mại quốc tế bao gồm ba giai đoạn chính là giai đoạn sản phẩm mới, giai đoạn chín muồi và giai đoạn tiêu chuẩn hóa. Mỗi giai đoạn được thực hiện tại những quốc gia có trình độ khác nhau nhằm tận dụng được lợi thế so sánh của từng quốc gia về trình độ công nghệ, lao động, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị cao nhất cho nhà sản xuất.

Thứ ba, thuyết cân bằng tổng quát và thuyết cân bằng quốc tế được xây dựng dựa trên hai giả định là giả định đối với nền kinh tế tự cung tự cấp và giả định đối với nền kinh tế mở. Trong đó đề cập đến cách xây dựng đường cung, đường cầu, cách xác định trạng thái cân bằng tổng quát theo định luật Walras và từ đó tiến đến xây dựng thuyết cân bằng tổng quát đối với nền kinh tế mở và trạng thái cân bằng quốc tế với sự tồn tại và tác động của thương mại quốc tế.

Thứ tư, lý thuyết về chi phí cơ hội và lợi thế kinh tế theo quy mô đã đề cập đến các yếu tố quyết định đến lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia cũng như làm thế nào để mỗi quốc gia có thể tối đa hóa lợi ích cho mình thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các nước.

Thông qua việc xây dựng một khung lý thuyết hoàn chỉnh và thống nhất về thương mại quốc tế theo tư tưởng hiện đại, nhóm tác giả hy vọng sẽ đóng góp được một phần vào hoạt động phát triển chung của nền kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt giúp cho các doanh nghiệp và các nhà quản trị có được cách nhìn hiện đại và toàn vẹn nhất, ứng dụng vào thực tế hoạt động sản xuất để đạt được những mục tiêu hoạt động đã đề ra.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2016), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.