Lý thuyết về thương mại quốc tế

Các phân tích về thuyết của Smith sau đây được dựa chủ yếu vào việc tái cấu trúc nền kinh tế trong lịch sử. Mục đích muốn tiếp cận và hiểu được thật sát nghĩa nhất đối với bản gốc của Smith. Theo Smith, động cơ và sự hình thành của thương mại quốc tế cũng giống như các loại hình thương mại khác. Trong cuốn “The Wealth of Nations” (Sự giàu có của các quốc gia) (Smith, 1776) cho rằng thương mại là kết quả của xu hướng: vận chuyển, trao đổi hàng hóa và trao đổi thứ này để lấy thứ khác (Smith, 1776). Điều đó không có nghĩa là thực hiện thương mại không có động cơ ích kỷ. Ngược lại, bất cứ khi nào con người thực hiện hành vi mua bán thì họ đều đang theo đuổi lợi ích riêng của mình. Họ phải được hưởng lợi từ thương mại và thương mại phải mang đến cho họ tiền bạc, của cải nếu không thì họ đã không theo đuổi nó. Do đó, các thương nhân thực hiện hoạt động thương mại quốc tế vì họ có thể kiếm được lợi nhuận bằng cách này. Tuy nhiên, Smith đã rất nỗ lực để chứng minh rằng thương mại quốc tế không chỉ mang lại nguồn lợi cho các thương gia nói riêng mà nó còn mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội.

1. Phân công lao động và lợi ích của phân công lao động

Smith cho rằng phân công lao động đã tạo cơ sở cho thuyết thương mại quốc tế của ông. Theo ông, sự phân công lao động sẽ tạo nên sự tiến bộ lớn trong lao động của các cường quốc kinh tế (Smith, 1776). Theo kết quả nghiên cứu về một bộ phận lao động lành nghề cho thấy cùng với số lượng lao động nhưng sản lượng, năng xuất sản xuất của bộ phận lao động lành nghề này cao hơn so với cùng số lượng lao động khác. Ông đã minh họa quan điểm này của mình thông qua chính nhà máy của ông. Trong đó cho thấy sự phân công lao động đã giúp “tăng sản lượng, khối lượng công việc […] với cùng số lượng người có khả năng thực hiện” (Smith, 1776).

Sau đó, ông xác định ba nguyên nhân khiến phát triển phân công lao động: “Đầu tiên, […] đó chính là sự tiến bộ, nâng cao năng lực, kỹ năng của từng lao động chuyên biệt; thứ hai, […] tiết kiệm thời gian thường bị mất trong quá trình chuyển giao từ quy trình này sang quy trình khác; và cuối cùng, […] đó chính là việc ra đời của hàng loạt các phát minh máy móc thay thế sức lao động con người, tạo điều kiện và rút bớt số lượng lao động so với trước kia. Một lao động có thể kiêm nhiệm nhiều công việc với năng suất, chất lượng đồng đều” (Smith, 1776).

Việc phân công lao động giúp cải tiến sản xuất cả về mặt định lượng và lẫn định tính. Điều này có nghĩa rằng sản lượng sản xuất tăng lên, công nghệ phát triển, và các kỹ năng và năng suất lao động được nâng cao. Kết quả là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tài sản quốc gia (Staley, 1989). Giới hạn duy nhất của phân công lao động là “khả năng trao đổi”, tức là “quy mô thị trường” (Smith, 1776). Do đó, nếu quy mô thị trường được mở rộng, sẽ giúp phân công lao động tăng lên từ đó dẫn đến kết quả là tăng trưởng kinh tế và sự giàu có, lớn mạnh phồn thịnh của quốc gia cũng được nâng cao.

2. Lợi ích từ thương mại quốc tế

Theo Smith (1776), thương mại quốc tế đem lại lợi nhuận cho các quốc gia bằng cách trao đổi, giao dịch những sản phẩm dư thừa của một quốc gia này để đổi lấy những sản phẩm khác từ quốc gia khác, giúp thỏa mãn nhu cầu, kých thích khả năng mua của khách hàng. Thị trường trong nước chật hẹp chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân dù đã gia tăng sản xuất, phân công lao động. Bằng cách mở rộng thị trường, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, khuyến khích lao động nâng cao năng lực sản xuất và năng suất lao động đến mức tối đa, qua đó làm tăng doanh thu thực tế và sự giàu có, phồn thịnh của xã hội.

Trong thuyết của mình Smith đã liên kết thương mại quốc tế với ý kiến của mình về phân công lao động. Nếu giữa các quốc gia thiết lập quan hệ giao thương thương mại thì phân công lao động cũng sẽ được mở rộng vì thị trường quốc tế thì chắc chắn là lớn, đa dạng, phong phú hơn thị trường nội đa, trong nước rất nhiều. Thương mại quốc tế giúp cho quốc gia nâng cao phân công lao động từ đó gia tăng được giá trị trao đổi sản xuất hàng năm về đất đai và lao động của cả nước (Smith, 1776). Điều này sẽ khiến cho quốc gia lớn mạnh hơn cả về kinh tế lẫn xã hội.

Thương mại quốc tế giúp khai thác tối ưu các lợi ích định lượng và định tính của phân công lao động. Chính thương mại quốc tế khiến lao động có thể nâng cao trong chuyên môn làm tăng năng suất thông qua cải tiến kỹ thuật và tổ chức. Vì vậy, nhiều hàng hoá có thể được sản xuất chỉ với cùng một lượng lao động như cũ. Điều này làm cho nền kinh tế ngày càng phát triển hơn khi các nguồn lực được tận dụng và các ngành công nghiệp được khuyến khích phát triển. Rõ ràng thuyết thương mại quốc tế của Smith “là sự đan xen chặt chẽ với các lý thuyết của ông về phát triển kinh tế” (Myint, 1977). Theo học thuyết của Smith thì thương mại và phát triển không thể tách rời và được liên kết thông qua phân công lao động.

Chính thương mại quốc tế đã giúp các doanh nghiệp, thương nhân trong nước năng động hơn, tự bản thân phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường nước ngoài đang tìm cách để thâm nhập nội địa cũng như tìm chỗ đứng cho sản phẩm của mình tại nước bạn. Đây là một lợi thế, bởi vì thương mại quốc tế sẽ làm giảm khả năng của các công ty độc quyền trong nước (Smith, 1776). Smith cho rằng cạnh tranh tự do, mặc dù không có lợi cho nhà sản xuất cho lắm nhưng lại luôn luôn có lợi cho công chúng. Smith (1776) cũng đề cập đến khía cạnh có lợi khác của thương mại quốc tế, cụ thể là đó là việc chuyển giao kiến thức và công nghệ giữa các quốc gia khác nhau. Việc áp dụng và sử dụng các kỹ thuật sản xuất mới sẽ giúp tăng năng suất và từ đó có thể phát triển kinh tế và gia tăng sự giàu có, phồn thịnh. Smith đã chỉ ra rằng những lợi ích này thậm chí còn quan trọng hơn so với việc tiếp cận thị trường mới, lớn hơn của một quốc gia đặc biệt là đối với một quốc gia lớn. Ông đã lấy ví dụ điển hình là trường hợp của Trung Quốc. Trung Quốc đã có một thị trường lớn trong nước và do đó nước này sẽ chủ yếu đạt được từ lợi ích khi giao thương với các nước Châu Âu khi học hỏi và tiếp cận được công nghệ, kỹ thuật của các nước này hơn là tìm cách mở rộng thị trường tới các nước Châu Âu (Smith, 1776).

Nhìn chung thương mại quốc tế không chỉ đem lại lợi ích cho từng quốc gia riêng lẻ mà nó còn mang lại lợi ích cho toàn thế giới. Smith có một cái nhìn rất lạc quan về sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ông không bao giờ đề cập đến bất kỳ giới hạn nào về phân công lao động; và trong thuyết thương mại quốc tế của ông thì tăng trưởng là vô hạn (Schumacher, 2012). Phân công lao động được giới hạn bởi quy mô của thị trường, tuy nhiên quy mô thị trường là không giới hạn trong thuyết của Smith.

Đúng hơn, bản thân quy mô thị trường đã phụ thuộc vào việc phân công lao động và việc phát triển phân công lao động sẽ mở rộng thị trường. Nói chung, quốc gia sẽ luôn có được lợi ích từ việc thông thương, buôn bán với quốc gia phát triển hơn mà có một nền kinh tế lớn mạnh, bởi vì quốc gia đó sẽ có thị trường phát triển và lớn hơn, sự phân công lao động cũng tiên tiến hơn (Gandolfo, 2014).

Mục đích của Smith là chứng minh được tất cả các quốc gia tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế đều được lợi từ việc này. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng các quốc gia không nhất thiết phải đạt được lợi ích bằng nhau trong thương mại quốc tế “thương mại là việc không cần vũ lực hoặc hạn chế, đó là hoạt động tự nhiên và thường xuyên được thực hiện giữa hai nơi bất kỳ và luôn đem lại lợi ích, mặc dù không phải lúc nào lợi ích của hai bên cũng như nhau” (Smith, 1776). Cũng giống như thương mại trong nước không phải tất cả các vùng trong một quốc gia cũng đều có lợi như nhau, thì trong thương mại quốc tế không phải quốc gia nào cũng đều đạt được lợi ích như nhau. Thậm chí thương mại còn có thể làm cho sự khác biệt giữa các quốc gia ngày càng lớn hơn, đặc biệt về kinh tế của quốc gia đó. Cùng với quan điểm này, trong bài giảng của ông về khoa học pháp lý, Smith đã so sánh quan hệ thương mại giữa một người giàu và một người nghèo cũng giống như giữa một quốc gia phát triển và kém phát triển: Khi một người giàu có và một người đồng nghèo hợp tác làm ăn với nhau thì lúc đó tài sản của cả hai đều tăng lên. Nếu đôi bên hợp tác tố thì cổ phiếu của người giàu sẽ tăng với tỷ lệ cao hơn so với của người nghèo. Theo cách như thế, khi một quốc gia giàu và một quốc gia nghèo hơn tham gia vào thương mại quốc tế thì quốc gia giàu sẽ có lợi thế lớn nhất, và do đó quốc gia này sẽ bị thiệt hại lớn hơn khi có lệnh cấm thương mại quốc tế (Smith, 1978).

3. Tăng trưởng nội địa và các mô hình thương mại quốc tế

Smith cho rằng thương mại trong nước và quốc tế đều được chi phối bởi các nguyên tắc giống nhau. Việc phân công lao động trên thị trường quốc tế cũng tương tự như phân công lao động trong nước. Một quốc gia có thể chuyên sản xuất một số mặt hàng và mua những mặt hàng khác từ nước ngoài. Điều này sẽ có lợi cho rất nhiều quốc gia: “Nếu một quốc gia nước ngoài có thể cung cấp cho chúng ta một mặt hàng rẻ hơn so với sản xuất nội địa thì tốt hơn là nên nhập khẩu mặt hàng đó và tập trung vào mặt hàng sản xuất trong nước mà chúng ta có lợi thế” (Smith, 1776).

Điều này có nghĩa là một quốc gia sẽ sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó có giá thành rẻ hơn các quốc gia khác và sẽ nhập khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó không thể sản xuất hoặc giá thành sản xuất cao hơn so với nhập khẩu. Một quốc gia sẽ không sản xuất một mặt hàng mà giá thành sản xuất đắt hơn so với nhập khẩu dù là 1/30 thậm chí 1/300 hoặc hơn (Smith, 1776). Và điều tất nhiên sẽ là thương mại quốc tế phát triển cũng tương tự như cách thức phát triển của thương mại trong nước. Nếu các quốc gia được tự do thương mại thì người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn và họ có thể mua của bất cứ ai bán với giá rẻ nhất. Các quốc gia (hay nhà sản xuất) có chi phí sản xuất thấp nhất có thể bán nó rẻ hơn so với tất cả các nhà sản xuất khác và có thể bán rẻ thậm chí là phá giá để đấu lại với đối thủ cạnh tranh. Do đó, mỗi quốc gia sẽ sản xuất những mặt hàng mà quốc gia đó có thể sản xuất với giá thành rẻ hơn so với các quốc gia khác. Theo Smith thì chi phí sản xuất là tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Chi phí sản xuất này cũng bao gồm cả chi phí vận chuyển và tầm quan trọng của chi phí này luôn được Smith nhấn mạnh trong tài liệu về thương mại quốc tế của mình (Smith, 1776). Ông đã chỉ ra rằng mỗi quốc gia đều có lợi thế tuyệt đối của riêng mình trong các thị trường khác nhau và lợi thế đó bao gồm cả chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến thị trường bán. Chính chi phí sản xuất tuyệt đối hiện tại sẽ quyết định hướng đi của thương mại quốc tế. Khi đó các quốc gia sẽ tự động điều chỉnh sản xuất theo hướng có lợi cho nền kinh tế nước nhà. Và tất nhiên khi đó khả năng cạnh tranh quốc tế được xác định tương tự như khả năng cạnh tranh nội địa tức là qua lợi thế về giá cả. Sự khác biệt giữa các quốc gia, chủ yếu là do mức độ phân công lao động và công nghệ, chứ không phải là sự khác biệt về tự nhiên. Các lợi thế chi phí sản xuất của một quốc gia chủ yếu phát triển nội sinh, thông qua các tác động ngày càng sâu, rộng của thương mại quốc tế. Chính vì vậy mà có mỗi quan hệ tương hỗ giữa thương mại quốc tế và phát triển kinh tế trong nước. Cả hai đều phụ thuộc lẫn nhau và chịu tác động của các mô hình thương mại. Lợi thế chi phí sản xuất phụ thuộc trực tiếp vào định hướng con đường phát triển thương mại, trong khi đó con đường phát triển thương mại lại phụ thuộc vào mô hình thương mại (Schumacher, 2012).

Cả thương mại quốc tế và phát triển trong nước đều có ảnh hưởng đến sự phân công lao động. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất lợi thế tuyệt đối của một đất nước không cố định và nó có thể thay đổi theo thời gian. Một quốc gia có thể đạt được một lợi thế tuyệt đối trong việc sản xuất một loại sản phẩm nhất định và cũng có thể mất đi lợi thế trong sản phẩm nào đó ở thị trường nội địa. Nói chung, theo thuyết thương mại quốc tế của Adam Smith thì thị trường thương mại quốc tế rất đa dạng, phong phú và năng động. Ở đó tích hợp khuôn khổ kinh tế về phân công lao động rộng lớn hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia chịu tác động trực tiếp của thương mại quốc tế. Lợi thế chi phí sản xuất tuyệt đối và phân chia lao động luôn không cố định, thay đó đó chúng phát triển và xuất hiện nội sinh như là kết quả của hoạt động thương mại.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2016), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.