Công cụ phi thuế quan: Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật

1. Khái niệm và mục đích

Tiêu chuẩn kỹ thuật là các quy chuẩn kỹ thuật mà một quốc gia áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/ hoặc quy trình nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó. Những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật là một yêu cầu khách quan đối với các loại hàng hóa và dịch vụ nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Nội dung của nó chủ yếu là những quy định về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn đo lường, quy định về an toàn lao động, bao bì đóng gói cũng như các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường sinh thái, quy định về tỷ lệ nguyên vật liệu để sản xuất một loại hàng hóa ….

Những quy định kỹ thuật này là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ con người, môi trường, an ninh … Các quốc gia khi tham gia vào quá trình thương mại quốc tế đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hoá của mình và hàng hoá nhập khẩu. Vì vậy, những quy định này có thể không giống nhau giữa các quốc gia bởi nó phụ thuộc vào đặc trưng của mỗi nước, đặc biệt về điều kiện địa lý, trình độ phát triển, nhu cầu thương mại, tài chính … cũng như các mục tiêu phát triển khác nhau (bảo vệ lợi ích công cộng, cam kết xã hội, thúc đẩy thương mại…).

Hiện nay, các quốc gia đều rất quan tâm đến việc thiết lập và áp dụng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động giao thương của mình. Số lượng các quy định về kỹ thuật ngày càng gia tăng một cách mạnh mẽ. Năm 1995, thế giới có khoảng 400 quy định liên quan đến kỹ thuật, đến giai đoạn 2009-2011, trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 quy định rào cản kỹ thuật được đưa ra. Năm 2011, các quy định của các quốc gia đưa ra liên quan đến vấn đề bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn con người lên đến 782 quy định, chiếm gần 50% trong số 1.684 quy định được ban hành. Năm 2012 có 1.571 hàng rào kỹ thuật mới, đến hết năm 2013, các nước thành viên WTO đã xây dựng và ban hành 17.418 quy định mang tính hàng rào kỹ thuật thương mại và số lượng tiếp tục gia tăng trong các năm 2014, 2015.

Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm áp đặt những quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

2. Tác động của những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật

Tiêu chuẩn kỹ thuật cũng có tác động tiêu cực và tích cực đối với nền kinh tế quốc gia áp dụng, cụ thể:

  • Tác động tích cực của những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật:

Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia nhờ những tác động tích cực mà nó mang lại, bao gồm:

    • Đảm bảo an toàn sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội: Tác động đầu tiên và rất quan trọng của các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật trong thương mại quốc tế là đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, đảm bảo các hàng hóa, dịch vụ khi cung cấp vào một quốc gia không những phải an toàn mà còn phù hợp với các điều kiện mang tính đặc thù của quốc gia đó. Chính vì vậy, các quy định này được thiết lập theo phạm vi quốc gia và được điều chỉnh theo từng thời kỳ nhất định. Ngoài ra, các quy định này cũng hướng đến các mức bảo vệ hợp lý cho cuộc sống, động thực vật và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, xã hội …
    • Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại: Việc đáp ứng các đòi hỏi cao về tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ duy trì được thị phần trong nước mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật của nhiều thị trường xuất khẩu khác, tạo được chỗ đứng bền vững trong lòng người tiêu dùng. Từ việc thiết lập và áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật, bất kỳ quốc gia nào khi muốn nhập khẩu hàng hóa vào một quốc gia khác cũng sẽ phải đảm bảo hàng hóa, dịch vụ của mình đáp ứng được những quy định về kỹ thuật của quốc gia đó. Sự đáp ứng những điều kiện này về lâu dài sẽ góp phần hình thành lên mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới.
    • Thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm: Những quy định về kỹ thuật đã thúc đẩy các doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất và quản lý chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngày một nâng cao. Khi sản phẩm được chứng nhận nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng có liên quan. Những sản phẩm được chứng nhận phù hợp có ưu thế cạnh tranh hơn so với những sản phẩm cùng loại khi chưa được chứng nhận và sẽ dễ dàng hơn trong quá trình tiêu thụ trên thị trường. Hoạt động đánh giá sự phù hợp và chứng nhận sản phẩm trở thành công cụ tiếp thị hữu hiệu cho nhà sản xuất, nhờ vậy mà các doanh nghiệp sẽ tích cực quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng hơn nữa để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
    • Trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của đất nước: Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia qua các thời kỳ và đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm nói chung đi vào nền nếp. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động nhằm theo kịp với các chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý kinh tế – xã hội và đáp ứng yêu cầu tự do thương mại quốc tế của đất nước.
    • Góp phần bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước tránh phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước xuất khẩu: Tiêu chuẩn kỹ thuật góp phần “hạ nhiệt” cạnh tranh tại thị trường trong nước do nhiều quốc gia không đáp ứng được những điều kiện kỹ thuật của nước nhập khẩu. Hơn nữa, một số quốc gia lợi dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp trong nước sẽ tránh được sự cạnh tranh gay gắt từ các nước nhập khẩu và bản thân sự cạnh tranh giữa các nhà nhập khẩu cũng sẽ giảm đi. Như vậy, quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật được xem như một trong các điều kiện để được cấp vé vào cửa thị trường nước nhập khẩu. Điều này sẽ rất có lợi, đặc biệt là các nước đang phát triển bởi các doanh nghiệp chưa đủ mạnh và hàng hóa, dịch vụ cũng chưa đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển. Hàng rào kỹ thuật lúc này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có thời gian để phát triển hơn nữa trước khi đón nhận sự mở cửa mạnh mẽ từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Như vậy, các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa theo điều kiện của từng quốc gia trong khuôn khổ các hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật trở thành một bộ phận không thể thiếu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương quốc tế.

  • Tác động tiêu cực của những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật:
    • Việc đưa ra các rào cản kỹ thuật sẽ cản trở khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp: Hiện nay, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế là một trong những biện pháp phi thuế quan hữu hiệu thường được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để bảo hộ và phát triển các ngành sản xuất nội địa. Tuy nhiên, nếu các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật quá khắt khe và được duy trì trong một thời gian dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế quốc gia, cụ thể là cản trở khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trong nước. Do được bảo hộ quá chặt chẽ nên những quy định này vô tình khiến các doanh nghiệp trong nước rơi vào trạng thái bị động, thiếu sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình sản xuất kinh doanh vì họ luôn được Chính phủ bảo vệ và đối mặt với sự cạnh tranh cũng không gay gắt.
    • Trở thành những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế: Thực tế cho thấy những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật là đòi hỏi khách quan của nền kinh tế – xã hội tại các quốc gia trên thế giới. Song, ngày nay những quy định này được các nước phát triển áp dụng để ngăn chặn hàng hóa của nước ngoài vào nước mình một cách khéo léo. Về hình thức, chúng được đưa ra để bảo vệ người tiêu dùng trong nước nhưng thực tế là để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước tương ứng. Các biện pháp kỹ thuật trở thành những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế bởi chúng có thể được nước nhập khẩu sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho hàng hoá nước ngoài thâm nhập vào thị trường nước nhập khẩu.
    • Đẩy các nhà xuất khẩu vào thế bị động và gia tăng chi phí, mất nhiều thời gian để tiếp cận với các thị trường: Trong xu hướng tự do hóa thương mại, các nước đã và đang tiến hành giảm và tiến tới loại bỏ nhiều rào cản đối với thương mại. Tuy nhiên, các rào cản phi thuế quan, đặc biệt các là tiêu chuẩn kỹ thuật đang phát triển và được sử dụng như những công cụ hữu hiệu để bảo hộ cho sản xuất trong nước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ này một cách thiên lệch giữa các công ty trong và ngoài nước nhằm hạn chế hàng hoá nhập khẩu của các nước khác không đạt tiêu chuẩn và giảm tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu ở thị trường trong nước. Theo đó, tiêu chuẩn kỹ thuật bị biến thành công cụ cạnh tranh có lợi cho nước chủ nhà trong quan hệ thương mại quốc tế.

Hiện nay, mặt hàng thủy sản xuất khẩu được đánh giá là gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật nhất vì người tiêu dùng ở các quốc gia ngày càng quan tâm tới tính bền vững cho môi trường và xã hội. Vì thế, các nước phát triển đã đề ra rất nhiều quy định, tiêu chuẩn khiến cho thủy sản nước ngoài khó thâm nhập vào thị trường nước mình, dựng lên một hàng rào bảo hộ vô hình đối với sản xuất trong nước. Một số quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật tiêu biểu hiện nay như chính sách bảo hộ nông nghiệp của EU, Luật thực phẩm, Luật về chất lượng sản phẩm, giám sát và kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật bảo hộ sức khỏe người tiêu dùng, kiểm tra chất độc hại và dư lượng kháng sinh… Những rào cản kỹ thuật này đã đẩy các nhà xuất khẩu vào thế bị động và gia tăng chi phí, mất nhiều thời gian để tiếp cận với các thị trường.

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại buộc các nhà sản xuất, xuất khẩu phải bỏ ra một khoản chi phí liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp của các sản phẩm như chi phí kiểm tra, chứng nhận, chi phí về phòng thí nghiệm, chi phí cho các tổ chức cấp giấy chứng nhận, chi phí liên quan đến việc đánh giá ảnh hưởng mang tính kỹ thuật về quy định kỹ thuật của các nước khác, chi phí dịch thuật …. Các loại chi phí này được tính vào chi phí sản xuất, vì vậy sẽ đẩy giá sản phẩm tăng lên, làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh ở ngay thị trường trong nước và thị trường nhập khẩu sản phẩm.

Mỗi quốc gia đều cần thiết xây dựng và duy trì cho mình một hệ thống quy định kỹ thuật hợp pháp để bảo vệ con người, vật nuôi, sức khỏe, môi trường… Chính các nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, các hiệp định hay thoả thuận song phương và đa phương liên quan, các văn bản pháp luật liên quan… tạo thành nhóm các yếu tố có tính rào cản thương mại. Bên cạnh đó có những hàng rào kỹ thuật được dựng lên để hạn chế thương mại và trở thành rào cản đối với thương mại quốc tế và trái với nguyên tắc của thương mại tự do mà tổ chức WTO đề ra.

Để loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại, tổ chức WTO đã đưa ra văn bản pháp lý là Hiệp định TBT để đảm bảo quy định của các nước thành viên không được tạo ra những rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế. Hiệp định TBT là một trong số 29 văn bản pháp lý nằm trong Hiệp định WTO, quy định nghĩa vụ của các thành viên nhằm đảm bảo rằng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp không tạo ra những cản trở không cần thiết đối với thương mại. Các nhóm nghĩa vụ trong Hiệp định TBT bao gồm: Đối xử với hàng hoá xuất khẩu của một quốc gia không kém ưu đãi hơn so với cơ chế đối xử đối với hàng hoá sản xuất trong nước (đối xử quốc gia) hoặc đối với hàng xuất khẩu của một nước khác (đối xử tối huệ quốc); khuyến khích các thành viên dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế một cách hài hoà; minh bạch trong quá trình xây dựng, áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ….

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.