Công cụ phi thuế quan: Hạn chế xuất nhập khẩu tự nguyện

1. Hạn chế xuất khẩu tự nguyện

Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là một thỏa thuận thương lượng giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu, theo đó nước xuất khẩu sẽ tự nguyện cắt giảm số lượng hàng hóa xuất khẩu đến nước nhập khẩu. Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là biện pháp thay thế cho việc áp đặt thuế quan hay hạn ngạch của nước nhập khẩu (Gandolfo, 2014).

Kết quả của hạn chế xuất khẩu tự nguyện là giảm số lượng hàng hóa mà nước nhập khẩu nhận được từ nước xuất khẩu. Đây là một trong các công cụ phi thuế quan trong chính sách thương mại quốc tế. Các quốc gia áp dụng công cụ này đòi hỏi quốc gia xuất khẩu phải hạn chế số lượng hàng hóa xuất khẩu của mình một cách tự nguyện nếu không sẽ bị áp dụng các biện pháp trả đũa.

Về bản chất, hạn chế xuất khẩu tự nguyện là một thoả thuận song phương giữa hai Chính phủ. Nước xuất khẩu giới hạn xuất khẩu một số sản phẩm nhất định tới nước nhập khẩu. Nói chung, nền kinh tế đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu tương tự gây áp lực với Chính phủ đàm phán về hạn chế xuất khẩu với nước xuất khẩu để giảm bớt áp lực cạnh tranh. Các nhà xuất khẩu phải chấp nhận số lượng đó và bị đe doạ nhận được các hành động khắc nghiệt hơn nếu không chấp nhận thoả thuận tự nguyện hạn chế số lượng xuất khẩu. Chính phủ của nước xuất khẩu hoặc chính các nhà xuất khẩu sẽ quản lý thoả thuận này.

Hạn chế xuất khẩu tự nguyện từng là một công cụ quan trọng nhằm hạn chế thương mại và đã được sử dụng khá rộng rãi. Nếu như hạn ngạch được áp dụng chung thì hạn chế xuất khẩu tự nguyện chỉ áp dụng với một số nước xuất khẩu chủ yếu, do đó đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các thành viên. Về cơ bản, hạn chế xuất khẩu tự nguyện gồm 2 hoạt động:

  • Nước nhập khẩu yêu cầu nước xuất khẩu hạn chế bán hàng sang nước nhập khẩu nếu không sẽ bị áp dụng các biện pháp trả đũa.
  • Nước xuất khẩu đồng ý và chủ động hạn chế hàng xuất khẩu sang nước yêu cầu.

Nếu hai nước đồng ý thực hiện biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện, nó sẽ có tác dụng như hạn ngạch. Khi đó, hạn chế xuất khẩu tự nguyện sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và bảo hộ sản xuất tại nước nhập khẩu.

Hạn chế xuất khẩu tự nguyện thường là theo yêu cầu của Chính phủ nước nhập khẩu.
Cũng giống như thuế quan và hạn ngạch, hạn chế xuất khẩu tự nguyện mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nội địa dựa trên việc hạn chế sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Nó luôn làm tăng giá bán trong nước của hàng nhập khẩu. Khi thị phần của hàng nhập khẩu được giới hạn ở một tỷ lệ phần trăm nhất định bởi việc áp dụng hạn chế xuất khẩu thì kéo theo mức giá sẽ tăng lên tương ứng với mức cung từ bên ngoài bị giới hạn đó. Đây được xem là biện pháp bảo hộ mang tính chất tạm thời, chỉ được áp dụng đối với một số mặt hàng và với một số nhỏ các nhà xuất khẩu

2. Mở rộng nhập khẩu tự nguyện

Mở rộng nhập khẩu tự nguyện là một thỏa thuận mà nước nhập khẩu sẽ tự nguyện tăng số lượng mua một loại hàng hóa cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một công cụ chính sách thương mại được sử dụng để thay thế cho hạn chế xuất khẩu tự nguyện. Thay vì hạn chế xuất khẩu tự nguyện từ nước 2 sang nước 1, các thỏa thuận thương mại giữa hai nước có thể sử dụng hình thức nước 2 tự nguyện tăng lượng hàng nhập khẩu từ nước 1 (Greaney, 1996). Một số nhà kinh tế cho rằng, mở rộng nhập khẩu tự nguyện phải được ưu tiên sử dụng thay vì hạn chế xuất khẩu tự nguyện bởi vì hạn chế xuất khẩu tự nguyện hạn chế giao thương giữa các quốc gia trên thế giới trong khi mở rộng nhập khẩu tự nguyện góp phần tăng cường thương mại quốc tế bằng cách tăng doanh số bán hàng nước ngoài ở những nước cho phép các nhà cung cấp nước ngoài gia nhập thị trường.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.