Các hình thức hợp tác thương mại và hội nhập quốc tế

Có nhiều định nghĩa khác nhau về hội nhập kinh tế. Một cách khái quát, có thể hiểu Hội nhập kinh tế quốc tế là sự gắn kết mang tính thể chế các nền kinh tế trên thế giới lại với nhau thông qua việc xóa bỏ hàng rào thương mại thuế quan và phi thuế quan. Ngày nay, hội nhập kinh tế không chỉ giới hạn trong phạm vi cắt giảm hàng rào thuế quan mà còn mở rộng sang tất cả các lĩnh vực liên quan đến chính sách kinh tế – thương mại, hội nhập chính trị… nhằm xóa bỏ tất cả những rào cản vô hình trong quan hệ thương mại quốc tế.

Những nghiên cứu đầu tiên về thương mại quốc tế phải kể đến Ricardo (1817), trong đó tác giả nhấn mạnh đến vấn đề lợi thế so sánh của các quốc gia khi tham gia vào sân chơi thương mại toàn cầu. Theo quan điểm của ông, quan hệ quốc tế là quan hệ “đường hai chiều” có lợi cho mọi nước tham gia. Bất kỳ một nước nào cũng có lợi thế tương đối, tức là lợi thế có được trên cơ sở so sánh với các nước khác. Và một quốc gia có lợi thế so sánh khi quốc gia đó có năng lực sản xuất một loại hàng hóa với chi phí thấp hơn quốc gia khác.

Tiếp theo, Viner (1950) nghiên cứu tiến trình hội nhập của liên minh các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu – EU. Tác giả tập trung vào giai đoạn tiền thân của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với học thuyết về Liên minh thuế quan. Ông chỉ ra rằng, việc hình thành một hiệp định thương mại hay liên minh thuế quan sẽ mang lại phúc lợi về kinh tế nếu như mức độ “tạo thêm thương mại” (trade creation) vượt trên mức độ “chệch hướng thương mại” (trade diversion). Ngược lại, nếu mức độ “tạo thêm thương mại” nhỏ hơn mức độ “chệch hướng thương mại” thì phúc lợi này sẽ bị giảm. Nghiên cứu của Viner sau này được bổ sung bằng công trình “Lý thuyết về Liên minh thuế quan” của Meade (1955) với những phân tích phúc lợi thương mại từ khía cạnh người tiêu dùng.

Phổ biến và phù hợp xu thế hiện nay là nghiên cứu của Balassa (1961), theo đó hội nhập kinh tế là việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các nền kinh tế. Ông cho rằng hội nhập kinh tế trước hết là quá trình trao đổi hàng hóa một cách tự do trong một khu vực phi thuế quan mà ở đó, các quốc gia bình đẳng về phát triển kinh tế. Theo ông, có nhiều giai đoạn khác nhau trong tiến trình hội nhập kinh tế bao gồm: Khu vực tự do thương mại (FTA), Liên minh thuế quan (CU), thị trường chung (CM) và cuối cùng là liên minh kinh tế- tiền tệ. Học thuyết của Balassa về hội nhập kinh tế quốc tế được cho là khá thành công và được chứng minh bởi nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu sau đó của các tác giả như Peng et al. (2006), Bretschger and Steger (2004), Dobrescu and Dobre (2014).

Hội nhập quốc tế là quá trình gắn kết các thành viên trong khu vực và trên thế giới thông qua các nỗ lực tự do hóa và mở cửa nền kinh tế, theo những hình thức khác nhau từ đơn phương đến song phương, đa phương; từ tiểu khu vực đến khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế cũng có thể diễn ra dưới nhiều cấp độ. Balassa (1961) đưa ra bốn hình thức của hội nhập kinh tế hay liên kết kinh tế từ mức độ “thấp” đến “cao” bao gồm: (1) Khu vực mậu dịch tự do – Free Trade Area/FTA; (2) Liên minh thuế quan – Custom Union/CU; (3) Thị trường chung – Common Market/ CM; và (4) Liên minh kinh tế – Economic Union/EU. Mô hình này sau đó được El-Agra (1988) bổ sung cấp độ (5) hội nhập chính trị và được minh họa như sau:

Hình 6.1: Các cấp độ hội nhập quốc tế

1. Khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area/FTA)

Khu vực mậu dịch tự do hay Hiệp định thương mại tự do – FTA được hiểu là “việc các thành viên trong liên minh thực hiện giảm thiểu và cắt bỏ các hàng rào thuế quan, phi thuế quan trong thương mại nội khối nhưng vẫn duy trì chính sách thuế quan độc lập đối với các thành viên ngoại khối” (Phạm Quốc Trụ, 2011). Ngày nay, Hiệp định thương mại tự do không chỉ dừng lại ở việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, các nước thành viên trong liên kết còn tiến tới hợp tác và xóa bỏ hàng rào trong các hoạt động khác như: sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, vấn đề nhân quyền, chống khủng bố.

Một khu vực thương mại tự do cho phép các quốc gia tập trung vào các lợi thế so sánh của mình để sản xuất hàng hóa mà nước đó cho rằng có hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế, tăng hiệu quả và lợi nhuận cho mỗi quốc gia. Với các thỏa thuận trên FTA trở thành mô hình hợp tác phổ biến nhất giữa các quốc gia và các nền kinh tế trên thế giới. Khu vực thương mại tự do mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, những người sẽ phải bỏ ra số tiến ít hơn tuy nhiên sẽ được tiếp cận với các mặt hàng nước ngoài với chất lượng cao nhờ vào các chính sách loại bỏ các hàng rào thuế quan của chính phủ. Các nhà sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh hơn khi hàng hóa nước ngoài tràn ngập trong nước với giá rẻ tuy nhiên họ cũng được hưởng lợi khi thị trường mở rộng, không chỉ trong nước mà còn vươn ra nước ngoài với tệp khách hàng tiềm năng. Khu vực thương mại tự do khuyến khích phát triển kinh tế tại các quốc gia bằng việc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong khu vực, nâng cao mức sống của người dân.

Một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất và nổi tiếng nhất là Khu vực mậu dịch tự do bắc Mỹ (NAFTA), được ký kết thỏa thuận vào ngày 01 tháng 01 năm 1994. Thỏa thuận này giữa Canada, Hoa Kỳ và Mexico nhằm khuyến khích thương mại giữa các quốc gia Bắc Mỹ. Ngoài ra chúng ta còn phải kết đến các điển hình khác cho mô hình hợp tác này: Khu vực mậu dịch tự do Bắc Âu (EFTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Sau quá trình hình thành và phát tiển, những khu vực này đã và đang thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do giữa các thành viên trong khu vực, tạo sân chơi bình đẳng để các quốc gia khẳng định vị thế của mình. Ví dụ: Hiệp định FTA giữa ASEAN với Úc-Niudilân (2009), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương TPP

2. Liên minh thuế quan (Custom Union/CU)

Đây là hình thức hội nhập kinh tế cao hơn FTA, trong đó ngoài việc cắt giảm hàng rào thuế quan, các nước thành viên còn thống nhất thực hiện chính sách thuế quan chung đối với các nước ngoài khối. Việc thành lập Liên minh thuế quan giúp gia tăng hiệu quả kinh tế trong quá trình hợp tác nhưng lại đòi hỏi các nước trong liên minh phải có sự gắn kết và đồng thuận về chính sách tài khóa.

Một liên minh thuế quan được ký kết giữa hai hoặc nhiều nước để thiết lập một thị trường thương mại tự do với các nước thành viên và tạo một chính sách thương mại chung cho các nước thành viên loại bỏ việc thiết lập các rào cản thương mại thông thường. Liên minh thuế quan sẽ tạo một thị trường chung cho thương mại tự do giữa các nước thành viên khi sử dụng một chiến lược chung về các chính sách thương mại đối với các nước ngoài liên minh. Các nước thành viên có thể đồng thuận việc hạn chế nhập khẩu một số hàng hóa và dịch vụ bằng cách sử dụng các hạn ngạch thương mại. Một quốc gia thành việc nhờ vào chính sách này có thể bảo vệ được các ngành công nghiệp non trẻ của mình bởi các nước khác không phải thành viên của liên minh

Một số ưu điểm và nhược điểm của một liên minh thuế quan:

  • Ưu điểm:
  • Thứ nhất, liên minh có thể thúc đẩy thương mại giữa các thành viện thuộc liên minh bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt hàng rào thuế quan. Việc giảm thuế khiến các nước xuất khẩu thu được nhiều lợi nhuận hơn và dễ dàng để thực hiện vì làm giảm các chi phí của hàng hóa, có thể cạnh tranh được với hàng hóa trong nước
  • Thứ hai, nó bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của các thành viên thuộc liên minh do các hoạt động thương mại giữa các thành viên trong liên minh được bảo hộ. Điều này được tạo ra do tất cả các nước thành viên đều đã thống nhất về một chính sách chung như hạn ngạch và thuế quan
  • Cuối cùng, để tham gia liên mình, các nước thành viên đã đồng ý trong việc chia sẻ gánh nặng thuế thường áp đặt cho các nước xuất khẩu. Điều này góp phần tạo thêm thu nhập cho các quốc gia thành viên. Nếu không có các chính sách này, hoạt động thương mại diễn ra cầm chừng và mang lại lợi ích thấp
  • Nhược điểm:
  • Thứ nhất, các nước thành viên phải từ bỏ một số quyền lợi khi tham gia vào liên minh. VD như các nước phải từ bỏ quyền kiểm soát chính sách tài chính, chi tiêu, thuế cũng như các quyết định đơn phương về thuế quan cũng như tiêu thụ hàng hóa
  • Thứ hai, mặc dù liên minh có thể bảo vệ ngành công nghiệp của các quốc gia thành viên do hàng rào thuế quan và hạn ngạch áp dụng với các nước muốn xuất khẩu vào quốc gia thuộc liên minh; tuy nhiên, thị trường xuất khẩu là rộng lớn và nhiều quốc gia không ngại đối mặt với các hàng rào về thuế để có cơ hội mở rộng thị trường của mình
  • Thứ ba, vẫn có sự phân biệt lợi ích giữa các quốc gia lớn nhỏ trong cùng một liên minh. Các quốc gia lớn thường thu được nhiều lợi ích hơn so với các quốc gia thành viên nhỏ hơn.

Điển hình cho mô hình hợp tác này là Liên minh Châu ÂU – EU. EU đã hoàn thiện Liên minh hải quan vào năm 1968 và xóa bỏ hoàn toàn các rào cản thuế quan vào năm 1993. Hàng hóa sản xuất trong các nước EU được xuất nhập khẩu và lưu thông một cách tự do. Bên cạnh đó, Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN cũng là một điển hình khác của Liên minh thuế quan. ASEAN không chỉ là một khu vực mậu dịch tự do, ASEAN còn là một liên minh thuế quan tạo lập mối quan hệ chặt chẽ cùng có lợi giữa các nước thành viên trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, một số Liên minh thuế quan khác cũng được biết đến bao gồm: Liên minh thuế quan giữa Nga, Belarus và Kazakhastan, Liên minh thuế quan Benelux giữa 3 nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg…

3. Thị trường chung (Common Market/CM)

Khi liên kết kinh tế phát triển đến nấc thang của thị trường chung, ngoài việc xóa bỏ hàng rào thuế quan/phi thuế quan giữa các nước nội khối và thực hiện mức thuế chung đối với các nước ngoại khối, các thành viên trong liên minh còn tiến hành xóa bỏ các rào cản đối với dòng dịch chuyển của các yếu tố sản xuất khác như hàng hóa, vốn, lao động. Từ đó, xây dựng một thị trường chung thống nhất, một nền sản xuất chung cho cả khối.

Trên thế giới hiện nay có hình thành một số thị trường chung như sau:

  • Thị trường chung Châu Âu (EEC): Trước khi trở thành một liên minh kinh tế, EU là một thị trường chung (thị trường chung Châu Âu). Ở đó, công dân của 25 nước thành viên có thể tự do đi lại trên lãnh thổ các nước nội khối, tự do mua bán trao đổi hàng hóa và tìm kiếm công việc. Thị trường chung Châu Âu đã xây dựng các chính sách nhất quán về vấn đề buôn bán hàng hóa với các nước ngoài cộng đồng: thành lập ra các liên minh kinh tế tiền tệ, các nguyên tắc thống nhất về kinh tế, chính trị, thực hiện các chính sách chung trên các lĩnh vực.
  • Thị trường chung A rập (Arab Common Market): Thị trường chung này được thành lập vào năm 1964, được sáng lập bởi hội đồng thống nhất Kinh tế A rập. Thị trường này gồm 5 nước thành viên: Ai Cập, Irac, Goocđani, Xuđăng và Sy ri. Cũng như hầu hết các thị trường chung khác, các hàng rào về thương mại và dịch chuyển các yếu tố sản xuất được dỡ bỏ. Tuy nhiên, thị trường chung A rập chưa áp dụng hình thức liên minh thuế quan.
  • Thị trường chung Trung Mỹ (Central American Common Market): Thành lập năm 1960, bao gồm các thành viên: Costa Rica, Honduras, Guatemala, Nicargua, Panama, El Salvador. Hàng rào thuế quan và thương mại được dỡ bỏ và đang trong quá trình thiết lập liên minh thuế quan Trung Mỹ.
  • Tại Đông Nam Á, ASEAN cũng đang tiến tới xây dựng một thị trường chung để tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thành viên có một thị trường thống nhất mà không phải chịu bất cứ một rào cản thương mại nào.

4. Liên minh Kinh tế (Economic Union/EU)

Liên minh kinh tế là nấc thang liên kết cao nhất trong hội nhập kinh tế của các quốc gia, sau khi đã bước qua các quá trình như: khu vực thương mại tự do, liên minh thuế quan và thị trường chung. Với mô hình liên kết này, các nước thành viên duy trì một thị trường chung, thực hiện một chính sách kinh tế tiền tệ thống nhất và có sự phân công lao động giữa các nước thành viên. Hay nói cách khác, ngoài việc duy trì việc di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất, nó cùng đòi hỏi việc tích hợp thống nhất các chính sách kinh tế, tiền tệ và tài khóa. Nằm trong một liên minh kinh tế, các nước thành viên phải đảm bảo hài hòa các chính sách tiền tệ, thuế và chi tiêu chính phủ. Ngoài ra, các nước còn hình thành đồng tiền chung, xây dựng ngân hàng chung thay thế cho ngân hàng trung ương của mỗi nước. Ngoài ra, trong một liên minh kinh tế, các chính sách hạn chế nhập cư và đầu tư xuyên quốc gia cũng bị bãi bỏ. Rõ ràng, để hình thành nên một liên minh kinh tế, các quốc gia thành viên phải giảm bớt chính sách bảo hộ chủ quyền quốc gia để kết nối với nhau tạo thành một siêu quốc gia. Một liên minh như vậy được hiểu như là một bước cuối cùng trong công cuộc thống nhất về mặt chính trị.

Mục đích thành lập một liên minh kinh tế thường là tăng hiệu quả kinh tế và thiết lập mối quan hệ chính trị và văn hóa chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên. Liên minh kinh tế được thành lập thông qua các hiệp định thương mại

Tuy nhiên, việc tham gia một liên minh kinh tế có thể dẫn đến việc các quốc gia mất quyền tự chủ về việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ. Một số đòn bẩy và chính sách quản lý tiền tệ của quốc gia thuộc khối sẽ bị loại bỏ để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Bên cạnh ưu điểm, một số nhược điểm có thể thấy là:

  • Các quốc gia nội khối sẽ mất đi một phần quyền lực của mình. Do sử dụng một đồng tiền chung, quốc gia đó sẽ bị ảnh hưởng bởi rủi ro tiền tệ và ngoại hối từ các nước thuộc liên minh. Tuy nhiên nếu đồng nội tệ của quốc gia đó kém ổn định hơn đồng tiền chung, quốc gia này lại được lợi. Việc không cần chuyển đổi đồng nội tệ sang ngoại tệ cũng giúp cho các quốc gia nội khối giảm bớt chi phí chuyển đổi, các doanh nghiệp thu được nhiều lợi nhuận hơn khi thực hiện giao dịch giữa các quốc gia thuộc liên minh. Tuy nhiên việc này cũng làm giảm thu nhập của một số doanh nghiệp khi được hưởng chênh lệch về tỷ giá trong quá trình xuất khẩu hàng hóa
  • Các quốc gia phải thực hiện cùng một chính sách tiền tệ và tài khóa. Do vậy, khi gặp phải một cuộc khủng hoảng tiền tệ, quốc gia này không thể sử dụng chính sách tiền tệ của mình để giải quyết. Đơn cử như trường hợp của Hy Lạp, sau khi vướng vào cuộc khủng hoảng nợ công năm 2008, quốc gia này không thể hạ giá đồng nội tệ để xử lý vấn đề bội chi ngân sách. Do vậy, Hy Lạp phải thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu và vay gói cứu trợ từ các quốc gia trong khối. Để đảm bảo sự ổn định của liên minh EU, các nước khác trong khối cần tìm kiếm nguồn vốn để cho Hy Lạp vay và bỏ qua các chính sách tiền tệ nội bộ của quốc gia mình
  • Các doanh nghiệp thuộc các quốc gia thuộc liên minh kinh tế sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày các gay gắt trong chính liên minh. Tuy nhiên, sự gia tăng cạnh tranh sẽ khiến cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất để thích nghi với sự thay đổi của thị trường, luôn tìm kiếm các thị trường mới và các khoản mục đầu tư mới để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Do vậy, để chuẩn bị gia nhập một liên minh kinh tế, các quốc gia cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực.

Có thể nói rằng, việc gia nhập một liên minh kinh tế đem lại cả ưu điểm và nhược điểm. Đối với các quốc gia sẵn sàng hội nhập và đáp ứng được yêu cầu, điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích. Còn đối với các quốc gia còn non kém trong vấn đề quản lý kinh tế, đây sẽ là bài toán đặt ra cho ban lãnh đạo nước đó để tìm con đường phát triển kinh tế đất nước một cách chủ động và chắc chắn.

Trong các mô hình liên kết kinh tế quốc tế trên thế giới hiện nay, EU là tổ chức đã đi đến nấc thang cao nhất này. Các nước trong khu vực Liên minh châu Âu sử dụng đồng tiền chung Euro và có ngân hàng trung ương Châu Âu đứng ra giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ của khu vực.

5. Liên minh Chính trị (Political Union/ PU)

Liên minh chính trị có thể hiểu là việc chuyển giao phần lớn hoặc toàn bộ chủ quyền từ hai hoặc nhiều quốc gia để hình thành nên một nhà nước duy nhất. Một liên minh chính trị có thể hiểu là một nhà nước đơn nhất, tất cả các quốc gia thành viên không còn tồn tại một cách hợp pháp (ngoại trừ trở thành một đơn vị hành chính) và họ phải tuân theo các quy luật. Ngoài ra, một liên minh chính trị có thể hiểu là một liên bang, trong đó nhà nước mới đưa ra một số trách nhiệm và quyền hạn còn lại đối với các thành viên trước đây. Các đoàn thể chính trị trở thành một khối thống nhất, với chung một đồng tiền và không có rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên

Liên minh chính trị là cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế dựa trên học thuyết về hội nhập của Ballassa (1961). Đây là quá trình các nước tham gia thực hiện cơ chế quyền lực tập thể nhằm theo đuổi những mục tiêu nhất định phù hợp với luật chơi chung. Hội nhập chính trị thể hiện mức độ liên kết đặc biệt giữa các nước, chia sẻ với nhau các giá trị cơ bản về ý thức hệ, về lợi ích và quyền lực.

Điển hình cho mô hình hợp tác chính trị là EU và ASEAN. Trong đó EU là mô hình hợp tác chính trị cao nhất, ở đó có sự gắn kết về ý thức hệ và lòng tin giữa các quốc gia trong liên minh. Đối với ASEAN còn đang trong giai đoạn đầu của hội nhập chính trị nên vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các nước thành viên và độ tin cậy còn ở mức độ hạn chế. Việc nỗ lực hoàn thiện xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị – An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội) sẽ giúp tăng cường quá trình hội nhập chính trị trong ASEAN, tạo điều kiện để ASEAN bước tới một giai đoạn hội nhập cao hơn nữa.

Trên đây là những nấc thang quan trọng trong tiến trình hội nhập của một quốc gia. Một quốc gia về cơ bản phải trải qua các bước hội nhập từ thấp đến cao, việc đốt cháy giai đoạn chỉ có thể thực hiện khi đủ các điều kiện đặc thù nhất định. Ví dụ như Cộng đồng Châu Âu EU đã đồng thời thực hiện xây dựng khu vực mậu dịch tự do và liên minh thuế quan trong những năm 1960 – 1970. ASEAN đang phát triển nhảy vọt từ giai đoạn Hiệp định tự do thương mại FTA sang giai đoạn Liên minh kinh tế bằng việc thành lập Cộng đồng kinh tế AEC vào năm 2015. Dù phát triển qua giai đoạn nào thì các tổ chức liên kết kinh tế vẫn mang đầy đủ những đặc điểm của Hội nhập như trong học thuyết mà Balassa đề cập ở trên. Và hội nhập kinh tế trở thành nền tảng quan trọng, một sân chơi nhiều thử thách nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho các nước thành viên khẳng định vị thế của mình.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.