Thực trạng chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam về bảo hộ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

1. Thực trạng quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tăng và phức tạp tinh vi ở Việt Nam hiện nay. Trong đó có đủ các loại vi phạm về sở hữu trí tuệ từ quyền tác giả, sở hữu công nghiệp, nhãn mác, hay chỉ dẫn địa lý, thậm chí cả cây trồng mới.

Về quyền tác giả: Do công nghệ sao chép ngày càng tinh vi vì vậy càng khó phát hiện. Tình trạng xuất bản về điện ảnh, nghệ thuật, ghi âm, ghi hình, sao chép lậu sách báo, phim ảnh, các chương trình ca nhạc, hài cho đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là phần mềm máy tính, phần mềm trò chơi máy tính ngày càng diễn biến phức tạp.

Đối với sở hữu công nghiệp: Nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp là hai lĩnh vực bị vi phạm nhiều nhất. Bên cạnh đó có các vi phạm về chỉ dẫn địa lý và xâm phạm sáng chế và giống cây trồng. Chủng loại hàng hóa thường là từ hàng tiêu dùng thông thường như thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, đồ dùng vệ sinh cá nhân, đến đồ gia dụng, phương tiện máy móc hoặc các sản phẩm cao cấp, đặc dụng như mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sắt thép xây dựng…

Đối với nhãn hiệu: sao chép kiểu dáng bao bì, nhái phông chữ, thương hiệu, nhãn mác, logo… Hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ được các cá nhân, tổ chức vi phạm tung ra thị trường khắp cả nước từ thành thị tới nông thôn và ở mọi thành phần kinh tế.

Tình hình thực thi xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của các cơ quan có thẩm quyền trong những năm gần đây:

  • Cơ quan Thanh tra chuyên ngành KH&CN
    • Năm 2006 – 2008, Cơ quan thanh tra KH&CN đã tiến hành thanh tra 3.574 cơ sở, phát hiện và xử lý 459 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đã xử phạt cảnh cáo 152 cơ sở, phạt tiền 307 cơ sở với số tiền 1.847.988.200 đồng.
    • Năm 2009, Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành thanh tra 61 vụ, đã xử lý 38 vụ xâm phạm về nhãn hiệu, 02 vụ xâm phạm về kiểu dáng và 05 vụ xâm phạm giải pháp hữu ích, đã xử phạt cảnh cáo 01 vụ, phạt tiền 45 vụ với tổng số tiền phạt 697.356.000 đồng và xử lý 156.426 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
    • Cũng theo số liệu tổng hợp được từ 55 báo cáo của Sở KH&CN các tỷnh/thành phố năm 2009, các Sở KH&CN đã tiến hành thanh tra 7453 cơ sở, đã xử lý 1.012 cơ sở vi phạm hành chính bằng các hình thức: cảnh cáo 146 cơ sở, phạt tiền 866 cơ sở với số tiền 3.175.469.500 đồng, tịch thu, xử lý và tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm hành chính.
    • Năm 2012, Thanh tra Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 69 cơ sở, đã phát hiện và xử phạt 36 trường hợp có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với số tiền 859.000.000 đồng. Thanh tra KH&CN đã buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên 25.703 sản phẩm, buộc tiêu hủy và tịch thu tiêu hủy 7.462 sản phẩm chứa đựng các dấu hiệu xâm phạm quyền SHCN theo quy định của pháp luật. Riêng Thanh tra Bộ KH&CN tiến hành 38 cuộc thanh tra trong lĩnh vực này, đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới 831 triệu đồng và đã thực thu về được cho ngân sách. Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường xử lý 01 trường hợp và với lực lượng cảnh sát điều tra xử lý 36 trường hợp (Phạm Văn Toàn, 2013).
  • Cơ quan Quản lý thị trường
    • Năm 2008, Cơ quan Quản lý thị trường đã thụ lý 2.697 vụ (415 vụ xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, 2.268 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 7 vụ xâm phạm CDDL, 3 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh), trong đó xử lý 2.506 vụ (389 vụ xâm phạm KDCN, 2.105 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 6 vụ xâm phạm chỉ dẫn địa lý, 2 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh) với tổng số tiền phạt lên tới hơn 7.000.000.000 đồng.
    • Năm 2009, Cơ quan Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn, nhiều vụ bị phát hiện tại TP.Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 201 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Đồng Nai, Cà Mau, Hải Dương cũng là những địa phương có số vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý khá cao, chủ yếu liên quan đến nhãn hiệu (tại Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 186 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt trên 704 triệu đồng; tại Đồng Nai, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 106 vụ xâm phạm nhãn hiệu, xử lý 76 vụ với số tiền phạt hơn 191 triệu đồng…).
    • Năm 2012, Cơ quan quản lý thị trường các địa phương và trung ương đã tiến hành xử lý 9556 vụ việc xâm phạm quyền SHTT, trong đó có 61 vụ xâm phạm quyền tác giả/quyền liên quan, 8999 vụ giả mạo nhãn hiệu, 67 vụ xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, 422 vụ sử dụng tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả mạo và 07 vụ vi phạm giống cây trồng. Tổng số tiền xử phạt 5,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm bị phát hiện và xử lý là 3,8 tỷ đồng (Phạm Văn Toàn, 2013).
  • Cơ quan Hải quan
    • Năm 2006 – 2008, Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý trên 53 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến SHTT. Cơ quan Hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và xử lý 31 trường hợp, trong đó hầu hết là các trường hợp được xác định là có giả mạo về SHTT (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi xách…). Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng.
    • Năm 2012, Cơ quan Hải quan cũng đã tiếp nhận và xử lý gần 100 yêu cầu của các chủ thể quyền SHTT đề nghị kiểm tra, giám sát tại biên giới. Tính đến thời điểm năm 2012 ngành hải quan có tất cả 106 đơn yêu cầu bảo vệ quyền SHTT tại biên giới với khoảng gần 300 nhãn hiệu hàng hóa các loại. Cơ quan Hải quan đã xử lý 101 vụ, xử phạt với số tiền khoảng 300 triệu đồng, đồng thời đã tịch thu xử lý hàng chục ngàn sản phẩm vi phạm các loại như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, điện thoại di động…(Phạm Văn Toàn, 2013).
  • Cơ quan Công an
    • Năm 2006 – 2009, Cơ quan cảnh sát điều tra về trật tự và quản lý kinh tế chức vụ thuộc Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 76 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tân dược. Ngoài ra lực lượng cảnh sát còn phối hợp với các cơ quan thực thi kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, đối với các cơ sở xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền phần mềm, tiêu hủy hàng hóa xâm phạm (Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động 168).
    • Lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 156 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hoá giả mạo SHTT như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, linh kiện.
    • Theo báo cáo của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), riêng năm 2011, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phạt hiện 169 vụ xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả, 214 đối tượng. Năm 2012 lực lượng cảnh sát kinh tế của 44 tỷnh/thành phố đã phát hiện 276 vụ xâm phạm quyền SHTT, sản xuất buôn bán hàng giả, trong đó đã khởi tố 66 vụ, phạt tiền hơn 2,4 tỷ đồng (Phạm Văn Toàn, 2013).
    • Tiếp tục tăng trong các năm gần đây, cụ thể trong hai năm 2013 – 2014, theo báo cáo của thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ riêng lực lượng thanh tra toàn quốc đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm bản quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… với tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng. Đồng thời cơ quan chức năng cũng đã buộc loại bỏ, tiêu hủy hàng trăm nghìn sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghệ, cạnh tranh không lành mạnh; tiêu hủy hàng chục nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu vỏ hộp, tem vi phạm (Nhật Anh, 2016).

2. Chính sách bảo hộ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam được quan tâm từ đầu những năm 80 và không ngừng đổi mới trong những năm gần đây để bắt kịp với hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể Việt Nam đã tham gia rất nhiều các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như: Năm 1949, Việt Nam đã tham gia công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp công ước này được ký kết vào 20/3/1883. Năm 2004, Việt Nam gia nhập trở thành thành viên của công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Thụy Sĩ ngày 9/9/1886. Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa năm 1891 và Việt Nam tham gia vào năm 8/3/1949. Đến năm 1976 Việt Nam ký kết gia nhập WIPO; ký kết Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả với Hoa Kỳ năm 1997; Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (năm 1999); Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA – năm 2000). Theo cam kết tại các hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sĩ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập công ước Geneva (1971) công ước Brussels (1974) và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS của WTO.

Để đáp ứng quá trình hội nhập phù hợp với quốc tế, trong nước năm 2005 Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ và được sửa đổi năm 2009, luật này quy định bảo hộ các dạng tài sản trí tuệ như: bản quyền tác giả và các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã xây dựng dựa trên các nguyên tắc và quy định cơ bản của các hiệp định trên đặc biệt là hiệp định TRIPS. Trong đó có quy định về về một số văn bằng và bảo hộ văn bằng như sau:

  • Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu; tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.
  • Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.
  • Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Về hiệu lực của văn bằng bảo hộ, quy định tại điều 93 như sau:

  • Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
  • Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:
  • Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;
  • Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
  • Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Bên cạnh đó đối với việc thực thi bảo hộ các đối tượng, việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về thủ tục hành chính trong việc xử lý vi phạm, các thủ tục dân sự và hình sự theo Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự, Việt Nam cũng đã có những biện pháp để thúc đẩy việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ như chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp số 845/CT-Ttg ngày 02/06/2011, Bộ khoa học và công nghệ cũng đã ban hành 18/2004/CT-BKHCN ngày 14/7/2004 về tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo tăng cường hoạt động thực thi trên thực tế.

Việc xây dựng, thực hiện các chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong những năm qua. Từ năm 2005 đến nay, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ tăng bình quân hằng năm 20%. Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ tổng số đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ trong năm 2012 là 40.817 đơn tăng 5.2% so với năm 2011. Trong đó đơn đăng ký sáng chế là 3.959 tăng 7.3%, đơn kiểu dáng công nghiệp là 1.946 tăng 4.6% và đơn nhãn hiệu là 34.479 tăng 5.4%. Năm 2014 đã tiếp nhận khoảng 83.436 đơn, trong đó có 4.447 đơn sáng chế, 373 đơn giải pháp hữu ích, 2.311 đơn kiểu dáng công nghiệp, 33.064 đơn nhãn hiệu quốc gia và 106 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. TP Hồ Chí Minh có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nhiều nhất với gần 12.000 đơn, tiếp theo là là Hà Nội ước khoảng 7.600 đơn.

Một cách khái quát, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ khi Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005). Thực hiện chính sách thương mại về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt nam đạt được nhiều thành công. Từ năm 2005 đến nay, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ tăng bình quân hằng năm 20%. Trong đó đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tăng 25% – 30%, đăng ký bảo hộ các sáng chế cũng tăng 10% – 15%. Việt Nam đã cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên trong thực thi chính sách bảo hộ SHTT còn nhiều vấn đề và chưa quản lý tốt. Chẳng hạn như về quyền tác giả đang còn nhiều tình trạng xuất bản, điện ảnh, nhiếp ảnh, nghệ thuật tạo hình bị sao chép… Đối với sở hữu công nghiệp, việc ăn cắp các nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp, xâm phạm chỉ dẫn địa lý còn nhiều… Do đó cần chính sách bảo hộ SHTT cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là các quy phạm thực thi.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.