Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) (2006)

Quan hệ thương mại ASEAN – Hàn Quốc liên tục tăng trưởng. Tổng kim ngạch thương mại tăng gấp đôi trong 5 năm qua từ 2004 đến 2008, chạm mức 90,2 tỷ USD; đầu tư song phương cùng giai đoạn đó tăng hơn 5 lần, đạt 6,8 tỷ USD vào cuối năm 2008. Thành tựu thương mại trên đạt được nhờ sự thúc đẩy to lớn của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA – ASEAN Korea Free Trade Area) vào cuối năm 2005, đầu năm 2006.

Nội dung sơ lược của các văn bản Hiệp định (gồm 5 văn bản Hiệp định và 2 Nghị định thư liên quan khác):

  • Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện: được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 9 vào ngày 13/12/2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Hiệp định khung nêu ra định hướng xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – Hàn Quốc trước 2008 (linh hoạt tới 2010) đối với Hàn Quốc, năm 2010 (linh hoạt tới 2012) đối với Brunei, Indonesia, Malaysia, Phillippines, Singapore và Thái Lan, năm 2016 đối với Việt Nam và năm 2018 đối với Campuchia, Lào và Myanma. Hiệu lực thi hành từ 01/07/2006.
  • Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp: được ký kết vào tháng 12/2005 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 9 diễn ra tại Kuala Lumpur và đi vào hiệu lực từ 01/07/2006.
  • Hiệp định về thương mại hàng hóa: được ký kết chính thức vào ngày 24/08/2005 tại Kuala Lumpur, và đi vào hiệu lực từ 01/07/2006.
  • Hiệp định về Đầu tư: được ký kết chính thức vào ngày 02/06/2009, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc tại đảo Jeju. Hiệu lực sau hai tháng kể từ ngày ra thông báo chính thức của các thành viên khi đã hoàn tất các thủ tục trong nước.
  • Hiệp định về thương mại dịch vụ: được ký kết vào ngày 21/11/2007, và được đi vào hiệu lực sau hai tháng kể từ ngày ra thông báo chính thức của các thành viên khi đã hoàn tất các thủ tục trong nước.
  • Nghị định thư về việc gia nhập của Thái Lan đối với Hiệp định về thương mại dịch vụ: được ký kết vào ngày 27/02/2009 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 tại Cha-am, Phetchaburi, Thái Lan, và được đi vào hiệu lực ngay khi phía Thái Lan đưa ra thông báo chính thức về việc hoàn tất các thủ tục trong nước.
  • Nghị định thư về việc gia nhập của Thái Lan đối với Hiệp định về thương mại hàng hóa: được ký kết vào ngày 27/02/2009 tại Cha-am, Phetchaburi, Thái Lan, và được đi vào hiệu lực ngay khi phía Thái Lan đưa ra thông báo chính thức về việc hoàn tất các thủ tục trong nước.

Nội dung chính của các cam kết của Việt Nam với vai trò là một thành viên ASEAN trong AKFTA gồm (i) Cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa (danh mục nhạy cảm và danh mục thông thường) và (ii) Cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

  • Cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa

Không giống với ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc không có chương trình thu hoạch sớm, và có đặc thù riêng. Các nước thành viên cam kết thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan từ năm 2007.

Đối với các mặt hàng thuộc danh mục thông thường cần xoá bỏ thuế của Việt Nam gồm 8.909 mặt hàng ~ 90% số dòng thuế, được thực hiện giảm thuế từ năm 2007 và xoá bỏ thuế quan vào 2016, một số sẽ được linh hoạt đến 2018. Ngoài lộ trình cắt giảm thuế được quy định rõ, Việt Nam còn phải thực hiện các cam kết bổ sung gồm: (i) cắt giảm xuống 0 – 5% đối với ít nhất 50% mặt hàng trong danh mục thông thường vào ngày 01/01/2013; (ii) xoá bỏ thuế nhập khẩu của ít nhất 90% mặt hàng thông thường vào ngày 01/01/2015; (iii) xoá bỏ thuế nhập khẩu của ít nhất 95% mặt hàng thông thường vào ngày 01/01/2016; và (iv) xoá bỏ thuế nhập khẩu của 100% mặt hàng thông thường vào ngày 01/01/2018. Đối với 100 mặt hàng có xuất xứ từ Khu công nghiệp Khai thành (Bắc Triều Tiên) cũng được hưởng ưu đãi AKFTA tại Việt Nam.

Đối với các mặt hàng nhạy cảm (gồm 2.137 mặt hàng, ~ 10% số dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu, ~ 25% kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2005), các hành xử được chi tiết tới hai cấp độ: (i) nhạy cảm thường (SL) và (ii) nhạy cảm cao (HSL). Danh mục gồm 855 mặt hàng nhạy cảm thường được quy định giảm thuế xuống 20% vào năm 2017 và xuống 5% vào 2021. Danh mục 1.282 mặt hàng nhạy cảm cao được chi tiết tiếp thành năm nhóm với các cam kết cụ thể trong trường hợp của Việt Nam như sau:

Danh mục các mặt hàng còn lại không thuộc hai loại hình trên của Biểu thuế nhập khẩu là các mặt hàng loại trừ chung phù hợp với quy định của WTO như thuốc phiện, vũ khí, đạn dược.

  • Cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ

Các thành viên ASEAN và Hàn Quốc hiện chỉ dừng lại ở gói cam kết đầu tiên và chưa có tín hiệu sẽ tiếp tục đàm phán gói thứ 2. Đối với Việt Nam, mức cam kết của gói đầu tiên tương được với nội dung cam kết khi gia nhập WTO.

Liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam ban hành tính đến hiện tại gồm 05 thông tư, quyết định quy định, hướng dẫn như sau:

  • Thông tư số 04/2015/TT-BCT ngày 16/03/2015 v/v Sửa đổi, bổ sung Quy tắc cụ thể mặt hàng ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25 tháng 6 năm 2014 quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc
  • TT số 167/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018
  • TT số 163/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 2012 – 2014
  • QĐ số 112/2008/QĐ-BTC ngày 01/12/2008 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 2009 – 2011
  • QĐ số 21/2008/QĐ-BTC ngày 05/5/2008 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.