Chính sách thương mại quốc tế của Nhật Bản

Nhật Bản tính đến năm 2015 là nước có quy mô kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới tính theo GDP, đứng thứ 2 về quy mô đầu tư ra nước ngoài và đứng thứ 4 về tổng giá trị xuất nhập khẩu. Có được những thành tích đáng kể trên là nhớ quốc gia này đã ban hành và áp dụng các chính sách thương mại vô cùng đúng đắn và phù hợp, đặc biệt là chính sách thương mại tự do đã giúp Nhật Bản “bứt phá” từ một nước nghèo tài nguyên, thường xuyên hứng chịu những tổn thất về thảm họa thiên nhiên trở thành một cường quốc như hiện nay.

Hình 10.3: Năm nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2015 tính theo GDP và GDP đầu người

Nguồn: Global Edge

Trước hết, về chính sách xuất khẩu, Nhật Bản từ nhiều năm trước đã biết tận dụng kinh nghiệm và thế mạnh của mình trong việc chế biến các sản phẩm bằng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài để từng bước mở rộng sản xuất và tăng cường xuất khẩu. Với chính sách này, Nhật Bản đã trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất sợi tổng hợp, cao su… và đứng thứ 3 thế giới về sản xuất bột giấy, phân đạm… Riêng đối với ngành công nghiệp, Nhật đã áp dụng chính sách tăng khối lượng sản phẩm mới (cao su tổng hợp, hàng điện tử, hóa dầu…) và trở thành một trong những nền công nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới. Ngoài ra, nước này ban hành chính sách kiểm tra chất lượng xuất khẩu rất nghiêm ngặt để đảm bảo toàn bộ hàng hóa xuất khẩu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Chính điều này đã giúp nâng cao uy tín các sản phẩm Nhật và tạo niềm tin cho các đối tác, góp phần thúc đẩy tăng cường giá trị xuất khẩu của nước này. Bên cạnh đó, chính phủ nước này còn áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu, chẳng hạn như miễn giảm thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, thành lập các tổ chức hỗ trợ xuất khẩu chuyên tìm kiếm và nghiên cứu các thị trường tiềm năng. Đặc biệt, Nhật Bản thành lập Ngân hàng xuất nhập khẩu để hỗ trợ tín dụng cho những dự án xuất khẩu có kim ngạch lớn.

Về chính sách nhập khẩu, Nhật là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên nên tương đối phục thuốc vào các quốc gia khác về phần nguyên liệu do đó nước này nhập rất nhiều loại hàng hóa đa dạng (máy móc, thiết bị, chất đốt, thực phẩm…) từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, UAE, Úc, Hàn Quốc… Chính vì thế quốc gia này duy trì chế độ mậu dịch tự do, xúc tiến mở cửa thị trường, cắt giảm và bãi bỏ thuế nhập khẩu và cải thiện hệ thống cấp chứng nhận. Nhờ thế, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng trưởng đều đặn và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Về hệ thống bảo hộ mậu dịch thể hiện dưới hệ thống thuế quan và phi thuế quan, Nhật Bản áp dụng rất nhiều các chính sách khác nhau nhằm minh bạch thị trường. Cụ thể, về hệ thống thuế quan, nước này đề ra nhiều loại thế khác nhau áp dụng cho từng loại hàng hóa nhằm bảo vệ lợi ích cho các hàng hóa nội địa để giảm thiểu rủi ro do bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu của nước ngoài. Còn về hệ thống phi thuế quan, Nhật luôn chủ trương hạn chế quy mô nhập khẩu và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập khẩu được thực hiện rất khắt khe để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân.

Về chính sách tự do hóa thương mại, Nhật Bản luôn đề cao chính sách này để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng cho đất nước cũng chính là để hoàn thiện hơn nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, nước này vẫn khéo léo lồng ghép các cơ chế bảo hộ ngành sản xuất trong nước một cách có hiệu quả. Chính vì thế, mặc dù là nước định hướng đẩy mạnh xuất khẩu, mở cửa nhập khẩu nhưng các mặt hàng nội địa vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ngoài ra, cùng với quá trình toàn cầu hóa, Nhật ngày càng chú trọng đến các hiệp định thương mại tự do, nhất là đối vớ các nước trong khu vực để tiến tới ký kết các hiệp định đa phương của WTO. Tính đến năm 2009, nước này đã ký kết được 11 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia thuộc Châu Á, Châu Âu.

Nhìn chung, chính sách thương mại quốc tế của Nhật Bản đi theo hai hướng là (1) chủ động tham gia và phát huy vai trò của mình trong các tổ chức kinh tế trong khu vực và trên thế giới và (2) chú trọng phát triển hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Điều này sẽ tạo nền móng cho sự phát triển kinh tế đất nước, nâng cao vai trò và vị thế của Nhật trên trường quốc tế, nhất là trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay.

Với việc trở thành cường quốc về kinh tế và kim ngạch xuất khẩu, có thể khẳng định chính sách thương mại quốc tế của Nhật Bản đã đi đúng hướng, nhất là chính sách tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường nhưng vẫn đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ. Quốc gia này đã tự do hóa một cách đúng mức, phù hợp với đặc điểm tình hình, khả năng của đất nước và xu thế toàn cầu.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.