Quan hệ thương mại ASEAN – Nhật Bản liên tục mở rộng với tổng kim ngạch thương mại tăng 22.1% trong năm 2008, chạm mức 211,4 tỷ USD. Vào thời điểm năm 2008, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN (~ 12,4% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN & nguồn đầu tư FDI lớn thứ hai). Vòng đàm phán AJCEP được bắt đầu khởi động từ năm 2003 và kết thúc vào năm 2008. ASEAN và Nhật Bản đã ký Hiệp định về Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) vào tháng 4/2008. Hiệp định AJCEP là một Hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế như đã cam kết trong bản Thỏa thuận Khung về Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản ký kết năm 2003. Các nước Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản đã hoàn tất thông qua Hiệp định AJCEP vào tháng 7/2008.
Phương thức đàm phán của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản khác với ASEAN -Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc do được kết hợp giữa đàm phán song phương & đa phương. Việt Nam tham gia đàm phán trong cả hai khuôn khổ: (i) Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP – ASEAN Japan Comprehensive Economic Partnership) và (ii) Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA – Japan Vietnam Economic Partnership Agreement).
Nội dung sơ lược của các văn bản Hiệp định (gồm 1 Hiệp định, 1 Thỏa thuận khung và 1 Tuyên bố chung):
- Hiệp định về Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa các quốc gia thành viên hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản được ký kết tại Hiệp định này sẽ có hiệu lực đối với các Quốc gia ký kết đã thực hiện việc thông báo vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai kể từ ngày Chính phủ Nhật Bản và ít nhất một quốc gia thành viên ASEAN đã có thông báo.
- Thỏa thuận khung về đối tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản được ký kết vào 08/10/2003 tại Bali, Indonesia đặt rõ năm mục tiêu chính của các nước tham gia; quy định rõ ràng nguyên tắc cơ bản, các biện pháp thực hiện CEP; các biện pháp thực hiện ngay; cam kết tạo điều kiện thuận lợi và hợp tác; cam kết tự do hóa; quy định đối xử tối huệ quốc và ngoại lệ. Khung thời gian thực hiện từ năm 2004: ASEAN và Nhật Bản sẽ tham vấn xây dựng CEP đối với tự do thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư; từ năm 2005, ASEAN và Nhật Bản sẽ cố gắng cao nhất để tiến hành đàm phán.
- Tuyên bố chung của các lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản về Hợp tác Kinh tế Toàn diện được ký kết vào 05/11/2002 tại Phnom Penh, Campuchia.
Biểu cam kết của Việt Nam trong AJCEP với lộ trình cắt giảm đối với 8.771 dòng (trên tổng 9.390 dòng thuế), gồm:
- Danh mục xoá bỏ thuế quan:
- ~ 62,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm – năm 2018, trong đó xoá bỏ ngay 26,3% dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực
- ~ 25,7% và 0,7% số dòng thuế tương ứng sau 15 năm (năm 2023) và 16 năm (năm 2024) thực hiện Hiệp định.
- ~ 88,6% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết vào năm cuối lộ trình (năm 2025).
- Danh mục nhạy cảm thường (SL): ~ 0,6% số dòng thuế ở mức thuế suất cơ sở và giảm tới mức 5% vào năm 2025.
- Danh mục nhạy cảm cao (HSL): ~ 0,8% số dòng thuế giữ ở mức cao và giảm xuống 50% vào năm 2023.
- Danh mục không xoá bỏ thuế quan: ~ 3,3% số dòng thuế ở mức thuế suất cơ sở trong cả lộ trình.
- Danh mục loại trừ: ~ 6,0% số dòng thuế
Theo AJCEP, Việt Nam bắt đầu giảm thuế từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2025. Các mốc thời điểm cắt giảm xuống 0% là vào các năm 2018, 2023 và 2024. Thống kê về loại mặt hàng, các mặt hàng được xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp. Thuế suất áp dụng cho từng giai đoạn phần lớn được cắt giảm theo mô hình cắt giảm dần đều từ thuế suất cơ sở hoặc có mô hình cắt giảm riêng đối với những dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm. Do vậy, biểu thuế suất bình quân theo từng năm có chiều hướng giảm dần.
Liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam ban hành tính đến hiện tại gồm 05 thông tư, quyết định quy định, hướng dẫn như sau:
- TT số 25/2015/TT-BTC ngày 14/02/2015 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2015 – 2019
- TT số 24/2015/TT-BTC ngày 14/2/2015 v/v Về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2015 – 2019
- TT số 20/2012/TT-BTC ngày 15/02/2012 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2012 – 2015 do Bộ Tài chính ban hành
- TT số 83/2009/TT-BTC ngày 28/04/2009 v/v Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2008 – 2012
- QĐ số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 v/v Ban hành Quy chế cấp C/O Mẫu AJ để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.
29 Th7 2022
3 Th8 2022
2 Th8 2022
29 Th12 2021
3 Th8 2022
7 Th1 2022