Công cụ phi thuế quan: Bán phá giá hàng hóa

1. Khái niệm và mục đích

Theo Tổ chức thương mại thế giới WTO, bán phá giá hàng hóa là hành động mang sản phẩm của một nước sang bán ở một nước khác với mức giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm đó (hoặc sản phẩm tương tự như sản phẩm đó) khi bán cho người tiêu dùng ở thị trường nội địa nước xuất khẩu. Bernhofen (1995) cho rằng bán phá giá hàng hoá là xuất khẩu hàng hoá theo giá thấp hơn giá sản xuất hoặc theo giá rẻ mạt nhằm đánh bại đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và cuối cùng đạt được lợi nhuận tối đa.

Điều kiện bán phá giá một loại hàng hoá nào đó là phải lũng đoạn được mặt hàng đó ở thị trường trong nước để tránh nguồn hàng nhập khẩu trở lại. Để bù lại những tổn thất do bán với giá rẻ tại thị trường nước ngoài là từ 3 nguồn chính: Lợi nhuận thu được do bán giá cao ở thị trường trong nước; trợ cấp xuất khẩu của Nhà nước; lợi nhuận thu được sau khi đã chiếm lĩnh thị trường ngoài nước. Hiện nay, phần lớn hoạt động bán phá giá do Chính phủ tiến hành và tổn thất do Ngân sách của Chính phủ gánh chịu.

Theo Gandolfo (2014), có 3 hình thức bán phá giá như sau:

  • Bán phá giá bền vững: là việc bán phá giá trong một thời gian dài và liên tục.
  • Bán phá giá thời điểm: là việc bán phá giá mạnh trong thời gian ngắn để hạ gục đối thủ cạnh tranh nhanh. Để thực hiện hình thức này, một doanh nghiệp sẽ bán sản phẩm với giá thấp một cách giả tạo, thường là thấp hơn giá thành, nhằm loại các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường và thiết lập vị thế độc quyền. Đến khi không còn cạnh tranh, doanh nghiệp này sẽ tăng giá sản phẩm, nhờ vậy không chỉ bù lại những tổn thất trước đó, mà còn thu được lợi nhuận siêu ngạch. Có thể thấy rằng, trong ngắn hạn người tiêu dùng có lợi do hàng được bán phá giá với giá thấp, nhưng trong dài hạn hành vi này sẽ gây tổn thất về phúc lợi xã hội do tác động của độc quyền. Vì vậy, cần phải có luật chống bán phá giá để trừng phạt công ty nước ngoài kinh doanh theo kiểu chiếm đoạt như vậy. Tuy nhiên, việc định giá thấp hơn giá thành một cách có hệ thống là không hợp lý và cũng không khả thi. Giả sử một doanh nghiệp nước ngoài thành công trong việc giảm giá nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và chiếm đoạt thị trường, vẫn không thể đảm bảo doanh nghiệp này sẽ thành công trong việc tăng giá sau đó. Nếu các đối thủ cạnh tranh của nó có thể ra khỏi thị trường khi giá thấp thì vẫn có thể thâm nhập vào thị trường khi giá tăng lên và để chiếm thị phần họ sẽ định giá bán thấp hơn giá của doanh nghiệp nước ngoài đó.
  • Bán phá giá không thường xuyên: là hình thức bán phá giá ở từng thời điểm nhất định.

Khi có đơn khiếu nại về bán phá giá, các cơ quan phụ trách thương mại của nước nhập khẩu sẽ tiến hành tìm hiểu 2 vấn đề. Thứ nhất, hàng nhập khẩu có bị bán với giá thấp hơn giá trị hợp lý không. Thứ hai, ngành sản xuất cạnh tranh trong nước có bị thiệt hại về vật chất do hậu quả trực tiếp của hàng nhập khẩu bán phá giá hay không. Nếu câu trả lời là có thì một khoản thuế chống phá giá sẽ được áp dụng đối với mặt hàng này. Mục đích của khoản thuế chống bán phá giá là đưa giá mặt hàng trở về gần với giá trị hợp lý hoặc nhằm khắc phục thiệt hại của các nhà sản xuất mặt hàng cạnh tranh này ở trong nước.

Bán phá giá hàng hóa được thực hiện với 3 mục đích chính: Gạt bỏ đối thủ cạnh tranh; Thu lợi nhuận độc quyền; và Giải quyết hàng tồn kho.

Về cơ bản, mục đích chủ yếu của việc bán hàng hóa với giá thấp như vậy nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Khi bán phá giá, người bán sẽ phải chịu lỗ ở giai đoạn đầu, vì vậy những cá nhân, tổ chức muốn thực hiện hoạt động này phải có tiềm lực kinh tế mạnh hoặc được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Sau khi chiếm lĩnh thị trường, họ mới tiến hành khống chế giá để thu lợi nhuận tối đa.

2. Tác động của bán phá giá hàng hóa

Mặc dù bán phá giá đa phần là gây hại cho nền kinh tế nhập khẩu, tuy nhiên trong từng hoàn cảnh cụ thể, chúng có có những mặt tích cực như sau (Gandolfo, 2014):

  • Tác động tích cực của bán phá giá hàng hóa
    • Người tiêu dùng có lợi vì mua được hàng giá rẻ: Do bản chất của hành vi bán phá giá là mang sản phẩm của một nước sang bán ở một nước khác với mức giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm đó (hoặc sản phẩm tương tự như sản phẩm đó) khi bán cho người tiêu dùng ở thị trường nội địa nước xuất khẩu. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp nước xuất khẩu chấp nhận chịu lỗ để đẩy các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường nên người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ mua hàng hóa với mức giá thấp hơn giá trị thực của chúng.
    • Nếu bán phá giá các nguyên vật liệu đầu vào thì sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất cho các nước nhập khẩu: Hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp nước xuất khẩu gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế nước nhập khẩu những nếu các doanh nghiệp này bán phá giá nguyên vật liệu đầu vào thì lại góp phần tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất tại các nước nhập khẩu. Khi nguyên liệu đầu vào giá rẻ, các doanh nghiệp sẽ hạ thấp được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, thu được nhiều lợi ích kinh tế.
    • Tạo sức ép cạnh tranh mạnh hơn buộc sản xuất trong nước phải gia tăng cải tiến công nghệ kỹ thuật, nâng cao khả năng cạnh tranh: Khi các doanh nghiệp tại các nước nhập khẩu phải đối mặt với những mặt hàng từ nước ngoài đưa vào với giá rẻ, họ sẽ buộc phải tìm cách cải tiến mẫu mã hàng hóa, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng nguồn nhân lực để hạ chi phí sản xuất nhằm giữ vững vị trí trên thị trường và thu được lợi nhuận tối ưu.
    • Giúp cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thu được ngoại tệ, giúp tiêu thụ được lượng hàng tồn kho: Bán phá giá giúp cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thu ngoại tệ, giúp tiêu thụ được lượng hàng tồn kho, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, quần áo lỗi mốt …. Ngoài ra biện pháp bán phá giá còn là công cụ quan trọng trong chính sách ngoại thương của các quốc gia nhằm giúp cho việc thực hiện những mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia đó.
  • Tác động tiêu cực của bán phá giá hàng hóa

Bán phá giá có khá nhiều tác động tiêu cực đến cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, cụ thể:

    • Người tiêu dùng nước xuất khẩu phải chịu thiệt do phải chịu giá cao hơn so với trước đây do có sự thoả thuận về giá giữa các doanh nghiệp.
    • Việc các doanh nghiệp bán phá giá, lượng hàng hoá đó lại được bán cho chính các doanh nghiệp trong nước mình, do đó lại quay lại lũng đoạn thị trường trong nước.
    • Gây khó khăn cho nước nhập khẩu, nhất là các nước đang phát triển, có thị trường hẹp, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung còn thấp. Việc bán phá giá làm gia tăng nguy cơ rủi ro kinh doanh của các doanh nghiệp này.
    • Đôi khi người tiêu dùng của nước nhập khẩu phải sử dụng những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, thậm chí cả hàng quá thời hạn sử dụng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân.
    • Các chủ doanh nghiệp, những người kinh doanh do hám lợi đã tìm mọi cách nhập lậu hàng hoá, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách Chính phủ. Hơn nữa do không thể cạnh tranh được với hàng nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp nước nhập khẩu bị đình trệ sản xuất, bị phá sản hoàn toàn. Khi đó nó là nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng trì trệ, hạn chế tốc độ phát triển nền kinh tế của nước nhập khẩu.
    • Về mặt xã hội, việc các xí nghiệp bị đóng cửa sản xuất hoặc ở bên bờ phá sản, hoạt động cầm chừng làm cho công nhân không có việc làm, đời sống khó khăn, thất nghiệp gia tăng, các tệ nạn xã hội cũng gia tăng gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, tình trạng ngược đãi lao động gia tăng do việc bán phá giá nhằm mục đích thu được siêu lợi nhuận nên một vài quốc gia đã sử dụng lao động trẻ em, phụ nữ, lao động tù nhân với giá rẻ mạt. Hậu quả là người lao động bị ngược đãi nặng nề.

Nguồn: Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2018), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống kê.