Kế toán tổng hợp tăng giảm Tài sản cố định (TSCĐ) vô hình

1. Chứng từ ban đầu:

  • Biên bản bàn giao TSCĐ
  • Hoá đơn GTGT
  • Biên bảnThanh lý , nhượng bán TSCĐ
  • Phiếu thu, Phiếu chi , Các chứng từ ngân hàng….

2. Tài khoản sử dụng

Kết cấu và nội dung phản ảnh của Tài khoản 213 – TSCĐ vô hình

Bên Nợ:

Nguyên giá TSCĐ vô hình tăng.

Bên Có:

Nguyên giá TSCĐ vô hình giảm.

Số dư bên Nợ:

Nguyên giá TSCĐ vô hình hiện có ở doanh nghiệp.

Tài khoản 213 – TSCĐ vô hình, có 6 tài khoản cấp 2:

– Tài khoản 2131 – Quyền sử dụng đất: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra có liên quan trực tiếp tới đất sử dụng, bao gồm: tiền chi ra để có quyền sử dụng đất, chi phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng (đối với trường hợp quyền sử dụng đất riêng biệt đối với giai đoạn đầu tư nhà cửa, vật kiến trúc trên đất), lệ phí trước bạ (nếu có)….Tài khoản này không bao gồm các chi phí chi ra để xây dựng các công trình trên đất.

– Tài khoản 2132 – Quyền phát hành: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có quyền phát hành.

– Tài khoản 2133- Bản quyền, bằng sáng chế: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các chi phí thực tế chi ra để có bản quyền tác giả, bằng sáng chế.

– Tài khoản 2134 – Nhãn hiệu hàng hoá: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các chi phí thực tế liên quan trực tiếp tới việc mua nhãn hiệu hàng hoá.

– Tài khoản 2135 – Phần mềm máy vi tính: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có phần mềm máy vi tính.

– Tài khoản 2136 – Giấy phép và giấy phép nhượng quyền: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các khoản chi ra để doanh nghiệp có được giấy phép và giấy phép nhượng quyền thực hiện công việc đó, như: giấy phép khai thác, giấy phép sản xuất loại sản phẩm mới….

– Tài khoản 2138 – TSCĐ vô hình khác: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ vô hình khác chưa quy định phản ánh ở các tài khoản trên, như: bản quyền, quyền sử dụng hợp đồng,…

2.1. Trình tự kế toán tăng TSCĐ vô hình

a) Hạch toán các nghiệp vụ mua TSCĐ vô hình:

– Trường hợp mua TSCĐ vô hình dùng vào hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)

Có TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng; hoặc

Có TK 141 – Tạm ứng

Có TK 331 – Phải trả cho người bán.

– Trường hợp mua TSCĐ vô hình dùng vào hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

Có TK 112, 331…

b) Trường hợp mua TSCĐ vô hình theo phương thức trả chậm, trả góp:

– Khi mua TSCĐ vô hình dùng vào hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 213 –   TSCĐ vô hình (Nguyên giá -Theo giá mua trả ngay chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 242 –   Chi phí trả trước dài hạn (Phần lãi trả chậm, trả góp tính bằng số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) giá mua trả ngay và thuế GTGT đầu vào (nếu có))

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (Tổng giá thanh toán).

– Khi mua TSCĐ vô hình dùng vào hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, ghi:

Nợ TK 213 –   TSCĐ vô hình (Nguyên giá – Theo giá mua trả ngay đã có thuế GTGT)

Nợ TK 242 –   Chi phí trả trước dài hạn(Phần lãi trả chậm, trả góp tính bằng số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) giá mua trả ngay)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (Tổng giá thanh toán).

– Hàng kỳ tính số lãi phải trả về mua TSCĐ theo phương thức trả chậm, trả góp, ghi:

            Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn.

– Khi thanh toán tiền cho người bán, ghi:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có các TK 111, 112.

c) TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi

– Trao đổi hai TSCĐ vô hình tương tự: Khi nhận TSCĐ vô hình tương tự do trao đổi với một TSCĐ vô hình tương tự và đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động SXKD, ghi:

Nợ TK 213 –   TSCĐ vô hình (Nguyên giá TSCĐ vô hình nhận về ghi theo giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)

Nợ TK 214 –   Hao mòn TSCĐ (2143) (Giá trị đã khấu hao của TSCĐ đưa đi trao đổi)

Có TK 213 –    TSCĐ vô hình (Nguyên giá của TSCĐ vô hình đưa đi trao đổi).

– Trao đổi hai TSCĐ vô hình không tương tự:

+ Ghi giảm TSCĐ vô hình đưa đi trao đổi, ghi:

            Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị đã khấu hao)

Nợ TK 811 – Chi phí khác (Giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)

Có TK 213 – TSCĐ vô hình (Nguyên giá).

+ Đồng thời phản ánh số thu nhập do trao đổi TSCĐ, ghi:

            Nợ TK 131- Phải thu của khách hàng (Tổng giá thanh toán)

Có TK 711 – Thu nhập khác (Giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi)

                        Có TK 3331 – Thuế GTGT (33311) (nếu có).

+ Ghi tăng TSCĐ vô hình nhận trao đổi về, ghi:

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình (Giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về)

            Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (Nếu có)

Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (Tổng giá thanh toán).

+ Trường hợp được thu thêm tiền hoặc phải trả thêm tiền ghi như phần TSCĐ hữu hình trao đổi.

d) Giá trị TSCĐ vô hình được hình thành từ nội bộ DN trong giai đoạn triển khai:

– Khi phát sinh chi phí trong giai đoạn triển khai thì tập hợp vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ hoặc tập hợp vào chi phí trả trước dài hạn, ghi:

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (trường hợp giá trị lớn) hoặc

Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp

Có các TK 111, 112, 152, 153, 331…

– Khi xét thấy kết quả triển khai thoả mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình thì:

+ Tập hợp chi phí thực tế phát sinh ở giai đoạn triển khai để hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi:

Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332 – nếu có)

Có các TK 111, 112, 152, 153, 331…

+ Khi kết thúc giai đoạn triển khai, kế toán phải xác định tổng chi phí thực tế phát sinh hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi:

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

                        Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang.

e) Khi mua TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất cùng với mua nhà cửa, vật kiến trúc trên đất thì phải xác định riêng biệt giá trị TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất, TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá nhà cửa, vật kiến trúc)

            Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình (Nguyên giá quyền sử dụng đất)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332 – nếu có)

                        Có các TK 111, 112, 331…

g) Khi mua TSCĐ vô hình được thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của các công ty cổ phần, nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị hợp lý của các chứng từ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn, ghi:

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (Chi tiết vốn góp và thặng dư vốn cổ phần. Thặng dư vốn cổ phần là phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý và mệnh giá cổ phiếu).

h) Các bút toán kết chuyển nguồn vốn hình thành TSCĐ tương tự phần tăng TSCĐ hữu hình.

i) Khi doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng TSCĐ vô hình đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động SXKD: Khi nhận TSCĐ vô hình được tài trợ, biếu, tặng, ghi:

Nợ TK 213- TSCĐ vô hình

Có TK 711 – Thu nhập khác.

– Các chi phí phát sinh liên quan đến TSCĐ vô hình nhận tài trợ, biếu, tặng, ghi:

            Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

                        Có TK 111, 112,…

k) Khi doanh nghiệp nhận vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất, căn cứ vào hồ sơ giao quyền sử dụng đất, ghi:

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.

2.2. Trình tự kế toán giảm TSCĐ vô hình

Các trường hợp hạch toán giảm tài sản cố định vô hình kế toán hạch toán tương tự như phần trình tự kế toán giảm TSCĐ hữu hình.

2.3. Sổ kế toán

Trong hình thức kế toán nhật ký chung hạch toán tài sản cố định vô hình được thực hiện trên sổ chi tiết tài sản cố định, sổ nhật ký chung và sổ cái các tài khoản: TK213, TK214, TK411, TK414, TK441, TK431, TK331, TK111, TK112… .

Trong hình thức kế toán nhật ký chứng từ, hạch toán tài sản cố định vô hình được thực hiện trên sổ chi tiết tài sản cố định, sổ nhật ký chứng từ số 9 và sổ cái các tài khoản: TK213, TK214, TK411, TK414, TK441, TK431, TK331, TK111, TK112… .