Các hình mẫu kỹ thuật

Hình mẫu kỹ thuật hay còn gọi là các mô hình giá hoặc hình mẫu giá là các “bức tranh” hay các mô hình biến động nhất định của giá xuất hiện trên biều đồ giá thị trường.

Trong phân tích kỹ thuật, các hình mẫu kỹ thuật có vai trò vô cùng quan trọng bởi mục tiêu sau cùng của các nhà phân tích là tìm ra được sự lặp lại của một dạng biến động nhất định của giá đã xuất hiện trong quá khứ ở hiện tại và tận dụng những kinh nghiệm có được trong quá khứ về mô hình này cũng như những kết quả đã thống kê được để có một phương án tốt nhất cho quyết định đầu tư trong hiện tại.

Hình mẫu kỹ thuật dù được áp dụng khá rộng rãi với nhiều đối tượng chứ không chỉ riêng chứng khoán chẳng hạn như áp dụng trong các giao dịch ngoại hối, trong phân tích các thị trường Futures của các hàng hoá thông thường,… và còn áp dụng trong cả dài hạn lẫn ngắn hạn, tuy nhiên ta có thể phân chia một cách tổng thể nhất thành hai loại là mô hình mang tính củng cố hay duy trì xu thế hiện tại của thị trường và mô hình làm đảo chiều xu thế hiện.

Dưới đây ta cũng chỉ nghiên cứu được những mô hình chủ yếu và quan trọng nhất trong phân tích kỹ thuật còn rất nhiều dạng khác đều là biến thể của các dạng cơ bản này.

Ascending triangle – Tam giác hướng lên

Thường thì mô hình này cần ít hơn ba tháng để hoàn thiện và khi xuất hiện thường kèm theo sự gia tăng của khối lượng giao dịch. Với mô hình này ta có thể nhận thấy sự hội tụ của hai đường kháng cự và hỗ trợ thể hiện bằng sự thu hẹp khoảng cách giữa các đỉnh và các đáy của thị trường, kéo dài hai đường kháng cự và hỗ trợ chúng sẽ cắt nhau ở đỉnh tam giác ở phía phải đồ thị. Đường kháng cự nằm ngang và đường hỗ trợ hướng lên cho thấy các mức giá cao có xu thế giữ nguyên còn các mức giá thấp nhất lại có xu thế tăng dần lên, điều này cũng có nghĩa là người mua có động cơ mạnh hơn người bán.

“Breakout” (break-out có nghĩa là điểm xuất hiện sự đảo chiều của xu thế thị trường, ở đây sẽ dùng nguyên văn tiếng Anh) sẽ xuất hiện ở khoảng giữa điểm 2/3 và 3/4 chiều ngang của mô hình (tính từ điểm bắt đầu mô hình đến điểm cắt nhau của hai đường kháng cự và hỗ trợ). “Breakout” phá vỡ đường kháng cự sẽ chứng tỏ mô hình mang tính củng cố còn nếu phá vỡ đường hỗ trợ sẽ chỉ ra rằng mô hình mang tính đảo chiều.

Có một cách để ước lượng mức giá mục tiêu thấp nhất mà sự đột phá ra ngoài mô hình này có thể đạt tới là xác định mức giá của điểm giao nhau dự kiến của hai đường kháng cự và hỗ trợ kéo dài. Tiếp đó ta đo chiều cao của mô hình tam giác tức là khoảng cách (đo theo chiều thẳng đứng) giữa điểm cao nhất của đường kháng cự và điểm thấp nhất của đường hỗ trợ, rồi cộng khoảng này vào mức giá của giao điểm vừa đo ở trên nếu là “breakout” hướng lên và sẽ lấy mức giá của giao điểm trừ đi khoảng này nếu là “breakout” hướng xuống.

Cup and Handle (mô hình cốc và chuôi):

Mô hình cốc và chuôi xuất hiện khi thị trường đang trong xu thế lên giá và nó củng cố xu thế đó của thị trường. Mô hình này gồm hai phần: phần “cốc” và phần cái “chuôi”, mô hình “cốc” kéo dài trong 1 đến 6 tháng còn mô hình chuôi kéo dài trong 1 đến 4 tuần. Phần cốc hình thành sau một đợt tăng giá của thị trường và có dạng đáy vòng xuống. Khi mô hình “cốc” hoàn thành một mô hình khung giao dịch sẽ tiếp tục hình thành ở phía bên phải và tạo nên cái “chuôi” (như hình vẽ).

Thường thì tính củng cố của mô hình sẽ được đảm bảo hơn nếu xu thế tăng giá ban đầu kéo dài trong vài tháng tức là đảm bảo nó không quá yếu.

Cũng cần lưu ý với dạng của mô hình cốc: đáy của nó càng vòng càng tốt và nếu như nó quá nhọn và gần giống với chữ V thì rất dễ chuyển tính chất thành mô hình đảo chiều. Một mô hình cốc hoàn hảo sẽ có hai thành cốc cao ngang nhau, độ sâu của nó hoàn lại khoảng 1/3 hoặc ít hơn mức tăng giá trước đó, tất nhiên điều này ít khi xảy ra. Với thị trường có độ bất ổn lớn (volatile) thì mức hoàn lại có thể trong khoảng 1/3 đến nửa, thậm chí có thể đạt đến 2/3.

Mô hình “chuôi” làm cho đợt gia tăng giá ở bên phải “cốc” ngừng lại và biến động nhỏ trong một khung giao dịch và có thể kéo lùi giá lại một chút so với thành “cốc”. Toàn bộ chiều cao của khung thường đạt mức 1/3 chiều cao “cốc”. “Breakout” xuất hiện sẽ phá vỡ mức kháng cự và tiếp tục xu thế tăng giá của thị trường.

Descending Triangles – tam giác hướng xuống

Mô hình tam giác thường xuất hiện trong thị trường xuống giá và cũng mang tính củng cố (hay duy trì) xu thế hiện tại. Thời gian tồn tại của mô hình này là khoảng 1 đến 3 tháng. Hai đường kháng cự và hỗ trợ có xu hướng hội tụ, đường kháng cự hướng xuống còn đường hỗ trợ nằm ngang.

Về điểm xuất hiện “breakout”, điểm giá mục tiêu sau “breakout” cũng như mối quan hệ giữa điểm hội tụ hai đường kháng cự, hỗ trợ và độ dài của mô hình ta có thể xem ở phần mô hình tam giác hướng lên.

Mô hình này phản ánh tâm lý người mua cho rằng cổ phiếu đang vượt quá giá trị thực của nó và mức giá hợp lý phải thấp hơn do đó mà đường kháng cự đi xuống trong khi đường hỗ trợ nằm ngang. Rõ ràng nếu xuất hiện “breakout” thì giá sẽ tiếp tục giảm. Điểm khác biệt với mô hình tam giác hướng lên là ở chỗ khối lượng giao dịch sẽ ít dần đi và càng ít khi tiến gần đến điểm hội tụ.

Symmetrical triangle – hình mẫu kỹ thuật tam giác cân

Nói chung một hình mẫu tam giác được xem xét như là một hình mẫu dạng tiếp tục xu thế của thị trường hoặc là một hình mẫu củng cố của xu thế. Tuy nhiên, đôi khi nó đánh dấu một sự đảo ngược của khuynh hướng. Nói chung hình mẫu kỹ thuật “tam giác cân” được xem xét như là những mẫu trung gian chuyển tiếp của xu thế biến động giá chứng khoán. Thông thường nó cần khoảng một tháng để hình thành, ít khi nó cần đến ba tháng để hình thành. Sự hội tụ của hai đường kháng cự và hỗ trợ đã mang lại cho chúng ta hình dáng của hình mẫu kỹ thuật “tam giác cân”.

Trên thị trường chứng khoán dạng hình mẫu kỹ thuật này khá dễ dàng để nhận biết nó, ngoài ra hình mẫu kỹ thuật này cũng được các chuyên viên phân tích dùng như một công cụ đáng tin cậy để giao dịch, nhưng các chuyên viên cũng cảnh báo rằng tín hiệu đáng tin cậy để giao dịch đó là sự xuyên chéo một trong hai đường trendline bởi đường biểu diễn sự biến động giá chứng khoán một cách rõ ràng.

Flags and Pennants – Mô hình cờ chữ nhật và cờ đuôi nheo

Hình mẫu kỹ thuật Flags & Pennants là những mô hình continuation – tiếp tục xu thế của thị trường trong ngắn hạn, nó đánh dấu một bước củng cố để tiếp tục lấy lại xu thế của thị trường.

Thông thường trước khi xảy ra những hình mẫu kỹ thuật này thì được xác nhận bằng sự tăng hoặc giảm giá mạnh kết hợp với khối lượng giao dịch lớn, nó đánh dấu điểm chính giữa của xu thế biến động giá (thực chất nó là những hình mẫu kỹ thuật mang tính chất củng cố của xu hướng biến động giá chứng khoán).

Để được xem xét là một hình mẫu kỹ thuật mang tính continuation – tiếp tục xu thế của thị trường – nó cần được xác nhận bằng một khuynh hướng diễn ra trước đó.

Rectangle – hình mẫu kỹ thuật hình chữ nhật

Hình mẫu kỹ thuật hình chữ nhật – Rectangle – là một dạng mô hình tiếp tục xu thế của thị trường, nó trông giống như trong một kênh giao dịch cho đến cuối của xu thế biến động giá chứng khoán. Hình mẫu kỹ thuật này có thể được nhận biết một cách rõ ràng thông qua hai đường nối các đỉnh và các đáy trong xu thế biến động giá chứng khoán. Đường nối các đỉnh và các đáy của xu thế biến động giá chứng khoán tạo thành đỉnh và đáy của hình chữ nhật. Những hình chữ nhật đôi khi được xem như những khung giao dịch, những khu vực củng cố hoặc bế tắc trong sự biến động của giá chứng khoán. Có nhiều sự tương đồng giữa mô hình “hình chữ nhật” – Rectangle và mô hình “tam giác cân” – Symmetrical triangle, trong khi cả hai đều là những hình mẫu kỹ thuật tiếp tục khuynh hướng của thị trường, chúng đều mang lại những thông tin khá quan trọng đó là dự báo những đỉnh và đáy của xu thế.

Không như với hình mẫu kỹ thuật tam giác cân, hình mẫu kỹ thuật hình chữ nhật chỉ hoàn thiện cho tới khi “breakout” xuất hiện. Thỉnh thoảng những tín hiệu sớm có thể được nhận biết, nhưng thường thì dấu hiệu “breakout” khó có thể xác định trước một cách sớm và chính xác. Rectangle có thể diễn ra trong một vài tuần hoặc trong vài tháng, thông thường thì hình mẫu này diễn ra trong khoảng ba tuần, trong trường hợp lý tưởng Rectangle có thể diễn ra trong khoảng ba tháng, nói chung những dấu hiệu “breakout” do những Rectangle diễn ra trong thời gian dài thường tin cậy hơn những dấu hiệu “breakout” được mang lại bởi những Rectangle diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Double bottom (Mô hình hai đáy)

Mô hình hai đáy hình thành khi giá tạo thành hai điểm đáy liên tiếp trên cùng một đồ thị. Mô hình này chỉ hoàn thiện khi giá tăng vượt qua điểm bắt đầu hình thành đáy thứ hai (tức là vượt qua đường Neckline sau khi đã chạm đến đáy thứ hai).

Mô hình hai đáy là thời kỳ chuyển đổi xu thế giảm giá thành xu thế tăng giá, nó mang tính đảo chiều. Có điều là mô hình này tương đối dễ nhận ra nên cũng rất dễ nhầm do đó nhà đầu tư nên cẩn thận khi quyết định tham gia trong thời kỳ này. Thực tế thống kê cho thấy nếu nhà đầu tư nóng vội tham gia ngay từ đầu thì xác xuất thất bại là 64% còn nếu họ cố gắng đợi đến khi xuất hiện “breakout” (đảo chiều) thật sự thì xác xuất thất bại chỉ còn 3%.

Để có thể nhận diện chính xác mô hình, nhà đầu tư nên chú ý đến một số vấn đề: đáy thứ hai không nên xuống vượt quá đáy thứ nhất; khoảng thời gian giữa hai đáy cũng là một dấu hiệu quan trọng – thời gian càng dài thì độ chính xác càng cao – ít nhất phải là một tháng và có thể kéo dài nhiều tháng.

Double top (Mô hình hai đỉnh)

Mô hình hai đỉnh hình thành khi đường biểu diễn sự biến động của giá chứng khoán hình thành hai đỉnh trên biểu đồ. Mô hình này chỉ hoàn thiện khi giá chứng khoán rơi xuống dưới mức sàn đáy (điểm dưới cùng của đáy) của toàn mô hình. Mô hình hai đỉnh là mô hình thể hiện sự đảo ngược của xu hướng tăng giá chứng khoán – nó đánh dấu quá trình chuẩn bị cho xu hướng đi xuống của xu hướng tăng giá trong hiện tại (nó báo hiệu cho một thị trường giảm giá).

Vì đây là mô hình rất hay thường gặp và rất dễ nhận ra nên khi nhận định về thị trường chúng ta nên xem xét một cách cẩn thận. Bolkowski ước tính mức thất bại của mô hình này là 65% nếu nhà đầu tư đợi đến mức đột biến giá (Breakout) mới tiến hành giao dịch thì mức rủi ro giảm xuống còn 17%.

Falling wedge (Mô hình cái nêm hướng xuống):

Mô hình Falling wedge là một hình mẫu kỹ thuật dạng bullish (chỉ báo thị trường tăng giá), mô hình bắt đầu thì biên khoảng cách giữa hai đường xu thế rộng sau đó độ rộng giảm dần khi giá chứng khoán giảm. Sự biến động của giá hình thành một hình chóp nón hướng xuống dưới do các đỉnh và đáy dần hội tụ. Hình mẫu kỹ thuật Falling wedge trượt hướng xuống phía dưới và có dấu hiệu bullish (chỉ báo thị trường tăng giá), tuy nhiên dấu hiệu bullish (chỉ báo thị trường tăng giá) này sẽ không thể được nhận ra cho đến khi có “breakout” (đảo chiều xu thế) khỏi đường kháng cự. Khi mô hình mang tính continuation (tiếp tục xu thế của thị trường), thì Falling wedge vẫn sẽ hướng xuống dưới và xu hướng này ngược với xu thế của thị trường hiện tại. Khi nó mang tính reversal (đảo ngược với xu thế của thị trường), thì Falling wedge hướng trượt xuống dưới cùng với xu thế của thị trường.

Nhưng cho dù Falling wedge thuộc loại nào thì nó vẫn là hình mẫu kỹ thuật báo hiệu sự tăng giá.

Head and shoulders top (hình mẫu kỹ thuật đỉnh đầu vai)

Đỉnh đầu vai là một hình mẫu kỹ thuật hết sức phổ biến đối với những nhà đầu tư vì nó là một hình mẫu kỹ thuật đáng tin cậy nhất trong tất cả những hình mẫu kỹ thuật được trình bày trong đề tài nghiên cứu này, đồng thời nó cũng thường được nhận ra một cách dễ dàng. Những nhà phân tích kỹ thuật ít kinh nghiệm thường mắc lỗi đối với hình mẫu kỹ thuật này vì họ nhận thấy nó xuất hiện khá phổ biến trên biểu đồ. Những nhà phân tích kỹ thuật chuyên nghiệp thường nhận biết hình mẫu kỹ thuật này thông qua những biến cố thực sự. Đỉnh đầu vai là loại hình mẫu kỹ thuật đảo ngược xu thế của thị trường. Nó là dấu hiệu quan trọng đánh dấu sự đảo chiều của xu thế biến động giá chứng khoán từ xu thế tăng giá chuyển thành xu thế giảm giá.

Hình mẫu kỹ thuật đỉnh đầu vai thực ra là sự mô phỏng theo hình dáng đầu và hai vai của con người, hình mẫu gồm ba đỉnh cao nhọn được tạo bởi ba điểm khôi phục – tăng giá trở lại sau khi giá giảm trong sự biến động của giá chứng khoán. Đỉnh đầu tiên – vai trái – xuấn hiện khi giá chứng khoán tăng đạt tới đỉnh của nó và sau đó giảm xuống. Đỉnh thứ hai – cái đầu – xảy ra khi giá chứng khoán tăng lên đến một đỉnh cao mới cao hơn đỉnh của vai trái rồi sau đó lại giảm xuống. Đỉnh thứ ba – vai phải – xuất hiện khi giá chứng khoán tăng một lần nữa nhưng không cao bằng đỉnh thứ hai, rồi lại giảm xuống sau khi đã đạt được đỉnh của nó. Đỉnh của hai “vai” chắc chắn sẽ thấp hơn đỉnh của “đầu”. Trong mô hình phân tích cổ điển thì hai đỉnh của hai vai phải cân bằng với nhau nhưng điều quan trọng nhất quyết định của mô hình này đó chính là đường nối hai đáy của hai vai gọi là đường “vòng cổ” – neckline – mô hình sẽ bị phá vỡ khi đường vòng cổ bị xuyên chéo bởi giá chứng khoán và giá chứng khoán tiếp tục giảm xuống dưới đường “vòng cổ” – neckline – các chuyên viên Phân tích kỹ thuật cho rằng mô hình không được khẳng định là đúng cho tới khi giá chứng khoán giảm xuống dưới đường “vòng cổ” – neckline.

Rounding bottom (hình mẫu kỹ thuật đáy vòng cung)

Rounding bottom là một hình mẫu kỹ thuật đảo ngược xu hướng biến động thị trường – reversal – dài hạn, nó thường được dùng để phân tích với biểu đồ hàng tuần. Nó đại diện cho một thời kỳ củng cố dài hạn trong xu thế biến động của giá chứng khoán, nó là mô hình chuyển tiếp từ một khuynh hướng giảm giá liên tục – Bearish – sang một khuynh hướng tăng giá mạnh – bullish.

Sự xác nhận của khuynh hướng tăng giá mới – bullish – khi khuynh hướng biến động giá chứng khoán vượt qua đường miệng của vòng cung, nó đánh dấu một khuynh hướng mới trong quá trình biến động của giá chứng khoán, như một mức hỗ trợ của sự đột biến giá chứng khoán, đường này cũng được coi là mức kháng cự của xu thế mới.

Tuy nhiên, Rounding bottom đại diện cho sự đảo chiều của sự biến động giá chứng khoán trong dài hạn và mức hỗ trợ mới cũng trở thành không mấy quan trọng nữa.

Triple bottom (hình mẫu kỹ thuật ba đáy)

Mô hình ba đáy được hình thành bởi ba đáy phụ riêng biệt với mức xấp xỉ bằng nhau. Mô hình ba đáy được xem như là mô hình cải tiến của mô hình đỉnh đầu vai ngược, mô hình ba đáy là hình mẫu dạng đảo ngược xu thế biến động của thị trường. Thứ duy nhất để phân biệt giữa mô hình ba đáy và mô hình đỉnh đầu vai ngược đó chính là đỉnh – “đầu” – nằm giữa hai “vai”. Mô hình ba đáy biểu diễn xu thế giảm sút trong quá trình nó trở thành một xu thế tăng giá. Như vậy nó chỉ còn hợp lệ khi nó vẫn trong quá trình giảm sút so với hai đỉnh ở giữa hay là nó chưa đi xuyên chéo qua đường vòng cổ – neckline – vượt qua mức kháng cự của mô hình.

Bởi vì hình mẫu kỹ thuật này rất dễ nhầm lẫn với nhiều hình mẫu kỹ thuật khác cho nên các chuyên viên phân tích khuyên rằng để ứng dụng mô hình này một cách có hiệu quả cao nhất trong quá trình đầu tư, chúng ta nên chờ đợi một dấu hiệu “breakout” một cách rõ ràng thông qua sự xuyên chéo của đường biểu diễn giá chứng khoán với đường kháng cự của mô hình – neckline – trước khi nhận định đây có phải thực sự là hình mẫu kỹ thuật dạng “ba đáy” hay không.

Triple top (hình mẫu kỹ thuật ba đỉnh)

Mô hình ba đỉnh được xem là mô hình cải tiến của mô hình đỉnh đầu vai. Tương tự như mô hình “ba đáy” thứ duy nhất để phân biệt một cách rõ ràng giữa mô hình này với mô hình đỉnh đầu vai đó chính là đỉnh “đầu” nằm giữa hai “vai”, trong mô hình “ba đỉnh” thì ba đỉnh xấp xỉ cao bằng nhau, nhưng trong mô hình “đỉnh đầu vai” thì hoàn toàn khác, đỉnh đầu cao hơn hẳn so với hai vai hai bên.

Như hình minh hoạ ở bên dưới thì mô hình “ba đỉnh” được hình thành từ ba đỉnh sắc nhọn, cả ba đỉnh có độ cao gần bằng nhau. Một đỉnh trong bộ ba xuất hiện khi giá chứng khoán đang ở trong giai đoạn tăng giá, sự tăng giá lên tới mức kháng cự của mô hình sau đó giá chứng khoán giảm xuống mức hỗ trợ của mô hình, sau đó xuất hiện sự tăng giá trở lại nhưng chỉ đạt đến mức kháng cự ngang bằng với mức kháng cự của mô hình và lại giảm xuống, sự tăng giá trở lại mức kháng cự thứ ba trước khi giá chứng khoán bị giảm một cách nhanh chóng xuống dưới mức hỗ trợ của mô hình.

Hình mẫu kỹ thuật ba đỉnh là một hình mẫu dạng đảo chiều của thị trường nó đánh dấu một thời kỳ chuyển tiếp giữa một xu thế tăng giá và một xu thế giảm giá. Điều kiện đầu tiên của mô hình đó là phải được bắt đầu băng một xu thế tăng giá. Các chuyên viên phân tích khuyên rằng nhà đầu tư nên đợi sự xuất hiện của sự xuyên chéo giữa đường biểu diễn giá chứng khoán với đường hỗ trợ của mô hình – neckline – một cách rõ ràng.

Nếu giá chứng khoán không giảm mạnh sau sự xuất hiện đỉnh thứ ba thì đó không phải là mô hình “ba đỉnh”. Đôi khi trong thực tế mô hình “ba đỉnh” không thực sự xảy ra một cách hoàn hảo ví dụ như ít khi ba đỉnh có độ cao xấp xỉ bằng nhau, mà sự bằng nhau chỉ mang tính chất có sự sai lệch có thể chấp nhận được.