Hướng dẫn sử dụng đường trung bình trượt (MOVING AVERAGE – MA)

1. Ý nghĩa chỉ số

Trung bình trượt là chỉ số giá trung bình của một loại chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định.

Trung bình trượt là một chỉ số tổng quát nêu lên cách thức làm trơn dữ liệu và sử dụng để xác nhận xu hướng giá. Khoảng thời gian lựa chọn cho mỗi số trung bình trượt phụ thuộc vào đối tượng phân tích, khoảng thời gian phổ biến nhất thường được sử dụng là 9/10, 18/20, 40/50, 100 và 200 đơn vị thời gian. Các thị trường tương lai thường sử dụng các số trung bình trượt ngắn hạn, ví dụ như 9 và 18 đơn vị thời gian; trong khi đó đối với các khoản đầu tư dài hạn thì các thời kỳ có 100/200/500 đơn vị thời gian được sử dụng rất phổ biến để tính trung bình trượt. Số trung bình trượt sẽ có ý nghĩa hơn nếu kết hợp với việc phân tích chu kỳ giao dịch của đối tượng phân tích.

Nhân tố cốt yếu trong việc tính toán Trung bình trượt đó là việc xác định khoảng thời gian để tính toán. Giá trị Trung bình trượt phổ biến nhất là Trung bình trượt của 39 tuần (hay 200 ngày). Giá trị Trung bình trượt này khá hữu hiệu trong việc xác định các chu kỳ của thị trường. Độ dài khoảng thời gian tính Trung bình trượt phải phù hợp với chu kỳ thị trường mà bạn muốn theo đuổi. Ví dụ nếu bạn cho rằng một loại chứng khoán nào đó cứ 40 ngày lại đạt được giá cao nhất trong chu kỳ đó thì khoảng thời gian lý tưởng để tính Trung bình trượt là 21 ngày. Việc tính toán này sử dụng công thức sau:

Trung bình trượt có nhiều loại khác nhau trong đó phổ biến nhất là Trung bình trượt giản đơn (Simple Moving Average – SMA) và Trung bình trượt số mũ (Exponential Moving Average – EMA). Tất cả các số trung bình trượt đều được sử dụng để phát hiện xu hướng giá và xác định các dấu hiệu mua bán.

2. Công thức tính

Trung bình trượt giản đơn – SMA của một loại chứng khoán được tính bằng cách cộng giá đóng cửa của nó trong khoảng thời gian nhất định ( khoảng thời gian này có thể tính bằng ngày, tuần, tháng) rồi chia tổng tìm được cho tổng các đơn vị tính trong khoảng thời gian thời gian trên. Trong những ngày tiếp theo giá cách xa thời điểm hiện tại nhất (giá cũ nhất) sẽ bị loại ra và giá hiện tại sẽ thay thế giá cũ đó để tính trung bình trượt, chính vì thế mà số trung bình sẽ “trượt” hàng ngày. SMA được tính theo công thức sau:

SMA= (P1+P2+P3+…+Pn)/n

Trong đó:

P là giá đóng cửa của loại chứng khoán.

n là số đơn vị thời gian trong thời kỳ tính SMA

Trung bình trượt số mũ – EMA cũng có cách tính tương tự như cách tính Trung bình trượt giản đơn. Tuy nhiên EMA đặt trọng số lớn nhất vào giá hiện tại và nhẹ nhất vào giá cũ. EMA của một loại chứng khoán được tính bằng cách cộng một phần giá ngày hôm nay với giá trị SMA ngày hôm qua của chính loại chứng khoán đó. SMA coi giá của tất cả các đơn vị trong khoảng thời gian cần tính có vai trò như nhau, trong khi đó EMA coi những mức giá gần nhất với hiện tại có vai trò lớn hơn so với các mức giá trước đó.

Ví dụ để tính một EMA 9% của cổ phiếu SAV, ta lấy giá ngày hôm nay nhân với 9%; lấy SMA của ngày hôm qua nhân với 91%, sau đó cộng hai kết quả tìm được với nhau.

(Giá đóng cửa * 0.09) + (giá trung bình động ngày trước * 0.91)

Phần lớn các nhà đầu tư cảm thấy quen thuộc với khoảng thời gian xác định hơn là giá trị phần trăm, vì vậy giá trị phần trăm có thể chuyển đổi sang một khoảng thời gian tương đương. Công thức chuyển đổi như sau:

Khoảng thời gian = 2/ giá trị phần trăm – 1

3. Ứng dụng thực tế

a. Xu hướng thị trường

Việc sử dụng Trung bình trượt chỉ có ý nghĩa khi đặt nó trong mối quan hệ với giá thực của loại chứng khoán. Điều này có nghĩa là Trung bình trượt và giá thực của chứng khoán phải được vẽ trên cùng một biểu đồ với cùng độ phân chia trên trục Ox. Vị trí của đường Trung bình trượt có thể được sử dụng để chỉ ra xu hướng của thị trường.

  • Nếu đường giá ở phía trên đường trung bình trượt và đường trung bình trượt chuyển động đi lên thì thị trường ở trạng thái giá lên;
  • – Nếu đường giá ở phía dưới đường trung bình trượt và đường trung bình trượt chuyển động đi xuống thì thị trường ở trạng thái giá xuống.

b. Dấu hiệu mua/bán

Như trên đã trình bày, dấu hiệu mua vào được xác định khi đường trung bình trượt chuyển động đi lên với đường giá ở phía trên. Tuy nhiên chỉ chú trọng mỗi dấu hiệu này trong giao dịch có thể dẫn đến sự thua lỗ nghiêm trọng khi giá thị trường dao động mạnh. Để hạn chế rủi ro này các nhà phân tích sử dụng phương pháp sự đảo chiều của hai đường trung bình trượt để chỉ ra dấu hiệu mua bán. Cặp đường trung bình trượt đặc trưng là đường ngắn hạn 5/10 và đường dài hạn 15/35. Ngoài ra hai đường trung bình trượt 9/10 và 10/20 đặc biệt phổ biến với các nhà phân tích.

Dấu hiệu mua bán được xác định như sau:

  • Dấu hiệu mua vào: đường trung bình trượt ngắn hạn chuyển động từ dưới lên và cắt trên đường trung bình trượt dài hạn, và nếu giá đang ở phía trên điểm giao nhau của hai đường trung bình trượt thì đó là dấu hiệu mua vào;
  • Dấu hiệu bán ra: đường trung bình trượt ngắn hạn chuyển động từ trên xuống và cắt dưới đường trung bình trượt dài hạn, và nếu giá ở phía dưới điểm giao nhau của hai đường trung bình trượt thì đó là dấu hiệu bán ra.

Điểm giao nhau này đặc biệt có ý nghĩa hơn khi hai đường trung bình chuyển động cùng hướng. Nếu cả hai đường trung bình cùng chuyển động lên trên thì điểm giao nhau được gọi là điểm Vàng. Nếu cả hai đường trung bình cung chuyển động xuống thì điểm giao nhau được gọi là điểm Chết.

Việc xây dựng đường Trung bình trượt không có ý định giúp bạn có thể mua chính xác vào lúc thấp nhất hay bán chính xác vào lúc cao nhất mà nó chỉ giúp bạn theo cùng xu hướng với giá thị trường của loại chứng khoán đấy bằng cách mua ngay sau khi giá xuống thấp nhất và bán ngay sau khi giá đạt tới mức cao nhất.