Bán cạnh tranh

Nằm giữa hai thái cực trong cấu trúc thị trường, có vô số doanh nghiệp hoạt động trong thị trường bán cạnh tranh và bán độc quyền.

1. ĐƯỜNG CẦU CỦA DOANH NGHIỆP

Thị trường bán cạnh tranh được đặc tính bởi:

–     Nhiều người mua và bán,

–     Sản phẩm phân biệt,

–     Dễ dàng thâm nhập và rút khỏi thị trường.

Thị trường bán cạnh tranh cũng tương tự như thị trường cạnh tranh hoàn hảo, đó là thị trường có nhiều người mua và người bán và các doanh nghiệp có thể thâm nhập khi có lợi nhuận kinh tế dương hoặc rút khỏi thị trường khi lợi nhuận kinh tế âm. Doanh nghiệp bán cạnh tranh cũng tương tự như độc quyền bởi sản xuất một sản phẩm phân biệt khác với các sản phẩm của các doanh nghiệp khác trên thị trường. Chẳng hạn, thị trường nhà hàng là một ví dụ về thị trường bán cạnh tranh. Mỗi nhà hàng điều có công thức chế biến món ăn, phong cách phục vụ và địa điểm khác nhau, … và cạnh tranh với các nhà hàng khác.

Vì mỗi doanh nghiệp sản xuất một sản phẩm phân biệt, cho nên sẽ mất khách hàng nếu như doanh nghiệp tăng giá. Vì vậy, đường cầu của doanh nghiệp bán cạnh tranh có đường cầu dốc xuống và đường doanh thu biên nằm dưới đường cầu như minh họa trong biểu đồ dưới đây.

Biểu đồ ở trên cho thấy đường cầu và doanh thu biên giữa độc quyền và bán cạnh tranh là khá tương tự nhau. Tuy nhiên, giữa hai thị trường này cũng có sự khác biệt. Trong thị trường bán cạnh tranh, số lượng các doanh nghiệp thay đổi khi có thêm các doanh nghiệp mới gia nhập hay rút lui khỏi ngành. Khi có thêm doanh nghiệp mới gia nhập ngành sẽ làm cho thị phần của các doanh nghiệp giảm xuống do có sự phân tán khách hàng và vì thế cầu sản phẩm của mỗi doanh nghiệp sẽ giảm. Mặt khác, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp làm gia tăng độ co giãn của cầu (cầu sẽ co giãn hơn khi có nhiều sản phẩm thay thế hơn). Biểu đồ dưới đây minh họa sự dịch chuyển đường cầu của doanh nghiệp khi có các doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường bán cạnh tranh.

2. QUYẾT ĐỊNH SẢN XUẤT

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét cách thức xác định cân bằng trong ngắn hạn của thị trường bán cạnh tranh.

Biểu đồ dưới đây minh họa cân bằng trong ngắn hạn của một doanh nghiệp trong thị trường bán cạnh tranh. Một doanh nghiệp bán cạnh tranh sẽ tối đa hóa lợi nhuận sẽ sản xuất tại mức sản lượng mà ở đó MR = MC. Trong biểu đồ dưới đây, mức sản lượng cân bằng là Qo. Khi đó, giá cân bằng (số tiền mà khách hàng hang muốn trả tương ứng tại mức sản lượng Qo này) là Po tương ứng với Qo.

Trong thị trường độc quyền, lợi nhuận kinh tế có thể có được do rào cản thị trường. Tuy nhiên, trong bán độc quyền thì lợi nhuận kinh tế thay đổi là do sự thâm nhập của các doanh nghiệp mới vào ngành. Khi có doanh nghiệp mới gia nhập ngành, cầu sản phẩm của mỗi doanh nghiệp sẽ giảm xuống và trở nên co giãn hơn. Cầu giảm sẽ làm giảm lợi nhuận kinh tế của doanh nghiệp. Quá trình gia nhập ngành này sẽ tiếp diễn liên tục cho đến khi lợi nhuận kinh tế không còn nữa như minh họa trong biểu đồ dưới đây.

Biểu đồ trên minh họa cân bằng dài hạn của một doanh nghiệp hoạt động trong thị trường bán cạnh tranh. Doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận bằng cách sản xuất với sản lượng Q’ và giá cân bằng tài P’. Do giá bằng với chi phí trung bình, cho nên doanh nghiệp có lợi nhuận kinh tế bằng không. Cân bằng dài hạn được xem là “cân bằng tiếp tuyến” vì đường cầu tiếp tuyến với đường ATC tại mức sản lượng tối đa hóa lợi nhuận.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp bán cạnh tranh có thể bị lỗ (lợi nhuận kinh tế âm) như minh họa trong biểu đồ dưới đây. Khi đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động trong ngắn hạn và rời khỏi ngành trong dài hạn. Khi doanh nghiệp rời khỏi ngành thì các đường cầu của doanh nghiệp khác sẽ dịch chuyển sang phải và ít co giãn hơn. Sự rút lui khỏi ngành của các doanh nghiệp diễn ra liên tục cho đến khi lợi nhuận kinh tế bằng không.

Trong thị trường bán cạnh tranh, các doanh nghiệp trong dài hạn luôn có năng lực thặng dư. Lý do là các doanh nghiệp sản xuất ở mức sản lượng dưới mức sản lượng tại minATC. Kết quả là người tiêu dùng trả một mức giá vượt quá chi phí trung bình tối thiểu. Điều này có thể giải thích tại sao đường cầu của doanh nghiệp bán cạnh tranh trở nên dốc hơn, là do phân biệt sản phẩm. Bởi vì sản phẩm của doanh nghiệp là không thay thế hoàn toàn cho các sản phẩm của các doanh nghiệp khác. Vì vậy, sự phân biệt sản phẩm gây nên năng lực thặng dư.

3. CHI PHÍ PHÂN BIỆT

Như đã đề cập trong chương trước, sự hữu hiệu trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo khi P=MC và doanh nghiệp sản xuất với mức chi phí trung bình tối thiểu (ATC min). Biểu đồ dưới đây so sánh giá và lượng giữa thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường bán cạnh tranh. Như biểu đồ cho thấy, doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo sản xuất tại mức sản lượng Qpc (giá Ppc tương ứng) cao hơn sản lượng doanh nghiệp bán cạnh tranh Qmc (giá Pmc tương ứng). Khi đó, giá của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo (Ppc) sẽ thấp hơn giá của doanh nghiệp bán cạnh tranh (Pmc).

Vì doanh nghiệp bán cạnh tranh sản xuất tại mức sản lượng có chi phí lớn hơn minATC, cho nên doanh nghiệp bán cạnh tranh kém hữu hiệu hơn doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo. Điều này làm phát sinh chi phí, được gọi là chi phí phân biệt, đó là chi phí xã hội phải gánh khác biệt của nhà hàng, quần áo, … và vì thế chi phí trung bình sẽ lớn hơn so với trường hợp các sản phẩm là đồng nhất. Sự phân biệt sản phẩm càng lớn sẽ làm cho hàng hóa trở nên đa dạng hơn, sự đa dạng này là do doanh nghiệp thực hiện phân biệt hóa sản phẩm và được đánh giá bởi người tiêu dùng. Để tạo nên sự phân biệt so với đối thủ cạnh tranh, các công ty tập trung cố gắng vào đổi mới sản phẩm chi phí bán hàng.

ª  Đổi mới sản phẩm: các doanh nghiệp bán cạnh tranh luôn tạo ra các sản phẩm mới nhằm giành lợi thế cạnh tranh, thậm chí lợi thế này có tính tạm thời. Khi doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới hay phân biệt sản phẩm sẽ làm cho đường cầu dốc hơn trước và có thể làm tăng lợi nhuận. Khi đó, một số doanh nghiệp có sản phẩm tương tự sẽ nỗ lực cạnh tranh. Kết quả là lợi nhuận tạm thời do lợi thế ban đầu sẽ không còn nữa.

ª  Chi phí bán hàng: trong thị trường bán cạnh tranh, một phần lớn chi phí mà người tiêu dùng trả bao gồm cả chi phí bán hàng gồm: quảng cáo, bán hàng trực tiếp, cổ động. Những chi phí này nhằm gia tăng nhận thức về sự khác biệt sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh. Điều này làm cho chi phí của doanh nghiệp bán cạnh tranh cao hơn so với doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo.

Ngoài ra, mức độ chi phí bán hàng tùy thuộc vào thông tin và dịch vụ cung cấp nhằm tạo hình ảnh phân biệt sản phẩm đối với người tiêu dùng. Điều này đem lại cho người tiêu dùng nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, chi phí cơ hội của thông tin và dịch vụ cần phải được đánh giá so với những giá trị và nhận thức mà người tiêu dùng nhận được.

Nếu thị trường có nhiều doanh nghiệp hơn thì cầu của sản phẩm sẽ co giãn hơn. Nếu như có sự gia tăng một số lượng lớn các doanh nghiệp thì đường cầu của doanh nghiệp bán cạnh tranh sẽ tiến gần đến đường cầu của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo. Khi đó, chi phí phân biệt sản phẩm sẽ rất nhỏ. Mặt khác, các doanh nghiệp bán cạnh tranh có thể có lợi nhuận kinh tế trong ngắn hạn do tạo nên sự phân biệt sản phẩm. Tuy nhiên, sự phân biệt này sẽ bị các doanh nghiệp khác sao chép và khi đó lợi nhuận kinh tế không còn nữa trong dài hạn. Chương trình quảng cáo có thể làm gia tăng lợi nhuận trong ngắn hạn, buộc các doanh nghiệp khác trong cùng ngành cũng phải gia tăng nổ lực tương tự.