Chính sách của chính phủ

1. CHÍNH SÁCH ĐIỀU CHỈNH GIÁ

Khi có sự thay đổi đột biến của cung cầu, giá cả hàng hóa thay đổi một cách bất thường. Chẳng hạn, giá nhiên liệu xăng dầu tăng vọt hay giá nông sản thường rất thấp vào vụ mùa thu hoạch. Trong trường hợp như vậy, các chính sách của chính phủ tác động vào thị trường nhằm điều chỉnh giá thị trường.

1.1.Qui định giá sàn

Giá sàn là mức giá tối thiểu bắt buộc, là mức giá qui định thường cao hơn mức giá cân bằng. Mục đích của giá sàn là nhằm điều chỉnh giá cao hơn mức giá cân bằng thị trường hiện tại. Hỗ trợ giá nông nghiệp và qui định lương tối thiểu là những trường hợp cụ thể về giá sàn. Như biểu đồ dưới đây minh họa, qui định giá sàn sẽ dẫn đến dư thừa hàng hóa do lượng cung vượt quá lượng cầu khi mức giá qui định này cao hơn mức giá cân bằng thị trường.

1.2.Qui định giá trần

Giá trần là mức giá tối đa bắt buộc. Mục đích của giá trần là nhằm điều chỉnh mức giá thấp hơn mức giá cân bằng thị trường hiện tại. Chẳng hạn, qui định giá trần đối với giá cho thuê nhà ở những đô thị và giá xăng dầu trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng. Như biểu đồ dưới đây minh họa, qui định giá trần sẽ dẫn đến thiếu hụt hàng hóa do lượng cầu vượt quá lượng cung khi mức giá qui định này thấp hơn giá cân bằng thị trường. Điều này cũng có thể giải thích tại sao qui định giá cho thuê nhà và giá xăng dầu dẫn đến thiếu hụt hàng hóa.

Với chính sách can thiệt giá ở trên, sự tác động của chính phủ nhằm điều chỉnh mức giá cả khi có sự thay đổi một cách đột biến về quan hệ cung cầu làm cho giá cả tăng vọt (giá xăng dầu vừa qua) hay sự giảm giá (sản phẩm nông nghiệp). Chính sách giá trần và giá sàn nhằm điều chỉnh mức giá thấp hơn (hoặc cao hơn) so với giá thị trường hiện tại. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt (hay dư thừa) hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định. Hành vi của các doanh nghiệp đối với chính sách giá của chính phủ là xem xét lại qui mô và tái cấu trúc sử dụng các yếu tố sản xuất. Ngoài ra, chính phủ tăng cường hỗ trợ thông qua chính sách hỗ trợ giá, hay mua lại đối với lượng hàng hóa dư thừa.

2. CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH GIÁ

Dĩ nhiên, chính sách điều chỉnh giá giá ở trên có tính chất bị động đối với các hàng hóa chịu ảnh hưởng của quan hệ cung cầu thế giới. Các biện pháp có tính chủ động hơn đó là: qui định khung giá và chính sách dự trữ.

2.1.Qui định khung giá

Chính phủ có thể qui định khung giá nhằm ổn định giá cả của một hàng hóa cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Khung giá là giới hạn phạm vi giá dao động giữa giá sàn (giá tối thiểu) và giá trần (giá tối đa) có tính bắt buộc đối với một hàng hóa cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, chính sách qui định khung lãi suất tiền gởi tiết kiệm của các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Biểu đồ dưới đây minh họa khung giá đối với một hàng hóa cụ thể. Lưu ý rằng khung giá trong biện pháp ổn định giá khác với biện pháp điều chỉnh giá ở trên. Chính phủ chỉ có thể qui định chỉ giá trần hoặc giá sàn trong biện pháp điều chỉnh giá. Trong khi đó, khung giá bao gồm cả giá trần và giá sàn.

Với khung giá qui định, các cá nhân và doanh nghiệp được phép ra quyết định về giá và lượng sản xuất theo quan hệ cung cầu nhưng không được vượt quá khung giá qui định. Chính sách này thường được chính phủ áp dụng đối với những hàng hóa có tính chiến lược nhằm tạo sự ổn định vĩ mô.

2.2.Chính sách dự trữ

Ngoài biện pháp ổn định giá thông qua qui định khung giá, chính phủ có thể vận dụng chính sách dự trữ đối với một số hàng hóa nhất định. Có nhiều hàng hóa (chẳng hạn như sản phẩm nông nghiệp, xăng dầu, …) có thể dự trữ được. Chính sách dự trữ cung cấp một lớp đệm giữa sản xuất và tiêu dùng. Nếu sản xuất giảm xuống thì hàng hóa dự trữ có thể đem bán và ngược lại nếu sản xuất tăng lên thì một lượng hàng hóa được đem dự trữ tồn kho.

Trong một thị trường có hàng hóa tồn kho, chúng ta cần phân biệt giữa sản xuất và cung. Lượng sản xuất không nhất thiết phải bằng với lượng cung. Lượng cung vượt quá sản xuất khi một số lượng hàng tồn kho được đem bán và lượng cung nhỏ hơn lượng sản xuất khi một lượng hàng hóa được lưu kho. Biều đồ ở trên minh họa chính sách dự trữ đối với sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như cà phê. Vào vụ thu hoạch, lượng cung cà phê trong ngắn hạn là không co giãn. Vì vậy, đường cung cà phê là đường dốc lên với sản lượng trung bình là 20 nghìn tấn mỗi năm và giá là 1.2 nghìn USD/tấn. Để ổn định tại mức giá này, chính phủ vận dụng chính sách dự trữ bằng cách: nếu vụ mùa thu hoạch ở mức thấp Q1 (hay 15 nghìn tấn) thì chính phủ sẽ xuất kho 5 nghìn tấn và nếu vụ mùa thu hoạch ở mức cao Q2 (hay 25 nghìn tấn) thì chính phủ sẽ lưu kho 5 nghìn tấn. Với chính sách dự trữ này, chính phủ luôn luôn duy trì mức cung ổn định. Nếu như không có sự biến đổi lớn về cầu cà phê thì mức giá vẫn duy trì ở mức 1.2 nghìn USD/tấn. Ví dụ minh họa ở trên là một trường hợp đơn giản so với thực tế bởi lẽ giá cả cà phê phụ thuộc vào quan hệ cung cầu thế giới, mức dự trữ ở trên là rất nhỏ so với cung cầu cà phê thế giới.

3. THUẾ VÀ HẠN NGẠCH

Trong nền kinh tế, nhiều hàng hóa phải được nhập khẩu từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. Vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách chủ yếu tập trung vào ba câu hỏi:

ª Giá thị trường trong nước sẽ thay đổi như thế nào nếu chính phủ cho phép nhập khẩu từ nước ngoài.

ª Ai là người được lợi và bị thiệt từ chính sách tự do thương mại.

ª Sự khác nhau cơ bản giữa thuế nhập khẩu và qui định hạn ngạch trong các chính sách của chính phủ.

Để trả lời các câu hỏi trên, các nhà kinh tế vận dụng các công cụ nhằm phân tích cách thức vận hành của thị trường: cung cầu, cân bằng, thặng dư sản xuất, thặng dư tiêu dùng, … và hiểu được ảnh hưởng của thương mại quốc tế đối với nền kinh tế.

3.1.Thuế nhập khẩu

Các quốc gia sẽ nhập khẩu hàng hóa chỉ khi giá thị trường trong nước cao hơn giá thị trường thế giới. Biểu đồ dưới đây minh hoạ giá và lượng nhập khẩu thép trong trường hợp không có thuế nhập khẩu và có thuế nhập khẩu.

Trong điều kiện tự do thương mại (nhập khẩu không chịu thuế), các nhà xuất khẩu thép có giá thấp hơn giá thị trường nội địa sẽ nhập khẩu lượng thép QD1 – QS1, cho đến khi giá thị trường nội địa bằng với giá thị trường thế giới.

Khi không có thuế nhập khẩu mức giá thép giảm từ Po xuống Pw là do tăng cung, cung dịch chuyển từ S sang Sw. Khi có thuế nhập khẩu, giá của thép nhập khẩu trên thị trường nội địa sẽ bằng với giá thị trường thế giới cộng với thuế nhập khẩu. Tại mức giá này, các nhà nhập khẩu thép chỉ nhập khẩu một lượng thép tương ứng với phần QD2 – QS2 trong biểu đồ trên. Khi đó, các nhà sản xuất thép trong nước cạnh tranh với các nhà nhập khẩu thép và bán tại mức giá Pt.

Như biểu đồ trên minh họa mức giá thép nâng từ Pw (giá nhập khẩu không có thuế) lên Pt (giá nhập khẩu có thuế). Điều này đã hạn chế lượng thép nhập khẩu và làm giảm cung, hay cung dịch chuyển từ Sw sang St. Trong trường hợp này, các nhà kinh tế nhận thấy 2 ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu.

Thứ nhất, thuế thép sẽ làm tăng giá thép. Điều này khuyến khích các nhà sản xuất trong nước gia tăng sản lượng thép từ QS1 đến QS2.

Thứ hai, thuế nhập khẩu cũng làm tăng giá đối với người mua thép trong nước. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ giảm lượng tiêu dùng thép từ QD1  xuống QD2. Như vậy, thuế nhập khẩu làm giảm phúc lợi của xã hội (gồm thặng dư tiêu dùng thặng dư sản xuất), hay được gọi là chi phí xã hội. Chi phí này phát sinh do sản xuất quá mức (QS2 – QS1) và tiêu dùng dưới mức (từ QD1 – QD2) do ảnh hưởng của thuế nhập khẩu.

3.2.Qui định hạn ngạch

Hạn ngạch là mức giới hạn về nhập khẩu. Cụ thể, chính phủ có thể phân phối một số lượng giấy phép nhập khẩu. Mỗi giấy phép cho phép nhà nhập khẩu nhập một lượng nhất định từ thị trường nước ngoài.

Biểu đồ dưới đây cho thấy các phân tích và ảnh hưởng của qui định hạn ngạch và thuế nhập khẩu thép có vẻ tương tự nhau. Thực chất, các ảnh hưởng hạn ngạch đối với giá và lượng đến hành vi của các nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu là giống nhau như ảnh hưởng của thuế nhập khẩu.

Cả thuế và hạn ngạch đều làm tăng giá hàng hóa trong nước, khuyến khích sản xuất nội địa, hạn chế tiêu dùng và phát sinh chi phí xã hội. Chỉ có sự khác nhau, đó là thuế làm tăng doanh thu thuế (nguồn thu thuế) của chính phủ. Trong khi, hạn ngạch làm tăng doanh thu (lợi ích) cho người nắm giữ giấy phép nhập khẩu.

Trong thực tế, qui định hạn ngạch có thể gây ra các vấn đề tiềm năng, đó là cơ chế phân bổ hạn ngạch. Mọi người điều hiểu rằng giấy phép sẽ không cấp không cho một ai, tùy thuộc vào chi phí lobby (chi phí để có được giấy phép). Điều này có thể gia tăng chi phí xã hội, chi phí không chỉ do sản xuất quá mức, tiêu dùng dưới mức, mà còn phát sinh chi phí lobby.