Tuyển dụng nhân viên là người giỏi nhất

Trong thị trường nhân lực cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các nhà quản lý ngày càng đau đầu với việc tìm kiếm nhân tài và thu hút họ về làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp bởi họ hiểu rằng tuyển dụng những người giỏi nhất vào làm việc là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của các doanh nghiệp. Đội ngũ nhân viên giỏi, có chất lượng sẽ mang lại hiệu quả công việc cao và tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp trên thị trường. Nhân lực là tài sản quý giá nhất của mọi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian thiếu lao động, các doanh nghiệp lại thường tập trung giải quyết một vấn đề nào đó hơn là việc đi tìm người giỏi. Không chỉ thế, nhiều doanh nghiệp còn khó xác định được những tiêu chuẩn tuyển chọn nguồn nhân lực cho mình. Để có được những người tài giỏi, nhà quản lý cần phải xác định được đối tượng tuyển dụng và sau đó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác để tuyển được họ về làm việc.

Vì vậy, trong quá trình tìm kiếm nhân lực, các doanh nghiệp cần hành động như thể họ là những nhà Marketing, tương tự như khi họ cạnh tranh để tìm kiếm khách hàng. Nếu doanh nghiệp coi tuyển dụng như hoạt động Marketing thì cần phải quan tâm đến xác định tập khách hàng người lao động mục tiêu, thiết kế “sản phẩm” (nghề nghiệp), thúc đẩy nhân viên sẵn sàng làm việc bằng những hoạt động tạo động lực thu hút lao động trong dài hạn. Một vài doanh nghiệp dịch vụ ở Mỹ đã thay đổi tên chức danh của người đứng đầu tuyển dụng thành “Giám đốc quản trị tài năng”. Điều này phản ánh họ đã nhận thấy tầm quan trọng của vệc tuyển dụng và giúp nâng cao tầm quan trọng mang tính chiến lược của khâu tuyển dụng trong doanh nghiệp.

Cũng như trên thương trường, cạnh tranh để có được nhân tài phụ thuộc vào uy tín và phương pháp lựa chọn, tuyển dụng sáng tạo của doanh nghiệp (Berry, 1981). Nhà quản lý muốn thu hút được những người giỏi đầu tiên cần xác định cụ thể các tiêu chí của “ứng viên lý tưởng” cho từng vị trí căn cứ vào sự kỳ vọng của doanh nghiệp và sau đó triển khai tìm kiếm ứng viên theo những đặc điểm này. Phỏng vấn cũng rất quan trọng, nó giúp nhà tuyển dụng tìm được ứng viên không chỉ giỏi mà còn phù hợp với vị trí mà doanh nghiệp cần. Khi đã xác định được những yêu cầu cần thiết cho vị trí cần tuyển, doanh nghiệp nên phỏng vấn nhiều ứng viên cho một vị trí để tìm ra ứng viên phù hợp nhất.

Những nhà Marketing nhân sự cho rằng tuyển nhân viên giỏi có nghĩa là phải trả lương cao hơn cho họ nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ thu lại được khoản lợi ích xứng đáng bù đắp cho chi phí đó nhờ năng suất lao động cao hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà tuyển dụng và người lao động, lợi nhuận thu được tỷ lệ thuận với những phí tổn bỏ ra.

Sử dụng nhân tài là một nghệ thuật, cần sự khéo léo, tinh tế và kiên nhẫn của nhà quản lý. Những người giỏi thường thích thử thách, đưa ra ý tưởng mới, tạo nên sự đột phá trong công việc. Chính vì vậy, nhà quản lý cũng cần phải đưa ra cho họ những thử thách mới, tạo điều kiện để họ mở rộng phạm vi công việc hiện tại của họ. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi ở doanh nghiệp sự kiên nhẫn trong huấn luyện và hỗ trợ. Nếu không, họ sẽ không còn muốn những thách thức, không dám ra quyết định và cuối cùng họ sẽ không còn nhiệt tình cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp nữa hoặc họ sẽ ra đi để tìm đúng những lãnh đạo cần họ.

Có được người giỏi coi như doanh nghiệp đã nắm trong tay một tài sản quý giá và từ đó doanh nghiệp sẽ ngày càng vững mạnh hơn nữa trên thị trường. Các nhà quản lý cần phải xác định rằng đầu tư vào những người giỏi thì vừa là điều công bằng nhất, vừa là cách tốt nhất để học hỏi và là cách dẫn đến thành công hiệu quả nhất. Cũng cần hiểu là quan tâm đến những người giỏi là công bằng nhất vì công bằng là phải đối đãi với họ những gì mà họ đáng được hưởng trên cơ sở những thành tích mà họ đạt được. Tuy nhiên, việc tuyển dụng người giỏi đã khó, việc giữ chân họ ở lại còn khó hơn rất nhiều, các doanh nghiệp cần chú trọng đến các chính sách đãi ngộ nhân tài để lôi kéo lòng trung thành và nhiệt huyết của họ đối với mình.

Hiện nay, nền kinh tế tri thức lên ngôi, việc giành giật, cạnh tranh để có được nhân tài trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Cuộc cạnh tranh này diễn ra trên mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế khác nhau và ngày càng gay gắt bởi sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài với nhiều chiến lược và “sản phẩm nghề nghiệp” hấp dẫn. Nhân tố con người đang đươc quan tâm hơn rất nhiều so với thời kỳ trước. Các doanh nghiệp Việt Nam lôi kéo nhân tài bằng các chính sách đãi ngộ, lương bổng, khả năng thăng tiến trong công việc…

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.