Trở thành doanh nghiệp được coi trọng

Cạnh tranh trên thị trường lao động thể hiện qua những lời đề nghị hấp dẫn đối với người lao động tiềm năng hay ứng viên. Để có được điều đó, nhà tuyển dụng đầu tiên nên tìm hiểu về những khách hàng nội bộ tiềm năng để biết được những nhu cầu và mong muốn của họ. Doanh nghiệp không nhất thiết phải cam kết trả lương cao cho nhân viên nếu như những điều kiện khác trong đề nghị lao động thực sự hấp dẫn (Lovelock và Wirtz, 2004). Người lao động sẽ khó chấp nhận một công việc có mức lương tốt nhưng chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc, khả năng thăng tiến… không hấp dẫn.

Marriott International (chuỗi khách sạn) đã tuyên bố mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành “doanh nghiệp được coi trọng”. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp đã đề cao những quyền lợi của nhân viên, xây dựng hệ thống mạng chỉ dẫn các dịch vụ xã hội, mở các lớp học đào tạo làm việc và học tiếng anh cho nhân viên. Việc quan tâm đến người lao động như vậy không những củng cố lòng trung thành của họ mà còn nâng cao uy tín, sự tín nhiệm của nhân viên đối với doanh nghiệp.

Trở thành doanh nghiệp được coi trọng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao được uy tín của mình trên thị trường, nhớ đó mà các khách hàng sẽ tìm đến doanh nghiệp nhiều hơn. Kết quả là hiệu quả kinh doanh nâng cao và doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc này. Trở thành doanh nghiệp được coi trọng không phải là một việc dễ dàng đối với doanh nghiệp. Trong khi trên thị trường rất nhiều đối thủ cạnh tranh thì quá trình được nhân viên, khách hang và toàn thị trường công nhận là một doanh nghiệp được coi trọng lại càng trở nên khó khan hơn bao giờ hết. Điều này có được là phải dựa vào sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể doanh nghiệp, từ những nhà quản lý cho đến nhân viên đều phải đồng lòng và hành động hướng đến mục tiêu này.

Để là một doanh nghiệp được coi trọng, ngoài việc quan tâm đến khách hàng thì việc tập trung vào đội ngũ nhân lực của mình cũng sẽ là một cách hiệu quả cho các doanh nghiệp. Các nhà quản lý cần phải quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nhân viên của mình về quyền lợi, chính sách đãi ngộ, lương bổng, khen thưởng… Nếu doanh nghiệp xây dựng được sự tôn trọng từ chính nguồn nội lực bên trong của mình sẽ tạo được sự bền vững, lâu dài và hiệu ứng lan truyền cao hơn.

Quá trình xây dựng uy tín và trở thành “doanh nghiệp được coi trọng” là một quãng đường dài. Doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh đẹp trong cộng đồng và cung cấp những dịch vụ chất lượng cao sẽ làm cho nhân viên cảm thấy tự hào vì họ là một thành viên trong đó và họ đã góp phần đáng kể để xây dựng lên danh tiếng của doanh nghiệp. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu của mình, doanh nghiệp cần đưa ra kế hoạch đào tạo thực tập, cơ hội thăng tiến trong công việc, hỗ trợ tinh thấn tốt cho nhân viên. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tạo được hiệu ứng lan truyền giữa nhân viên hiện tại và ứng viên tiềm năng, qua đó mà nhân viên sẽ giới thiệu chiến lược thu hút nhân tài của doanh nghiệp.

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.