Đưa nhân viên vào định hướng phát triển của doanh nghiệp

Bên cạnh những khách hàng trung thành thì đội ngũ nhân viên giỏi chính là điểm tựa quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhân viên có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, khả năng sinh lợi… qua hiệu quả công việc và việc làm hài lòng khách hàng bên ngoài với thái độ phục vụ của mình. Họ là những người mang lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là người gây thiệt hại tài chính và các giá trị vô hình khác của doanh nghiệp. Vì vậy, họ cần được quan tâm, chú trọng hơn cả trên phương diện vật chất và tinh thần, cụ thể cần đặt nhân viên trong định hướng phát triển hay tầm nhìn sẽ góp phần xây dựng được một chiến lược hiệu quả và bền vững cho doanh nghiệp.

Trước tiên, cần hiểu thế nào là tầm nhìn của doanh nghiệp. Đó là định hướng cho tương lai, mục tiêu và khát vọng mà doanh nghiệp muốn đạt tới. Trên cơ sở tầm nhìn doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo có thể xác định được việc nào cần làm và việc nào chưa cần làm cũng như tầm quan trọng và thứ tự triển khai của các nội dung công việc. Một doanh nghiệp không có tầm nhìn sẽ không thể nào phát triển một cách bền vững và theo kịp xu thế chung của thị trường. Mang lại giá trị cho nhân viên trong doanh nghiệp là một nền tảng quan trọng đối với doanh nghiệp.

Ví dụ, Southwest Airlines là hãng hàng không duy nhất luôn hoạt động kinh doanh có lợi nhuận kể từ khi bắt đầu thành lập 35 năm trước. Thời điểm đó, doanh nghiệp được đánh giá cao nhờ vào chính sách đối đãi với nhân viên và chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của họ. Tạp chí Fortune đã xếp hạng Southwest Airlines nằm trong top 5 “doanh nghiệp tốt nhất để làm việc” ở Mỹ trong 4 năm liên tiếp 1997-2000 (năm 2001 doanh nghiệp không tham gia cuộc thi này). Doanh nghiệp nhận định sứ mệnh của mình: “Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp cho nhân viên một môi trường làm việc ổn định và cơ hội phát triển bình đẳng. Southwest Airlines khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới để ngày càng hoạt động hiệu quả hơn nữa. Nhân viên sẽ luôn được quan tâm, tôn trọng trong doanh nghiệp và nhờ đó họ sẽ chia sẻ điều này với mọi khách hàng của Southwest Airlines.”

Nhân viên là những sứ giả thương hiệu của doanh nghiệp bởi họ là những người tạo ra sản phẩm và gặp gỡ khách hàng, mang các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng. Họ được xem như là “bộ mặt” của doanh nghiệp, vì vậy họ chính là một phần trong sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Bất kể chiến lược kinh doanh nào hay định hướng phát triển của doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến yếu tố nhân lực.

Bên cạnh đó, nhân viên cũng cần đánh giá cao công việc của mình trong tổng thể và theo định hướng phát triển của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi họ phải hiểu biết về văn hóa của doanh nghiệp, vốn có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Đó là các giá trị, các quan niệm, tập quán chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Các giá trị, quan niệm đó cần phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp. Nhờ vậy mà nhân viên sẽ hiểu được định hướng phát triển của doanh nghiệp hơn.

Trong quan điểm Marketing nhân sự, việc giữ chân lao động tài năng không mất quá nhiều chi phí, chỉ cần doanh nghiệp khiến họ hiểu rằng họ là một phần không thể tách rời của doanh nghiệp và khiến họ hài lòng trong công việc được giao (Henry, 2003). Một khi nhu cầu của người lao động được đáp ứng đầy đủ thì họ sẽ sẵn sàng trung thành, cống hiến hết mình cho doanh nghiệp, tất nhiên việc đáp ứng nhu cầu lao động cũng cần hợp lý và mang lại hiệu ứng tốt cho cả doanh nghiệp.

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.