Đánh giá và khen thưởng nhân viên

Nếu một doanh nghiệp muốn nhân tài ở lại làm việc cho mình thì doanh nghiệp đó phải có chính sách khen thưởng và khuyến khích họ. Người lao động luôn muốn biết rằng hiệu quả công việc của họ đóng góp cho doanh nghiệp sẽ được đánh giá ra sao và trên cơ sở nào, điều đó sẽ tạo động lực tích cực cho họ hơn nữa mỗi khi được doanh nghiệp giao nhiệm vụ. Nhân viên tin tưởng vào hệ thống khen thưởng xứng đáng và công bằng sẽ có ảnh hưởng tích cực giúp họ hài lòng về công việc và có thể giữ chân người lao động (Arnett, Laverie và McLane, 2002).

Không có một chính sách lương bổng nào hoàn hảo cả và cũng không có một chính sách khen thưởng nào có thể áp dụng tuyệt đối cho tất cả các tổ chức và nhân viên mà lương bổng nhất thiết phải phù hợp với văn hóa của một doanh nghiệp cụ thể. Chính sách lương bổng sẽ chỉ có hiệu quả một khi doanh nghiệp đã xác định được rõ giá trị chính của nó là gì và đưa ra những chính sách thưởng liên tục, thường xuyên cho những nỗ lực có kết quả tốt.

Phần thưởng nên có liên quan đến tầm nhìn và sự khích lệ mang tính chiến lược của doanh nghiệp và lao động cũng cần hiểu lý do đằng sau việc khen thưởng đó. Bằng việc làm này người lao động sẽ biết được công sức họ bỏ ra được thừa nhận như thế nào. Doanh nghiệp có thể khen thưởng bằng những phần thưởng tài chính, phi tài chính và sự thăng tiến nghề nghiệp.

Khen thưởng không chỉ nhằm đem lại giá trị vật chất cho nhân viên mà còn cần đáp ứng được các giá trị về tinh thần như khích lệ, cổ vũ tinh thần làm việc cho người lao động. Các chuyên gia tài chính cho rằng, nhân viên cần được công nhận và đánh giá cao năng lực thể hiên, thành tích đạt được và đừng quá nhấn mạnh đến yếu tố tiền bạc bởi đôi khi những giá trị tinh thần mới có tính hiệu quả cao trong việc đánh giá và khen thưởng. Đôi khi phần thưởng họ mong muốn từ phía doanh nghiệp chỉ là bằng khen, nêu danh cũng như được tham gia các khóa đào tạo cho nhân viên, chương trình hỗ trợ gia đình, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc chuyên nghiệp hiện đại…

Berry và Parasuraman khẳng định rằng, doanh nghiệp phải đảm bảo sự cân bằng giữa các phần thưởng nhóm và ghi nhận cá nhân. Khen thưởng nhóm có xu hướng tăng cường liên kết giữa những lao động. Mỗi nhân viên luôn mong muốn được doanh nghiệp ghi nhận công việc họ làm cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, doanh nghiệp phải khuyến khích nhân viên tham gia tích cực hơn vào công cuộc phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường thoải mái để họ cống hiến. Nếu người lao động nhận thấy rằng hệ thống đánh giá và khen thưởng là công bằng, xứng đáng và có giá trị – cả cá nhân và nhóm điều này sẽ củng cố sự trung thành của họ với doanh nghiệp.

Khen thưởng là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến đánh giá như thế nào cho chính xác, phù hợp với mong muốn của nhân viên. Đánh giá quá trình làm việc của nhân viên không chỉ đơn giản là đưa ra những nhận xét về kết quả làm việc của họ mà để việc đánh giá đạt được hiệu quả thiết thực, các doanh nghiệp cần thiết lập một hình thức đánh giá chung cho tất cả các nhân viên của doanh nghiệp và từ đó nhà quản lý thay đổi hình thức cho phù hợp với từng công việc để mang lại hiệu quả cao nhất.

Nói chung các hoạt động này sẽ mang đến hiệu ứng tích cực đối với nhân viên như là những phần thưởng xứng đáng cho quá trình làm việc và cống hiến của họ cho doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược thu hút nhân tài của doanh nghiệp đồng thời góp phần giữ chân lao động giỏi phục vụ cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Nguồn: Nguyễn Hoàng và cộng sự (2014), Marketing nhân sự, NXB Thống kê.