Phân loại vận chuyển

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các loại hình vận chuyển ngày càng đa dạng và phong phú. Doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hoá có thể tuỳ ý sử dụng rất nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Có thể phân loại vận chuyển hàng hoá theo một số tiêu thức như: Loại phương tiện vận chuyển; mức độ điều tiết của nhà nước và theo mức độ phối hợp giữa các phương tiện. Mỗi loại hình vận chuyển đều có những ưu thế và hạn chế riêng mà nhà quản trị logistics cần biết để có sự lựa chọn đúng đắn.

1. Phân loại theo đặc trưng con đường /loại phương tiện vận tải

Có các loại hình vận chuyển đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, và đường ống. Đặc điểm cơ bản của các phương tiện này như sau:

1.1. Đường sắt (railway)

Đường sắt có chi phí cố định cao (tàu, nhà ga, bến bãi) và chi phí biến đổi thấp. Thường thích hợp với các loại hàng có trọng lượng lớn, khối lượng vận chuyển nhiều, và cự li vận chuyển dài. Ví dụ các nguyên vật liệu như than, gỗ, hoá chất và hàng tiêu dùng giá trị thấp như giấy, gạo, thực phẩm và với khối lượng cả một toa hàng.

Mặt hạn chế của vận chuyển đường sắt là kém linh hoạt. Tàu hoả chỉ có thể cung cấp dịch vụ từ ga này tới ga kia (terminal-to-terminal), chứ không thể đến một địa điểm bất kì (point-to-point) theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tàu hoả thường đi, đến theo lịch trình cố định, tần suất khai thác các chuyến không cao, tốc độ chậm. Chính vì có những đặc trưng như vậy, nên mặc dù có giá cước tương đối thấp, đường sắt vẫn ít được áp dụng trong logistics như một phương thức vận tải độc lập, mà thường được phối hợp sử dụng với các phương tiện khác.

Tại Việt Nam hiện nay, thị phần vận chuyển hàng hoá của đường sắt rất thấp 3,7% (tấn.km- số liệu năm 2006). Nguyên nhân chủ yếu là do ít tuyến đường, ít điểm đỗ đón trả hàng và chất lượng dịch vụ bao gồm cả phần vận chuyển cơ bản cũng như dịch vụ bổ trợ tại các bến bãi còn rất kém.

1.2. Đường thuỷ (waterway)

Đường thuỷ có chí phí cố định trung bình (tàu thuỷ và thiết bị trên tàu) và chi phí biến đổi thấp (do khả năng vận chuyển khối lượng hàng lớn nên có lợi thế nhờ quy mô), do đó đây là phương tiện có tổng chi phí thấp nhất (1/6 so với vận tải hàng không; 1/3 so với đường sắt;1/2 so với đường bộ). Thích hợp với những thứ hàng cồng kềnh, lâu hỏng, giá trị thấp (vật liệu xây dựng, than đá, cao su) và hàng đổ rời (cà phê, gạo), trên các tuyến đường trung bình và dài.

Tuy nhiên, đường thuỷ có hạn chế là tốc độ chậm, chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết và các tuyến đường vận chuyển có hạn (phụ thuộc vào mạng lưới sông ngòi và bến bãi). Cũng như đường sắt, tính linh hoạt của vận chuyển đường thuỷ không cao, mức độ tiếp cận thấp.

Đối với vận chuyển thương mại quốc tế, đây lại là phương tiện thống trị, đặc biệt là khi có sự ra đời của các loại tàu biển lớn, hiện đại có khả năng chinh phục được thiên nhiên ở mức độ nhất định. Hiện nay có khoảng hơn 50% giá trị tính bằng tiền và 90% khối lượng hàng giao dịch trên toàn cầu là sử dụng đường thuỷ. Vận chuyển đường thuỷ đặc biệt quan trọng đối khu vực Bắc Âu và Trung Âu, bởi nơi đây được thiên nhiêu ưu đãi với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, kết hợp với hệ thống hải cảng hoàn hảo do con người tạo dựng, tàu bè có thể dễ dàng tiếp cần với các trung tâm dân cư lớn. Điển hình là cảng Rotterdam (Hà Lan), một trong những cảng bận rộn nhất trên thế giới. Cùng với quá trình toàn cầu hoá, vận tải thuỷ sẽ ngày càng phát triển và phổ biến. Tuy nhiên, chi phí vận tải đường biển hiện tại của Việt Nam vẫn nằm trong số 5 nước cao nhất, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của hàng hoá VN.

1.3. Đường bộ (motorway)

Đường bộ có  chi phí cố định thấp (ô tô) và chi phí biến đổi trung bình (nhiên liệu, lao động, và bảo dưỡng phương tiện). Ưu điểm nổi bật của đường bộ là có tính cơ động và tính tiện lợi cao, có thể đến được mọi nơi, mọi chỗ, với lịch trình vận chuyển rất linh hoạt. Bởi vậy đây là phương thức vận chuyển nội địa phổ biến, cung cấp dịch vụ nhanh chóng, đáng tin cậy, an toàn, thích hợp với những lô hàng vừa và nhỏ, tương đối đắt tiền với cự li vận chuyển trung bình và ngắn.

Theo thống kê, lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ tăng đều qua mỗi năm, với rất nhiều loại hình dịch vụ đa dạng bởi số lượng nhà cung cấp đông đảo. Phương thức vận chuyển này thực sự là một bộ phận quan trọng của mạng lưới logistics của nhiều doanh nghiệp vì khả năng  đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.

1.4. Đường hàng không (airway)

Đường hàng không có chi phí cố định cao (máy bay, và hệ thống điều hành) và chi phí biến đổi cao (nhiên liệu, lao động, sửa chữa bảo hành). Có tốc độ nhanh nhất, an toàn hàng hoá tốt, nhưng vì chi phí rất cao, nên thường chỉ thích hợp với những mặt hàng mau hỏng, gọn nhẹ, có giá trị lớn, nhất là khi có yêu cầu vận chuyển gấp. Dịch vụ tương đối linh hoạt, có tính cơ động cao, có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu chuyên chở hàng hoá về mặt thời gian giao hàng, khối lượng chuyên chở và số lượt bay trên một tuyến đường Sự hấp dẫn của dịch vụ vận tải hàng không chính là vận tốc vượt trội của nó so với các phương tiện khác trong suốt hành trình, đặc biệt đối với khoảng cách xa. Trong thương mại quốc tế, đường hàng không vận chuyển khoảng 20% giá trị hàng hoá toàn cầu.

Bên cạnh cước vận tải cao, hàng không còn bị hạn chế bởi thủ tục kiểm tra hàng hoá và chứng từ khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Mức độ tiếp cận thấp, chỉ dừng ở các sân bay mà thôi. Hơn nữa, khối lượng vận chuyển bị hạn chế bởi dung tích khoang chứa hàng và sức nặng của máy bay.

1.5. Đường ống (pipelines)

Đường ống có chi phí cố định rất cao và chi phí biến đổi thấp nhất. Đây là con đường hữu hiệu và an toàn để vận chuyển chất lỏng và khí hoá lỏng (xăng dầu, gas, hoá chất). Chi phí vận hành không đáng kể (rất ít  chi phí lao động), và gần như không có hao hụt trên đường, ngoại trừ trường hợp đường ống bị vỡ hoặc rò rỉ.

Cho tới nay thì vận chuyển bằng đường ống mới chỉ rất giới hạn bởi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn và thiết kế phức tạp, (xây dựng đường ống, trạm bơm, trạm điều khiển và kiểm soát). Vận tốc trung bình của phương tiện này khá chậm, chỉ khoảng 5-7 km/giờ, nhưng bù lại bởi khả năng vận chuyển liên tục 24 giờ cả ngày lẫn đêm, và cả 365 ngày trong một năm, và đặc biệt không hề chịu ảnh hưởng của thời tiết.

Bảng xếp hạng (bảng 3.1) thể hiện sự so sánh giữa các loại phương tiện vận chuyển hàng hoá theo 6 tiêu thức về tốc độ, tính liên tục, độ tin cậy, năng lực vận chuyển, tính linh hoạt và chi phí. Tuy nhiên bảng xếp hạng này hoàn toàn chỉ mang tính tương đối, việc lựa chọn loại đường vận chuyển /phương tiện nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cụ thể  như đặc điểm mặt hàng, qui mô lô hàng, yêu cầu về địa điểm và thời gian giao hàng của khách hàng của từng lô hàng vận vận chuyển khác nhau

2. Phân loại theo đặc trưng sở hữu và mức độ điều tiết của nhà nước

Theo tiêu thức này, có thể phân loại thành các loại hình vận chuyển như vận chuyển riêng, vận chuyển hợp đồng và vận chuyển công cộng.

2.1. Vận chuyển riêng (private carrier)

Là loại hình vận chuyển trong đó các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh có phương tiện vận tải và tự cung cấp dịch vụ vận chuyển cho riêng mình. Lí do chính để một doanh nghiệp sở hữu phương tiện vận tải riêng là để đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng và tính ổn định của quá trình sản xuất-kinh doanh, mà các dịch vụ này không phải lúc nào cũng có thể thuê được các hãng vận chuyển bên ngoài. Các đơn vị vận tải thường có nhiều khách hàng và không thể luôn thoả mãn các yêu cầu vận chuyển đặc biệt của mỗi khách hàng (chẳng hạn: vận chuyển nhanh với độ tin cậy cao; xử lí hàng hoá phức tạp), nhất là vào những thời kì cao điểm của thị trường vận tải.

 Những đặc điểm về chất lượng dịch vụ như: mức độ tin cậy cao; chu kì hoạt động ngắn; phản ứng nhanh chóng; kiểm soát chặt chẽ và mức độ tiếp xúc với khách hàng cao là ưu điểm của bộ phận vận chuyển nội bộ. Nếu như khối lượng hàng hoá vận chuyển lớn và đều đặn, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa công xuất của các phương tiện thì chi phí vận chuyển có thể thấp hơn so với thuê ngoài, tuy rằng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, và có thể nảy sinh thêm một số vấn đề về lao động và quản lí. Hầu hết các phương tiện vận chuyển riêng do doanh nghiệp tự sở hữu là ô tô trọng tải vừa và nhỏ do mức đầu tư không quá cao, do tính linh hoạt và cơ động của phương tiện này, và đồng thời cũng là công cụ quảng cáo di động rất hữu hiệu của doanh nghiệp trên đường phố.

Việc sử dụng vận chuyển riêng không chỉ đơn thuần là quyết định về vận tải, mà còn là quyết định về tài chính và tổ chức. Đây là quyết định có tính chiến lược và dài hạn, cần có sự cân đối tổng thể về năng lực phục vụ khách hàng với năng lực tài chính và mục tiêu của doanh nghiệp.

2.2. Vận chuyển hợp đồng (contract carrier)

Người vận chuyển hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng có chọn lọc. Cơ sở hợp đồng là sự thoả thuận về chi phí và dịch vụ giữa người vận chuyển và chủ hàng mà không bị nhà nước chi phối và quy định cước phí.

Ưu điểm của vận chuyển hợp đồng là có khả năng cung cấp nhiều loại dịch vụ đơn lẻ và trọn gói khác nhau theo đúng yêu cầu của khách hàng về lịch trình, địa điểm và thời gian. Các đơn vị vận tải này còn có thể đáp ứng cả những dịch vụ đặc biệt trong quá trình vận chuyển như dịch vụ bảo vệ (sản phẩm tươi sống được bảo quản đông lạnh, sản phẩm dễ vỡ được bao gói và chằng dây an toàn); dịch vụ vận chuyển liên tuyến (khi đơn vị vận tải chỉ hoạt động trong địa bàn nhất định nhưng chịu trách nhiệm chuyển giao cho hãng vận chuyển khác và đảm bảo trách nhiệm pháp lí về hàng hoá từ đầu đến cuối); dịch vụ bốc dỡ, chất xếp hàng hoá, làm các thủ tục giấy tờ hải quan. v.v.

Vận chuyển hợp đồng có 3 loại: hợp đồng dài hạn, hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng vận chuyển từng chuyến. Hợp đồng dài hạn được kí kết từ một năm trở lên với khối lượng hàng hoá vận chuyển được phân bố cho từng quý. Thường được áp dụng khi khối lượng và tần số vận chuyển tương đối đều đặn và ổn định. Khối lượng từ 5000 tấn/ trở lên đối với đường sắt và đường thuỷ; trên 1000 tấn/năm đối với đường bộ.

Hợp đồng vận chuyển ngắn hạn được kí kết trong một quý hoặc một tháng. Đối với những lô hàng cần vận chuyển đột xuất hoặc không nằm trong kế hoạch thì chủ hàng và đơn vị vận tải sẽ kí kết hợp đồng từng chuyến.

Trong quá trình phát triển kinh tế ở nước ta, vận chuyển hợp đồng được bắt đầu phát triển rộng rãi từ những năm 1990, nhưng vẫn mới chủ yếu là các phương tiện ô tô và tàu thuỷ nhỏ. Do hạn chế nhiều về tài chính và phương tiện, cũng như tuyến đường và hàng hoá vận chuyển, nên số lượng khách hàng và khả năng cạnh tranh bị giới hạn đáng kể so với các công ty vận chuyển công cộng. Còn ở các nước kinh tế phát triển, thì cả đường hàng không và đường sắt đều có sở hữu tư nhân nên thị trường dịch vụ vận chuyển hàng hoá được mở rộng và linh hoạt hơn rất nhiều.

2.3. Vận chuyển công cộng (common carrier)

Các công ty vận chuyển công cộng có trách nhiệm cung cấp dịch vụ vận chuyển phục vụ công dân và nền kinh tế quốc dân với mức giá chung do nhà nước quy định mà không có sự phân biệt đối xử. Đây là loại hình chịu sự kiểm soát nhiều nhất từ phía chính quyền và công chúng.

Quyền hạn vận chuyển công cộng có thể cho mọi hàng hoá, hoặc giới hạn chuyên môn hoá cho từng đối tượng. Đồng thời đơn vị vận tải được định rõ địa bàn hoạt động, các điểm dừng đỗ cố định, và lịch trình không thay đổi trong một khoảng thời gian nhất định. Công ty vận chuyển công cộng không được quyền từ chối trong phạm vi địa bàn và mặt hàng được qui định, cho dù việc vận chuyển đó có thể không đem lại lợi nhuận. Các đơn vị này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn hàng hoá trên lộ trình, phải đảm bảo giao hàng hoá nguyên đai, nguyên kiện như khi nhận hàng. Vì vậy nhà quản trị logistics không cần mua bảo hiểm hàng hoá khi sử dụng dịch vụ vận chuyển công cộng.

Ở Việt Nam loại hình vận chuyển này vẫn chiếm ưu thế do nhà nước giữ độc quyền một số loại hình giao thông công cộng. Ví dụ, Tổng công ty đường sắt, Việt Nam Airline, Tổng công ty đường sông, Tổng công ty vận tải thuỷ, Tổng công ty đường bộ, v.v). Chất lượng dịch vụ thấp, loại hình dịch vụ không đa dạng và ít linh hoạt, thủ tục hành chính phức tạp v.v… là những tồn tại phổ biến trong vận chuyển công cộng tại Việt Nam, gây cản trở không nhỏ đến sự phát triển của logistics tại các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

3. Phân loại theo khả năng phối hợp các phương tiện vận tải:

Có hai loại hình – vận chuyển bằng một loại phương tiện hoặc có thể kết hợp nhiều loại phương tiện trong một chuyến hàng.

3.1. Vận chuyển đơn phương thức (single-mode transportation)

Cung cấp dịch vụ sử dụng một loại phương tiện vận tải. Loại hình này cho phép chuyên doanh hoá cao, tạo khả năng cạnh tranh và hiệu quả. Mỗi loại phương tiện vận tải đều có những ưu thế và hạn chế riêng như đã trình bày ở trên.

Nhược điểm của vận chuyển đơn phương thức là khi phải vận chuyển trên nhiều tuyến đường khác nhau lại phải tiến hành giao dịch với từng người vận chuyển. Và hệ thống các nghiệp vụ thương lượng và quản lí nhiều loại phương tiện như vậy là khá phức tạp và sẽ làm tăng chi phí. Đường hàng không là ví dụ điển hình cho kiểu vận chuyển này, bởi máy bay chỉ chở hàng từ sân bay này đến sân bay khác, còn người chủ hàng phải chịu trách nhiệm vận chuyển hàng từ nơi xuất phát ra sân bay, và từ sân bay tới điểm nhận hàng cuối cùng.

3.2. Vận chuyển đa phương thức ( Intermodal transportation)

Một công ty vận tải sẽ cung ứng dịch vụ phối hợp ít nhất hai loại phương tiện vận tải, sử dụng một chứng từ duy nhất và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quá trình vận chuyển hàng hoá.

Trong những năm gần đây, vận tải đa phương thức không ngừng phát triển nhanh chóng. Những lợi ích rõ ràng về kinh tế và quá trình toàn cầu hoá là các động lực chủ đạo cho loại hình vận chuyển này nở rộ. Đặc điểm chủ yếu của vận chuyển đa phương thức là sự tự do chuyển đổi phương tiện giữa các hình thức vận tải khác nhau. Các dịch vụ vận chuyển đa phương thức có được là do sự hợp tác giữa các hàng vận tải để phối hợp những dịch vụ riêng lẻ của họ lại với nhau. Các đại lí vận tải, các trung tâm môi giới thường được sử dụng để phối hợp các phương tiện và tạo ra các loại dịch vụ trọn gói, cung ứng sự thuận tiện cho chủ hàng.

Người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến loại hình vận chuyển đa phương thức bởi ưu thế trọn gói giao dịch và giá cả hợp lí của nó. Vận chuyển đa phương thức lợi dụng được ưu thế vốn có của mỗi loại phương tiện, và do đó có thể cung ứng dịch vụ vận tải thống nhất với tổng chi phí thấp nhất. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong vận tải hàng hoá nói riêng và trong logistics nói chung.

Trong đó, việc tiêu chuẩn hoá và thống nhất bao bì logistics, đặc biệt là quá trình côngtenơ hoá là một yếu tố quan trọng làm thay đổi diện mạo của ngành vận tải trong thế kỉ 20. Malcomlm McLean, người sáng lập tập đoàn vận tải SeaLand, được coi là người đầu tiên phát minh ra côngtenơ và đã rất thành công trong việc thương mại hoá sử dụng côngtenơ vào những năm 1950, ở New Jersey (Mĩ).

Côngtenơ (container) là các loại thùng chứa hàng đặc biệt (thùng tải), có kích thước được tiêu chuẩn hoá (độ dài 20ft = 6,1m; 40ft = 12,2m và 45ft = 13,7m), có kết cấu bền chắc để có thể sắp xếp tiện lợi và vững vàng trên các tàu côngtenơ, toa xe lửa hay xe tải chuyên dụng và cho phép sử dụng nhiều lần.

Sức chứa côngtenơ (của tàu, cảng, v.v.) được đo theo TEU (twenty-foot equivalent units). TEU là đơn vị đo của hàng hoá tương đương với một côngtenơ tiêu chuẩn 20ft (dài) * 8ft (rộng) * 8ft (cao). Kết hợp với mâm tải (pallet), việc sử dụng côngtenơ trong vận chuyển hàng hoá có những ưu điểm nổi bật sau:

  • Giảm bớt và đơn giản hoá các khâu thao tác trung gian trong quá trình vận chuyển; Rút ngắn thời gian bốc dỡ, chất xếp hàng hoá khi chuyển tải; Giải phóng nhanh phương tiện vận tải (do công việc bốc dỡ, chất xếp nặng nhọc và tốn thời gian đã được cơ giới hoá); Hàng hoá được đưa từ cửa tới cửa rất thuận tiện.
  • Đảm bảo an toàn hàng hoá, tránh đổ vỡ, hao hụt, xáo trộn, mất cắp… trong quá trình giao nhận, vận chuyển nhờ có vỏ bọc bền chắc của côngtenơ; Đỡ tranh chấp khiếu nại do tổn thất hàng hoá giảm bớt; Tiết kiệm chi phí bao bì; Tận dụng được dung tích của phương tiện do giảm được những khoảng trống.

Có nhiều khả năng phối hợp dịch vụ vận tải đa phương thức: đường sắt và đường bộ; đường sắt và đường thuỷ; đường sắt và đường hàng không; đường sắt và đường ống; đường bộ và đường hàng không; đường bộ và đường thủy;  đường bộ và đường ống; đường thuỷ và đường hàng không; đường thuỷ và đường ống; đường hàng không và đường ống. Tuy nhiên không phải phương án nào cũng có tính khả thi.

Có 2 loại hình vận chuyển đa phương thức hiện đang được sử dụng phổ biến nhất, đặc biệt trong vận tải quốc tế. Đó là vận tải liên hợp đường sắt – đường bộ (piggyback) và vận tải liên hợp đường thuỷ – đường bộ (fishyback). Việc phối hợp giữa đường hàng không – đường bộ (birdyback) cũng thường được sử dụng đối với hàng hoá có giá trị cao, có trọng lượng và dung tích nhỏ. Dưới đây mô tả chi tiết hơn về 2 loại vận tải liên hợp đường bộ – đường sắt đang được khai thác phổ biến nhất trong ngành vận tải hàng hoá :

  • Xe moóc chở trên toa trần (TOFC = trailer-on-flatcar): Là hình thức vận chuyển xe tải kéo moóc trên những toa trần của ngành đường sắt. Loại hình này thường được áp dụng trong trường hợp đoạn đường vận chuyển xa hơn so với các tuyến đường bộ thông thường. TOFC kết hợp được tính linh hoạt và tiện lợi của vận chuyển đường bộ với tính kinh tế của vận chuyển đường sắt trên các tuyến đường dài. Cước phí thường thấp hơn so với vận chuyển hoàn toàn bằng xe tải và tạo cơ hội cho phương tiện này nâng cao tính kinh tế của mình. Bên cạnh đó, vận chuyển đường sắt mở rộng cơ hội tham gia vận chuyển thêm nhiều loại hàng hoá vốn chỉ thường sử dụng xe tải. Chủ hàng cũng có lợi do sự thuận tiện của dịch vụ vận chuyển từ cửa đến cửa trên quãng đường dài với giá cả hợp lí. Những ưu thế này đã làm cho TOFC trở thành dịch vụ vận chuyển phối hợp thông dụng nhất.
  • Côngtenơ chở trên toa trần (COFC = container-on-flatcar): Với dịch vụ TOFC, toàn bộ xe moóc được vận chuyển trên một toa tàu hoả. Tuy nhiên, xe moóc gồm 2 phần: côngtenơ hay là thùng hàng hoá và khung gầm của xe moóc. Nếu chỉ vận chuyển duy nhất phần côngtenơ thì có thể tiết kiệm được phần tải trọng không có ích của khung gầm xe (kết cầu gầm, khung và bánh xe). Dịch vụ như vậy được gọi là COFC (côngtenơ trở trên toa trần)

3.3. Vận tải đứt đoạn ( separate transporation):

Là loại dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi đi đến nơi đến bằng hai hay nhiều phương thức vận tải, sử dụng hai hay nhiều chứng từ vận tải và nhiều nhà vân chuyển phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trong một hành trình vận chuyển. Là loại dịch vụ vận tải làm tăng chi phí nhưng hay gặp trong các thị trường vận tải không thống nhất, kém liên kết và phát triển. Các doanh nghiệp cần hạn chế tối đa sử dụng loại dịch vụ này.

4. Các phương án vận chuyển khác

4.1. Đại lí vận tải (freight forwarder)

Trên thị trường dịch vụ vận chuyển hàng hoá hiện nay có khá nhiều đại lí cung cấp dịch vụ cho các chủ hàng trong khi chỉ sở hữu rất ít hoặc thậm chí không sở hữu bất kì phương tiện vận tải nào. Công việc của họ là tập hợp một khối lượng lớn các lô hàng nhỏ từ một hoặc nhiều chủ hàng khác nhau và giao tới các địa điểm theo yêu cầu. Đại lí vận tải có nhiệm vụ giống như các nhà bán buôn trông kênh phân phối. Họ có cước phí cạnh tranh được với cước phí của dịch vụ vận chuyển lô hàng nhỏ không đầy xe tải LTL (less than truck-load). Họ khai thác tính qui mô trong vận tải và sự chênh lệch nhau giữa cước phí vận chuyển khối lượng lớn so với lô hàng nhỏ để bù lại phụ phí hoạt động. Bên cạnh đó, họ còn cung cấp dịch vụ lấy hàng và giao hàng cho các chủ hàng. Đôi khi, họ có thể vận chuyển nhanh hơn với dịch vụ đầy đủ hơn so với các đơn vị vận tải thuần tuý.

Các đại lí vận tải có thể cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá trong nước hoặc quốc tế tuỳ thuộc vào phạm vi hoạt động của mình. Họ còn có thể phân loại thành đại lí vận tải hàng không hoặc vận tải dưới mặt đất tuỳ thuộc vào loại hình phương tiện sử dụng. Khi tham gia vận chuyển quốc tế, đại lí vận tải thường cả cung cấp dịch vụ thông quan, hoàn tất giấy tờ xuất nhập cảnh, tạo được sự tiện lợi tối đa cho các chủ hàng, đặc biệt là đối với các chủ hàng nhỏ, thiếu kinh nghiệm marketing quốc tế.

4.2. Môi giới vận tải (transportation broker)

Môi giới vận tải là những người trung gian đưa chủ hàng và đơn vị vận tải đến với nhau bằng việc cung cấp kịp thời những thông tin về cước phí, tuyến vận tải và năng lực vận chuyển. Họ có thể sắp xếp quá trình vận tải song họ không có trách nhiệm thực hiện việc này.

Các chủ hàng và các hãng vận tải sử dụng dịch vụ môi giới vì nhiều lí do khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính là do sự đa dạng và phức tạp của thị trường vận tải trong những năm gần đây. Người môi giới có thể giúp hãng vận tải tìm được khách trở hàng cho lượt về, tránh tình trạng vận chuyển “rỗng”, vì vậy nâng cao được hiệu suất sử dụng trọng tải.

Còn đối với chủ hàng thiếu kinh nghiệm, hoặc thiếu nhân sự/thời gian thì dịch vụ môi giới vận tải đặc biệt hữu ích. Nếu doanh nghiệp không có bộ phận quản lí vận chuyển hàng hoá, và lại có tần số vận chuyển không lớn thì có thể dựa vào dịch vụ môi giới để tìm kiếm, thương lượng và kí kết hợp đồng với hãng vận tải thích hợp.

4.3. Dịch vụ vận chuyển bưu kiện (small package carrier)

Đối với nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, bán hàng qua catalog, kinh doanh mĩ phẩm, phân phối sách và đĩa nhạc,… thì việc sử dụng dịch vụ vận chuyển bưu kiện là phương án lựa chọn quan trọng. Hàng hoá bị giới hạn về trọng lượng (không quá 70 pounds) và kích thước (không quá 130 inches). Tốc độ nhanh, thời gian ngắn, an toàn hàng hoá tốt và chi phí cao là đặc điểm của loại hình dịch vụ này.

Trên thế giới, các công ty như FedEx, UPS, DHL, Airborne Express, Emery Worldwide… đã rất thành công trong lĩnh vực vận chuyển bưu kiện với phạm vi hoạt động toàn cầu. Họ thường có mạng lưới kho tập hợp/giao hàng tại các trung tâm thương mại quốc tế lớn. Họ có hệ thống thông tin quản lí năng động, có thể thiết kế, vận hành và giám sát các tuyến đường vận chuyển hữu hiệu, cũng như cung cấp thông tin kịp thời tới khách hàng. Họ sở hữu và phối hợp nhiều loại phương tiện tốc độ cao như máy bay, canô và xe tải để đảm bảo chất lượng tương ứng với nhu cầu vận chuyển an toàn và cấp bách của chủ hàng. Nhu cầu đối với loại hình dịch vụ này ngày càng mở rộng khi quan điểm cung ứng tức thì JIT (just-in-time) ngày càng được ứng dụng phổ biến.