1. Khái niệm, vai trò và vị trí của vận chuyển
Vận tải là hoạt động kinh tế có mục đích của con người nhằm thay đổi vị trí của hàng hoá và con người từ nơi này đến nước khác bằng các phương tiện vận tải. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng. “Nói đến thương mại phải nói đến vận tải, thương mại nghĩa là hàng hoá được thay đổi người sở hữu, còn vận tải làm cho hàng hoá thay đổi vị trí”.
Vận chuyển hàng hoá, xét theo quan điểm quản trị logistics, là sự di chuyển hàng hoá trong không gian bằng sức người hay phương tiện vận tải nhằm thực hiện các yêu cầu của mua bán, dự trữ trong quá trình sản xuất-kinh doanh.
Dưới góc độ của toàn bộ nền kinh tế, sự cần thiết của vận chuyển hàng hoá xuất phát từ sự cách biệt về không gian và thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng, mà chủ yếu là quá trình tập trung hoá và chuyên môn hoá của sản xuất và tiêu dùng, do đó yêu cầu vận chuyển tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Hệ thống vận tải là cầu nối để xoá đi những mâu thuẫn khách quan đó.
Khi so sánh nền kinh tế của các nước phát triển với các nước đang phát triển sẽ nhận thấy rõ ràng vai trò của vận chuyển hàng hoá trong việc tạo ra trình độ kinh tế phát triển cao. Đặc trưng của các nước đang phát triển là quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hoá diễn ra gần nhau, phần lớn lực lượng lao động ở khu vực sản xuất nông nghiệp (70% ở Việt Nam), và tỉ lệ dân số sống ở thành thị thấp. Với sự hiện diện của hệ thống vận chuyển tiên tiến, đa dạng, vừa khả năng thanh toán và luôn sẵn sàng phục vụ, toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế sẽ có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi theo cấu trúc của nền kinh tế công nghiệp phát triển. Hay nói cách khác, một hệ thống vận chuyển chi phí thấp và năng động sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường toàn cầu, tăng tính hiệu quả của sản xuất và giảm giá cả hàng hoá.
Dưới góc độ chức năng quản trị Logistics trong doanh nghiệp, hoạt động vận chuyển hàng hoá được ví như sợi chỉ liên kết các tác nghiệp sản xuất-kinh doanh tại các địa bàn khác nhau của doanh nghiệp. Vận chuyển để cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm và hàng hoá đầu vào cho các cơ sở trong mạng lưới logistics. Vận chuyển để cung ứng hàng hoá tới khách hàng đúng thời gian và địa điểm họ yêu cầu, đảm bảo an toàn hàng hoá trong mức giá thoả thuận. Do vậy, vận chuyển hàng hoá phải thực hiện cả 2 nhiệm vụ logistics trong doanh nghiệp: nâng cao chất lượng dịch vụ logistics và giảm tổng chi phí của toàn bộ hệ thống.
Quản trị vận chuyển là một trong ba nội dung trọng tâm của hệ thống logistics trong doanh nghiệp, có tác động trực tiếp và dài hạn đến chi phí và trình độ dịch vụ khách hàng, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (Hình 4.1). Bất kì lợi thế cạnh tranh nào của doanh nghiệp nói chung và của logistics nói riêng cũng đều có mối liên hệ mật thiết với hệ thống vận chuyển hàng hoá hợp lí.
IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ gỗ nội thất có xuất xứ từ Thuỵ Điển, đã xây dựng được mạng lưới toàn cầu với hơn 180 cửa hàng tại 23 quốc gia chủ yếu dựa trên chiến lược vận chuyển hiệu quả. Chiến lược cạnh tranh để tạo sự khác biệt của IKEA được xây dựng trên nền tảng – sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lí, khách hàng tự phục vụ và bầu không khí mua sắm dễ chịu trong cửa hàng. Kiểu thiết kế sản phẩm theo module, dễ tháo lắp, cho phép IKEA vận chuyển sản phẩm gỗ nội thất hiệu quả hơn rất nhiều so với các nhà sản xuất truyền thống, thường có thói quen vận chuyển sản phẩm thành phẩm, cồng kềnh, kém an toàn và không khai thác hết trọng tải của phương tiện. Đồng thời khách hàng cũng dễ dàng tự vận chuyển đồ gỗ dưới dạng module về nhà và tự lắp ráp theo mẫu tại nhà. Bên cạnh đó, qui mô lớn của cửa hàng (diện tích gấp vài lần sân vận động) cho phép vận chuyển các lô hàng thẳng từ nhà sản xuất tới điểm bán lẻ bằng phương tiện chi phí thấp như tàu thuỷ và tàu hoả. Chiến lược vận chuyển đó đã góp phần giúp IKEA định vị được sản phẩm đồ gỗ nội thất có giá thấp mà vẫn đảm bảo chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và được kinh doanh thống nhất trên toàn cầu.
Seven-Eleven (7/11), tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, đã xây dựng hệ thống vận chuyển đáp ứng nhanh để đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Tháng 3/2007, 7/11 đoạt được vị trí dẫn đầu về chuỗi cửa hàng lớn nhất thế giới với 28123 điểm bán trên 18 quốc gia, lớn hơn McDonald 1000 cửa hàng. Chuỗi cửa hàng tiện ích 7/11 với mật độ dày đặc trên thị trường các đô thị lớn tại Nhật Bản, Mỹ, Đài loan, và Thái Lan luôn có những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo tươi mới trong ngày. Hệ thống vận chuyển luôn bổ sung dự trữ kịp thời với tần số vài lần trong ngày và hàng hoá luôn sẵn có để phục vụ đúng nhu cầu khách hàng. Hàng hoá được phối hợp vận chuyển từ nhiều nhà cung ứng khác nhau tới mạng lưới cửa hàng bán lẻ trên cùng một tuyến đường, vừa cho phép chở đầy xe, giảm chi phí vận chuyển, vừa đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường.
Công ty kinh doanh trực tuyến lớn nhất thế giới, Amazon.com, thì hợp tác chặt chẽ với dịch vụ vận chuyển bưu kiện để đáp ứng đơn đặt hàng trên phạm vi toàn cầu. Với vài trung tâm phân phối lớn tập trung dự trữ cho các khu vực thị trường trọng điểm, Amazon trì hoãn thực hiện các đơn hàng của nhiều khách hàng cho đến khi tạo nên lô hàng đủ lớn để tập trung vận chuyển tới các đầu mối và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh từ các đầu mối tới địa chỉ khách hàng. Amazon thoả mãn được lứa tuổi trẻ, thích mua hàng trực tuyến với sự lựa chọn đa dạng và sẵn sàng chờ 2-3 tuần để có được sản phẩm mong muốn với mức giá hợp lí và dịch vụ đáp ứng tận nơi cư trú.
Nhìn chung, vận chuyển hàng hoá có ảnh hưởng to lớn đến quá trình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nên các nhà quản trị phải luôn quan tâm, cân nhắc và lựa chọn tối ưu về mạng lưới, phương thức vận tải, tuyến đường, đơn vị vận tải,v.v để có được quyết định đúng đắn, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu suất kinh doanh.
2. Đặc điểm của hoạt động vận chuyển hàng hoá
Vận chuyển hàng hoá là sản phẩm dịch vụ nên khác với sản phẩm vật chất khác, vận chuyển hàng hoá có các đặc điểm nổi bật như tính vô hình, tính không tách rời, tính không ổn định và tính không lưu giữ được.
Dịch vụ vận chuyển hàng hoá có tính vô hình bởi người ta không thể nhìn thấy được, không cảm nhận được, không nghe thấy được… trước khi mua nó. Người ta không thể biết trước được là chuyến hàng đó có được vận chuyển đúng lịch trình hay không, có đảm bảo an toàn hay không, và có đến đúng địa điểm hay không… cho tận tới khi nhận được hàng.
Chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hoá thường không ổn định do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan gây ra. Bên cạnh những yếu tố không kiểm soát được như điều kiện thời tiết và điều kiện giao thông, những yếu tố đa dạng về người lái xe, chất lượng phương tiện, bến bãi… cũng gây tác động không nhỏ đến tính không ổn định của dịch vụ vận tải. Giám sát thường xuyên và chặt chẽ là nội dung cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ ổn định và đồng đều.
Dịch vụ vận chuyển không thể lưu kho được. Nhu cầu về vận chuyển hàng hoá thường dao động rất lớn. Trong thời kì cao điểm (các mùa mua sắm) thì đơn vị vận tải phải có nhiều phương tiện hơn gấp bội để đảm bảo phục vụ. Ngược lại, khi vắng khách vẫn phải tốn các chi phí cơ bản về khấu hao tài sản, duy tu bảo dưỡng phương tiện, chi phí quản lí, v.v. Tính không lưu giữ được của dịch vụ vận chuyển khiến nhà quản trị cần thận trọng khi thuê đơn vị vận tải cam kết đúng chất lượng dịch vụ vào mùa cao điểm và khai thác cơ hội giảm giá vào mùa thấp điểm.
Đó là những đặc điểm của dịch vụ vận chuyển với nhiều nét tương đồng so với các loại hình dịch vụ khác. Bên cạnh đó nhà quản trị logistics cần nhận đạng được những tính chất đặc biệt của dịch vụ vận chuyển hàng hoá để tối ưu hoá hoạt động này trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Vận chuyển hàng hoá liên kết rất nhiều thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng tổng thể. Đây là quá trình tác động về mặt không gian lên đối tượng chuyên chở mà nhiệm vụ của nó là phải khái thác hiệu quả các nguồn lực khi dịch chuyển hàng hoá từ điểm khởi đầu của nó tới điểm tiêu dùng cuối cùng. Trong đó các chỉ tiêu đặc thù của dịch vụ vận chuyển hàng hoá là tốc độ, thời gian, tính an toàn, tính ổn định, tính linh hoạt, … cần được chú ý để đáp ứng tốt yêu cầu của bạn hàng/khách hàng.
Cùng với các hoạt động logistics khác, vận chuyển đóng góp một phần giá trị gia tăng cho sản phẩm của doanh nghiệp. Trước hết, vận chuyển đáp ứng yêu cầu của khách hàng về vị trí – rõ ràng sản phẩm chỉ có giá trị khi nó đến được tay người tiêu dùng ở đúng nơi người ta cần đến nó. Thứ hai, vận chuyển đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian. Chính việc lựa chọn phương án, tuyến đường vận tải và cách tổ chức vận chuyển hàng hoá sẽ quyết định tời việc lô hàng có đến nơi kịp hay không. Nếu vận chuyển chậm trễ, hoặc hàng hoá đến vào những thời điểm không thích hợp sẽ gây phiền phức cho khách hàng và có thể làm tăng thêm chi phí dự trữ. Giá trị gia tăng ở đây chính là việc bạn hàng/khách hàng nhận được sản phẩm đúng nơi và đúng lúc.
3. Các thành phần tham gia vận chuyển hàng hoá
Như đã phân tích ở trên, dịch vụ vận chuyển là một loại sản phẩm đặc biệt và do đó có nhiều thành phần tham gia, bao gồm: người gửi hàng và người nhận hàng; đơn vị vận tải; Chính phủ và công chúng (xem hình 4.2).
Người gửi hàng (shipper, còn gọi là chủ hàng): là người yêu cầu vận chuyển hàng hoá đến địa điểm nhất định trong khoảng thời gian cho phép. Thành phần này thực hiện các hoạt động như tập hợp lô hàng, đảm bảo thời gian cung ứng, không để xẩy ra hao hụt và các sự cố, trao đổi thông tin kịp thời và chính xác,…. Mục tiêu của người gửi hàng là sử dụng dịch vụ vận chuyển sao cho có thể tối thiểu hoá tổng chi phí logistics (gồm chi phí vận chuyển, dự trữ, thông tin, và mạng lưới) trong khi đáp ứng tốt mức dịch vụ khách hàng yêu cầu.
Bởi vậy, người gửi cần hiểu biết về những cơ hội và khó khăn của các phương án vận chuyển khác nhau, đồng thời cần có kĩ năng đàm phán và thương lượng để có được chất lượng vận chuyển cao với các điều khoản hợp lí. Người gửi và đơn vị vận tải cần xây dựng được mối quan hệ hợp tác, gắn bó trên cơ sở hai bên cùng có lợi và phát triển bền vững.
Người nhận hàng (consignee, còn gọi là khách hàng): là người yêu cầu được chuyển hàng hoá đến đúng địa điểm, đúng thời gian, đúng số lượng, chất lượng và cơ cấu với mức giá thoả thuận như theo đơn đặt hàng đã thông báo với người gửi. Người nhận hàng quan tâm tới chất lượng dịch vụ trong mối tương quan với giá cả.
Đơn vị vận tải (carrier): là chủ sở hữu và vận hành các phương tiện vận tải (ô tô, máy bay, tàu hoả, tàu thuỷ,…) vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận và nhanh chóng hoàn trả vốn đầu tư. Mức độ cạnh tranh trên thị trường dịch vụ vận tải sẽ quyết định giá cả, tính đa dạng và chất lượng dịch vụ của từng loại hình vận chuyển hàng hoá. Đơn vị vận tải phải đạt được tính chuyên nghiệp cao trong việc nhận biết nhu cầu của người gửi và người nhận, hỗ trợ ra quyết định về phương án và lộ trình vận chuyển tối ưu, quản lí tốt nguồn lực và nâng cao hiệu quả chuyên trở hàng hoá.
Đơn vị vận tải và người gửi hàng phải trao đổi kĩ lưỡng với nhau về các phương án để nâng cao năng lực vận chuyển. Trong đó cần rút ngắn thời gian vận chuyển bình quân, tăng hệ số sử dụng trọng tải của phương tiện, nâng cao hệ số sử dụng phương tiện theo thời gian, nâng cao hệ số sử dụng quãng đường xe chạy có hàng, tăng vòng quay của xe, cải tiến thủ tục giấy tờ và lề lối làm việc, v.v.
Chính phủ: thường là người đầu tư và quản lí hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông cho con đường vận chuyển (đường sắt, đường bộ, đường ống) và các điểm dừng đỗ phương tiện vận chuyển (sân bay, bến cảng, bến xe, nhà ga, trạm bơm và kiểm soát,…). Với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và hội nhập kinh tế thế giới, chính phủ xây dựng và qui hoạch các chiến lược giao thông dài hạn cùng các chính sách và luật lệ nhằm cân đối tổng thể và hài hoà giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
Dịch vụ vận chuyển hàng hoá có nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế quốc dân, môi trường xã hội, môi trường sinh thái và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, bởi vậy chính quyền thường can thiệp và kiểm soát ở nhiều mức độ khác nhau. Sự can thiệp của chính phủ thể hiện dưới nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp như: luật và các văn bản dưới luật; chính sách khuyến khích hoặc giới hạn quyền sở hữu các phương tiện vận tải; giới hạn hoặc mở rộng thị trường; qui định giá; hỗ trợ phát triển ngành GTVT, v.v.
Chính sách đổi mới kinh tế của Việt Nam từ 1986 đến nay đã có tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành GTVT. Có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu hàng hoá vận chuyển giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân theo xu hướng khu vực kinh tế vận tải tư nhân ngày càng phát triển. Mặc dù còn rất nhiều hạn chế, nhưng ngành GTVT nói chung và vận chuyển hàng hoá nói riêng đang phát triển theo hướng tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Công chúng: Là thành phần rất quan tâm đến hoạt động vận chuyển hàng hoá nói riêng và giao thông vận tải nói chung vì vận chuyển liên quan đến chi phí, môi trường và an toàn xã hội. Công chúng tạo nên dư luận xã hội và gây sức ép để chính phủ và chính quyền các cấp ra các quyết định vì mục tiêu an sinh của địa phương và quốc gia.
Như vậy, trong vận chuyển hàng hoá phát sinh mâu thuẫn giữa những lợi ích cục bộ của người gửi, người nhận, người vận chuyển, và lợi ích xã hội tổng thể (chính phủ và công chúng) dẫn đến sự đối lập, điều hoà và hạn chế dịch vụ vận tải.
8 Th12 2020
8 Th12 2020
8 Th12 2020
8 Th12 2020
8 Th12 2020
8 Th12 2020