Học thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp (Theory of Organizational Ecology) đặt trọng tâm nghiên cứu về tính đa dạng của doanh nghiệp trong bối cảnh phụ thuộc các điều kiện xã hội tác động đến: (i) tỉ lệ hình thành các loại hình doanh nghiệp mới và thành lập mới doanh nghiệp; (ii) tỉ lệ biến mất của các loại hình doanh nghiệp và chết hay giải thể của các doanh nghiệp, và (iii) tỉ lệ thay đổi các loại hình doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp có thể được tóm tắt như sau: “ngay khi thành lập, doanh nghiệp chịu áp lực quán tính (inertial) mạnh mẽ; những biến đổi về dân số hay số lượng của tổ chức phụ thuộc lớn vào các quy trình nhân khẩu học: thành lập (sinh) và giải thể (tử vong) của doanh nghiệp” (Singh và Lumsden, 1990, trang 162).
Thuật ngữ “hệ sinh thái – ecology” gồm có hai phần: (1) “Eco” là cuộc sống, môi trường sống hoặc môi trường; (2) “ology” là nghiên cứu về một chuyên ngành. Do đó, hệ sinh thái doanh nghiệp đề cập đến quá trình nghiên cứu về “cuộc sống” trong môi trường sống của doanh nghiệp.
Sự phát triển thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp bắt nguồn từ các nghiên cứu về nguyên nhân gây ra các sự kiện quan trọng (thành lập, giải tán, tính lưu động) của doanh nghiệp, cũng như mối liên hệ có cấu trúc giữa thuyết doanh nghiệp và lịch sử xã hội. Theo như Hannan và Freeman (1989), lịch sử luôn đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu về mức độ quần thể; các nghiên cứu động học dân số (biến động số lượng – population dynamics) thường phải thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra, lịch sử còn cung cấp thông tin về bối cảnh thể chế của các quần thể doanh nghiệp (Hannan và Freeman, 1989).
Một quần thể doanh nghiệp bao gồm một nhóm các doanh nghiệp cùng nhau đối diện với những bất ổn tương đồng của môi trường (similar environmental vulnerabilities) và chia sẻ một hình thái nội bộ chung (kỹ thuật cốt lõi – technical core). “Hình thái nội bộ” (internal form) được chia sẻ chung này được ví như bản thiết kế chung đối với các hành vi và hoạt động của doanh nghiệp. “Những bất ổn môi trường cùng chia sẻ” đề cập đến các mối quan hệ bên ngoài cũng như sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào môi trường. Sau cùng, dân số được tính giới hạn trong một hệ thống chung, cho dù đó là ranh giới địa lý (vùng), chính trị (quốc gia) hay kinh tế (thị trường).
Theo Hannan và Freeman (1989), lựa chọn chứ không phải thích nghi gây ra những thay đổi dài hạn về độ đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong một quần thể. Hầu hết các doanh nghiệp mà cấu trúc có sức ỳ cao đều gặp khó khăn trong thích nghi với những biến động của môi trường. Các doanh nghiệp không tương thích hay không phù hợp với môi trường này sẽ bị thay thế qua cạnh tranh bởi các doanh nghiệp mới phù hợp hơn với các điều kiện môi trường.
Nhìn chung, các nhà sinh thái học dân số đều cho rằng luôn tồn tại một thuyết tiến hóa liên quan đến sự thay đổi của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang tồn tại hoặc đã có từ trước kia, cùng với sự thay đổi trong mức độ dân số của các loại hình doanh nghiệp thường chậm và liên tục. Không giống như sự tiến hóa của động vật, lựa chọn tự nhiên trong các doanh nghiệp không nhất thiết phải dẫn tới một sự tối ưu hóa. Sự thay đổi tối ưu thường phụ thuộc vào “sự kết hợp – coupling” giữa ý định và kết quả.
Để hiểu rõ hơn về học thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp, xin xem thêm các nội dung chi tiết dưới đây:
1. Khái niệm hệ sinh thái doanh nghiệp
2. Loại hình doanh nghiệp
2.1. Định nghĩa và phân loại các loại hình doanh nghiệp
2.2. Biến động về loại hình doanh nghiệp
3. Doanh nghiệp và thay đổi
3.1. Mật độ và biến động số lượng
3.2. Sức ỳ về cơ cấu của doanh nghiệp trước thay đổi
4. Tuổi, mật độ và tồn vong của doanh nghiệp
4.1. Tuổi và tồn vong của doanh nghiệp
4.2. Lợi thế và hạn chế đi đầu
4.3. Cạnh tranh và thích nghi
4.4. Phân bổ nguồn lực
4.5. Vấn đề quy mô nhỏ
4.6. Điều kiện sống và tồn vong của doanh nghiệp
Hệ sinh thái doanh nghiệp thể hiện một quan điểm hệ thống mở có sự gắn kết đặc biệt giữa môi trường sống và sự thành lập (sinh – birth) cũng như giải thể (tử – death) của doanh nghiệp. Trong trạng thái cân bằng, mỗi môi trường chỉ tồn tại một số loại hình doanh nghiệp, có khả năng đáp ứng và thích nghi với mọi hoàn cảnh sống. Do đó, các doanh nghiệp sinh sống tại một môi trường cụ thể với những ràng buộc tương tự nhau phải có cùng cấu trúc tổ chức để có thể tồn tại và phát triển. Trong khi, các học thuyết phụ thuộc nguồn lực (Resource dependency theory), thuyết ngẫu nhiên (contingency theory) và thuyết thể chế (neoinstitutional theory) tập trung vào hành vi hay cách thức hoạt động của các doanh nghiệp nhằm thích ứng với các loại môi trường khác nhau; thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp nghiên cứu các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và môi trường xung quanh từ góc độ chọn lọc tự nhiên. Theo đó, quan điểm “sinh thái học dân số” khẳng định “sự tồn tại khách quan của môi trường- environmentally deterministic” rõ ràng hơn so với những học thuyết khác.
Tuy nhiên, thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp cũng có những hạn chế nhất định. Trước tiên và quan trọng nhất là hạn chế xem nhẹ yếu tố con người. Thực tế, khả năng thích ứng và ra quyết định của các nhà quản lý khác nhau là khác nhau, chứ không đồng nhất như trong giả định tiền đề của học thuyết. Bên cạnh đó, thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp cũng bỏ qua vai trò toàn cầu hoá và công nghệ trong kết nối hay quan hệ qua lại giữa các quần thể doanh nghiệp khác nhau. Một hạn chế khác liên quan đến quan niệm mật độ dân số khi thuyết giả định tất cả các thành viên doanh nghiệp là tương đương hay có vai trò như nhau trong cộng đồng. Ví dụ, dưới góc độ cạnh tranh (measuring competition), luôn tồn tại những doanh nghiệp lớn, nhỏ, tiềm lực khác nhau, nên khả năng hay vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp tương tự nhau là không thực tiễn. Xét về mật độ giới hạn (density dependence), nếu coi mật độ sử dụng là số tuyệt đối có thể gây hiểu nhầm vì các quần thể có quy mô khác nhau, ví dụ như mật độ của 100 doanh nghiệp trong một quần thể nhỏ có thể coi là một số lượng lớn, nhưng lại là một số lượng nhỏ khi ở quy mô lớn hơn.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 7: Thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 123-146.
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019