Nhóm phương pháp quản lý căn cứ vào việc sử dụng quyền lực có ba phương pháp quản lý điển hình:
* Phương pháp quản lý chuyên quyền
– Để hiểu được phương pháp quản lý chuyên quyền, trước hết cần phải làm rõ hàm nghĩa của chuyên quyền.
Chuyên quyền là việc sử dụng quyền lực một cách tối đa ở mọi lúc mọi nơi.
Chuyên quyền được biểu hiện ở các dấu hiệu: không san sẻ, không uỷ quyền, không giao quyền hay là không chấp nhận sự tham gia của người khác vào quá trình sử dụng quyền lực, nhất là trong việc ra quyết định.
Chuyên quyền có thể tồn tại dưới nhiều dạng thức phái sinh: độc quyền, lạm quyền, tiếm quyền, vượt quyền. Đó là những hình thức chủ thể quản lý vi phạm thẩm quyền hay là vượt khỏi quyền hạn cho phép.
– Phương pháp chuyên quyền là tác động cưỡng chế, áp đặt của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trên cơ sở sử dụng quyền lực một cách tối đa trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt, với những công việc đặc thù, nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu.
Phương pháp chuyên quyền có những đặc trưng cơ bản:
+ Lựa chọn công cụ
Chủ thể quản lý sử dụng công cụ quyền lực để xây dựng nội quy, quy chế, các chính sách và các quyết định quản lý. Thực hiện chế độ thông tin một chiều.
+ Cách thức tác động
Chủ thể quản lý tác động tới đối tượng quản lý bằng cưỡng chế, hình phạt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và buộc họ phải thực thi mệnh lệnh một cách triệt để.
+ Đối tượng, hoàn cảnh và tính chất công việc
Phương pháp chuyên quyền gắn liền với đối tượng quản lý, hoàn cảnh và những công việc đặc thù.
* Phương pháp quản lý dân chủ
Phương pháp dân chủ là tác động qua lại, hài hoà của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trên cơ sở sử dụng quyền lực một cách phù hợp nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu.
Phương pháp dân chủ có những đặc trưng cơ bản:
+ Lựa chọn công cụ
Chủ thể quản lý sử dụng công cụ quyền lực trong giới hạn cho phép trên cơ sở bàn bạc, thảo luận với cấp dưới để phát huy tính sáng tạo của họ trong việc xây dựng nội quy, quy chế, các chính sách và các quyết định quản lý. Thông tin đa chiều từ trên xuống, từ dưới lên, thông tinh theo chiều ngang dọc một cách rộng rãi.
+ Cách thức tác động
Chủ thể quản lý tác động tới đối tượng quản lý bằng quyền lực một cách phù hợp: thực hiện chế độ thưởng phạt công bằng; giao quyền và phân công công việc rõ ràng, đúng đắn và công khai; sử dụng hệ thống kiểm tra, giám sát vừa đảm bảo tính nghiêm minh của tổ chức vừa phát huy được tính độc lập tương đối của cấp dưới.
+ Đối tượng, hoàn cảnh và tính chất công việc
Phương pháp quản lý dân chủ gắn liền với những công việc liên quan tới xây dựng các quyết định chiến lược, các chính sách, nội quy, quy chế của tổ chức trong điều kiện hoàn cảnh bình thường.
* Phương pháp quản lý “tự do”
Phương pháp quản lý “tự do” là tác động khuyến khích, động viên của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trên cơ sở sử dụng quyền lực một cách tối thiểu với những công việc đặc thù nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu.
Phương pháp “tự do” có những đặc trưng cơ bản:
+ Lựa chọn công cụ
Chủ thể quản lý sử dụng quyền lực một cách tối thiểu trong việc xây dựng nội quy, quy chế, chính sách và các quyết định quản lý. Thông tin đa chiều.
+ Cách thức tác động
Chủ thể quản lý uỷ quyền tối đa cho cấp dưới và dành cho họ tính độc lập cao trong công việc.
Chủ thể quản lý đóng vai trò là một tư cách pháp nhân, là người cung cấp thông tin, tham gia công việc như một thành viên của nhóm.
Chủ thể quản lý hầu như “không sử dụng” hệ thống kiểm tra giám sát đối với nhân viên. Việc đánh giá công việc của nhân viên căn cứ vào kết quả cuối cùng của họ.
+ Đối tượng, hoàn cảnh và tính chất công việc
Phương pháp này gắn liền với những công việc có tính đặc thù về chuyên môn, với những người năng động, sáng tạo, có trình độ năng lực, có trách nhiệm.
24 Th11 2020
25 Th11 2020
25 Th11 2020
24 Th11 2020
1 Th12 2020
25 Th11 2020