Nội dung các bước lập kế hoạch

Theo quan niệm của H. Koontz lập kế hoạch là quy trình bao gồm 8 bước: 1. Nhận thức cơ hội; 2. Xác lập mục tiêu; 3. Kế thừa các tiền đề; 4. Xây dựng các phương án; 5. Đánh giá các phương án; 6. Lựa chọn phương án; 7. Xây dựng các kế hoạch bổ trợ; 8. Lượng hoá kế hoạch dưới dạng ngân quỹ.

Quan niệm của H. Koontz cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có thể tiếp cận quy trình lập kế hoạch theo các bước sau:

nội dung các bước lập kế hoạch

Bước 1: Đánh giá thực trạng các nguồn lực

Đây là việc xác định các nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu, bao gồm: Nhân lực, vật lực, tài lực. Các nguồn lực không chỉ có ở hiện tại mà còn xuất hiện trong quá trình thực hiện mục tiêu ở tương lai. Vì thế, nhà quản lý phải dự báo các nguồn lực sẽ xuất hiện trong thời gian tiếp theo là gì, mức độ nào.

Các nguồn lực thực hiện mục tiêu không cố định sẵn và bất biến mà nó luôn có khẳ năng biến đổi cùng với thời gian. Vì thế, nhà quản lý phải nhìn thấy được sự biến đổi của các nguồn lực trong tương lai là như thế nào: Tích cực hay tiêu cực. Việc xác định các nguồn lực phải gắn liền với những mục tiêu cụ thể và đưa ra được phương án khai thác và sử dụng các nguồn lực ấy hợp lý.

Lập kế hoạch là hoạt động hướng về tương lai. Để có chương trình hành động phù hợp trong tương lai thì trước hết phải nhận thức đúng hiện trạng của tổ chức hay phải phân tích đánh giá thực trạng các nguồn lực của tổ chức. Các nguồn lực này bao gồm: nguồn nhân lực, vật lực, tài lực và các kế hoạch đã có hoặc đang thực hiện. Một trong những phương pháp hữu hiệu cần phải sử dụng ở đây là phương pháp phân tích SWOT. Bằng phương pháp này nhà quản lý sẽ nhận thức được một cách đúng đắn, toàn diện về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức về nguồn lực của tổ chức. Từ đó chủ thể quản lý nhận thức được cơ hội của tổ chức.

Bước 2: Dự đoán – dự báo

Dự đoán – dự báo là bước tiếp theo của lập kế hoạch. Trên cơ sở nhận thức hiện trạng của tổ chức, nhà quản lý phải dự đoán – dự báo về điều kiện môi trường, các chính sách cơ bản có thể áp dụng, các kế hoạch hiện có của tổ chức và các nguồn lực có thể huy động. Điều quan trọng là chủ thể quản lý phải đánh giá chính xác những ảnh hưởng có thể có của các nhân tố trên và dự đoán được những biến động và sự phát triển của chúng. Nếu chủ thể quản lý càng hiểu biết về các tiền đề và các cơ sở khách quan, đánh giá đúng bản chất của các vấn đề liên quan thì việc lập kế hoạch sẽ càng có hiệu quả.

Để hiểu và đánh giá đúng các điều kiện tiền đề và các cơ sở khách quan của kế hoạch, đòi hỏi người quản lý cao nhất trong tổ chức phải có trách nhiệm giải thích và tạo điều kiện cho những người quản lý các cấp hiểu rõ chúng. Phải đầu tư thích đáng cho công tác điều tra, khảo sát, makerting…

Bước 3:  Xác định mục tiêu

Lập kế hoạch bắt đầu từ việc xác định mục tiêu tương lai và những mục tiêu này phải thoả mãn những kỳ vọng của nhiều nhóm lợi ích, nhiều chủ thể khác nhau. Bên cạnh việc chỉ ra các mục tiêu thì nhà quản lý còn phải xác định cách thức đo lường mục tiêu. Từ đó, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của các chủ thể.

Mục tiêu là điểm kết thúc của một kế hoạch đã ấn định. Đồng thời, chúng không chỉ là điểm kết thúc của kế hoạch mà còn là điểm kết thúc của công tác tổ chức, xác định biên chế, lãnh đạo và kiểm tra.

Khi xác định các mục tiêu cần phải chú ý đến các phương diện sau đây:

+ Thứ tự ưu tiên của các mục tiêu: Nghĩa là, tại một thời điểm xác định việc hoàn thành mục tiêu này phải quan trọng hơn so với việc hoàn thành mục tiêu khác.

Các nhà quản lý sẽ gặp tình huống luôn phải đánh giá, xếp hạng thứ tự ưu tiên các mục tiêu. Vì thế, họ cần phải được cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho quá trình này. Nhìn chung, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu là một quá trình khó khăn.

Việc xác định mục tiêu có liên quan chặt chẽ với quá trình phân bổ hợp lý các nguồn lực, vì thế, việc xác định đúng thứ tự ưu tiên các mục tiêu sẽ quyết định đến hiệu quả sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của tổ chức.

+ Xác định khung thời gian cho các mục tiêu: Các mục tiêu cần phải được xác định là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Những mục tiêu ngắn hạn có thể được hoàn thành trong thời gian dưới một năm, còn các mục tiêu dài hạn có thể kéo dài trên năm năm. Giữa thời gian và thứ tự ưu tiên các mục tiêu có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thông thường, những mục tiêu dài hạn thường được ưu tiên hoàn thành để có thể đảm bảo chắc chắn rằng tổ chức sẽ tồn tại lâu dài trong tương lai.

Về cơ bản, mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn thống nhất với nhau. Một mục tiêu dài hạn thường được chi tiết hoá bằng nhiều mục tiêu ngắn hạn.

Do tầm quan trọng của các mục tiêu dài hạn, nên trong những năm gần đây nhiều nhà quản lý đã thay thế và bổ sung cho việc hoạch định chức năng hay điều hành bằng việc tập trung vào hoạch định chiến lược – xác định các mục tiêu và chiến lược dài hạn để đạt được mục tiêu đó.

+ Các mục tiêu phải đo lường được: Các mục tiêu phải dễ hiểu với những người sẽ thực hiện chúng. Một mục tiêu có thể đo lường được có thể nâng cao kết quả thực hiện và dễ dàng cho việc kiểm tra. Mỗi mục tiêu khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá không giống nhau. Vì vậy, không thế mang tiêu chuẩn của mục tiêu này để đánh giá, đo lường mục tiêu khác.

Mục tiêu bao gồm: Mục tiêu chung (tổng thể) và các mục tiêu riêng (cụ thể/bộ phận). Các mục tiêu được xác lập phải phù hợp với năng lực của tổ chức.

Bước 4: Xây dựng các phương án

Các phương án hành động là một trong những nội dung quan trọng của lập kế hoạch. Các phương án hành động là chất xúc tác quyết định đến sự thành công hay thất bại của các mục tiêu.

Phương án hành động và mục tiêu có quan hệ nhân quả với nhau. Các phương án hành động là nguyên nhân xuất hiện mục tiêu. Các mục tiêu cần thực hiện chính là cơ sở xây dựng các phương án thực hiện.

Chức năng lập kế hoạch không chỉ xác định phương án nào được đưa ra để thực hiện mục tiêu mà quan trọng hơn là việc chỉ ra phương án hành động hiệu quả nhất. Nhà quản lý có thể sử dụng các tiêu chí và phương pháp khác nhau để đánh giá hiệu quả của các phương án hành động.

Để giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong tương lai cũng cần phải có nhiều phương án. Đối với những vấn đề và tình huống phức tạp, quan trọng hay gay cấn, đòi hỏi nhà quản lý phải có nhiều phương án để từ đó có thể lựa chọn được phương án tối ưu. Nghiên cứu và xây dựng các phương án là sự tìm tòi và sáng tạo của các nhà quản lý. Sự tìm tòi, nghiên cứu càng công phu, khoa học và sáng tạo bao nhiêu thì càng có khả năng xây dựng được nhiều phương án đúng đắn và hiệu quả bấy nhiêu.

Bước 5: Đánh giá các phương án

Sau khi xây dựng các phương án khác nhau để thực hiện mục tiêu, chủ thể quản lý cần phải xem xét những điểm mạnh, điểm yếu của từng phương án trên cơ sở các tiền đề và mục tiêu đã có. Nếu trong trường hợp chỉ có một mục tiêu và hầu hết các yếu tố để so sánh có thể lượng hoá được thì việc đánh giá và so sánh các phương án sẽ tương đối dễ dàng. Trên thực tế lại thường gặp những trường hợp có nhiều mục tiêu cần thực hiện, khó lượng hoá, do đó, việc đánh giá và so sánh các phương án sẽ gặp nhiều khó khăn.

Có nhiều cách để đánh giá và so sánh các phương án:

– Lựa chọn các chỉ tiêu hay các mục tiêu quan trọng nhất để làm ưu tiên cho việc so sánh, đánh giá;

– Xem xét và đánh giá mức độ quan trọng của những mục tiêu và xếp loại theo thứ tự 1, 2, 3, …

– Tổng hợp đánh giá chung xem phương án nào giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng và cốt yếu nhất.

Bước 6: Lựa chọn phương án

Sau khi so sánh và đánh giá các phương án, chủ thể quản lý quyết định lựa chọn phương án tối ưu. Nhiều khi việc phân tích và đánh giá các phương án cho thấy rằng: có hai hoặc nhiều phương án thích hợp và nhà quản lý có thể quyết định lựa chọn một số phương án chứ không chỉ dừng lại ở một phương án tối ưu. Muốn chọn được phương án tối ưu, chủ thế quản lý thường dựa vào các phương pháp cơ bản: kinh nghiệm, thực nghiệm, nghiên cứu phân tích, mô hình hoá, …

Bước 7: Xây dựng các kế hoạch bổ trợ

Trên thực tế, phần lớn các kế hoạch chính đều cần các kế hoạch phụ để bảo đảm kế hoạch chính được thực hiện tốt. Tuỳ từng tổ chức với mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cụ thể mà có những kế hoạch bổ trợ thích ứng.

Bước 8: Chương trình hoá tổng thể                   

Lượng hoá kế hoạch bằng việc thiết lập ngân quỹ là khâu cuối cùng của lập kế hoạch. Đó là chương trình hoá tổng thể về các vấn đề liên quan tới: Các chủ thể tiến hành công việc; Nội dung công việc; Yêu cầu thực hiện công việc; Tài chính và các công cụ, phương tiện khác; Thời gian hoàn thành công việc; …

Sự phân chia các bước lập kế hoạch chỉ mang tính tương đối. Các bước lập kế hoạch có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Việc áp dụng các bước lập kế hoạch cần căn cứ vào đặc thù của từng tổ chức cụ thể (tổ chức mới thành lập, tổ chức kinh tế…)