Nhóm phương pháp quản lý dựa vào việc sử dụng các công cụ có tính vật chất

Nhóm phương pháp này gồm có hai phương pháp cơ bản:

* Phư­ơng pháp quản lý bằng kinh tế

– Phương pháp quản lý bằng kinh tế là tác động của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trên cơ sở sử dụng các nguồn lực vật chất và lợi ích kinh tế để tạo ra động cơ thúc đẩy, phát huy tiềm năng và năng lực của họ nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu.

– Phương pháp quản lý bằng kinh tế có những đặc trưng cơ bản:

+ Lựa chọn công cụ

Chủ thể quản lý sử dụng nguồn lực vật chất và lợi ích kinh tế để tác động vào nhân viên nhằm thúc đẩy họ trong công việc.

+ Cách thức tác động

Phương pháp kinh tế được thực hiện thông qua các biện pháp:

    • Cung cấp những điều kiện về cơ sở vật chất, kĩ thuật để phục vụ cho công việc, các chế độ bảo hiểm, bảo hộ lao động;
    • Xây dựng định mức lao động hợp lý, ứng dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật, lựa chọn các phương án tối ưu để thực hiện công việc;
    • Thực hiện chế độ tiền công, tiền lương, tiền thưởng và các chế phúc lợi khác một cách công bằng, công khai, minh bạch.

+ Đối tượng, hoàn cảnh và tính chất công việc

Phương pháp này được thực hiện một cách tương đối phổ biến với nhiều đối tượng, nhiều công việc và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

* Ph­ương pháp tổ chức – hành chính

– Phương pháp tổ chức – hành chính là tác động của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trên cơ sở sử dụng các công cụ tổ chức – hành chính để duy trì kỷ luật, kỷ cương nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu.

– Phương pháp quản lý tổ chức – hành chính có những đặc trưng cơ bản:

+ Lựa chọn công cụ

Các công cụ về tổ chức – hành chính được chủ thể quản lý sử dụng bao gồm: công tác tổ chức – cán bộ; luật, nội quy, quy chế, quy định.

+ Cách thức tác động

Phương pháp này được thực hiện thông qua các biện pháp:

    • Phân công công việc cho nhân viên và giao quyền cho các cấp quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với năng lực của họ;
    • Thực hiện việc đánh giá hiệu quả công việc một cách công bằng;
    • Đề bạt, thuyên chuyển, buộc thôi việc đối với nhân viên trên cơ sở kết quả lao động của họ;
    • Đào tạo và phát triển nhân lực.

+ Đối tượng, hoàn cảnh và tính chất công việc

Phương pháp này được áp dụng một cách tương đối phổ biến trong nhiều tổ chức, nhiều công việc và hoàn cảnh khác nhau.