Phân loại quản lý

Quản lý tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, điều đó tuỳ thuộc vào căn cứ phân loại.

– Căn cứ vào quy mô tổ chức, quản lý được phân chia thành:

+ Quản lý vi mô: quản lý một tổ chức nhỏ, đơn chức năng, đơn mục tiêu

+ Quản lý vĩ mô: quản lý một tổ chức lớn, đa chức năng, đa mục tiêu

Sự phân chia này chỉ mang tính tương đối bởi vì trong những quan hệ xác định mà một tổ chức có thể là vi mô, có thể là vĩ mô.

– Căn cứ vào đối tượng, quản lý được phân chia thành:

+ Quản lí giới tự nhiên: Quản lý giới tự nhiên thường được hiểu theo nghĩa là chăm sóc, trông coi và bảo vệ.v.v.

+ Quản lí hệ thống vật tư, kĩ thuật: Quản lý vật tư, kĩ thuật thường được hiểu theo nghĩa là bảo quản, bảo dưỡng, điều khiển.v.v.

+ Quản lí con người – xã hội: Quản lý con người- xã hội được hiểu theo nghĩa là tác động có ý thức, bằng quyền lực, theo quy trình của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý để phối hợp các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức. Định nghĩa về quản lý ở tiết 1.1.2 được hiểu theo nghĩa này.

Tuy nhiên, sự phân chia theo căn cứ này cũng mang tính tương đối bởi vì các hệ thống tự nhiên, vật tư, kĩ thuật, công nghệ và con người – xã hội chỉ tồn tại một cách độc lập tương đối, trong thực tế chúng có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Hơn nữa, khi nói tới quản lý, như đã trình bày, xét đến cùng là quản lý hành vi và hoạt động của con người. Về bản chất quản lý là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với con người.

– Căn cứ vào các lĩnh vực hoạt động của xã hội, quản lý được chia thành:

+ Quản lý kinh tế

+ Quản lý hành chính

+ Quản lý văn hoá

+ Quản lý xã hội.v.v.

Sự phân chia này là xét ở cấp độ chung của từng lĩnh vực. Bởi vì, ở từng lĩnh vực hoạt động của con người lại có thể được phân chia thành những cấp độ cụ thể, với những loại hình quản lý chuyên ngành.

– Căn cứ vào các hiện tượng, các quá trình xã hội như là những “hệ thống động”, quản lý được chia thành:

+ Quản lý biến đổi

+ Quản lý rủi ro

+ Quản lý khủng hoảng.v.v.

Những loại hình quản lý này là biểu hiện của xu hướng tiếp cận hiện đại về quản lý vì chúng có thể bao chứa các loại hình quản lý khác nhau hoặc nhóm gộp một số loại hình quản lý lại với nhau.

– Căn cứ vào chỉnh thể tổ chức hoặc các yếu tố cấu thành tổ chức, có thể phân chia quản lý thành:

+ Quản lý tổ chức (Toàn bộ chỉnh thể của một tổ chức)

+ Quản lý các yếu tố của tổ chức (Quản lý mục tiêu; Quản lý cơ cấu tổ chức; Quản lý nguồn nhân lực; Quản lý chính sách; Quản lý hệ thống thông tin; Quản lý văn hoá tổ chức)

– Căn cứ vào tính chất của hoạt động quản lý, có thể chia quản lý thành các loại:

+ Quản lý chất lượng

+ Quản lý chỉnh thể

+ Quản lý đổi mới

+ Quản lý hài hoà.v.v.

– Căn cứ vào chủ thể của hoạt động quản lý, có thể phân chia quản lý thành:

+ Quản lý cá nhân

+ Quản lý nhà nước

+ Quản lý hành chính nhà nước

+ Quản lý xã hội.v.v.

Các hình thức quản lý này biểu hiện vai trò của các chủ thể trong các loại hình quản lý khác nhau. Chúng có thể giống nhau về mục tiêu quản lý, nhưng có sự khác biệt về phương thức quản lý.

Qua sự phân loại trên, cho thấy quản lý là một lĩnh vực hoạt động chứa đựng nội dung rộng lớn, đa dạng, phong phú và tồn tại ở nhiều cấp độ, nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, qua việc phân loại về quản lý sẽ giúp cho nhận thức về quản lý một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Tuy nhiên, quản lý tồn tại dưới bất cứ loại hình nào thì xét đến cùng bản chất của nó là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với con người.