Định nghĩa nguyên tắc và nguyên tắc quản lý

* Nguyên tắc

Theo nghĩa Hán Việt: “nguyên” là gốc; “tắc” là suy nghĩ, hành động; “nguyên tắc” là cái gốc của suy nghĩ và hành động.

Theo Từ điển Tiếng Việt: nguyên tắc là “Điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt việc làm

Như vậy, có thể cho rằng nguyên tắc nói chung là các quy tắc xử sự do chủ thể đặt ra và yêu cầu phải thực thi trong suốt quá trình hoạt động nhằm đạt hiệu quả hoạt động đó. Theo đó, nguyên tắc có các đặc trưng nổi bật:

  • Tính khách quan
  • Tính bắt buộc
  • Tính hướng đích

* Nguyên tắc quản lý

Xuất phát từ bản chất của quản lý như đã được trình bày ở chương 1, có thể đưa ra định nghĩa về nguyên tắc quản lý:

Nguyên tắc quản lý là hệ thống những quan điểm quản lý có tính định hướng và những quy định, quy tắc bắt buộc chủ thể quản lý phải tuân thủ trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ nhằm hoàn thành mục tiêu của tổ chức.

Từ định nghĩa trên, chúng ta thấy rằng nguyên tắc quản lý bao gồm hai nhân tố cơ bản: 1. Hệ thống các quan điểm quản lý; 2. Hệ thống quy định và quy tắc quản lý.

  • Hệ thống quan điểm quản lý:

+ Hệ thống quan điểm quản lý liên quan tới việc trả lời cho những vấn đề: Quản lý của ai (Chủ thể quản lý)? Quản lý bằng cách nào (phương thức quản lý)? Quản lý vì ai (mục tiêu của quản lý)? Như vậy, quan điểm quản lý ở những điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau là không giống nhau.

+ Hệ thống quan điểm quản lý mang tính định hướng, nó là yếu tố động của hệ thống nguyên tắc quản lý, nó có tính khuyến cáo đối với chủ thể quản lý trong việc hướng tới hiệu quả của hoạt động quản lý.

+ Hệ thống quan điểm quản lý tồn tại dưới các hình thức: triết lý quản lý, phương châm quản lý, khẩu hiệu quản lý, biểu tượng quản lý v.v.v Vì vậy hệ thống quan điểm quản lý có quan hệ mật thiết với văn hoá quản lý song giữa chúng không đồng nhất với nhau.

  • Hệ thống quy định và quy tắc quản lý:

+ Hệ thống quy định và quy tắc quản lý là yếu tố mang tính bắt buộc, tuỳ thuộc vào quy mô tổ chức và phạm vi của hoạt động quản lý mà nó có thể tồn tại dưới các hình thức: pháp luật, nội quy, quy chế.v.v.

+ Hệ thống quy định và quy tắc quản lý chi phối chủ thể quản lý trong việc ra quyết định quản lý (mục tiêu, nội dung và phương thức ra quyết định), tổ chức thực hiện quyết định quản lý và kiểm tra, đánh giá quyết định quản lý.